Mẹo chữa bệnh chân không yên

Mẹo chữa bệnh chân không yên
Mẹo chữa bệnh chân không yên

Hội chứng chân không yên là một bệnh lý thần kinh, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống như gây khó chịu đến mất khả năng lao động. Giấc ngủ của người bệnh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Vậy hội chứng chân không yên là gì? Mời bạn tham khảo bài viết sau nhé.

Định nghĩa

Hội chứng chân không yên, hay còn gọi là hội chứng chân bồn chồn hoặc bệnh Willis-Ekbom (RLS/ WED), là một bệnh lý thần kinh làm cho đôi chân của người bệnh luôn trong trạng thái muốn vận động mà không kiểm soát được.

Hội chứng này làm đôi chân cảm thấy rất khó chịu khi đang ngồi hay nằm xuống. Người bệnh phải đứng lên và di chuyển để giảm bớt cảm giác khó chịu tạm thời. Những cảm giác này cũng có thể xảy ra đối với tay.

Hội chứng chân không yên thường xảy ra vào buổi tối hoặc đêm trong khi bạn đang ngồi hoặc nằm. Tình trạng buồn chân khi ngủ có thể phá vỡ giấc ngủ, kéo theo buồn ngủ ban ngày và làm cho đi lại khó khăn (buồn chân không ngủ được).

Những ai thường mắc hội chứng chân không yên (hội chứng chân bồn chồn hoặc bệnh Willis-Ekbom (RLS/ WED))?

Khoảng 10% dân số trên thế giới sẽ gặp phải hội chứng này tại một thời điểm nào đó trong đời. Hội chứng chân không yên có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, thậm chí cả trẻ nhỏ, nhưng phổ biến ở tuổi trung niên và người già. Tuổi càng cao, rối loạn này có xu hướng nặng hơn.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng chân không yên (hội chứng chân bồn chồn hoặc bệnh Willis-Ekbom (RLS/ WED)) là gì?

Cảm giác luôn bị thôi thúc phải vận động và không thể nào cưỡng lại được; có thể đi kèm với dị cảm như ngứa, bỏng rát hoặc kiến bò sâu bên trong chân, làm chân khó chịu khi ngủ. Người bệnh sẽ kéo dài chi, đá văng mạnh hoặc đi bộ để đỡ khó chịu hơn. Những cử động chân có thể giúp giảm đau tạm thời.

Thường thì cả hai bên cơ thể đều bị ảnh hưởng. Bởi vì những cảm giác này có thể lặp lại trong đêm và làm gián đoạn giấc ngủ nên bạn thường sẽ thấy rất mệt mỏi vào ngày hôm sau.

Triệu chứng thường xuất hiện khi họ nghỉ ngơi trong một thời gian dài hoặc vào ban đêm là chủ yếu.

Hội chứng chân không yên còn có thể liên quan đến tình trạng khác phổ biến hơn, được gọi là cử động tay chân theo chu kỳ ngủ, khiến chân bị co giật, đá văng trong đêm và có thể kéo dài suốt đêm.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nên gọi bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình mắc hội chứng chân không yên hoặc nếu các triệu chứng vẫn còn tiếp tục ngay cả khi đã điều trị bằng thuốc.

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng chân không yên (hội chứng chân bồn chồn hoặc bệnh Willis-Ekbom (RLS/ WED)) là gì?

Các nhà khoa học cho rằng hội chứng chân bồn chồn là do sự mất cân bằng của các chất dopamine não, là chất gửi tín hiệu điều khiển chuyển động cơ bắp. Về nguyên nhân tiềm ẩn hầu như không rõ ràng. Có một số thủ phạm đã được xác định gồm:

  • Di truyền: Nhiều người mắc hội chứng chân không yên có người thân trong gia đình đã từng mắc hội chứng này, đặc biệt là khi bệnh khởi phát trước 40 tuổi. Nguyên nhân do có sự khiếm khuyết gen trên các nhiễm sắc thể.
  • Phụ nữ tuổi trung niên và phụ nữ mang thai dễ mắc phải tình trạng này nhất. Thai kỳ hoặc sự thay đổi hormone có thể tạm thời làm nặng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Một số phụ nữ bị bệnh khi mang thai lần đầu tiên, đặc biệt xảy ra vào tam cá nguyệt thứ ba. Tuy nhiên triệu chứng buồn chân khi ngủ thường sẽ biến mất sau sinh.

