Sức sống mãnh liệt tiếng anh là gì

BÀI LÀM

Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử chống xâm lăng. Ông cha ta mất đi còn truyền lại cho cháu con thanh gươm báu in đậm dấu ấn của lịch sử oai hùng đó. Con người Việt Nam chúng ta đã trân trọng cầm thanh gươm ấy để anh dũng chống lại mọi thế lực hung bạo để giành lại quyền sống cho dân tộc mình. Từ trong đêm đen điêu tàn của khổ đau, con người Việt Nam luôn luôn vươn tới, rũ bùn để đến với ngày mai chói lòa tươi đẹp. Hình ảnh con người Việt Nam với sức sống mãnh liệt tuyệt vời ấy đã được văn học phản ánh khá rõ nét và sáng tạo. Giờ đây, dù đọc lại văn học của giai đoạn lịch sử nào chúng ta cũng thấy hình ảnh của con người Việt Nam hiện ra thật đẹp với sức sống thật mãnh liệt dồi dào. Sức sống ấy tưởng không có gì dập tắt nổi, nó như đài hoa sen mọc từ bùn lầy mà cái hương, cái dáng vẻ thật cao đẹp biết bao. Có thể nói cái hương vị ngọt ngào, mãnh liệt của đài hoa sen ấy, của sức sống ấy của con người Việt Nam mãi mãi lan tỏa đến chúng ta và mọi thế hệ mai sau.

Con người Việt Nam ngay từ lúc sinh ra phải đương đầu với biết bao thế lực hung hãn: nào hạn hán, lũ lụt, nào thú dữ… khó khăn, nguy nan, bao phen tưởng dân tộc này không thể tồn tại được. Nhưng, kì lạ thay, con người Việt Nam ấy lại là những con người chứa đựng một sức sống mãnh liệt chưa từng thấy. Ngay từ xưa, sức sống ấy đã được biểu hiện rất rõ qua những câu chuyện cổ tích đầy tính chất kì ảo, qua những câu ca dao ngọt ngào tình tứ, qua những câu tục ngữ cô đọng … Con người Việt Nam ngày nay, ai mà không thấm sâu trong lòng hình ảnh cô Tấm ngày xưa. Đối với con người Việt Nam, cô Tấm là một hình ảnh đẹp của lòng nhân đạo, của đức thủy chung, của nết hay lam hay làm … Vậy thì sức sống ấy biểu hiện ở đâu? Phải chăng chính là những cây xoan đào, những cây thị, cái khung cửi, rồi trở lại cô Tấm xinh đẹp ngày xưa … Đúng, biết bao lần cô Tấm ngoan ngoãn ấy bị vùi dập, bị giết chết bởi mụ dì ghẻ ác nghiệt kia, chúng ta tưởng như không bao giờ cô sống lại. Vậy mà, kì lạ sao, cứ sau mỗi lần ấy, cô Tấm lại vươn lên mặc dù ở mọi hình thức: lúc biến thành cây xoan, lúc biến thành quả thị. Nhưng chúng ta khẳng định một điều: Tấm không bao giờ chết. Đó, sức sống mãnh liệt của Tấm là ở chỗ đó, luôn luôn vươn lên trên hiện thực đen tối để chiến thắng hiện thực ấy. Tâm hồn con người Việt Nam là như thế đó, nói sao cho hết lòng yêu đời, tin tưởng ở mình trong hình tượng cô Tấm ngày xưa. Có lẽ mỗi chúng ta, ai mà không rung động trước vẻ đẹp tuyệt vời của cảnh lao động ngày xưa:

Hỡi cô tát nước bên đình
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
   (Ca dao)

