Múa lân có phải là di sản văn hóa không năm 2024

Tục múa lân ở Kiên Giang được hình thành từ quá trình cộng cư và chịu ảnh hưởng văn hóa của người Hoa. Lân được xem là một trong “tứ linh”, hình tượng của con lân gắn liền với sự may mắn và thành đạt, vì vậy trong các dịp lễ tết, cúng đình, cúng miếu, sự kiện lớn của gia đình như tân gia, động thổ, khai trương người dân thường rước đội lân về biểu diễn để tạo không khí náo nhiệt và cầu may mắn, thuận lợi trong công việc. Tục múa lân đã trở thành phong tục truyền thống của người Việt và người Hoa ở Kiên Giang không thể thiếu ở các dịp lễ, sự kiện lớn của gia đình và cộng đồng.

  1. Miêu tả hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể, không gian văn hóa liên quan:

Múa lân là một biểu diễn thể thao nghệ thuật cổ truyền điêu luyện độc đáo thường do các lò võ hoặc do ban trị sự đình, miếu lớn thành lập và bảo trợ. Đội lân thường được mời múa trong những ngày tết, ngày lễ lộc, đình đám, hội hè. Ở thành thị đội lân được tổ chức bài bản lớn, đôi khi đến hơn 30 người được huấn luyện công phu nhiều năm. Đội lân có dàn múa đầu, dàn chuyên múa đuôi, dàn âm nhạc gồm trống, chập chã, phèn la, dàn múa địa. Mỗi đội này có từ 2 - 5 đầu lân. Đội lân ở vùng nông thôn tổ chức có phần đơn giản, mỗi đội khoảng 5 người, chủ yếu là trống với lân - ông Địa. Nhưng ở thành thị, thường một đoàn múa lân có tới vài mươi người.

Một đội lân truyền thống được tổ chức hoạt động và biểu diễn theo một số nguyên tắc cơ bản, còn lại tùy vào thực tế của từng đội, nhu cầu của từng địa bàn hoạt động của đội có thay đổi cho phù hợp. Trưởng đoàn mặc áo dài, đội khăn đống, chân mang giầy vải, cầm thiệp hồng và tù và. Phó đoàn cũng mặc như vậy, chỉ khác là bưng khay trầu rượu. Các bài đều có những câu như: Cung chúc tân xuân, Phước lộc thọ, Vạn phú vạn quý, Bách niên giai lão, Bá niên trường thọ, An cư lạc nghiệp... Tất cả người trong đoàn đều mặc quần áo dân tộc đủ màu sắc sặc sỡ. Đội viên nam đầu quấn khăn, đội viên nữ đầu quấn tóc, chít khăn, chân mang giầy vải. Đội võ sĩ tay không, mặc quần quá gối, áo tay cụt, dây buộc lưng ngắn, chân không. Đội múa lân chân mang nghệch ghệt (tức là vải quấn chặt bắp chuối chân, còn gọi là xà cạp). Đội có từ 1 - 2 ông Địa mặc áo dài đỏ hoặc xanh, vàng, quần trắng ống cao ống thấp, cầm quạt mo, độn bụng bự, có khi có thêm vài người hóa trang khỉ, tay cầm thước bản. Đội trống nhạc thì có trống lớn, trống cơm, phèng la (đồng la, thanh la) lớn nhỏ, chập chã, chập cheng, phách, "cái beng", kèn, tiêu cò nhị. Đội chuyên cụ gồm có những cây tre có mắt dài 20cm, đầu tre có thể nối lại dễ dàng để lân leo cao và những cây tre có lỗ xỏ để làm bè cho lân qua ao, hồ, kinh, rạch. Trong đội đôi khi còn có thêm 1 thầy thuốc giỏi chữa các bệnh gãy xương, té tức, chảy máu, cảm... Tùy vào cấp bậc thâm niên và vai vế “nghề nghiệp” của chủ đoàn, lân của đoàn sẽ có màu râu theo cấp bậc từ cao nhất đến thấp nhất: Bạch Lân (trắng), Huỳnh Lân (vàng), Xích Lân (đỏ), Thổ Lân (nâu), Thanh Lân (xanh), Hắc Lân (đen).

