Jane Goodall - Nhà học về linh trưởng động vật - Anh

Nhà linh trưởng học người Anh nổi tiếng thế giới, Jane Goodall tại vườn thú Cincinnati. (Nguồn: ibtimes.co.uk)

Trước vụ nhân viên vườn thú Cincinnati bắn chết con khỉ đột Harambe để cứu một bé trai bị lạc vào chuồng nuôi nhốt, nhà linh trưởng học người Anh nổi tiếng thế giới, Jane Goodall cho rằng con vật đã cố tìm cách bảo vệ thay vì tấn công cậu bé. ​ Theo Ibtimes, trong bức thư điện tử gửi giám đốc vườn thú Cincinati, nhà nghiên cứu linh trưởng hàng đầu thế giới đã bày tỏ sự cảm thương trước cái chết của Harambe cũng như thông cảm với những lời chỉ trích mà vườn thú đang hứng chịu từ các tổ chức bảo vệ quyền động vật. ​ “Tôi đã cố quan sát kỹ xem chính xác thì chuyện gì đã diễn ra. Có vẻ như con khỉ đột đang cố vòng tay ôm lấy đứa trẻ, giống như sự việc xảy ra ở Chicago,” Goodall viết trong bức thư gửi giám đốc Thane Maynard của vườn thú. ​ Bà đã nhắc đến sự cố năm 1996 tại vườn thú Brookfield bang Illinois, khi một cậu bé ngã vào chuồng nuôi khỉ đột nhưng đã được một con khỉ cái bảo vệ và đưa ra chỗ an toàn. ​ “Dù sao thì, đây vẫn là một tổn thất tồi tệ với vườn thú và với loài khỉ đột,” Goodall nói thêm. ​ Ngày 28/5 vừa qua, Harambe, một con khỉ đột 17 tuổi, đã bị bắn chết sau khi một cậu bé 4 tuổi rơi xuống chuồng nuôi nhốt. Con vật đã kéo cậu bé đi vòng quanh khu chuồng nuôi, trước sự hoảng loạn của mẹ bé và các khách tham quan khác. ​ Nhân viên vườn thú đã buộc phải bắn chết con vật thay vì dùng đạn gây mê, với lời giải thích rằng viên đạn gây mê không mang đến hiệu quả tức thời và có thể khiến con khỉ đột trở nên tức giận. ​ Trong khi hầu hết các nhóm bảo vệ quyền lợi động vật chỉ trích việc giết con khỉ đột, Goodall lại tỏ ra thông cảm hơn. “Tôi thấy rất tiếc khi các bạn đang cố gắng bảo vệ một điều mà các bạn có thể sẽ cảm thấy không đúng,” bà viết trong bức thư điện tử được công khai tại Viện Jane Goodall. Bà cũng bày tỏ sự lo lắng cho hai con khỉ đột cái tại vườn thú. “Chúng có đáng phải nhìn thấy, và cảm nhận nỗi đau này không?” ​ Giám đốc Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia Yerkes thuộc đại học Emory, Frans de Waal cũng cho rằng Harambe có thể không có ý định làm hại đứa bé. ​ “Harambe gần như muốn che chở cho cậu bé. Nó tỏ ra vừa bối rối lại vừa muốn bảo vệ đứa trẻ. Nó đứng phủ bóng lên cậu bé, bế cậu bé lên, đưa/kéo cậu bé qua vũng nước (có hơi mạnh tay), rồi lại đứng đó. Những phản ứng này có thể là do âm thanh la hét từ phía khách tham quan gây ra,” Waal viết trên Facebook.

Về việc bắn chết Harambe, ông cho rằng những biện pháp khác có thể không có tác dụng ngay và như ý muốn. “Giám đốc vườn thú khi đó không được xem đoạn video mà tất cả mọi người bây giờ đã xem. Một quyết định như thế phải được đưa ra chỉ trong vòng vài phút: không có thời gian để cân nhắc những ý kiến khác hay xem video rồi đánh giá tình hình”./.

TT - 1. Mái tóc bạc như cước, dáng vẻ điềm tĩnh, đặc biệt đôi mắt rất sáng toát ra một trí tuệ thông thái, Jane Goodall như một bà tiên bước ra từ các câu chuyện cổ tích.

Jane Goodall - Nhà học về linh trưởng động vật - Anh
Phóng toJane Goodall âu yếm cọ mũi với "Nắng" - Ảnh: T.Trúc

TT - 1. Mái tóc bạc như cước, dáng vẻ điềm tĩnh, đặc biệt đôi mắt rất sáng toát ra một trí tuệ thông thái, Jane Goodall như một bà tiên bước ra từ các câu chuyện cổ tích.

Kết quả tìm kiếm trên Google về tên Jane Goodall cho con số thật ấn tượng: 1.470.000 trang! Điều đó đủ nói lên tầm ảnh hưởng to lớn của người phụ nữ được Liên Hiệp Quốc phong danh hiệu "Sứ giả hòa bình" này. Mỗi năm, bà dành 300 ngày để đi đến nhiều nơi trên thế giới, gặp gỡ nhiều người, chủ yếu là giới trẻ. Ở đó, bà làm việc mà bà gọi là "trao cho họ hi vọng và kiến thức để họ hiểu biết hơn, sống có trách nhiệm hơn với thiên nhiên".