Một phong cảnh lao động rất nên thơ và thắm đượm tình người! Nhưng có lẽ ai mà không biết được đó chỉ là một đêm trăng bình thường và cô gái lợi dụng ánh trăng để tát nước, vất vả lắm chứ! Nhưng con người Việt Nam chẳng những không muốn nói nỗi khổ đó ra mà còn tạo nên một cảnh đẹp nên thơ, chính vì trong tâm hồn họ tràn đầy một tình yêu cuộc sống, tràn đầy một niềm tin vào cuộc sống vào con người. Đó chẳng phải là sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam đó sao? Chúng ta cũng không quên hình ảnh người anh hùng làng Gióng ngày xưa trong truyện cổ “Thánh Gióng”. Đứa trẻ lên ba mà vẫn chưa biết nói cười, nhưng khi biết nói thì tiếng nói đầu tiên lại là tiếng nói yêu nước, tiếng nói đòi xông ra giết giặc cứu nước. Không phải ngẫu nhiên mà văn học dân gian có được hình tượng ấy, có lẽ hình tượng Thánh Gióng là hình ảnh kết tinh của truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông chúng ta từ rất lâu rồi. Mỗi khi có giặc đến xâm lăng là một lần chúng ta, những con người Việt Nam lại xông ra giết giặc cứu nước, cứu nhà, bởi vậy nên thanh gươm báu ấy của cha ông chúng ta đã bao lần nhuộm đỏ máu quân thù. Tinh thần quật khởi chống xâm lăng đã trở thành một trong những truyền thông quý báu của dân tộc, của con người Việt Nam trải qua mấy nghìn năm lịch sử. Truyền thống ấy cũng là một trong những biểu hiện hùng hồn nhất của sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam cũng càng tỏ ra có sức sống mãnh liệt bấy nhiêu. Chúng ta hãy đến với tiếng kêu thương của Thúy Kiều, nhưng chúng ta cũng đến với người anh hùng Từ Hải: “Chọc trời khuấy nước, mặc dầu; Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, hình ảnh Từ Hải là biểu tượng đẹp nhất của con người trong xã hội có giai cấp mà Nguyễn Du đã xây dựng nên. Đó là mẫu người lí tưởng của chế độ xưa, là con người tập trung nhiều nhất lòng nhân đạo, anh hùng và công lí. Từ Hải đã đưa Thúy Kiều từ thân phận “gái lầu xanh” sang địa vị một phu nhân có quyền phán xét. Đó là mong ước của Nguyễn Du nhưng đó cũng là mơ ước của bao nhiêu người khác nữa về một xã hội tốt đẹp. Ngay cả việc Thúy Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để tìm đến với Kim Trọng, tìm đến tình yêu cũng là một biểu hiện đẹp của sức sống trong con người Việt Nam dưới chế độ phong kiến cũ. Không chịu sống ràng buộc trong khuôn khổ của chế độ, người phụ nữ đã tự vùng lên hòng thoát khỏi bàn tay ấy của cường quyền bạo ngược giành lấy một tình yêu chân chính, tự do của tuổi xuân, Hồ Xuân Hương cũng có lần tâm sự:

Phận đây ví đổi làm trai được Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu

(Đề đền Sầm Nghi Đống)

cũng là để nói lên mong ước ấy, sức sống ấy.

Dân tộc Việt Nam trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, càng ngày càng lớn dậy cao đẹp hơn, con người Việt Nam cũng lớn hơn lên, đẹp hơn lên, sức sống lại càng tràn trề mãnh liệt. Nhất là từ khi có ánh sáng của Đảng chiếu rọi thì ở họ sức sống ấy đã “Kết tinh thành những đợt sóng mạnh nhấn chìm mọi bè lũ bán nước và cướp nước”. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nhân dân Việt Nam anh hùng xông lên đáp lời kêu gọi của Bác Hồ, ở đâu chúng ta cũng gặp biết bao hình ảnh đẹp của con người Việt Nam chiến đấu:

Chân toạc máu chân dồn đuổi giặc Tay chém thù tay sắc như gươm

(Ba mươi năm đời ta có Đảng – Tố Hữu)

Sức mạnh ấy, họ đã lấy từ sức mạnh của tâm hồn để tạo nên chiến thắng. Con người Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, anh hùng Núp đã đi đánh Pháp. Biết bao bỡ ngỡ, gian khổ nhưng cuối cùng với ý chí quyết không cho kẻ thù đụng đến đất nước, Núp đã chứng minh sức mạnh tiềm tàng của con người Việt Nam, mà qua anh đã biểu hiện rõ nhất. Anh đã cùng với lũ làng giết bao tên Pháp, máu của chúng đã nhuộm đỏ đất rừng quen thuộc. Cái gì đã tiếp sức cho họ không sợ Pháp? Phải chăng đó chính là sức mạnh tổng hợp của lòng căm thù và yêu thương lại được ánh sáng của Đảng chiếu rọi, đã biết bao con người Việt Nam:

