Hoàng phi sở kiều truyện review

Truyện “Hoàng Phi Sở Đặc Công số 11” kể về nữ chính là Sở Kiều, một nữ đặc công xuất sắc, tài hoa đồng thời được trời ban cho một nhan sắc khuynh thành.

Với trí tuệ siêu phàm, khả năng ứng biến tuyệt đỉnh cô được xem là quân át chủ bài của sở quân tình số 11 cục bảo an, một quân sư tuyệt diễm, chuyên thu thập thông tin tình báo, sắp xếp và bố trí các cuộc ám sát nhân vật chủ lực của các quốc gia đối địch khác hết sức tinh vi chặt chẽ, một nhân vật được mệnh danh là “định hải thần châm” của cục.

*Định Hải Thần Châm = nhân vật quan trọng không thể thiếu. Bắt nguồn từ việc Định Hải Thần Châm chính là bảo vật trấn biển của Đông Hải Long Vương trong ‘Tây Du Ký’

Bỗng chốc cô nàng bị xuyên không đến với thế giới cổ đại. Nơi đây cô đã gặp Yến vương gia. Một nhân vật máu mặt của triều Đại hạ, Phiên Vương lãnh đạm nhất ẩn giấu lại là tài hoa hơn người nhưng đã giấu đi. Người này luôn có mưu tính ngầm và bày binh bố trận ẩn nấp khắp nơi, sẽ làm mầm mống đại họa cho người kế tục hoàng đế.

Hoàng phi sở kiều truyện review

Một người bị số phận đưa đến một nơi xa lạ, không thân không thích, một người bị họa tan nhà nát cửa. Với hai bộ óc thiên tài và mưu trí lại lâm cảnh hoạn nạn, liệu họ sẽ kết hợp với nhau? Truyện xây dựng tình tiết khá ấn tượng, logic và hấp dẫn, chắc chắn sẽ không khiến bạn hối hận khi nhảy hố.

Nam nữ chính trong truyện đều thuộc thể loại nam cường nữ cường. Liệu nãy giờ có bạn nào nghĩ Yến vương gia sẽ là nam chính không. Bạn đừng đọc văn án mà bị lừa nha, thật ra nam chính là một người khác, bật mí nam chính rất si tình và tài giỏi. Người đó là ai hãy cũng tìm hiểu truyện để biết rõ thêm nha. Đây là câu chuyện được rất nhiều đọc giả đánh giá cao và bình chọn, truyện luôn nằm trong top 10 truyện cổ đại hay nhất suốt nhiều năm liên tiếp.

Theo cảm nhận riêng mình thì Hoàng Phi Sở Đặc Công Số 11 là truyện ngôn tình hay và xuất sắc nhất mà mình từng đọc. Truyện mang đến cho người đọc đủ vị hỉ nộ ái ố, tác giả đã thành công phát họa một bức tranh lịch sử mang tính hiện thực. Mình đã cày bộ này n lần rồi mà vẫn thấy nó hay. Nếu bạn đã chán với thể loại ngôn tình tổng giám đốc, tiểu bạch thỏ thì hãy thử sang bộ cổ đại xuyên không này xem sao nha, đảm bảo sẽ không hối hận đâu nè. http://webtruyen.com/hoang-phi-so-dac-cong-so-11/

Sau ba ngày ba đêm ròng rã cày cho xong Sở Kiều truyện, cuối cùng bạn Anie cũng quyết định đặt tay viết cảm nhận về bộ truyện này. Là một kẻ cuồng những bộ tiểu thuyết ngôn tình cổ đại, cho đến nay bạn Anie không biết đã đọc qua bao nhiêu câu chuyện ngắn dài nhưng đây là lần đầu tiên bản thân muốn lưu giữ lại những cảm nhận còn sót lại sau những đoạn cảm tình giữa thời chiến loạn lạc trong Sở Kiều truyện.

Tên đầy đủ của bộ truyện này là Hoàng phi Sở đặc công số 11, tác giả Tiêu Tương Đông Nhi đã đặt một cái tên khá dài dòng nhưng lại đủ đầy ý nghĩa để diễn tả nghề nghiệp của nữ chính cũng như vị trí của nàng trước và sau khi xuyên không. Cá nhân bạn Anie thích cái tên Sở Kiều truyện hơn, vì nó đơn giản là câu chuyện kể về cuộc đời của nữ chính – Sở Kiều.

