Mãi mãi la bao lâu là gì

Trong tác phẩm "Alice ở xứ sở thần tiên", tôi vẫn còn nhớ cuộc hội thoại này:

Alice: "Mãi mãi là bao lâu?" (How long is forever?)

Thỏ Trắng: Đôi khi, chỉ một giây. (Sometimes, just one second)

Có lẽ, trong cuộc sống này, chúng ta không thường dùng "mãi mãi" cho nhiều trường hợp. Thế nhưng, với tình yêu, "mãi mãi" vẫn là gam từ tuyệt đẹp, nó mang đến cho ta xúc cảm ngất ngây hạnh phúc tràn đầy, nhưng đôi khi là sự nghi vấn đi kèm nghi ngờ, hay sự chối gạt đi kèm không coi trọng. Đặc biệt cho những ai đã chịu tổn thương trong tình yêu, những ai sống thực tế và thực dụng, những ai không thường tin vào lời mật ngọt chốn đầu môi hay cho những ai vin vào định nghĩa vô thường của cuộc sống. 

Mãi mãi la bao lâu là gì

Thế nhưng, tôi tin vào "mãi mãi". Tôi tin vào mãi mãi không bởi vì tôi ngây thơ và lãng mạn cực đoan, không phải tôi dối lòng hay cố chấp, mà vì tôi tin "mãi mãi" với niềm tôn trọng tối đa và sự tin tưởng tuyệt đối dành cho người mình yêu. Không phải vì họ hoàn hảo, không phải vì họ tựa như bậc thánh nhân, không phải họ là thứ gì đó cao xa mà loài người bình thường không thể với tới, mà họ chính là họ. Họ chính là con người của họ và họ biết mình là ai khi họ thốt ra từ "mãi mãi". Anh yêu em mãi mãi. Anh yêu em, mãi mãi. 

Không kỳ vọng vào hai từ "mãi mãi", cũng không tôn thờ nó như một lời hứa trọn kiếp con người, mà là trân quý nó và coi đó là biểu hiện của tình yêu tột cùng, trong thời điểm người ta thốt ra nó và hành động người ta thể hiện nó. 

Trong tình yêu, người phụ nữ thường nghĩ rằng họ chịu tổn thương nhiều hơn, dễ nhạy cảm hơn và do đó cần được bảo vệ và che chở bởi người đàn ông mà họ yêu. Xét về bản năng, nó không sai. Bởi phụ nữ, suy cho cùng, cần được ôm ấp hơn ai cả. Thế nhưng, đàn ông cũng có những xúc cảm của riêng họ và khi đã yêu mãnh liệt, độ sâu đậm của họ đôi khi còn hơn cả những người phụ nữ. Phụ nữ thiên về xúc cảm, nhưng với đàn ông, họ thiên về thứ gì đó có thể gọi là linh hồn, khi họ gặp tình yêu đích thực. 

Dẫu tình yêu là một đề tài đẹp và là đề tài mà ta có thể nhắc tới, kể đi kể lại xuyên suốt cuộc đời mình thì đôi khi, đó chưa hề là sự ưu tiên trong cuộc sống vốn nhiều chiều dư luận, quy luật và định kiến. Tôi còn nhớ trong bộ phim La La Land, tác phẩm điện ảnh khắc họa tình yêu đẹp nhưng đời với kết thúc thật buồn giữa nàng Mia và anh chàng Seb. Cả hai, khi yêu, vẫn đang trầy trật trên con đường khẳng định chính mình. Dù yêu đương say đắm và ngọt ngào, nhưng cả hai con người vẫn đứng giữa vách ngăn lựa chọn cay đắng: hoa hồng hay bánh mì, tình yêu hay sự nghiệp? Một mái nhà tranh hai trái tim vàng đã không hề bị lãng mạn hóa trong bộ phim. Và họ đã bỏ lỡ nhau, vì chọn sự nghiệp. 5 năm sau, Mia trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng kẻ cất bước bên cô giờ đây là người đàn ông khác chứ không phải chàng Seb ngày nào. Họ gặp nhau, nhìn nhau, có lẽ sẽ có sự tiếc nuối, hay nhẹ lòng, vì những tình cảm "mãi mãi" năm xưa cũng đã mất tự hồi nào. Cuộc sống mà, chúng ta dường như được dạy bảo và tự dạy bảo để "move on" - tiến lên. 

