Sau Trạng nguyên là gì

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép, đời Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 12 (1304), trong khoa thi Đình lấy Mạc Đĩnh Chi danh hiệu Trạng nguyên, Bùi Mộ làm Bảng nhãn, Trương Phóng làm Thám hoa, Nguyễn Trung Ngạn đỗ hoàng giáp; thì ba vị tam khôi được “dẫn ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố 3 ngày”.

Đến triều Lê, năm Đại Bảo thứ 3 (1442), đời Lê Thái Tông, sau khi thi Đình, nhà vua mới sai soạn văn dụng bia đề tên các tiến sĩ. “Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây”, “Toàn thư” viết. Triều đình cũng bắt đầu tổ chức lễ xướng danh, sau khi công bố các danh vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, các tiến sĩ và phụ bảng, nhà vua ban ăn yến, mũ áo, cân đai và cho vinh quy về làng, “việc thành lệ về sau”.

Các bộ sách về sau thống kê các thể lệ mà Tam khôi cũng như tất cả các tiến sĩ được hưởng có rất nhiều, từ Lệ xướng danh; Lệ đại thần chúc mừng tân khoa; Lệ rước và treo bảng vàng; Lệ ban áo mũ, cân đai, phẩm phục; Lệ đãi yến tiệc ở vườn Quỳnh Lâm; Lệ tân khoa nghe hát; Lệ ban cành hoa bạc; Lệ ban thưởng vật phẩm, tiền bạc. Lệ rước tân khoa đi chơi phố phường; Lệ phong tước trật; Lệ làm nhà cho tân khoa ở; Lệ vinh quy bái tổ…

Đến khoa thi năm Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông. “Toàn thư” chép: “Mùa hạ, tháng 4, thi hội cho các cử nhân trong nước. Ngày 27, vua ngự điện Kính Thiên, thân hành ra đầu bài văn sách hỏi về lý số. Cho bọn Phạm Đôn Lễ, Lưu Hưng Hiếu, Nguyễn Doãn Định ba người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Văn Cảnh 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Minh Đạo 29 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Tháng 5 ngày 21, triệu bọn tiến sĩ Phạm Đôn Lễ vào trong Đan Trì. Vua ngự điện Kính Thiên, các quan Hồng lô truyền lệnh gọi tên. Lại bộ ban ân mệnh. Lễ bộ bưng bảng vàng, rồi trống nhạc, rước ra ngoài cửa Đông Hoa treo lên. Xong rồi ty Mã cứu đem ngựa tốt đưa Trạng nguyên về nhà”. Như vậy, Phạm Đôn Lễ chính là Trạng nguyên đầu tiên được vua ban Lệ vinh quy bái tổ và được triều đình cấp ngựa công để cưỡi.

Năm 1502, đời vua Lê Hiến Tông, sử viết tiếp: “Mọi năm bảng vàng vẫn treo ở ngoài cửa Đông Hoa, đến nay vua sai Lễ bộ bưng ra, đánh trống nổi nhạc rước ra treo ở cửa nhà Thái học. Bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học bắt đầu từ đó”.

Trong sách “Khoa mục chí” trong bộ bách khoa “Lịch triều hiến chương loại chí” do nhà bác học Phan Huy Chú soạn cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, những nghi thức của các kỳ thi của triều Lê trung hưng được ghi chép đầy đủ. Theo đó, vào ngày xướng danh các tiến sĩ thông báo kết quả cuộc thi đình, tất cả các tân tiến sĩ đều được gọi vào hoàng thành yết kiến vua ở điện Thị Triều.

Vua Lê đội mũ xung thiên, mặc áo hoàng bào, đai ngọc, ngồi lên ngự tọa trên điện. Chúa Trịnh đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đai ngọc, ngồi ở ngự tọa bên trái nhà vua. Sau những nghi lễ chào mừng nhà vua và chúa, là lễ xướng danh. Quan nghi lễ đem bảng vàng ghi danh các tiến sĩ đứng tựa về phía Đông. Xướng danh xong, quan nghi lễ dẫn các tiến sĩ vào quỳ giữa ngự đạo. Quan bộ Lễ đến giữa ngự đạo, quỳ xuống rồi đọc: Niên hiệu, năm, tháng, ngày, bọn chúng tôi phụng sắc cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (tam khôi, gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) mấy người, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất (Hoàng giáp) thân mấy người, đệ tam giáp tiến sĩ đồng xuất thân (dân gian vẫn gọi chung là tiến sĩ) mấy người.

Sau đó, quan bộ Lễ cùng các quan nghi lễ mang bảng vàng từ sân rồng đi ra, có trống và nhạc đi trước, rước bảng vàng đến cửa nhà Thái học, treo lên. Buổi lễ hoàn thành, vua Lê về điện riêng, chúa Trịnh về phủ.