Tuốt gươm không chịu sống quỳ Tuổi xuân chẳng tiếc sá chi bạc đầu

(Tiếng hát sang xuân – Tố Hữu)

để thực hiện chân lí của Bác Hồ: “Không có gì qúy hơn độc lập tự do”. Anh bộ đội trong thời kì chông Pháp cũng là một biểu tượng đẹp của sức sống mãnh liệt ấy, anh phải chịu biết bao gian khổ hi sinh. Má anh “vàng nghệ” vì sốt rét, vì “Những ngày đi vắt với sương” nhưng cũng là con người lạc quan vô hạn:

Anh kể chuyện tôi nghe Trận chợ Đồn, chợ Rã Ta đánh giặc chạy re Hai đứa cười ha há

(Cá nước -Tô Hữu)

Quý làm sao cái tâm hồn người chiến sĩ có cái cười “ha há” ấy!

Con người Việt Nam qua chiến đấu là biểu tượng đẹp vô cùng cho sức sống mãnh liệt của họ. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, họ là những người đem đến sức sống cho mọi người, cho đất nước, anh bộ đội là người mang lại thanh bình cho mọi nhà:

Anh về cối lại vang rừng (…)Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca

(Lên Tây Bắc – Tố Hữu)

Hồ Chủ tịch kính yêu là tập trung cao nhất sức sống của con người Việt Nam. Giặc Mỹ điên cuồng đánh phá nước ta, vậy mà Hồ Chủ tịch nêu cao quyết tâm sắt đá của dân tộc “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành độc lập”. Quyết tâm sắt đá ấy của Người đã được bao nhiêu con người Việt Nam thi hành và chiến thắng, con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ là những con người đứng lên trên tầm cao của tâm hồn, của thời đại ở họ có một sức sống mãnh liệt đến lạ lùng. Có lẽ chính vì thế mà nhà thơ Tố Hữu đã phải thốt lên đầy khâm phục sức sống của đất nước ta – đất nước của những con người Việt Nam:

Việt Nam!Người là ta mà ta chưa bao giờ hiểu hết Người là ai mà sức mạnh thần kì Giữa cái chết không phút nào chịu chết Lửa quanh mình, một tấc cũng không đi.

(Với Đảng mùa xuân – Tố Hữu)

Chính bởi sức sống ấy lớn quá, kì diệu quá mà chính ta, chính con người Việt Nam cũng khống thể hiểu hết mình. Hình ảnh con người Việt Nam kiên cường bất khuất trong công cuộc chống Mỹ cứu nước là hình ảnh chị út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, chân lí lớn của thời đại dám đánh và quyết đánh thắng Mỹ đã được chị út anh hùng thể hiện trong một câu nói giản dị mà ý nghĩa biết bao: “Còn cái lai quần cũng đánh'”. Đó là ý chí đánh giặc đến cùng của người mẹ anh hùng:

Là mẹ của sáu đứa con nhỏ Tóc bới cao bỏm bẻm nhai trầu Là chị Út quân thù khiếp sợ Bụng có mang vẫn cướp bốt phá cầu

(Lê Anh Xuân)

Đó là anh Trỗi người công nhân ưu tú trong tác phẩm Sống như anh của Trần Đình Vân, với lòng yêu nước căm thù giặc cao độ, anh đã hiến đời mình cho cách mạng, hi sinh hạnh phúc riêng để phục vụ lợi ích chung của cách mạng. Đôi với anh: “Còn thằng Mĩ thì không ai có hạnh phúc nổi cả” cho nên anh đã nguyện quyết đánh Mỹ và anh đã thắng Mỹ bằng những giây phút cuối cùng anh dũng của đời mình. Anh là một con người viết hoa, xứng đáng được ngợi ca bằng những vần thơ đẹp nhất:

Có những phút làm nên lịch sử Có cái chết hóa thành bất tử Có những lời hơn mọi bài ca Có những người như chân lí sinh ra

(Hãy nhớ lấy lời tôi – Tố Hữu)

Cuộc đời anh là một tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho tất cả chúng ta học tập. Đó còn là chị Lí, trong bài thơ người con gái Việt Nam của Tố Hữu, bọn giặc tra tấn rất dã man:

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung.

