Phiếu đánh giá viên chức 2022 của phó hiệu trưởng

Phiếu đánh giá viên chức 2022 của phó hiệu trưởng


UBND THỊ XÃ PHỔ YÊN

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:/PGDĐT-TCCB

V/v đánh giá, xếp loại công chức,

viên chức và đánh giá, xếp loại theo Chuẩn năm học 2016 - 2017

Phổ Yên, ngàytháng 4 năm 2017

Kính gửi: Hiệu trưởng các đơn vị Mầm non, Tiểu học, THCS.

          Căn cứ Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức;

          Căn cứ các văn bản hiện hành quy định về đánh giá xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo,

Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị thực hiện việc đánh giá xếp loại công chức, viên chức và đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp năm học 2016 - 2017 như sau:

Việc đánh giá, xếp loại đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị giáo dục được thực hiện vào cuối năm học, theo 2 kênh khác nhau: đánh giá, xếp loại công chức, viên chức theo quy định của Bộ Nội vụ và đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

          I. Đánh giá, xếp loại công chức, viên chức theo Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức

1. Đối với công chức (Hiệu trưởng)

1.1. Về nội dung đánh giá (theo mẫu số 02)

          Theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật Cán bộ, công chức việc đánh giá công chức được thực hiện theo các nội dung sau đây:

          - Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;

- Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

- Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;

- Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;

- Thái độ phục vụ nhân dân.

Đối với công chức lãnh đạo, quản lý, ngoài các nội dung nêu trên còn được đánh giá theo các nội dung sau đây (Khoản 2 Điều 56 Luật Cán bộ, công chức):

- Kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý;

- Năng lực lãnh đạo, quản lý;

- Năng lực tập hợp, đoàn kết công chức.

1.2. Về thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức đánh giá cấp phó của người đứng đầu, công chức thuộc quyền quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.

- Thẩm quyền đánh giá người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.

1.3. Về phân loại đánh giá

Theo quy định tại Điều 58 Luật Cán bộ công chức và các Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 của Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, căn cứ vào kết quả đánh giá, công chức được phân loại theo các mức như sau:

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ;

- Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực;

- Không hoàn thành nhiệm vụ.

1.4. Về trình tự thủ tục đánh giá đối với công chức là Hiệu trưởng.

- Công chức viết báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mục I, Mẫu số 02.

- Công chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp toàn thể các thành viên nhà trường để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Ý kiến góp ý được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

- Cấp ủy chi bộ nhà trường nơi công chức công tác có ý kiến bằng văn bản về công chức được đánh giá, phân loại.

- Trưởng phòng GDĐT quyết định đánh giá, phân loại đối với Hiệu trưởng sau khi tham khảo ý kiến của cấp ủy đảng chi bộ nơi công chức công tác và biên bản đóng góp ý kiến của tập thể nhà trường.

- Thông báo kết quả đánh giá, phân loại cho công chức theo quy định tại Điểm a khoản 1, Điều 7, Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.

2. Đối với viên chức

1. Về nội dung đánh giá (theo Mẫu số 03A, 03B)

          Theo quy định tại Khoản 1, Điều 41, Luật Viên chức, việc đánh giá viên chức được thực hiện theo các nội dung sau đây:

- Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết;

- Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp;

- Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức;

- Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.

Đối với viên chức quản lý, ngoài các nội dung nêu trên, việc đánh giá còn được thực hiện theo các nội dung sau đây (Khoản 2 Điều 41 Luật Viên chức):

- Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ;

- Kết quả hoạt động của đơn vị được giao quản lý, phụ trách.

2.2. Về thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức đánh giá cấp phó của người đứng đầu, viên chức thuộc quyền quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.

2.3. Về phân loại đánh giá

Theo quy định tại Điều 42 Luật Viên chức và các Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28 của Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, căn cứ vào nội dung đánh giá, viên chức được phân loại theo các mức như sau:

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ;

- Hoàn thành nhiệm vụ;

- Không hoàn thành nhiệm vụ.

2.4. Về trình tự thủ tục đánh giá

a) Đối với viên chức giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng

- Viên chức viết báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mục I, Mẫu số 03A.

- Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp toàn thể các thành viên nhà trường để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Ý kiến góp ý được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

- Hiệu trưởng đánh giá, phân loại đối với Phó hiệu trưởng sau khi tham khảo ý kiến của cấp ủy đảng và biên bản góp ý của tập thể nhà trường.

- Thông báo kết quả đánh giá, phân loại cho viên chức theo quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 7, Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.

b) Đối viên chức không giữ chức vụ quản lý (giáo viên, nhân viên)

- Viên chức viết báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mục I Mẫu số 03B.

- Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp toàn thể các thành viên nhà trường để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Ý kiến góp ý được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

- Hiệu trưởng quyết định đánh giá, phân loại đối với viên chức sau khi tham khảo các ý kiến đóng góp của tập thể cơ quan, đơn vị.