Nghi lễ ban áo, mũ, đai cho các tiến sĩ lại diễn ra vào một ngày khác. Ngày đó, các tân tiến sĩ vào điện quỳ cảm tạ vua, rồi bộ Lễ tâu xin được đưa họ ra cửa Đoan Môn để ban phát áo, mũ. Mỗi người được phát một áo, một mũ và một đai áo. Như vậy, các tân tiến sĩ đều phải tự trang bị hia để đi trong các dịp này. Áo, mũ, đai của các tiến sĩ do triều đình sản xuất. “Lịch triều hiến chương loại chí” cho biết có thời gian, các vị tam khôi, tiến sĩ còn được nhà vua ban thưởng thêm cành hoa bạc. Tiền để mua vải, bộ Hộ lĩnh ở Hộ phiên (cơ quan có trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản thuộc về phủ chúa), còn bạc thì lĩnh ở hiệu Thị nhị, đem về chuyển cho các cơ quan thuộc bộ Công đúc hoa, may áo, mũ, chế tác đai.

Sau khi quỳ lạy vua ban áo mũ, các tân tiến sĩ sang phía Đông cửa Đoan Môn để mặc áo, đóng đai, đội mũ. Chỉnh đốn trang phục xong, quan nghi lễ dẫn các tiến sĩ đến giữa ngự đạo bái tạ nhà vua, sau đó lại được dẫn sang Thái miếu làm lễ 5 lạy, 3 vái để báo cáo với tổ tiên các vua Lê nữa là xong.

Việc ban yến cho các tân tiến sĩ được tổ chức ở công đường bộ Lễ. Trước khi ăn yến, các tiến sĩ phải làm lễ vọng nhà vua với 5 lạy, 3 vái. Theo sách “Quốc dụng chí” trong bộ sách của Phan Huy Chú thì chuẩn bị cho lễ ban yến, bộ Hộ sẽ lĩnh tiền gạo, muối mắm và dầu thắp từ Hộ phiên rồi phát cho Thái quan thự và Lương uẩn cục, tức các cơ quan chuyên lo việc cỗ bàn, để làm cỗ.

Trước khi vinh quy, tam khôi cũng như toàn thể các tiến sĩ lại mặc áo đóng đai mới được ban vào điện nhà vua để lạy tạ bệ từ nhà vua.

Cũng từ triều vua Lê Thánh Tông, sau khoa thi năm 1472, triều đình mới định phẩm hàm cho các tiến sĩ. Khoa này, Vũ Kiệt đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên). Nhà vua sắc cho từ lúc này, Trạng nguyên được hàm chánh lục phẩm, Bảng nhãn được hàm tòng lục phẩm, Thám hoa được hàm chánh thất phẩm. Các Hoàng giáp được ban hàm tòng thất phẩm, còn tiến sĩ đều hàm chánh bát phẩm. “Tiến sĩ có tư cách (phẩm hàm) bắt đầu từ đây”, “Toàn thư” chú thích.

Lịch sử khoa cử nước ta bắt đầu vào năm 1075, khi vua Lý Nhân Tông cho mở kỳ thi đầu tiên lấy tên là “Minh kinh bác học và nho học tam trường”.

Tại kỳ thi này, triều đình nhà Lý lấy đỗ 20 người. Người đỗ đầu kỳ thi (thủ khoa) là Lê Văn Thịnh, quê huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Làm quan sau khi đỗ đạt

Ban đầu, ông là thầy dạy của vua, sau đó thăng dần tới các chức quan khác nhau như nội cấp sự, thị lang bộ binh rồi cuối cùng là thái sư - chức quan đứng đầu triều đình.

Là vị thủ khoa đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước nhà, Lê Văn Thịnh có nhiều đóng góp cho dân tộc trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật là việc ông đòi lại cho nhà Lý vùng đất gồm 6 huyện và 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) do nhà Tống chiếm giữ.

Sau Lê Văn Thịnh, thủ khoa nổi tiếng thứ hai là Nguyễn Quán Quang - người được khắc tên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tư cách trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước nhà.

Nguyễn Quán Quang cũng là người Bắc Ninh. Ông đỗ trạng nguyên vào năm 1246. Dù năm 1247 triều đình nhà Trần mới chính thức lấy danh hiệu trạng nguyên, Nguyễn Quán Quang vẫn được suy tôn là trạng nguyên đầu tiên vì ông đỗ đầu ở kỳ thi trước đó chỉ một năm.

Cũng như Lê Văn Thịnh, sau khi đỗ đầu, Nguyễn Quán Quang đã có nhiều đóng góp to lớn cho triều Trần. Ông từng “đuổi giặc Mông Cổ chỉ bằng một viên đá” và làm quan đến chức tể tướng.

Sau Trạng nguyên là gì

Đền thờ trạng lương Lương Thế Vinh hiện đặt tại xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, Nam Định.

Thủ khoa trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng nước nhà là Nguyễn Hiền. Ông quê ở xã Nam Trực, huyện Nam Thắng, tỉnh Nam Định ngày nay. Sinh năm 1234, Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên năm 1247 khi mới chỉ 13 tuổi. Đây chính là kỳ thi đầu tiên trong lịch sử nước ta, triều đình định ra chế Tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa).