Lướt qua nhiều bộ truyện xuyên không cổ đại ở Wattpad, bạn Anie đã bỏ qua bộ truyện này không dưới ba lần chỉ vì cái tên quá ư dài dòng cũng như là bản tóm tắt nội dung theo motif thường thấy nhan nhản đầy rẫy ở những bộ xuyên không cổ đại ‘bàn tay vàng’ quá đề cao nữ chính. Rồi cũng không hiểu vì lí do gì, cũng có thể là ngẫu nhiên mà bạn lại đi tra google để tìm giới thiệu chi tiết về truyện, rồi sau đó, sập hố, lập tức tải ebook và gặm nhấm nó suốt ba ngày ba đêm.

Đây là một bộ truyện đáng đọc, đọc để suy ngẫm. Về nhân quyền, hoàng quyền, về cách bày binh bố trận, về âm mưu và tình yêu.

Sau đây là văn án:

Cô là con bài chủ chốt, quân sư kinh tài tuyệt diễm nhất của sở quân tình số 11 cục bảo an, chuyên thu thập tình báo, sắp đặt kế hoạch, bố trí người ám sát chủ lực các quốc gia đối địch, trong bày mưu nghĩ kế, ngoài quyết chiến quyết thắng, có thể nói là ‘Định Hải Thần Châm’ của cục.

Hắn là phiên vương lãnh đạm nhất hoàng triều Đại Hạ, tài hoa hơn người nhưng luôn ẩn nhẫn che giấu. Hắn âm thầm sắp xếp, nhiều năm trù tính bố trí nhân mã ẩn núp ở khắp mọi nơi, một khi động thủ sẽ khiến trăm ngàn kẻ phơi thây, có thể nói là mầm mống đại họa cho người ngồi trên thượng vị của đế quốc.

Lính đặc công ở hiện đại xuyên qua đến chế độ áp bách nô lệ cực kỳ hà khắc.

Yến thế tử kinh tài tuyệt diễm gặp tai họa cửa nát nhà tan. Bọn họ có nên sóng vai vung đao mở đường máu? Đồng hoạn nạn, chung đau khổ, nhẫn nhục cầu sinh, họa phúc cùng hưởng, ai bảo thời loạn thế không thể có được hạnh phúc cả đời?

Nếu chỉ đọc qua văn án giới thiệu, chắc chắn bạn Anie cũng giống như bao người đã đọc bộ này, cứ nghĩ chắc rằng nam chính của truyện sẽ là nhân vật được nhắc đến trong văn án – Yến thế tử. Nhưng bạn là đứa chuyên đi lùng sục review trước khi đọc truyện, và dĩ nhiên, bạn đã được cảnh báo trước rằng: đừng để tác giả đánh lừa bằng cái văn án đầy ngắn gọn súc tích kia.

Lại có một bản giới thiệu khác, cũng chính là nội dung giản lược do bạn editor truyện này đăng tại wattpad.

Toàn bộ câu chuyện này kể về một linh hồn đặc công trong sở tình báo là Sở Kiều xuyên không trở thành một nô lệ thời phong kiến, rồi từ một nô lệ bé nhỏ vùng lên trở thành một tướng quân tài ba nổi danh khắp đại lục. Xuyên suốt quá trình ấy, đằng sau những biến chuyển rung trời lệch đất ấy, hay nói cách khác cuộc đời của Sở Kiều luôn có sự hiện diện của ba người: Một người cùng nàng kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi suốt bao tháng năm gian khổ. Một người cao ngạo, cố chấp, nhưng luôn thấu hiểu và cảm thông. Còn một người lại sâu thâm khó dò, ẩn dưới vẻ ngoài bất cần phóng đãng.

Vâng, sau khi đọc xong phần nội dung tóm tắt này bạn Anie đã lôi giấy bút ra viết lại đặc điểm nhận dạng của ba nhân vật nam có ảnh hưởng lớn nhất đối với cuộc đời của nữ chính. Và khi bắt đầu đi sâu vào truyện, bạn đã bị ngợp bởi một rừng nhân vật nam không biết anh nào là anh nào trong ba anh đã được nhắc đến trên kia.