Tình yêu là động lực cuộc sống, nhưng mất tình yêu cũng trở thành động lực cuộc sống. La La Land là một biểu hiện chứng minh cho vế sau. Tất cả chúng ta đều muốn cuộc đời của mình tốt đẹp hơn, khấm khá hơn, chúng ta có những ưu tiên, và chúng bao hàm những lựa chọn. Tuổi trẻ, không ít người gạt bỏ tình yêu sang một bên để khẳng định mình trên con đường sự nghiệp. Mỗi quyết định đều không sai hay không đúng, mà chỉ mong nó sẽ không gây tiếc nuối hay nặng nề lên bất cứ ai. Bởi rẳng, vẫn có những người đã lựa chọn tình yêu ngay cả khi họ còn trầy trật trên con đường ước mơ, vì khi tạo dựng tình yêu, họ có sức mạnh nhân đôi, thậm chí gấp bội. Đó được gọi là song kiếm hợp bích giữa hai cá thể trong một cuộc tình. 

Trong bộ phim Harry Potter, tôi còn nhớ, Dumbledore đã lặp đi lặp lại câu nói: "Harry, tình yêu là điều quan trọng nhất trong kho tàng vũ khí của cháu, bởi vì đó là thứ duy nhất cháu sở hữu mà Voldemort không có." Bởi vì, Voldemort chưa bao giờ yêu. Ông ta chỉ quan tâm đến việc những người khác phục vụ mình ra sao, và chính vậy, ông ta cũng chả thể hiểu bản chất vị tha hay tình yêu giúp con người vượt qua trở ngại như thế nào. 

Đừng quên, tình yêu là tiềm tàng và thuộc về bản năng trong mỗi chúng ta. Nhưng tình yêu cũng từng bị cấm đoán ở thời Hoàng Đế La Mã Claudius II, người ban hành đạo luật cấm các cặp đôi yêu nhau và kết hôn để thanh niên an tâm nhập ngũ. Thời điểm đó, Valentine cho rằng đây một đạo luật hết sức phi lý, đi ngược lại một trong những giá trị cốt yếu thuộc về quyền và cao hơn cả là bản năng của con người. Thế nên, sau khi Hoàng Đế ban hành điều luật, ông vẫn khuyến khích các cặp đôi yêu nhau, se duyên và đứng ra tổ chức đám cưới cho họ trong bí mật. Nhiều lần, ông tổ chức đám cưới trong những không gian nhỏ hẹp, đơn sơ và vỏn vẹn với một cây nến cùng cô dâu và chú rể. Lúc ấy,  ông chỉ có thể đọc thì thầm lời nguyện cho đám cưới của họ. Cũng trong một đêm tổ chức đám cưới bí mật như vậy, không may họ đã bị phát hiện. Đôi tình nhân kịp trốn thoát, nhưng Valentine bị bắt. Ông bị đưa ra tòa và bị kết án tử hình. Những ngày còn lại trong tù chờ xử tử, ông sống hoàn toàn vui vẻ và mãn nguyện. Nhiều thanh niên đến thăm ông. Họ ném hoa và những lá thư vào cửa sổ nhà tù để cảm ơn ông và cũng để cho ông biết rằng, họ cũng như ông, tin vào tình yêu. Có một cô gái thường đến nhà tù thăm và nói chuyện với ông hàng giờ liền. Trước ngày chết, ông chuyển cho cô gái một lá thư cảm ơn tình bạn, niềm tin và lòng trung thành của cô gái. Cuối lá thư ông ký tên, “From your Valentine” mà cho đến nay các cặp tình nhân vẫn có truyền thống ký tên bằng cụm từ này. Valentine bị xử tử vào ngày 14 tháng 2 năm 269. Và ngày 14 tháng 2, được chọn là Ngày Valentine kể từ năm 496, ngày của tình yêu lãng mạn. Bởi thế, Valentine’s Day là ngày tôn vinh giá trị cũng như sự hy sinh cho tình yêu chứ không phải ngày lễ cho những món quà trao tay hay màn yêu thương chớp nhoáng. 

Con người sẽ mãi mãi yêu như chính hàng trăm, hàng ngàn năm qua chúng ta vẫn luôn tiềm tàng bản năng ấy. Tình yêu sẽ chẳng thể diệt vong, dẫu cho chiến tranh xảy ra, dẫu cho thiên tai ập đến, thì những dữ kiện tiêu cực ấy sẽ càng chưng minh cho sức mạnh của tình yêu. 