Sự xuất hiện của Jane Goodall tại Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM vào chiều 8-11 được các sinh viên háo hức mong đợi. Hội trường hơn 300 chỗ không còn một chỗ trống. Sinh viên ngồi tràn ra cả hành lang để nghe bà nói chuyện. Họ thán phục trước cuộc đời 50 năm hoạt động vì động vật hoang dã của Jane, và cảm thấy thôi thúc với thông điệp nhẹ nhàng nhưng ngấm rất lâu của bà: "Hãy nhớ rằng mỗi ngày chúng ta sống là một ngày chúng ta tạo ra sự thay đổi và tác động đến thế giới. Chúng ta có thể lựa chọn để kết thúc một ngày theo cách của mình. Hãy sống sao để nếu phải chết, thì ngày cuối cùng trong đời ta cũng đã làm được điều tử tế".

" Hãy nghĩ đến những đứa trẻ. Nếu ta phá hủy thiên nhiên, trẻ em sẽ lớn lên trong một thế giới không còn nguyên vẹn. Và nhìn chung ra thế giới, khi ta phá hủy thiên nhiên thì chính con người sẽ gánh chịu hậu quả."

2.

Jane Goodall cho biết trước khi đến VN, bà đã tìm hiểu chút ít và biết qua sách báo rằng nhiều loài động vật VN đang có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt, ăn thịt...

Bà càng hiểu rõ hơn tình cảnh khi đến thăm Trạm cứu hộ động vật hoang dã ở Củ Chi vào sáng 9-11. Trạm do Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Wildlife At Risk (WAR) phối hợp với Hạt kiểm lâm Củ Chi thành lập vào năm 2006, là nơi chăm sóc động vật hoang dã được cứu thoát từ tay của những kẻ săn bắt trái phép. "Đón" Jane ở ngay lối vào là ba con vượn bạc má được Hạt kiểm lâm Bình Thuận chuyển về đây từ hai tháng trước. Jane dừng lại thật lâu bên chuồng, cho chúng ăn, bắt tay, và rất tự nhiên chu miệng tạo ra âm thanh của loài vượn để đáp lại tràng hú lanh lảnh của chúng.

Nhưng làm cho Jane lưu luyến nhất là con gấu chó một tuổi tên "Nắng". "Bé Nắng" rất thích thú khi được bà Jane vuốt ve. Nó vừa mút ngón tay vừa phát ra âm thanh "grừ grừ" nho nhỏ, biểu hiện của gấu con khi nhớ mẹ. "Bạn thấy không, mỗi loài động vật đều có một tính cách chẳng khác gì con người. Làm sao mà chúng ta nỡ ăn thịt chúng?" - vừa nựng nịu "Nắng", Jane vừa giảng giải. Bà nói rằng nên tạo điều kiện để các em học sinh sinh viên tiếp xúc với những con vật này. Chỉ cần gặp một lần, các em sẽ cảm thấy yêu thương và có ý thức bảo vệ động vật hơn.

Jane không ngạc nhiên trước việc động vật quí hiếm là món nhậu khoái khẩu của một số người VN. "Một người VN nào đó có thể nói với tôi rằng chuyện đó đâu có gì lạ, tôi ăn thịt rùa cũng như bà ăn thịt lợn. Nhưng vấn đề ở đây là lợn được nuôi trong chuồng trại, trong khi những con rùa mà bạn mua được ngoài chợ bị bắt từ thiên nhiên". Jane hi vọng sự chung tay nỗ lực của những tổ chức như WAR hoặc mạng lưới Roots & Shoots (Cội nguồn và mầm xanh) do Viện Jane Goodall của bà sáng lập sẽ dần dần tác động và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng.

3. Mục đích chuyến đi của Jane Goodall đến VN lần này cũng là để tuyên truyền cho mạng lưới Roots & Shoots. Đây là nơi để những người trẻ tuổi chia sẻ ước mơ chung, cùng giúp đỡ và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Hiện nay mạng lưới này đã tập hợp được khoảng 10.000 nhóm trẻ ở hơn 100 quốc gia. Jane Goodall tin rằng sau khi kết thúc chuyến đi này, sẽ có thêm ít nhất sáu nhóm Roots & Shoots được thành lập ở VN.

"Nhiều bạn hỏi liệu tôi có trở lại VN không. Câu trả lời phụ thuộc vào những "hạt mầm" này, liệu chúng có sinh sôi nảy nở hay không. Điều tôi có thể làm là gieo hạt, những việc còn lại nằm trong tay chính các bạn" - Jane mỉm cười. Nụ cười của bà chứa đựng niềm tin và sự hi vọng, rằng với những động lực thôi thúc mà bà đã truyền cho giới trẻ VN, những hạt mầm ấy sẽ có ngày đơm hoa kết trái.

Jane Goodall sinh năm 1934 tại Anh. Bà đã dành toàn bộ cuộc đời để nghiên cứu về tập quán sống của loài tinh tinh. Một trong những đóng góp quan trọng của Jane Goodall với ngành nghiên cứu động vật linh trưởng chính là phát hiện khả năng làm ra công cụ ở tinh tinh. Phát hiện này đã làm thay đổi quan điểm trước đó của khoa học khi cho rằng con người là động vật duy nhất biết làm ra công cụ. Hình ảnh Jane Goodall nô đùa với tinh tinh như người mẹ âu yếm đứa con đã trở thành biểu tượng của toàn thế giới về sự xóa bỏ khoảng cách giữa con người và động vật.