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không yên?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hội chứng chân không yên, bao gồm:

  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên: những tổn thương thần kinh này ở bàn tay và bàn chân đôi lúc do bệnh lý mãn tính gây ra, chẳng hạn như tiểu đường và nghiện rượu.
  • Thiếu sắt: ngay cả khi không bị thiếu máu thì tình trạng thiếu sắt vẫn có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng chân tay bồn chồn khó ngủ. Nếu bạn có tiền căn xuất huyết dạ dày ruột, bị chảy máu nhiều trong kỳ kinh hoặc hiến máu nhiều lần thì bạn dễ bị thiếu sắt.
  • Suy thận: nếu bạn bị suy thận, bạn cũng có thể bị thiếu sắt, thường là đi kèm với thiếu máu. Khi chức năng thận hoạt động không tốt, lượng sắt dự trữ trong máu sẽ giảm xuống. Cùng với những thay đổi sinh hoá khác trong cơ thể, điều này có thể gây ra hoặc làm nặng thêm triệu chưungs bệnh.
  • Tổn thương tủy sống: chấn thương, tổn thương tủy sống vì nhiều nguyên nhân khác nhau có thể làm tăng nguy cơ gây hội chứng chân không yên.
  • Một số thuốc: như thuốc chống trầm cảm đôi khi khiến bệnh nặng hơn.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng chân không yên (hội chứng chân bồn chồn hoặc bệnh Willis-Ekbom (RLS/ WED))?

Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh thông qua việc bạn mô tả triệu chứng, khám lâm sàng và khám thần kinh. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để loại trừ các nguyên nhân khác, ví dụ như thiếu sắt. Nếu bệnh nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhập viện để theo dõi về giấc ngủ và các triệu chứng của bạn.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng chân không yên (hội chứng chân bồn chồn hoặc bệnh Willis-Ekbom (RLS/ WED))?

Mục tiêu của việc điều trị bệnh Willis-Ekbom (RLS/ WED) là làm giảm triệu chứng và cho phép bạn có giấc ngủ ngon. Bác sĩ có thể khuyến cáo biện pháp điều trị tại nhà và dùng thuốc. Thường thì phối hợp cả hai phương pháp này cho kết quả khá tốt. Một số thuốc có tác dụng tốt hơn những thuốc còn lại, vì vậy có thể cần phải thử vài lần để tìm được loại thuốc điều trị tốt nhất.

Thuốc có thể bao gồm:

  • Thuốc làm tăng dopamin trong não: như ropinirole, rotigotine, pramipexole; để điều trị hội chứng chân không yên từ trung bình đến nặng. Tuy nhiên, đôi khi dùng thuốc này một thời gian sẽ dần không hiệu quả và các triệu chứng sẽ quay trở lại. Lúc này, bác sĩ sẽ đổi cho bạn một loại thuốc khác.
  • Thuốc tác động đến kênh canxi: chẳng hạn như gabapentin, gabapentinosystemcarbil và pregabalin.
  • Thuốc opioid: những thuốc gây nghiện gồm tramadol, codein, oxycodon và hydrocodon có thể giảm các triệu chứng tay chân bồn chồn từ nhẹ đến nặng nếu sử dụng với liều lượng phù hợp.
  • Thuốc giãn cơ và thuốc an thần: những thuốc này giúp bạn ngủ ngon hơn nhưng không giúp triệu chứng bồn chồn ở chân mất đi. Hơn nữa, chúng có thể khiến bạn buồn ngủ vào ban ngày. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định khi không còn phương pháp nào khác.

Riêng phụ nữ có thai cần được cân nhắc cẩn thận khi dùng thuốc.

Hãy tránh sử dụng caffeine, thuốc lá và rượu trong suốt quá trình điều trị.

Nếu các triệu chứng nặng lên và việc điều trị không làm giảm triệu chứng, có thể bạn cần phải đén khám ở chuyên gia điều trị rối loạn giấc ngủ hoặc bác sĩ nội thần kinh – người chuyên điều trị các bệnh lý của hệ thần kinh.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Hội chứng chân bồn chồn có thể được hạn chế nếu bạn áp dụng những thói quen sinh hoạt sau đây:

  • Tập thói quen ngủ tốt và hợp lý: đi ngủ đúng giờ, tại một khoảng thời gian cố định mỗi tối;
  • Tập thể dục: đều đặn, cường độ vừa phải; không nên tập quá sức hoặc quá muộn trong ngày
  • Tìm hiểu các kỹ thuật thư giãn: chẳng hạn như tập yoga và phản hồi sinh học.
  • Hỏi bác sĩ về việc dùng băng quấn chân: chúng được thiết kế đặc biệt cho người có hội chứng chân không yên, nhằm tạo áp lực dưới bàn chân để giảm bớt triệu chứng.
  • Thử các phương pháp làm giảm tạm thời cảm giác chân khó chịu khi ngủ: đi lại hoặc duỗi chân ra, tắm bồn nước nóng hoặc nước ấm, mát-xa chân hoặc chườm nóng hay chườm lạnh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories. Ban 3in. Trang 674

Restless legs syndrome http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/restless-legs-syndrome/basics/definition/con-20031101 Ngày truy cập 28/09/2015

Restless Legs Syndrome Fact Sheet https://www.ninds.nih.gov/Disorders/Patient-Caregiver-Education/Fact-Sheets/Restless-Legs-Syndrome-Fact-Sheet#:~:text=Restless%20legs%20syndrome%20(RLS)%2C,sitting%20or%20lying%20in%20bed. Ngày truy cập 26/9/2021

Restless legs syndrome https://www.nhs.uk/conditions/restless-legs-syndrome/ Ngày truy cập 26/9/2021

Restless Legs Syndrome https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9497-restless-legs-syndrome Ngày truy cập 26/9/2021