Bạn có biết, tại công viên Mariinsky thuộc thành phố Kie, Ukraine có đặt bức tượng đồng mang tên “Tình yêu vĩnh cửu” với hình ảnh một người đàn ông ôm người phụ nữ trong vòng tay trìu mến, thân thương. Đằng sau tác phẩm khắc chạm thu hút lòng người ấy là câu chuyện cảm động thời thế chiến thứ 2 giữa người lính Ý Luigi Peduto và người phụ nữ Ukraine mang tên Mokryna Yurchuk. Vào năm 1943, ở lứa tuổi đôi mươi, Luigi và Mokryna gặp nhau trong trại tập trung ở Áo, nơi họ bị giam giữ bởi đội quân phát xít Đức. Anh là tù binh chiến tranh, còn cô là một trong hàng ngàn công nhân Ukraine buộc phải di dời khởi thành phố. Luigi chỉ biết vài tiếng Nga đơn sơ, còn Mokryna thì một chữ Italy bẻ đôi cũng không biết. Họ cùng làm việc ở xưởng may của trại, mặc cho rào cản ngôn ngữ và hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Luigi vẫn cố gắng thể hiện tình yêu ban đầu bằng cách tạo những đồ vật nhỏ xinh để tặng Mokryna. 

Nghịch cảnh chiến tranh đưa chàng và nàng đến với nhau, những đó cũng là lý do oan trái khiến cả hai phải chia lìa trong nước mắt. Vào năm 1945, khi đội quân Xô Viết tiến vào thành phố và giải phóng tù nhân, Luigi và Mokryna được tự do. Chàng muốn ở Ukraine để gần bên và chăm lo cho nàng nhưng không thể, vì trong thời điểm ấy, không một người ngoại quốc nào được phép ở lại Liên bang Xô Viết. Trớ trêu đưa đẩy, Luigi phải ra đi và mất liên lạc với Mokryna từ đó. 60 năm qua đi, dù cả hai đã có gia đình tại hai mảnh đất khác nhau nhưng rồi họ lại một mình khi bạn đời lìa xa. Vào năm 2003, Luigi gửi một bức thư lên chương trình truyền hình nước Nga “Wait for me” (Hãy chờ tôi), được phát sóng tại Ukraine với mục đích giúp khán giả tìm lại người thân đã mất tích, thông qua sự giúp đỡ của một phụ nữ Ukraine sống ở Naples, Italy. Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với người đàn ông kiên định ấy. Họ tìm thấy Mokryna tại ngôi làng nhỏ gần vùng trung Ukraine. Sau gần 6 thập kỷ tưởng chừng như vô vọng, họ lại gặp nhau tại chương trình truyền hình vào năm 2004. Cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc và nước mắt giữa hai người tóc bạc đã trở thành nguồn cảm hứng cho tuyệt tác điêu khắc “Tình yêu vĩnh cửu” nổi tiếng đặt tại công viên Mariinskyi, Kiev. 

Mãi mãi là bao lâu? Có một người phụ nữ đã từng bảo tôi khi tôi buông câu hỏi này: “Khoảnh khắc đó, thời điểm đó là mãi mãi.” 

Nếu có ai đó bảo bạn rằng “Anh hứa sẽ yêu thương em mãi mãi” từ tận đáy lòng, đừng xét nét, đừng nghi ngờ, và cũng đừng để lý trí phải tra cứu tận cùng sự thành thật cùng khả năng giữ lời hứa của người ấy, hãy cứ đón nhận nó, trân trọng nó và nâng niu nó. “Mãi mãi”, tôi tin, là biểu hiện của tình yêu thăng hoa và là sự tôn vinh của đối phương với mối quan hệ giữa hai người. Thời gian rồi sẽ làm con người thay đổi, có những “mãi mãi” chỉ còn là dĩ vãng, nhưng sẽ tuyệt vời biết bao nếu ta nhìn và hồi tưởng về nó như một vẻ đẹp vĩnh cửu diễn ra trong thời điểm ấy. Chúng ta có thể nói ra hai từ “mãi mãi” dễ dàng nhưng cũng đừng vì thế mà nói với ai đó “mãi mãi” một cách dễ dãi. Bởi rằng, yêu thương đích thực và nghiêm túc đâu chừa chỗ trống để dành cho những cá nhân tụng ca và lợi dụng lời ngon ngọt chốn đầu môi để lấy lòng và tan tỉnh đối phương.