Hoạt động khởi động là gì trong giáo án năm 2024

Quy trình này được vận dụng vào mỗi bài học hoặc một chủ đề. Nếu chủ đề có nhiều bài học nhưng chia ra nhiều thời điểm thực hiện nối tiếp thì vẫn cần vận dụng quy trình này.

Hoạt động khởi động

Hoạt động này nhằm giúp học sinh (HS) huy động những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm của bản thân về các vấn đề có nội dung liên quan đến bài học mới.

Giáo viên (GV) nêu các câu hỏi gợi mở hoặc yêu cầu HS đưa ra ý kiến nhận xét về các vấn đề liên quan đến nội dung kiến thức trong chủ đề.

Cần hướng dẫn tiến trình hoạt động khởi động của HS thông qua hoạt động cá nhân hoặc nhóm được tổ chức linh hoạt sao cho vừa giúp các em huy động kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm của bản thân, vừa xây dựng được ý thức hợp tác, tinh thần học tập lẫn nhau trong HS. Việc trao đổi với GV có thể thực hiện sau khi đã kết thúc hoạt động nhóm.

Hoạt động hình thành kiến thức

Hoạt động này giúp HS tìm hiểu nội dung kiến thức của chủ đề, rèn luyện năng lực cảm nhận, cung cấp cho HS cơ sở khoa học của những kiến thức được đề cập đến trong chủ đề.

Có thể đặt các loại câu hỏi để HS tìm hiểu kiến thức liên quan trực tiếp đến các nội dung trong chủ đề hoặc câu hỏi sáng tạo khuyến khích các em tìm hiểu thêm kiến thức liên quan ngoài nội dung trình bày trong chủ đề.

Cần nêu nhiệm vụ cụ thể và hướng dẫn HS hoạt động theo nhóm để thực hiện nhiệm vụ. Kết thúc hoạt động, HS phải trình bày kết quả thảo luận với GV.

Hoạt động luyện tập

Hoạt động này yêu cầu HS phải vận dụng những kiến thức vừa tiếp thu được ở bước 2 (phần B) để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể, qua đó GV xem HS đã nắm được kiến thức hay chưa và nắm được ở mức độ nào.

Đây là những hoạt động như trình bày, luyện tập, bài thực hành,… giúp cho các em thực hiện tất cả những hiểu biết ở trên lớp và biến những kiến thức thành kĩ năng.

Hoạt động luyện tập có thể thực hiện qua hoạt động cá nhân rồi đến hoạt động nhóm để các em học tập lẫn nhau, tự sửa lỗi cho nhau, giúp cho quá trình học tập hiệu quả hơn.

Hoạt động vận dụng

Hoạt động vận dụng nhằm tạo cơ hội cho HS vận dụng những kiến thức, kĩ năng, thể nghiệm giá trị đã được học vào trong cuộc sống thực tiễn ở gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Với hoạt động này, HS có thể thực hiện cá nhân hoặc theo nhóm, có thể thực hiện với cha mẹ, bạn bè, thầy cô giáo hoặc xã hội. Có những trường hợp hoạt động vận dụng được thực hiện ngay ở lớp học hay trong nhà trường,…

Hoạt động tìm tòi, mở rộng

Hoạt động này khuyến khích HS tiếp tục tìm hiểu thêm để mở rộng kiến thức, nhằm giúp HS hiểu rằng ngoài kiến thức đã học trong nhà trường còn rất nhiều điều cần phải tiếp tục học hỏi, khám phá.

GV giao cho HS những nhiệm vụ nhằm bổ sung kiến thức và hướng dẫn các em tìm những nguồn tài liệu khác, cung cấp cho HS nguồn sách tham khảo và nguồn tài liệu trên mạng để HS tìm đọc thêm.

Phương thức hoạt động là làm việc cá nhân (hoặc theo nhóm), chủ yếu làm ở nhà, đồng thời yêu cầu HS làm các bài tập đánh giá năng lực.

Không thực hiện cứng nhắc quy trình

Lưu ý: Quy trình 5 bước hoạt động nêu trên không cứng nhắc mà có thể được thiết kế và thực hiện linh hoạt, mềm dẻo.