- Thông báo kết quả đánh giá, phân loại cho viên chức theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.

3. Đánh giá đối với cán bộ hợp đồng

(Bao gồm Giáo viên, nhân viên hợp đồng có xác định thời hạn và hưởng lương ngân sách )

3.1. Về nội dung đánh giá ( mẫu số 3C )

          Việc đánh giá cán bộ hợp đồng được thực hiện theo các nội dung sau đây:

          - Chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;

- Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

- Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;

- Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;

- Thái độ phục vụ nhân dân.

3.2. Về thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hợp đồng thực hiện việc đánh giá, phân loại cán bộ hợp đồng đang công tác tại cơ quan, đơn vị mình và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.

3.3. Các mức đánh giá, phân loại

Căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ hợp đồng được phân loại theo các mức như sau:

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ;

- Hoàn thành nhiệm vụ;

- Không hoàn thành nhiệm vụ.

3.4. Về trình tự thủ tục, đánh giá:

- Cán bộ hợp đồng viết báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo mẫu số 03C.

- Cán bộ hợp đồng trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp toàn thể các thành viên nhà trường để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Ý kiến góp ý được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

- Hiệu trưởng quyết định đánh giá, phân loại đối với cán bộ hợp đồng sau khi tham khảo các ý kiến đóng góp của tập thể cơ quan, đơn vị.

- Thông báo kết quả đánh giá, phân loại cho cán bộ hợp đồng theo quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 7 Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.

4. Lưu ý

4.1. Kể từ năm 2016, nếu kết quả đánh giá công chức, viên chức được xếp loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thì được tính ngang bằng với danh hiệu thi đua Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở trong việc xét nâng lương trước thời hạn. Do vậy các nhà trường khuyến khích cán bộ, giáo viên viết đề tài, SKKN trình Hội đồng SKKN thị xã xét công nhận vì đây là một trong các điều kiện để đánh giá công chức, viên chức, cán bộ hợp đồng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

4.2. Không thực hiện việc lấy phiếu của tập thể công chức trong đơn vị về việc phân loại đánh giá đối với công chức quản lý khi họp kiểm điểm công tác hàng năm.

4.3. Không thực hiện việc lấy phiếu của tập thể viên chức trong đơn vị về việc phân loại đánh giá đối với từng viên chức quản lý và viên chức khác khi họp kiểm điểm công tác hàng năm.

4.4. Việc đánh giá Công chức, viên chức cần thực hiện theo đúng các quy định và khi phân loại đánh giá công chức, viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định,  trong đó lưu ý  điểm đ Điều 25 đối với viên chức và điểm h, Điều 18 đối với công chức được quy định tại Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.

II. Đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên theo Chuẩn CBQL và chuẩn nghề nghiệp của giáo viên

1. Đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng trường Mầm non:

- Thực hiện theo Thông tư số 17/2011/TT-BGDĐT ngày 14/4/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Quy định Chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non.

- Công văn số 3619/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 02/6/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng trường mầm non theo Thông tư số 17/2011/TT-BGDĐT.

2. Đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng trường Tiểu học:

- Thực hiện theo Thông tư số 14/2011/TT-BGDĐT ngày 08/4/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Quy định Chuẩn Hiệu trưởng trường tiểu học;

- Công văn số 3256/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 17/5/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng trường tiểu học theo Thông tư số 14/2011/TT-BGDĐT.

3. Đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở:

- Thực hiện theo Thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT ngày 22/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Quy định Chuẩn Hiệu trưởng trường THCS, THPT và phổ thông có nhiều cấp học;

- Công văn số 430/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 26/01/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng trường Trung học theo thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT.

4. Đánh giá theo Chuẩn Phó hiệu trưởng trường MN, TH và THCS:

- Thực hiện theo Công văn số 630/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 16/02/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn đánh giá, xếp loại Phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông và phó giám đốc TT GDTX.

- Công văn số 2620/SGD&ĐT-TCCB ngày 19/10/2012 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên hướng dẫn đánh giá, xếp loại phó hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông, phó Giám đốc các trung tâm GDTX, KTTH-HN.

5. Đánh giá, xếp loại giáo viên Mầm non:

- Thực hiện theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22/01/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Mầm non.

- Công văn số 1700/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 26/3/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non theo quyết định số 02/2008/QĐ-BGDĐT.

6. Đánh giá, xếp loại giáo viên Tiểu học:

- Thực hiện theo Quyết định số 14/2007/QĐ- BGDĐT ngày 04/05/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Tiểu học.

- Công văn số 616/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 05/02/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tổ chức thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên.

7. Đánh giá, xếp loại giáo viên Trung học cơ sở:

- Thực hiện theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT ngày 22/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học cơ sở, giáo viên Trung học phổ thông.

- Công văn số 660/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 09/02/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đánh giá, xếp loại giáo viên trung học theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT.

