So sánh nghệ thuật múa với điêu khắc

Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, ra đời và phát triển gắn liền với văn hóa lúa nước vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Từ bao đời nay, trò “Leo dây, múa rối” là một trò vui chơi giải trí vô cùng hấp dẫn với người nông dân sau những ngày đồng áng mệt nhọc.

Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, lấy ao hồ làm nơi dựng buồng trò che giấu nghệ thuật điều khiển, mặt nước làm sàn diễn cho quân rối làm trò đóng kịch. Đó là sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật tạo hình với nghệ thuật điều khiển con rối, lấy con rối làm phương tiện chủ yếu để thể hiện nội dung. Múa rối nước là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân lao động. Trải qua nhiều thế kỷ, múa rối nước từ một loại hình nghệ thuật mang đậm yếu tố dân gian, đã trở thành một nghệ thuật truyền thống, một sáng tạo đặc biệt của người Việt và đang trên đường trở thành một di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn của nhân loại.

Nam Trực – mảnh đất có lịch sử phát triển lâu đời, nơi lưu đậm dấu ấn văn minh của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng đất rất thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp. Là một trong những cái nôi của múa rối nước Việt Nam nói chung, rối nước đồng bằng châu thổ Bắc Bộ nói riêng. Và cũng chính từ các phường rối nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân tài năng có công truyền nghề, tạo dựng lên đoàn múa rối nước trung ương, nay là nhà hát múa rối Việt Nam, từng hãnh diện lần đầu tiên mang rối nước Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế tại châu Âu những năm 80. Bên cạnh những giá trị di sản văn hóa phi vật thể vô cùng to lớn đó như hát Chầu văn thì không thể không nhắc đến loại hình nghệ thuật múa rối nước. Nghệ thuật múa rối nước huyện Nam Trực ra đời và phát triển trên nền tảng của hai phường rối Nam Chấn và phường rối Nam Giang. Đó là hai phường rối duy nhất còn duy trì cho đến ngày hôm nay với nhiều tiết mục múa rối nước vô cùng đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống.

So sánh nghệ thuật múa với điêu khắc

Ảnh: Chú Tễu (Nguồn: st)

Múa rối bắt nguồn từ những trò chơi ngẫu nhiên, tự phát đến có chủ định, truyền cảm. Con rối là nhân vật chính, nhưng phụ thuộc vào sự phối hợp giữa nghệ thuật điêu khắc, kỹ thuật lắp ráp, bài trí sân khấu và nghệ thuật điều khiển con rối, có khả năng tập trung, quy tụ nhiều loại hình nghệ thuật (điêu khắc, hội họa, chèo, tuồng…) và phụ thuộc chủ yếu vào tài điều khiển của diễn viên điều khiển con rối.

Theo truyền thuyết thì lịch sử múa rối nước ra đời từ thời xây dựng thành Cổ La Kinh An Dương Vương năm 225 trước công nguyên. Múa rối nước hình thành từ lâu đời, ra đời và tồn tại cùng với nền văn minh lúa nước ở đồng bằng sông Hồng từ các thời vua Hùng. Và cụ thể hơn múa rối nước ra đời năm 1221 thời vua Lý Nhân Tông, trên bia đá Sùng Thiện Diên Linh đặt tại Chùa Long Đọi xã Đọi Sơn huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam.

Khi nói đến nghệ thuật múa rối trước hết phải nói đến nghệ thuật tạo hình. Nghệ thuật tạo hình đóng vai trò hết sức quan trọng bởi nếu không có tạo hình con rối thì không có biểu diễn múa rối. Nhân vật rối mang tính ước lệ tượng trưng, việc đầu tư sáng tạo không theo một khuôn mẫu nào, mà phải dựa trên kịch bản. Tạo hình nhân vật được kết hợp hài hòa hai yếu tố: nghệ thuật điêu khắc dân gian và nghệ thuật điêu khắc cung đình.