Lan man dài dòng quá rồi nhỉ, hì hì.

Cá nhân bạn Anie cảm thấy tác giả quá thiên vị cho Yến Tuân – chàng thế tử Bắc Yến bị đưa đến hoàng thành làm con tin, huyết mạch cuối cùng của Yến thị ẩn nhẫn tám năm ròng chỉ đợi ngày giương cao đôi cánh hùng ưng, hình mẫu chuẩn không cần chỉnh của một bậc quân vương.

Suýt chút nữa bạn Anie đã bị vẻ quật cường trong bùn nhơ của Yến Tuân làm cho mụ mị đầu óc, chỉ bởi câu nói quá tâm tình của chàng: “Nếu không có nàng thì ta cần Bắc Yến để làm gì?” Ấy vậy mà sau khi Sở Kiều vào sinh ra tử, kề vai sát cánh chiến đấu từng bước từng bước giúp chàng công thành chiếm đất, giúp chàng từng ngày từng ngày đến gần với vương quyền thì chàng lại thay đổi, thay đổi khiến tất cả phải bàng hoàng.

Nửa đầu bộ truyện có quá nhiều đất diễn cho Yến Tuân, và quan trọng là, nữ chính yêu chàng.

Sở Kiều yêu Yến Tuân, bởi vì họ có một khởi đầu giống nhau, đều là nô lệ của hoàng quyền và chính trị thối nát. Nàng chứng kiến Hoàng đế Đại Hạ nhẫn tâm ép Yến Tuân phải định tội cả gia tộc của mình phản bội Đại Hạ, nếu không làm chàng sẽ chết vì kháng chỉ, còn nếu làm thì chàng cũng chẳng tránh khỏi tội bất hiếu bất nghĩa. Đường nào cũng chết, Yến Tuân như con thú bị gã thợ săn giết chết đồng loại của mình, như cánh diều rách chao mình bị mưa bão quật ngã đến nát bươm.

Nhiều năm sau này, khi đã an ổn ngồi lên hoàng vị, liệu chàng có còn nhớ đến trong lao tù ngày đó, có một cô bé con đã khai sáng con đường tương lai giúp mình? Nếu không có Sở Kiều, liệu tám năm sống như kẻ hèn, Yến Tuân có chịu đựng được?

Nàng giúp chàng vô điều kiện, giúp chàng không toan tính, không sợ biển gươm đao rừng máu lửa, không màng cả tính mạng của mình. Chỉ vì ước mơ rời khỏi Đại Hạ, cùng chàng chắp cánh bay về vùng đất đẹp đẽ hạnh phúc Bắc Yến mà chàng đã vẽ nên suốt tám năm bên nhau. Sở Kiều đã sống vì tin tưởng Yến Tuân như thế, nàng tin chàng sẽ làm được, sẽ đưa nàng trở về quê hương của chàng. Chàng ở đâu, nàng sẽ theo chàng đến đó, nơi nào có chàng nơi đó sẽ là nhà.

Sở Kiều ơi Sở Kiều, cuộc đời nàng như bức họa đơn sắc, tám năm đầu u ám như đêm không trăng, ba năm sau đều do máu tươi và vết đao vẽ thành.

Tám năm, rốt cuộc họ cũng rời khỏi Đại Hạ trở về Bắc Yến. Nhưng Bắc Yến trong mắt nàng lúc này đã không còn giống Bắc Yến qua lời kể của Yến Tuân nữa. Mà chàng, cũng dần dần không còn là người nàng yêu thương suốt tám năm rong ruổi cúi luồn kia nữa.

Không biết từ khi nào mà Yến Tuân đã thay đổi như thế. Và cũng không rõ từ khi nào trái tim Sở Kiều đã chẳng còn dung nạp nổi bóng hình vị thế tử đã đưa tay cứu lấy nàng trong trời tuyết nhiều năm trước, chàng trai đã vẽ ra một tương lai đầy màu hồng cho nàng ở chân trời Bắc Yến.