Trong một số lĩnh vực /trường hợp, các hoạt động có thể kết hợp với nhau hoặc bớt đi một, hai hoạt động tuỳ theo đặc trưng của từng lĩnh vực giáo dục, của từng chủ đề/bài học, nhất là đối với một số loại hình mang tính đặc thù như Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể chất.

Trong các bài hướng dẫn tổ chức hoạt động theo Mô hình Trường học mới Việt Nam ở phần thứ hai của tài liệu này, GV tham khảo nhưng có thể vận dụng linh hoạt và sáng tạo thêm.

Bước đầu tiên là giáo viên cần hiểu được mẫu giáo án mới. Nếu không đọc kĩ, hiểu sâu về tinh thần của mẫu thiết kế bài học thì bài soạn của giáo viên sẽ chỉ là sự rập khuôn, sao chép máy móc, không thể áp dụng trong thực tế giảng dạy. Tôi rất tâm đắc chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh là thực hiện "Học qua làm". Khung kế hoạch bài dạy mới nhằm gợi ý cho giáo viên cách thiết kế các hoạt động để giao cho học sinh "làm để học". Muốn vậy thì "Câu hỏi" hoặc "Câu lệnh" cần cho học sinh hiểu rõ phải "Làm gì?", "Làm như thế nào?" và "Làm ra cái gì?".

Như vậy, ở mỗi hoạt động, giáo viên cần tập trung vào tổ chức các hoạt động để học sinh “làm” và qua đó các em nắm được nội dung bài học, phát triển năng lực và phẩm chất của bản thân. Tinh thần đó nhất quán với mục tiêu, nguyên tắc dạy học, phương pháp dạy học tích cực sẽ được áp dụng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Những lưu ý khi thiết kế các hoạt động dạy học.

Căn cứ vào mục tiêu, nội dung bài dạy, điều kiện học tập, năng lực của đối tượng học sinh lớp giảng dạy, giáo viên thiết kế 4 hoạt động của bài học/chủ đề học tập. Các hoạt động thực hiện trong một bài dạy được thực hiện trong 1 hoặc nhiều tiết học, không nhất thiết tiết dạy nào cũng phải thực hiện đủ 4 hoạt động như trong thiết kế mẫu. Ví dụ các tiết thực hành, ôn tập có thể thiết kế gồm 2 hoạt động: Mở đầu và luyện tập.

Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu:

Không nên đánh đồng hoạt động này với hoạt động “khởi động” trong giáo án truyền thống. Hoạt động “khởi động” mục tiêu chủ yếu là tạo hứng thú cho học sinh, thiết lập một liên hệ với bài học mới. Còn mục tiêu của hoạt động mở đầu là giúp học sinh xác định được vấn đề/ nhiệm vụ cụ thể cần giải quyết trong bài học hoặc xác định rõ cách thức giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ trong các hoạt động tiếp theo của bài học.

Để thiết kế hoạt động này, bên cạnh các hoạt động khởi động như xem video, hình ảnh, trò chơi giải ô chữ… giáo viên có thể sử dụng một phần của kĩ thuật KWL, cho học sinh ghi ra những điều đã biết, muốn biết về bài học (KW). Giáo viên nên giao nhiệm vụ cho học sinh dưới dạng phiếu học tập, học sinh chuẩn bị trước và trình bày sản phẩm trên lớp. Sau đó giáo viên đưa ra những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể mà học sinh phải thực hiện trong bài học (có thể là 1 hoặc nhiều tiết)

Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1:

Từ nhiệm vụ học tập ở hoạt động 1, giáo viên thiết kế thành các nhiệm vụ cụ thể và tổ chức cho học sinh hoạt động để thông qua đó các em chiếm lĩnh tri thức và phát triển năng lực, hình thành phẩm chất.

Đây là hoạt động trọng tâm của giờ học, giáo viên nên lựa chọn những nội dung trọng tâm của bài học, vận dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để học sinh “học qua làm”: Kỹ thuật phòng tranh, kĩ thuật 4 ô vuông, kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật ổ bi, kĩ thuật đọc tích cực, kĩ thuật viết tích cực...