Nhưng chúng:        Không giết được em người con gái anh hùng

Sức mạnh của chị là sức mạnh của lòng yêu nước. Đó cũng là sức sống của tất cả con người Việt Nam trước kẻ thù. Nếu ngày trước Trần Hưng Đạo đã nói lên tiếng nói yêu nước đầy nhiệt huyết: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…. ” vì chưa giết được kẻ thù, thì ngày nay con người Việt Nam cũng vô cùng day dứt vì chưa được xông ra chiến đấu với kẻ thù:

Máu sôi lên và nước mắt tuôn trào … Vỗ bên lòng dội mãi tới trăng sao Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh đồng chí Nguyễn Đức Thuận đã bao phen chiến đấu với kẻ thù bằng trái tim của người cộng sản. Đối với họ, suốt đời chỉ có một chân lí bất di bất dịch: “Người tao chúng mày có thể róc từng miếng xương, xẻo từng miếng thịt. Tim tao chúng mày có thể bóp cho nó ngừng đập, nhưng bộ óc tao, bộ óc khoa học của người cộng sản thì vạn kiếp chúng mày cũng không sai khiến nổi”. Đó là quyết tâm sắt đá chiến thắng kẻ thù của những người Việt Nam, không bao giờ biết khuất phục kẻ thù. Đó là những “Cô du kích xóm Lai Vu” bị “rắn quấn bên chân” mà “vẫn bắn thù”, vẫn nụ cười tươi rói: “Rắn mình em chịu có sao đâu”. Sức sống ấy của những con người Việt Nam chưa bao giờ được biểu hiện rõ như vậy, trong hình ảnh của những cô gái dịu dàng, vừa sản xuất vừa chiến đấu:

Ôi những nàng Xuân rất dịu dàng Hát câu quan họ chuyến đò ngang Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy Súng khoác trên lưng, chẳng ngỡ ngàng

(Xuân sớm – Tố Hữu)

Những khẩu súng ấy luôn luôn sẵn sàng ở tư thế tiêu diệt và chiến thắng kẻ thù. Còn gì đẹp hơn hình ảnh con người Việt Nam đấu tranh chống Mỹ:

O du kích nhỏ giương cao súng Thằng Mĩ lênh khênh bước cúi đầu Ra thế to gan hơn béo bụng Anh hùng đâu cứ phải mày râu

(O du kích nhỏ – Tố Hữu)

Có lẽ vì thế nên chúng ta cũng không ngạc nhiên khi một nhà văn nước ngoài đã nói về con người Việt Nam: “Ơ Việt Nam có bao nhiêu bông hoa đẹp là bấy nhiêu anh hùng”. Tự hào lắm chứ, Tổ quốc Việt Nam ta:

Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùngĐến em thơ cũng hóa những anh hùng

(Emeli, Con! – Tố Hữu)

Đó chính là sức sống Việt Nam, không bao giờ nguôi cạn. Hình ảnh đất nước Việt Nam luôn luôn làm xúc động lòng người bởi tầm vóc của nó, bởi sức vươn dậy thần tiên của nó. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã ca ngợi:

Nước Việt Nam từ máu lửa Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

(Đất nước)

Vẻ đẹp vô biên ấy của con người Việt Nam, của đất nước Việt Nam đã được kết tinh từ thuở đánh giặc oai hùng của Nguyễn Trãi khi mà đất nước ta, nhân dân ta phải “nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối”. Từ đau thương, gian khổ chúng ta vẫn vững bước đi lên và trưởng thành mãi mãi. Nhà thơ Tố Hữu cũng nói lên sức lớn dậy, sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam trong những câu thơ thật đẹp:

Ôi Việt Nam từ trong biển máu Người vươn lên như một thiên thần!