Có lẽ là khi cách một cây cầu, chàng quyết tuyệt bỏ lại đội quân Tây Nam trấn phủ sứ, còn nàng, lần nữa giúp chàng dọn dẹp thế cục một mình quay lại dẫn binh, chỉ để người đời không có cách nào thóa mạ chàng bất nghĩa.

Có lẽ là khi nàng trông thấy ống tay áo trống rỗng của Triệu Tung – vị hoàng tử là bằng hữu khi còn nhỏ luôn giúp đỡ nàng và Yến Tuân, hay những vết nhơ nhuốc trên cơ thể đờ đẫn của công chúa Triệu Thuần. Một mệnh lệnh của Yến Tuân ngày đó, đã gieo xuống không biết bao nhiêu hận thù rồi sau này đổ hết lên đầu Sở Kiều.

Có lẽ là khi nàng hay tin chàng lừa dối toàn bộ con dân Bắc Yến, dẫn quân tấn công Đại Hạ mà không hề thảo luận trước với nàng. Có lẽ là khi chàng tuyệt tình giết ân sư, giết muội muội, giết toàn bộ trưởng lão của Đại Đồng Hành – những người đã mở đường cho chàng đi lên ngôi vị chí tôn cửu đỉnh.

Cũng có lẽ là khi sau hai năm chọn ẩn mình ở hậu phương, chàng lừa dối nàng, dùng phương thức hèn hạ nhất để dụ kẻ địch lớn nhất đời chàng vào bẫy. Chỉ vì người kia muốn cứu nàng. Có lẽ là khi nàng hốt hoảng nhận ra thanh đao của mình cắm sâu vào lồng ngực người kia, rồi sau đó là một mũi tên chí mạng của chàng bắn ra lần nữa ghim vào ngay vết đao vẫn đang tuôn máu.

Sở Kiều quan tâm Yến Tuân, không chịu được người khác làm hại chàng, chuyển ước mơ của chàng thành của mình, theo đuổi bước tiến của chàng, tất cả chuyện nàng làm đều nghĩ cho chàng trước tiên. Nàng luôn sẵn sàng tha thứ cho mọi sai lầm của chàng, chàng làm sai, nàng sẽ thay chàng bù tội, mong ước lớn nhất của nàng chính là chàng được thành ý nguyện. Chàng là động lực sinh tồn của nàng, cũng là người quan trọng nhất trong đời nàng.

Nàng mất mười một năm cố sức leo lên một ngọn núi vì được người khác cho biết trên đỉnh núi có một đóa tuyết liên, nhưng sau khi tiêu hao hết sức lực leo đến nơi lại phát hiện đỉnh núi trơ trọi, cái gì cũng không có. Nàng thí mạng vô số lần để leo lên được đỉnh núi cao chót vót đó nhưng đổi lại là nỗi thất vọng cùng cực, làm sao nàng có thể leo xuống?

Một lần xoay đầu, hình ảnh chàng thiếu niên năm nào kéo tay nàng vào lồng ngực mình để ủ ấm trong lao ngục tối tăm đã nhòe nhoẹt trong màn nước mắt đục mờ.

Mười một năm, cuối cùng Yến Tuân cũng xưng đế, trở thành sói dữ nơi núi rừng Bắc Yến. Nhưng bên cạnh chàng đã không còn bóng người thương nữa rồi.

Vấn đề ở đây là Yến Tuân có thật sự thay đổi? Hay vốn dĩ ngay từ đầu chàng đã như thế nhưng Sở Kiều lại không nhận ra?

Bạn Anie đọc nhiều bình luận khi truyện kết thúc, hầu như ai nấy đều thương tiếc cho Yến Tuân. Nói chàng là nam chính của truyện, không sai, bởi vì nữ chính yêu chàng, tác giả yêu chàng và độc giả cũng yêu chàng. Chàng là Yến đế của đại lục, nhưng người Sở Kiều cần là Yến Tuân. Người mà nàng yêu là Yến Tuân chứ không phải Yến đế, lý tưởng sống của nàng và mục tiêu cuối cùng của chàng trái ngược nhau.