Vì đỗ trạng lúc còn quá bé, Nguyễn Hiền được vua Trần Thái Tông cho về nhà 3 năm tu dưỡng, chờ khi lớn ra làm quan cho triều đình. Sau này, ông ra làm thượng thư bộ công, nhưng tiếc là nhân tài mệnh yểu, ông mất khi mới 21 tuổi.

Đó là 3 trong rất nhiều người đỗ đầu mà nền giáo dục nước nhà từng sản sinh ra bên cạnh những kỳ tài như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Điểm chung của họ là đều đỗ thủ khoa và về sau đều trở thành rường cột của nước nhà.

Lịch sử khoa bảng nước ta từ năm 1075 đến 1919 có tổng cộng 184 kỳ thi, tương đương 184 người đỗ đầu. Trong đó, 54 người đạt danh hiệu trạng nguyên, 2.785 người đỗ tiến sĩ.

Theo quy chế thi cử, tất cả người đỗ đạt sẽ được triều đình bổ nhiệm làm quan. Trong đó, thủ khoa thường giữ những chức vụ cao. Gần như tất cả 184 thủ khoa đều làm quan trong triều.

Nhiều người được triều đình trọng dụng, giữ chức vụ rất cao, tiêu biểu như các thủ khoa Lê Văn Thịnh, Nguyễn Quán Quang, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Vũ Kiệt, Nguyễn Đăng Đạo…

Một số ít người không ra làm quan, tiêu biểu như cụ Nguyễn Khuyến, hoặc một số người vì những lý do khác nhau đã cáo quan về ở ẩn, mở trường dạy học như trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Học trò xưa học thế nào để đỗ thủ khoa?

Để đứng đầu kỳ thi Đình (chọn ra trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa…), học trò ngày xưa phải vượt qua hàng chục nghìn sĩ tử trên cả nước. Họ phải tích lũy được khối lượng kiến thức đồ sộ, dàn trải trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo một số tài liệu còn lưu lại, khi 6 đến 7 tuổi, trẻ đã bắt đầu học về sách Sơ học vấn tân, Tam tự kinh (kinh ba chữ), Tứ tự kinh (kinh 4 chữ), Ngũ ngôn (văn vần 5 chữ). Học trò tập làm văn, làm câu đối 2 chữ, 4 chữ, biết phân biệt vần trắc và bằng…

Khoảng 10 tuổi, học trò làm quen những sách kinh điển của Nho giáo, như Tứ thư, Ngũ kinh, rồi Bắc sử (sử Trung Quốc), Nam sử (sử nước ta).

Ngoài ra, trẻ còn phải đọc sách Bách gia chư tử của các triết gia Trung Quốc thời cổ đại, Đường thi, Tống thi, những áng văn tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc.

Tất cả nội dung đó, học trò phải thuộc lòng, quên một chữ thì tìm thầy để hỏi. Tất nhiên, để thi cử đậu đạt, những kiến thức trên vẫn chưa đủ. Nó còn phụ thuộc nhiều vào việc vẫn dụng sáng tạo, linh hoạt vào nội dung của từng bài thi cụ thể.

Không chỉ học thuộc làu văn thơ, kinh sách, viết văn, làm thơ, vế đối, học trò còn phải biết soạn thảo các loại văn bản của triều đình.

Ngoài kiến thức, để trở thành thủ khoa, sĩ tử ngày xưa đã phải trải qua những kỳ thi tuyển chọn cực kỳ khốc liệt với nhiều kỳ thi khác nhau như thi Hương, thi Hội, thi Đình. Mỗi kỳ thi thường có tới 5 vòng thi khác nhau.

Thủ khoa là người đỗ đầu, kỳ thi nào cũng có. Trạng nguyên là do quy đình của triều đình. Chỉ giai đoạn từ 1247-1736, triều đình mới lấy trạng nguyên (đỗ đầu nhưng phải đạt điểm tuyệt đối). Từ năm 1075-1246 và từ 1736-1919, không có ai đạt danh hiệu trạng nguyên. 

Trong giai đoạn từ 1736-1802, tuy các kỳ thi vẫn được tổ chức, không có ai đạt điểm để được công nhận là trạng nguyên.

Dưới thời Nguyễn, triều định quy định không lấy trạng nguyên. Thay vào đó, những ai đỗ đầu kỳ thi Đình sẽ được gọi là Đình nguyên Tiến sĩ.

Theo quy chế thi cử ngày xưa, người muốn đỗ trạng nguyên phải đạt điểm tuyệt đối (10 điểm) trong kỳ thi Đình; đạt 9 điểm đỗ bảng nhãn; đạt 8 điểm đỗ thám hoa.

Kỳ thi nào không có ai đạt điểm tuyệt đối, triều đình sẽ không lấy trạng nguyên của kỳ thi đó.

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)