Nét độc đáo của quân rối Nam Chấn là được làm từ gỗ sung và sơn ta để dễ điều khiển dưới nước. Quân rối xưa của phường Nam Chấn nhỏ, xinh xắn, dễ điều khiển, con rối hồn nhiên, sôi động phù hợp với hị hiếu của người dân hoạt bát và ngộ nghĩnh. Hiện nay, vẫn dựa trên các nguyên mẫu dân gian nhưng các con rối được làm khá to, lắp ghép trong một thân hình, cao khoảng 30 - 40 cm. Làm quân rối khá phức tạp, nếu không làm chuẩn sẽ không điều khiển được hoặc diễn rất khó. Để có một con rối hoàn chỉnh, cần mất rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn khéo léo của các nghệ nhân. Chất liệu làm nên con rối phải là loại gỗ sung - loại gỗ dai, nhẹ và dẻo để con rối có thể nổi trên mặt nước và người điều khiển con rối dễ dàng biểu diễn. Các bước thực hiện: Nghiên cứu kịch bản; vẽ nhân vật; chọn loại gỗ thích hợp (gỗ sung, gỗ mít..); đục con rối theo kích cỡ, hình dáng đã thống nhất theo bản vẽ; phơi khô, làm nhẵn bề mặt con rối; hom sơn ta (loại sơn chống thấm nước giữ độ bền gỗ) để xốp được quấn nhiều lớp vải mỏng, phủ sơn ta và phơi khô; thếp bạc, vàng cho con rối (theo tính cách tùy từng nhân vật); hóa trang con rối; lắp máy, dây, sào con rối. Thông thường, quân rối nước gồm 2 phần, phần thân nổi trên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi đồng thời là nơi lắp máy điều khiển.

Múa rối nước sinh ra từ làng quê, gắn bó với người nông dân vì vậy không gian biểu diễn múa rối vẫn là những làng quê với lũy tre xanh, cánh đồng mênh mông thẳng tắp. Để cho một buổi biểu diễn thành công thì khâu chuẩn bị hết sức quan trọng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho biểu diễn đều phải chuẩn bị trước. Các con rối được tạo ra bằng vật liệu gỗ dễ kiếm. Các nghệ nhân do biết khai thác mặt nước để diễn trò nên rối từ một vật vô tri vô giác trở thành những nhân vật rất sinh động và hồn nhiên. Buồng trò là nơi giấu mình của các nghệ nhân, đồng thời là nơi để con rối, để sắp trò và để nhạc công biểu diễn .

Đỉnh cao trong nghệ thuật biểu diễn ở phường rối Nam Chấn đó là đưa các con rối ra khỏi sới diễn, để giao lưu cùng khán giả là điều mà không có phường rối nào có thể làm được. Đưa con rối ra khỏi sới diễn theo một hệ dòng dọc và dây ngầm dưới nước, lúc đó con rối được tách khỏi dây và vẫn giữ được sự thăng bằng và các động tác của nó. Nhờ vậy mà các con rối có thể giao lưu cùng khán giả, tặng hoa cho khán giả.

So sánh nghệ thuật múa với điêu khắc

Ảnh: Trọi Trâu (Nguồn: tác giả)

Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò, bề ngang sân khấu là chiều rộng gian giữa khoảng 2m50. Dưới mặt nước là hệ thống nhiều cọc dây của máy điều khiển các quân rối. Phông cảnh trang trí sân khấu là những tấm mành được các nghệ nhân trang trí hình rồng phượng. Hai bên dọc sân khấu bài trí bởi hàng lan can, cửa dọc buồng trò là những lá cờ, cổng chào… Người nghệ nhân múa rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối, họ sử dụng từng cây sào, giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước. Sự thành công của quân rối biểu diễn chủ yếu là do sự cử động thân hình, những động tác làm trò của chúng.

Có thể nói, âm nhạc là công cụ đắc lực trong việc thể hiện tâm tư tình cảm của con rối vô tri mà dẫu có lời thoại cũng không thể truyền tải hết. Âm nhạc gắn kết các trò diễn với nhau, tạo cho người xem không có cảm giác bị đứt đoạn giữa các trò diễn, truyền tải được hết nội dung tạo sự giao lưu giữa con rối và người xem. Nhạc cụ chính được sử dụng là trống, não bạt, pháo (ngày xưa) cũng là một âm thanh hỗ trợ đắc lực. Múa rối cần âm thanh mạnh để giữ tiết tấu và khuấy động không khí buổi biểu diễn trong không gian ngoài trời, trong các lễ hội làng ồn ào náo nhiệt. Cho đến ngày nay, đã có nhiều phường rối sử dụng băng đĩa nhưng như vậy đã làm giảm đi sự hấp dẫn của nghệ thuật múa rối nước. Bởi tiết tấu của nhạc sống gây hưng phấn đến người xem, nghệ nhân điều khiển con rối theo âm nhạc lúc thì nhẹ nhàng, lúc thì sôi động, mãnh liệt. Nếu thiếu âm nhạc, không khí của cả chương trình sẽ thiếu đi tính hấp dẫn. Âm nhạc đóng vai trò quan trọng, đứng thứ hai sau kỹ thuật biểu diễn và làm nên giá trị của nghệ thuật dân gian độc đáo này. Ngôn ngữ, cách thể hiện của sân khấu chèo được áp dụng triệt để vào nghệ thuật biểu diễn múa rối nước. Cách độc thoại rối trên sân khấu không đơn thuần là những lời thoại mà đã được thể hiện bằng cách nói có vần, có điệu của nghệ thuật sân khấu chèo. Tiếng trống “sấm nở” của phường Nam Chấn xưa nay còn được nhiều người truyền tụng. Với việc đưa âm nhạc, nghệ thuật sân khấu chèo, tuồng vào trong biểu diễn đã tạo cho múa rối nước một diện mạo mới đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật biểu diễn dân gian của khán giả.