Người ta nói hai con nhím nhỏ trong đêm đông giá lạnh ôm ấp sưởi ấm cho nhau nhưng đến một ngày vòng ôm quá chặt sẽ khiến gai nhọn của mình làm tổn thương đối phương. Đó chính là tình yêu đầy đau thương của Yến Tuân dành cho Sở Kiều, là tình yêu đầy bất lực của Sở Kiều dành cho Yến Tuân.

Đến đây thì hẳn ai ai cũng biết rõ Yến Tuân không phải người sẽ đi đến cuối cùng với nữ chính rồi, chàng chỉ là một người cùng Sở Kiều kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi suốt bao tháng năm gian khổ mà thôi.

Kiều Kiều, nếu có một ngày Yến Tuân làm nàng thất vọng, nàng sẽ làm gì? Kiều Kiều, cả đời này của nàng, có bao giờ thử nghĩ cho mình không? – Đây là câu hỏi của Lý Sách – thái tử Biện Đường, nhân vật nam thứ hai có ảnh hưởng vô cùng lớn đến những quyết định của Sở Kiều sau khi nàng đoạn tuyệt quan hệ với Yến Tuân.

Lý Sách luôn luôn gọi Sở Kiều là Kiều Kiều, không giống Yến Tuân gọi nàng là A Sở.

Trên đời này có rất nhiều cách sống, từ cả đời nghèo khổ cho đến vinh hoa thịnh vượng, nhàn nhã vô dục vô cầu hay xa hoa lãng phí đều là những cách sống khác nhau. Nhưng vì sao nàng luôn chọn cho bản thân con đường gian nan nhất thế?

Lý Sách luôn dùng ánh mắt nửa say nửa tỉnh quan sát mọi thứ. Chàng là vị đế vương bất cần, phong lưu khoái hoạt, dùng vẻ ngoài như thế để che lấp tai mắt và nguy hiểm rình rập. Chàng luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay để đón Sở Kiều những khi nàng yếu lòng nhất, cần chở che nhất.

Lý Sách có yêu Sở Kiều không? Câu trả lời dĩ nhiên là có. Thế nhưng vị thái tử Biện Đường này lại chưa một lần bày tỏ lời yêu với nàng. Với chàng mà nói, yêu nàng chính là mong muốn nàng có thể chân chính tìm được hạnh phúc của mình. Nếu số mạng đã định sẵn con người sẽ như phù du lao vào ánh sáng tìm kiếm mục tiêu của cả đời thì chàng vẫn mong nàng có thể là con phù du duy nhất thoát khỏi phòng xoáy điên cuồng này.

Lý Sách là nhân vật nam có ít đất diễn nhất trong số ba người đàn ông đi qua cuộc đời Sở Kiều, Chàng là một thái tử thâm sâu khó dò ẩn dưới vẻ bất cần phóng đãng nhưng trước mặt người mình yêu lại luôn dang rộng đôi cánh bảo bọc nàng. Chàng cũng là người đầu tiên phong Sở Kiều làm phi, chiếu chỉ phong phi được tung ra sau khi chàng băng hà. Nực cười làm sao!

Khi đọc đến đoạn Lý Sách bị chính mẹ ruột của mình đâm thêm một nhát dẫu chàng chỉ còn chút hơi thở mong manh vì bị ám sát, bạn Anie đã nghĩ tại sao tác giả lại để chàng chết một cách lãng xẹt như thế? Chàng không tàn nhẫn như Yến Tuân, chàng làm vua nhưng không giết người bừa bãi, Biện Đường dưới sự trị vì của chàng không hề suy thoái, tuy chàng có chút cà lơ phất phơ nhưng chàng vẫn là một vị vua tài ba trẻ tuổi. Vậy thì cớ gì tác giả lại muốn chàng chết, có cái chết nào đau đớn thống khổ bằng chết dưới tay người thân ruột thịt của mình?

Nhưng không, Lý Sách chết, để lại một cục diện hoàn toàn rối rắm cho Sở Kiều. Biện Đường nội loạn, hoàng đế nhỏ tuổi đăng cơ giữa thời loạn lạc chiến tranh liên miên. Lý Sách chết là lí do, cũng là bàn đạp để Sở Kiều quang minh chính đại nhiếp chính, từ một vị Tú Lệ hoàng phi vừa góa chồng đã trở thành Tú Lệ vương – vị thân vương nắm trọng quyền nhất Biện Đường lúc bấy giờ. Sở Kiều ở lại Biện Đường, Bắc Yến và Đại Hạ sẽ không dám tấn công xâm chiếm một tấc đất nào của Biện Đường. Nàng ở lại, là vì trả món nợ nhân tình mà nàng đã thiếu Lý Sách.