Muốn thực hiện tốt hoạt động này, giáo viên cần dự kiến các học liệu sẽ được sử dụng, giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh qua hệ thống phiếu học tập. Sản phẩm học tập của học sinh rất phong phú, đó có thể là đoạn văn viết theo mẫu, có thể là sơ đồ tư duy, có thể là những cảm xúc, cảm nhận cá nhân về tác phẩm, đoạn trích, hình tượng nghệ thuật, ngôn từ, cách lập luận... trong bài học. Trong quá trình “làm” học sinh sẽ bộc lộ năng lực của mình, sẽ học được từ những cái sai của bản thân và các bạn; rèn luyện kĩ năng thuyết trình, tự đánh giá và đánh giá; kĩ năng hợp tác....

Giáo viên là người tổ chức cho học sinh hoạt động hiệu quả, dự kiến trước các phương án trả lời, tình huống sư phạm; gợi mở, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ; nghiệm thu sản phẩm học tập; chốt lại những vấn đề trọng tâm của bài học. Để nghiệm thu sản phẩm, giáo viên cho học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau theo bảng kiểm, phiếu đánh giá theo tiêu chí (Rubrics) trước khi nộp sản phẩm. Cuối cùng, giáo viên đánh giá sản phẩm của học sinh (có thể lượng hóa thành điểm), chốt kiến thức ngắn gọn theo nội dung bài học

Hoạt động 3: Luyện tập

Tổ chức cho học sinh luyện tập vận dụng kiến thức và kĩ năng để thực hiện các nhiệm vụ nhằm khắc sâu kiến thức trọng tâm của bài. Giáo viên tạo ra các bài tập hoặc nhiệm vụ (không phải những câu hỏi vấn đáp thường gặp) để thông qua đó, học sinh được lặp lại các thao tác, kĩ năng như phân tích, giải thích, so sánh, suy luận, tổng hợp… Bên cạnh đó giáo viên cần vận dụng phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để hoạt động luyện tập trở nên phong phú, hấp dẫn và học sinh được hoạt động một cách hào hứng và hiệu quả. Các phương pháp và kĩ thuật phù hợp là: Kỹ thuật khăn trải bàn, Kĩ thuật trình bày một phút, lồng ghép trò chơi, vẽ sơ đồ tư duy...

Sản phẩm của hoạt động luyện tập cũng được học sinh tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau qua bảng kiểm và phiếu đánh giá theo tiêu chí. Giáo viên có thể kết hợp đánh giá và cho điểm với các sản phẩm có chất lượng tốt.

Hoạt động 4: Vận dụng

Mục tiêu của hoạt động vận dụng là phát triển năng lực của học sinh thông qua vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn. Vì vậy giáo viên cần xác định được các tình huống hợp lí để học sinh phát huy kiến thức đã học để giải quyết một cách chính xác, khoa học.

Có hai cách cơ bản để tạo tình huống cho học sinh vận dụng là: vận dụng giải quyết các vấn đề trong học tập (Ví dụ: đọc hiểu văn bản cùng thể loại, cùng thời kì..); vận dụng giải quyết các tình huống trong cuộc sống (gắn liền với bản thân học sinh; các vấn đề xã hội phải vừa sức...).

Tùy vào từng bài dạy, chủ đề và sự phân phối thời gian, hoạt động vận dụng có thể được thực hiện trên lớp hoặc yêu cầu học sinh làm ở nhà theo các yêu cầu được cụ thể hóa trên phiếu học tập giáo viên giao cho học sinh.

Sản phẩm của hoạt động rất phong phú: có thể là bài văn, đoạn văn, file trình chiếu, tranh vẽ, video, sáng tác... theo nhóm hoặc cá nhân. Với những chủ đề học tập, sản phẩm có thể là dự án của nhóm hay tập thể lớp.

Để thiết kế giáo án ngắn gọn, dễ thực hiện, giáo viên cần quán triệt để khắc phục quan niệm đã ăn sâu vào nhận thức: coi trọng kiến thức lí thuyết hơn thực hành, giáo viên làm việc nhiều còn học sinh hoạt động ít và thụ động.