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công cho các tích trò, đó là kịch bản dàn dựng ở mỗi vở diễn. Nghệ thuật múa rối nước ra đờ bắt nguồn từ những trò chơi dân gian, gắn với những người dân lao động. Do điều kiện tự nhiên và công việc nhà nông, múa rối nước được xây đắp hình thành từ tâm tư tình cảm của người dân lao động, nó tái hiện cuộc sống và ước vọng của thời đại, nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, truyền thống tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn mang đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc được thể hiện qua các tích như Chọi trâu; Dệt vải trao con; Cáo bắt gà; Đánh cá; Câu ếch… Con rối là những vật vô tri vô giác qua bàn tay khéo léo của con người tạo hóa đã làm cho con rối cử động vô cùng linh hoạt như một con người. Lời loại trong rối nước truyền thống là các bài văn vần, biền ngẫu, không theo mọt hình thức quy củ. Hình tượng nêu lên thường mượn từ các điển tích sử sách cổ xưa.

Đỉnh cao trong nghệ thuật dàn dựng của phường rối nước Nam Chấn đó là đưa thời sự vào trong rối, đó là điều mà chưa một phường rối nào có thể làm được.

Hiện nay, phường còn khoảng 16 tích trò cổ truyền nhất và rất nhiều tích trò hiện đại kể về những sự tích dân gian, cuộc sống hàng ngày của người dân Việt. Nội dung các tích trò xoay quanh đề tài về sinh hoạt đời thường, lễ hội truyền thống, những câu chuyện mang tính thời sự cao: múa rồng, đấu vật, chọi trâu, đi cấy bắn máy bay, chú Tễu kể chuyện biển đông…Trải qua nhiều biến động, tuy nhiên phong trào biểu diễn múa rối nước ở phường Nam Chấn vẫn được duy trì ở khắp huyện và các tỉnh lân cận. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Hàng năm, cứ vào dịp lễ Tết hay hội làng, phường rối Nam Chấn đều tổ chức các tiết mục rối đặc sắc để phục vụ dân làng, để thế hệ con cháu sau này luôn ghi nhớ và giữ gìn những giá trị tinh túy nhất mà cha ông ta để lại.

Có thể nói, múa rối nước là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc được xem là báu vật của văn hóa dân tộc, là “linh hồn của đồng ruộng Việt Nam”. Nghệ thuật múa rối nước là một loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng châu thổ sông Hồng. Thông qua trò rối nước người xem cảm nhận được sắc thái của hội làng, nó phảng phất cuộc sống bình dị và hồn nhiên, từ sự dịu dàng man mác của làng quê, sự chịu thương chịu khó lo cho cuộc sống, vừa trần tục vừa linh thiêng. Đó chính là biểu tượng cho ước mơ của người Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Chương, Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, Tr 12 - 14.

2. Nguyễn Văn Định, Nghệ thuật múa rối nước làng Đống, Luận văn thạc

sĩ VHH, VNC Văn hóa Hà Nội.

3. Nguyễn Huy Hồng (1996), Rối nước Việt Nam, Nxb Sân khấu, Tr 7.

4. Lê Văn Kỳ, Lễ nông hội nghiệp Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà

Nội.

5. Trần Lâm (2001), “Đôi nét về nghệ thuật tạo hình trong nghệ thuật rối Việt”, Tạp chí văn hóa nghệ thuật số 2.

6. Đỗ Đình Thọ (2000), “Múa rối - một môn nghệ thuật dân gian truyền thống của quê hương Nam Định”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 1.