Cũng chính vì thế mà nàng lại bỏ lỡ thêm một đoạn thời gian đi tìm hạnh phúc chân chính của đời mình.

Lý Sách từng hỏi Sở Kiều thế này: “Trên đời này còn ai tốt với nàng, cam tâm tình nguyện làm tất cả vì nàng, vì nàng vào sinh ra tử, vì nàng tán gia bại sản, vì nàng vứt bỏ mọi thứ, ngay lúc nàng nguy nan ra tay cứu giúp cũng không để nàng biết?”

Là ai?

Gia Cát Nguyệt, Nguyệt giống như linh hồn tuấn tú thanh cao, như chốn trở về của gió và vận mệnh.

Đất diễn của Gia Cát Nguyệt không nhiều như Yến Tuân, chỉ nhỉnh hơn Lý Sách vài phân đoạn nhưng mỗi một khi chàng xuất hiện, bạn Anie đều cảm giác được tình cảm mà chàng dành cho Sở Kiều không hề ít hơn Yến Tuân.

Đây là nhân vật nam xuất hiện ngay từ đầu truyện, khi còn nhỏ chưa hiểu chuyện, vị Gia Cát Tứ thiếu gia này đã giết chết những huynh đệ tỷ muội Kinh gia cũng chính là huynh đệ tỷ muội của thân thể nhỏ bé mà Sở Kiều mượn xác hoàn hồn này. Chàng là chủ nhân, còn nàng là nô lệ của chàng. Chàng gieo rắc mối hận thù xuống khu vườn cằn cỗi, mầm mống hắc ám dần sinh sôi từ từ trong lòng Sở Kiều, khiến nàng hận chàng thấu xương khi chàng giương cung bắn Yến Tuân, khi chàng là nhân tố gián tiếp đẩy nàng và Yến Tuân vào con đường tám năm sống không bằng heo chó tại hoàng thành Đại Hạ.

Tám năm, lại là tám năm, Sở Kiều tin Yến Tuân bao nhiêu thì hận Gia Cát Nguyệt bấy nhiêu.

Thế nhưng trong tám năm này, Gia Cát Nguyệt lại luôn luôn dõi theo nàng.

Chàng biết, nàng là nô lệ của mình nhưng lại cam chịu theo bên người Yến Tuân mà không tố cáo, để nàng hết lần này đến lần khác giúp đỡ Yến Tuân.

Chàng biết, trên cánh đồng tuyết bên ngoài thành Chân Hoàng, nàng kiên quyết lựa chọn đứng cạnh Yến Tuân, dùng ánh mắt hận thù nhìn mình như cảnh báo trước rằng sẽ có một ngày nàng chĩa mũi kiếm về phía chàng, trở thành kẻ địch của chàng.

Nhưng chàng lại không biết từ khi nào đã luôn dõi theo bóng hình của nàng, từ khi nào yêu nàng đến khắc cốt ghi tâm, từ khi nào yêu nàng đến cả gia tộc và tính mạng của mình cũng có thể vứt bỏ?

Gia Cát Nguyệt đã từng hỏi Sở Kiều rằng: “Chẳng lẽ nàng không cảm giác được? Ta cũng cần nàng.”

Phải yêu sâu đậm bao nhiêu, phải kìm nén bao nhiêu mới có thể thốt ra câu hỏi đớn đau như vậy?

Chàng yêu Sở Kiều, cũng giống như Lý Sách, im lặng chờ đợi, không ép buộc nàng, không muốn trong lúc nàng mất phương hướng mệt mỏi chán nản mà lợi dụng nàng. Một người cao ngạo, cố chấp, nhưng chàng luôn thấu hiểu và cảm thông cho nàng. Yêu nàng không toan tính như Gia Cát Nguyệt, kiêu hãnh như gốc cây ngô đồng, lạnh lẽo như tuyết tan nhưng tình yêu của chàng vẫn cháy bỏng và nồng nhiệt.

