So sánh luật hôn nhân gia đình 2000 và 2023 năm 2024

Một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Sau hơn 7 năm thi hành, Luật đã thực sự đi vào đời sống, tác động tích cực đến việc đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, nhận thức về pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên. Các quan hệ pháp lý về hôn nhân và gia đình được đảm bảo, giữ gìn và phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 7 năm thi hành, Luật đã thực sự đi vào đời sống, tác động tích cực đến việc đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, nhận thức về pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên. Các quan hệ pháp lý về hôn nhân và gia đình được đảm bảo, giữ gìn và phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, Luật cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, chưa bảo đảm tính khái quát và đầy đủ về cơ sở pháp lý trong giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, cụ thể một số vướng mắc như sau:

1. Về điều kiện kết hôn

Luật HNGĐ quy định tuổi kết hôn của nữ là đủ 18 tuổi, tuổi kết hôn của nam là đủ 20 tuổi, quy định này đảm bảo sự phù hợp về độ tuổi thành niên, độ tuổi có đầy đủ năng lực, hành vi dân sự theo quy định tại Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, mặt khác đã góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn, sự bền vững của hôn nhân và gia đình cũng như chất lượng sinh sản. Tuy nhiên, việc quy định tuổi kết hôn chênh lệch của nam và nữ cũng đặt ra vấn đề về bảo đảm bình đẳng giới, về sự đồng bộ với năng lực hành vi dân sự của người thành niên trong Bộ luật Dân sự. Thực tiễn áp dụng quy định về tuổi kết hôn cho thấy tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số.

2. Về việc chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Đối với các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, theo hướng dẫn của Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/06/2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình thì những trường hợp này khi có tranh chấp giải quyết cho ly hôn như các trường hợp có đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, trong các giao dịch dân sự như trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, thừa kế trong lĩnh vực đất đai lại yêu cầu người dân phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn. Vấn đề này trên thực tiễn còn nhiều bất cập cần có sự hướng dẫn thống nhất của các văn bản pháp luật để thực thi một cách hiệu quả trong thực tiễn.

3. Đường lối giải quyết kết hôn trái pháp luật

Kết hôn trái pháp luật được hiểu là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng cả hai vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình. Ví dụ tại điểm c, khoản 2, Điều 5 quy định: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”. Việc này trên thực tế đã xảy ra khá nhiều ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình vốn đang tốt đẹp nhưng trên thực tiễn rất khó giải quyết. Trên thực tế đã có một số chế tài xử lý nhưng do sợ ảnh hưởng đến con cái, uy tín gia đình… mà người kia không tố giác, không đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết nên mặc dù có hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại không bị xử lý. Thậm chí có trường hợp cơ quan có thẩm quyền biết thì cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, vận động, khuyên giải mà thôi. Do đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, đưa ra cách thức giải quyết kết hôn trái pháp luật có hiệu quả.

4. Đại diện giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con và giữa các thành viên khác của gia đình

Phần quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con còn quá chung chung, không cụ thể. Những quy định đó khó áp dụng trong thực tiễn xét xử. Hiện nay, Tòa án nhận được một số đơn đề nghị của đương sự (ông, bà) về yêu cầu vợ, chồng phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái khi cả hai vợ chồng đều bỏ mặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con của mình khi bị khuyết tật nhưng rất khó giải quyết. Hiện nay, luật chỉ quy định chung chung, chưa cụ thể và thiếu chế tài, dẫn đến tình trạng đứa trẻ không được cha mẹ chăm sóc, quan tâm mà chưa có chế tài xử lý trường hợp thiếu trách nhiệm.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, Luật hôn nhân và gia đình cần bổ sung quy định về chế tài, trách nhiệm đối với vợ, chồng không thực hiện nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, hoặc thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự.

5. Việc lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng, quyền sở hữu tài sản giữa vợ và chồng theo quy định của luật

Tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”. Quy định này còn có nhiều bất cập trên thực tế. Chẳng hạn, trong quá trình giao dịch, chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà người vợ hoặc chồng được tặng cho tài sản trước khi kết hôn hoặc sau khi kết hôn và đứng tên quyền sử dụng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng khi giao dịch mua bán, chuyển nhượng làm thủ tục sang tên cho người bán thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại yêu cầu vợ hoặc chồng phải có bản cam kết đó là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì mới cho chuyển nhượng. Điều này gây khó khăn cho người dân trong việc thực hiện các giao dịch, mặt khác còn ảnh hưởng phần nào đến tình cảm vợ chồng khi một bên tránh né hoặc không tranh chấp nhưng cũng không viết cam kết vì họ cho rằng họ không liên quan đến tài sản của một bên vợ hoặc chồng. Do đó, cũng cần có sự phối hợp đồng bộ trong các văn bản pháp luật liên quan.

6. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con sau khi ly hôn

Theo Luật Hôn nhân và gia đình, khi chấm dứt hôn nhân, cha mẹ và con cái phải có nghĩa vụ với nhau, đặc biệt là nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ bắt buộc nhưng trên thực tế thi hành một số bản án, quyết định gặp rất nhiều khó khăn và không thi hành được vì bên có nghĩa vụ không cấp dưỡng và do không có thu nhập ổn định nên không có điều kiện để cưỡng chế mặc dù trên thực tế có thừa đủ khả năng cấp dưỡng cho con. Mặt khác, việc Tòa án xác định mức cấp dưỡng như thế nào cho phù hợp với thực tiễn đối với các trường hợp lao động tự do còn gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể.

7. Về căn cứ cho ly hôn

Điều 56 Luật HNGĐ quy định ly hôn theo yêu cầu của một bên khi:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn”.

Hiện nay, ngành Tòa án nhân dân nhận được nhiều đơn yêu cầu ly hôn của một bên đề nghị ly hôn với người đang bị truy nã do vi phạm pháp luật, nhưng Luật Hôn nhân và gia đình không có quy định cho ly hôn trong trường hợp này, nên Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án. Điều đó đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đề nghị giải quyết cho ly hôn.

Luật hôn nhân và gia đình cần quy định cụ thể thế nào là tình trạng hôn nhân trầm trọng? Đồng thời, để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, cần quy định các trường hợp bị truy nã, người mất năng lực hành vi dân sự là các căn cứ cho ly hôn.

8. Vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Đây là vấn đề rất mới và nhân đạo lần đầu tiên được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên vẫn có điểm chưa được hợp lý, cụ thể:

Đối với trường hợp vợ chồng nhờ mang thai hộ, tại điểm b, khoản 2, Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình quy định một trong những điều kiện bắt buộc để được nhờ mang thai hộ là “Vợ chồng đang không có con chung”. Quy định này một mặt đã hạn chế quyền có con thứ hai của các cặp vợ chồng vì điều kiện sức khỏe chỉ sinh được một con. Mặt khác, chưa đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật đối với những cặp vợ chồng tuy đã có con chung nhưng người con bị khuyết tật, hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự... bởi đối với những vợ chồng trong hoàn cảnh này quyền có thêm con là rất chính đáng.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, một số quan hệ về hôn nhân và gia đình phát sinh trong thực tiễn chưa được Luật quy định hoặc quy định không cụ thể, chẳng hạn về vấn đề quan hệ giữa cha mẹ và con, quan hệ giữa vợ và chồng…cần được quy định cụ thể và phù hợp với quy định của các văn bản pháp luật khác.

Chủ đề