III. Quy trình đánh giá

1. Đánh giá chuẩn Hiệu trưởng

Người được phân công chủ trì hội nghị là Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Việc lựa chọn người chủ trì hội nghị thông qua hình thức biểu quyết trong Hội đồng sư phạm nhà trường.

Trình tự các bước thực hiện như sau:

Bước 1. Hiệu trưởng tự đánh giá, xếp loại

Bước 2. Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia góp ý và đánh giá hiệu trưởng

Bước 3. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá, xếp loại hiệu trưởng.

2. Đánh giá chuẩn Phó Hiệu trưởng

Quy trình đánh giá chuẩn Phó Hiệu trưởng thực hiện theo Công văn số 630/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 16/02/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn đánh giá, xếp loại Phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông và phó giám đốc TT GDTX.

 Người được phân công chủ trì hội nghị là Hiệu trưởng nhà trường.

Trình tự các bước thực hiện như sau:

Bước 1. Phó Hiệu trưởng tự đánh giá, xếp loại

            Phó Hiệu trưởng tự đánh giá, xếp loại theo mẫu phiếu (Phụ lục I ban hành theo Thông tư Chuẩn Hiệu trưởng) sau khi đã chỉnh sửa cho phù hợp và báo cáo kết quả trước tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường;

Bước 2. Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia góp ý và đánh giá Phó Hiệu trưởng

            Cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ hữu của nhà trường đóng góp ý kiến và tham gia đánh giá Phó Hiệu trưởng theo mẫu phiếu (Phụ lục II ban hành theo Thông tư Chuẩn Hiệu trưởng);

Bước 3. Hiệu trưởng đánh giá, xếp loại Phó Hiệu trưởng.

            Các Phó Hiệu trưởng khác, đại diện Chi bộ, Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của nhà trường, với sự chứng kiến của Phó Hiệu trưởng được đánh giá, tổng hợp các ý kiến đóng góp và kết quả tham gia đánh giá Phó Hiệu trưởng của cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ hữu của nhà trường; phân tích các ý kiến đánh giá đó và có nhận xét, góp ý cho Phó Hiệu trưởng theo mẫu phiếu (Phụ lục III ban hành theo Thông tư Chuẩn Hiệu trưởng).

III.  Tổ chức thực hiện:

 1. Yêu cầu các đơn vị triển khai các văn bản quy định đánh giá, xếp loại công chức, viên chức theo Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức; các văn bản về đánh giá CBQL, Giáo viên theo chuẩn; tổ chức thực hiện đánh giá đúng quy trình, quy định và lưu trữ hồ sơ đầy đủ.

          2. Việc tổng hợp đánh giá, xếp loại công chức, viên chức và đánh giá, xếp loại theo Chuẩn năm học 2016 - 2017, do đồng chí Trưởng ban thanh tra nhân dân của các nhà trường làm tổ trưởng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin tổng hợp.

2. Thời gian nộp báo cáo

          Trưởng ban thanh tra nhân dân các nhà trường gửi báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại theo biểu mẫu bằng văn bản ký đóng dấu và gửi bản mềm về Phòng Giáo dục qua bộ phận Tổ chức cán bộ và địa chỉ Email: : Trước ngày 25/5/2017.

3. Biểu mẫu báo cáo nộp về Phòng Giáo dục và đào tạo

3.1. Đánh giá xếp loại theo quy định của Bộ Nội vụ

- Phiếu đánh giá công chức (Mẫu số 02 đối với Hiệu trưởng);

- Phiếu đánh giá viên chức (Mẫu số 3A đối với Phó Hiệu trưởng; mẫu 3B đối với giáo viên và nhân viên);

- Phiếu đánh giá cán bộ hợp đồng ( Mẫu 3C);

- Biên bản tiến trình cuộc họp đánh giá công chức, viên chức và cán bộ hợp đồng (01 bộ nộp về Phòng Giáo dục và Đào tạo, 01 bộ lưu trong hồ sơ nhà trường)

3.2. Đánh giá xếp loại theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Hồ sơ đánh giá Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ cần đóng thành bộ, theo năm học và được lưu 01 bộ tại đơn vị. (riêng  hồ sơ đánh giá Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng gửi về Phòng Giáo dục mỗi loại 02 quyển để Trưởng phòng đánh giá, xếp loại vào phụ lục số 4). 

- Biểu tổng hợp kết quả đánh giá theo mẫu số 1; 2; 3; 4; 5; 6  gửi kèm

- Biên bản tiến trình cuộc họp đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng (01 bộ nộp về Phòng Giáo dục và Đào tạo, 01 bộ lưu trong hồ sơ nhà trường)

Nhận được Công văn này đề nghị các đơn vị nghiên cứu các văn bản hướng dẫn có liên quan để thực hiện theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị trực tiếp trao đổi với Bộ phận Tổ chức cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo để được giải đáp./.

Nơi nhận:

- Như trên (Thực hiện);

- Lưu: VT, TCCB.

TRƯỞNG PHÒNG

Nguyễn Thị Lượng