Nhiều lần tương trợ, chàng bị gia tộc trừng phạt, suýt chút nữa chôn vùi tiền đồ. Ở thành Cống Duyệt, vứt bỏ đường lui, vứt bỏ sinh mạng, bị gia tộc trục xuất, bị hàng vạn hàng nghìn dân chúng thoá mạ, chết cũng không được vào tông miếu, chân chính trở thành phản tặc của toàn Đại Hạ. Vùng lên từ tuyệt cảnh, dùng hai bàn tay trắng thay đổi càn khôn ở Thanh Hải, oai dũng uy hiếp cả đại lục. Thời cơ chưa đến những vẫn xua quân tiến công chỉ vì cứu mạng nàng.

Trong lúc Đại Hạ lăm lăm đao sắc nhăm nhe Biện Đường, trong lúc Bắc Yến phát binh chinh Đông để rửa mối hận đoạt hồng nhan nhưng chàng lại cam nguyện vứt bỏ cơ nghiệp vinh quang trở về cố thổ, dùng trăm vạn hùng binh làm vật cược.

Gia Cát Nguyệt không ích kỷ, không tư lợi, có thù tất báo nhưng không để nó lấn át và điều khiển mình giống như Yến Tuân. Trên hết, chàng không xem trọng giang sơn, chỉ muốn cùng người mình yêu bên nhau, muốn làm cho Sở Kiều hạnh phúc, thực hiện lý tưởng của nàng.

Qua bao nhiêu năm, Gia Cát Nguyệt vẫn là Gia Cát Nguyệt, không phải Đại tư mã kiêm Thanh Hải vương, không phải vị quân phụ kinh tài tuyệt diễm của Thanh Hải, cũng không phải gã quỷ hút máu vô sỉ gian xảo của Đại Hạ. Chàng vẫn là nam nhân lạnh lùng cao ngạo, thỉnh thoảng lại bốc đồng tùy hứng kia, là Gia Cát thiếu gia đã mấy lần cùng Sở Kiều kinh qua sinh tử, mấy lần cứu nàng khỏi cơn nguy nan.

Gia Cát Nguyệt đã từng nói: “Đại Hạ không có ta thì vẫn còn những tướng soái khác, phụ thân không có ta thì vẫn còn những người con khác, nhưng Tinh Nhi không có ta thì không còn ai khác cả.”

Chàng vì Tinh Nhi mà từ bỏ cả giang sơn, vì yêu nàng mà đem mọi toan tính cất giấu, luôn theo dõi bảo vệ người mình yêu. Đối với chàng, nàng chính là cả thiên hạ.

Một người như thế, làm sao mà không khiến Sở Kiều cảm động đây?

Tình yêu của Gia Cát Nguyệt khiến cho người ta kinh sợ, làm cho người người tan nát cõi lòng, dứt bỏ không được, không thể nào quên chàng Tứ thiếu gia của gia tộc Gia Cát, càng không thể quên vị Thanh Hải vương kiên cường chung tình với Tú Lệ vương.

Bạn Anie sẽ không nói thêm gì nhiều về Sở Kiều, các bạn tự đọc truyện và suy ngẫm về nhân vật này. Một từ ‘giỏi’ không đủ để diễn tả hết con người nàng đâu.

Khép lại chương truyện cuối cùng, bạn cũng có thể thở phào nhẹ nhõm. Sở Kiều đã lựa chọn được bến đỗ bình yên cho nửa đời còn lại của mình. Tình yêu lặng thầm của Gia Cát Nguyệt cũng được người chàng yêu hồi đáp. Yến Tuân cũng đã ngồi lên ngai vàng mà chàng luôn tâm niệm có được.

Chỉ tội cho Lý Sách, cho Nạp Lan Hồng Diệp, cho Triệu Tung, và cho những nhân vật phụ khác góp công không hề nhỏ và đã đi ngang cuộc đời của Sở Kiều.

Câu chuyện kết thúc, có người hạnh phúc, có người lẻ loi. Đời mà, không có gì là tốt đẹp một cách toàn diện.