Mô hình bác sĩ gia đình là gì năm 2024

Hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách.

Xuất phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, vì vậy, năm 2013, Bộ Y tế phê duyệt Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020”.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 6 Sở Y tế tổ chức thực hiện mô hình bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình tại địa phương và bước đầu đã thu được kết quả khả quan. Cụ thể, các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Khánh Hòa đã kiện toàn, thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình. Các phòng khám bác sỹ gia đình đã tham gia quản lý sức khỏe người dân, khám chữa bệnh thông thường hàng trăm nghìn lượt…

Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm, việc triển khai hoạt động bác sỹ gia đình ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình còn gặp khó khăn. Chưa hấp dẫn tư nhân tham gia thành lập phòng khám bác sỹ gia đình, nên các phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân còn quá ít. Chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân. Phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế. Chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất, bệnh án điện tử của phòng khám bác sĩ gia đình. Người dân còn chưa hiểu về mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, còn cho rằng bác sĩ gia đình là bác sĩ đến nhà thăm khám, chữa bệnh…

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Trần Quý Tường, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có cơ chế định giá cũng như thanh toán BHYT cho các dịch vụ trong mô hình hoạt động của bác sĩ gia đình. Ông dẫn ra mô hình bác sĩ gia đình của ngành y tế Thổ Nhĩ Kỳ, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là điểm sáng, để làm ví dụ như một trong những giải pháp mà ngành y tế nước ta cần học tập. Ở đây, các hoạt động của bác sĩ gia đình được chi trả bởi ngân sách nhà nước hoặc do BHYT chi trả. Trong hệ thống y tế ở Thổ Nhĩ Kỳ, không có “nhà thuốc” kinh doanh mua bán tại các bệnh viện như ở ta. Người bệnh được cấp phát thuốc theo chế độ BHYT. Tiền mua thuốc theo đơn cho bệnh nhân do các bác sĩ kê, được cơ quan bảo hiểm thanh toán. Điều này làm nên sự thanh sạch của nền y tế nước họ.

Tính ưu việt của mô hình bác sĩ gia đình đã được khẳng định trên thế giới và được Bộ Y tế nước ta lấy đó là một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cái thuận nhất trong việc triển khai này là ở ta có cả một hệ thống y tế cơ sở, có hơn 1.000 trạm y tế đến tận xã, phường mà theo như ông Trần Quý Tường nhận định, có đến 80% các hoạt động của nó “giống” như mô hình bác sĩ gia đình các nước khác. Số còn lại chỉ là sự khác biệt về cơ chế hoạt động, phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, cơ chế phát triển nguồn nhân lực…mà không phải khó đến mức chúng ta không giải quyết được.

Khó khăn tiếp theo mà ngành Y tế cho rằng đang rất vướng hiện nay đó là quan niệm của người dân khi có bệnh thường lên bệnh viện tuyến trên chứ ít đến y tế cơ sở gần nhất là trạm y tế. Bởi bác sỹ gia đình (BSGĐ) chính là tuyến khám chữa bệnh đầu tiên, nơi theo dõi sức khỏe ban đầu, sàng lọc và chữa trị những bệnh thông thường, chỉ những bệnh nặng, đòi hỏi sâu về chuyên môn thì bác sĩ gia đình mới chuyển đến tuyến 2 - 3 thuộc lĩnh vực chuyên môn, điều này sẽ giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên…

Nhìn chung, so với nhu cầu người bệnh, lượng khám chữa bệnh tại các phòng khám BSGĐ còn rất thấp. Cùng với đó, Phòng khám BSGĐ cũng chưa thu hút bác sĩ do vừa vất vả, vừa ít tiền. Trong khi đó, một trong những vướng mắc cơ bản là đào tạo BSGĐ khi hiện toàn quốc mới chỉ đào tạo được hơn 700 BSGĐ nên nhân lực còn quá mỏng.

Theo kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020: đến năm 2017, 100% các trường đại học y có đào tạo bác sĩ đa khoa phải thành lập, kiện toàn bộ môn hoặc khoa y học gia đình, có phòng khám BSGĐ; đến năm 2020, 100% phòng khám BSGĐ ứng dụng phần mềm tin học quản lý hoạt động và sử dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, có ít nhất 80% tỉnh, thành triển khai phòng khám BSGĐ.

Để tiếp tục phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình, giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chung của Kế hoạch là đến năm 2020, nhân rộng và phát triển phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện. Để đạt được mục tiêu chung, Kế hoạch đề ra 5 mục tiêu cụ thể, về hoàn thiện mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, về xây dựng chính sách, cơ sở pháp lý, về đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin và lộ trình thực hiện cụ thể.

Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu trên thì đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, bởi theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: để phát triển BSGĐ, nhiều quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chúng ta 3-5 lần cũng phải mất 10-15 năm. Chúng ta bây giờ mới bắt đầu xây dựng những chính sách, có tính chất là vừa làm vừa học tập, vừa hoàn thiện thì không thể một sớm một chiều làm thành công được./.