Để có thể đi múa, đội lân cần tập luyện rất nhiều để thành thục từng động tác, điệu nhạc. Có một số điệu cơ bản: Lân ra mắt, lân lạy, lân múa dưới sân, lân leo múa trên cao, lân ăn, lân ngủ, lân thức, lân lăn, lân nhào, lân nhảy pháo, lân đi đường, lân nhảy qua ao (hoặc kinh, rạch). Có nhiều nhà chơi cắc cớ, nhét tiền vô trái dừa tươi hay khô cho lân ăn; treo tiền trên cao khoảng 15m - 20m cho lân leo lấy. Riêng người cầm giũ đuôi lân ngắn nhất là 4m, dài nhất là 20m - 30m, ông Địa cũng múa ăn nhịp với lân để gây thêm tính vui nhộn cũng phải tập luyện rất công phu.

Trước đây theo lệ thường dịp tết, khi đoàn lân đến 1 địa phương nào đó trước tiên đến múa ở đình làng gọi là để chúc tết một vị quan nhất ở địa phương đã quá vãng, kế đến múa chúc tết các nhà quan còn sanh tiền, sau cùng là múa chúc tết các nhà dân. Nghi thức thực hiện bài bản từ đầu đến cuối. Ông từ giữ đình làng phải mở cửa từ sáng sớm, thắp nhang đèn, đánh chuông liên hồi. Các hương chức tề tựu đủ mặt đứng dọc hai bên cửa chánh vào đền thờ thần để rước lân. Đoàn lân đến đình, chủ đoàn xá xá các hương chức, thẳng đến nơi thờ thần thắp nhang, đánh chuông, quỳ lạy và để lên trên đó một tấm thiệp, bên trong có ghi mấy chữ mang ý nghĩa chúc tụng rồi trở ra trao cho từng hương chức, mỗi người một tấm thiệp. Phó đoàn cũng làm như trưởng đoàn rồi rót rượu vào chén thờ thần, để lên đó một miếng trầu cau đã têm sẵn, trở ra rót rượu mời, đồng thời biếu cho mỗi hương chức một miếng trầu như vậy. Mỗi hương chức để lên khay phó đoàn một phong giấy hồng, trong đó có tiền. Xong, chủ đoàn thổi tù và dài, cờ phướn bày dài dọc hai bên, những người cầm khí giới biểu diễn trước, những võ sĩ tay không biểu diễn (đánh quyền) sau. Tiếng trống nhạc phải hợp vào các điệu biểu diễn. Báo hiệu chấm dứt tiết mục trên, tiếng trống lớn nổi lên dồn dập, rộn rã tưng bừng. Lân và ông Địa lạy ba lạy bắt đầu múa theo các bài. Đôi khi theo yêu cầu của chủ nhà, đoàn lân sẽ biểu diễn thêm tiết mục hai lân giao đấu. Sau khi lân lạy ba lạy từ giã, chủ đoàn thổi tù và, đội cờ, phướn, bài chạy xếp hàng ngay ngắn như cũ, đội trống nhạc và đội chuyên cụ dạt hai bên nhường đường cho lân múa quay lại. Trưởng đoàn thổi tù và lần nữa, đoàn bắt đầu lên đường. Đến nhà khác, đoàn cũng làm như vậy.

Hiện nay các đoàn lân đã thay đổi nhiều, số lượng người theo đoàn không còn nhiều, đặc biệt không có đội viên nữ. Nghi thức và bài bản múa cũng giản tiện hơn nhiều mang tính gây náo nhiệt giúp vui là chính. Chỉ còn vài đội lân lớn do các chùa, đình lớn bảo trợ mới duy trì hoạt động phục vụ mang tính nghệ thuật. Những đoàn này có kết hợp thêm múa rồng để tạo sức hấp dẫn và đa dạng bài bản phục vụ theo yêu cầu. Đặc biệt ở Kiên Giang vào ngày lễ cúng đình Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá luôn có tổ chức hội thi múa lân, thời gian gần đây tổ chức thêm múa sư (sư tử) - rồng.

  1. Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể: Là phong tục truyền thống vẫn còn thực hành trong cộng đồng dân cư.
  1. Nguy cơ hoặc nguyên nhân mai một của di sản văn hóa phi vật thể: Có nhiều biến đổi nhưng vẫn giữ nguyên giá trị phong tục truyền thống.

6. Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể với đời sống cộng đồng:

Cấp độ ảnh hưởng: o Quốc gia þ Tỉnh o Địa phương

Hiện trạng hoạt động:o Đang phát triển o Bình thường þ Đang suy giảm

Tác động đến cộng đồng: þTốt o Bình thường o Xấu

7. Các biện pháp bảo vệ hiện có và đề xuất của chủ thể để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể: Cần vận động tổ chức theo nếp sống văn minh, tránh lãnh phí, giảm bớt những lệ mang tính gia giáo lạc hậu.

Chủ đề