(Việt Nam máu và hoa)

Kẻ thù muôn ta “bán mình ô nhục” nhưng chúng ta là người không bao giờ chịu khuất phục. Từ đau khổ và khó khăn chúng ta vẫn vươn lên, vươn mãi đến hình ảnh đẹp tuyệt:

Làm sen thơm ngát giữa đầm

Phải chăng hình ảnh Hùng và Rin, hai chiến sĩ quang vinh trong tác phẩm Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn cũng là những biểu hiện đẹp của con người Việt Nam. Ở pháp trường hai anh đã làm cho kẻ thù phải hoảng hốt vì sức mạnh tinh thần, sức mạnh của lòng yêu nước của con người Việt Nam:

Bay định đốt ta thành hòn than quỳ lạy
Trong ánh lửa hồng ta xuất hiện một vòng hoa

Với sức sống mãnh liệt ấy của niềm tin, hai chiến sĩ thân yêu và dũng cảm tuyệt vời ấy sẽ không bao giờ chết trong mỗi người dân Việt Nam yêu nước.

Cái gì đã tạo nên cho con người Việt Nam sức sống mãnh liệt ấy. Phải chăng đó chính là hai nhân tố:

Vũ khí, chính là Anh lòng thương yêu mênh mông Vũ khí, chính là Anh lửa căm hờn nóng bỏng

(Toàn thắng về ta – Tô Hữu)

Cho nên anh giải phóng quân của chúng ta dã đánh Mĩ với một sức mạnh phi thường:

Những dũng sĩ đâm lê núi Thành Mắt tìm thù sao bay rực rỡ Rượt đuổi thù chân như chiến mã Đâm chết thù sức núi dồn tay

(Những dũng sĩ đâm lê núi Thành – Phạm Hổ)

Anh có được tư thế hiên ngang ấy, có được sự dũng cảm ấy là do anh đã xác định anh đi chiến đấu hôm nay là “Bà ơi cũng vì bà, vì tiếng gà cục tác, ổ trứng hồng trẻ thơ”. Bởi vì anh xác định cho mình một vị trí vô cùng quan trọng và anh vô cùng tự hào về vị trí đó:

Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa Vui gì hơn làm người lính đi đầu Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa

(Chào xuân 67 – Tố Hữu)

Hình ảnh đó đẹp chẳng khác nào trái tim Đảng soi đường cho mọi người hướng tới. Con người Việt Nam đẹp như vậy đó, biết bao bài thơ đã ca ngợi con người Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam với một lòng ngưỡng mộ chân thành tha thiết. Biết bao nhiêu lời thơ, biết bao nhiêu tấm lòng hướng tới con người Việt Nam nhưng có lẽ tất cả đều hướng tới sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam. Thật kì lạ khi chúng ta biết rằng:

Bạn hỏi vì sao đất nước này Ngày đêm khói lửa vẫn hăng say

(Tâm sự – Tố Hữu)

Và những con người thật là kì diệu biết bao, từ gian khổ họ vẫn vươn lên tươi đẹp và cao thượng biết bao. Họ sẵn sàng chịu đựng gian khổ “nhạt muối với cơm” nhưng “miệng vẫn cười” nụ cười chiến thắng?. Ta dễ hiểu vì sao mười chín người trong hang Hòn (Hòn Đất – Anh Đức) đã phải chắt chiu từng giọt nước, hạt gạo để bảo vệ sự sống còn của cách mạng, để đánh bật hơn một ngàn quân thù với đầy đủ vũ khí tối tân hiện đại mà họ vẫn lạc quan yêu đời, vẫn đằm thắm tình cảm đối với lãnh tụ, đôi với vợ chồng, làng xóm. Chúng ta cũng dễ hiểu vì sao những chiến sĩ trên đảo cồn cỏ (Họ sống và chiến đấu – Nguyễn Khải) lại là những con người thép, trụ đảo, bảo vệ mảnh đất của Tổ quốc thân yêu. Vượt lên trên khó khăn để tồn lại và chiến thắng kẻ thù đó là nét nổi bật của những người chiến sĩ kiên trung ấy. Sức sống của những con người Việt Nam không chỉ biểu hiện trong chiến đấu chống kẻ thù mà còn thể hiện trong tình cảm yêu đất nước sâu lắng. Vì họ là những con người “lòng nóng bỏng căm thù vẫn mát tươi tình bạn”, họ luôn tin tưởng ở tương lai đất nước, đất nước của những con người Việt Nam luôn hiện lên trong thơ ca tưới đẹp và tràn đầy sức sống:

Những cánh đồng thơm mát (…)Những dòng sông đỏ nặng phù sa

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Và, kì diệu thay, đó lại là đất nước của những truyền thống anh hùng của những con người dũng cảm kiên cường:

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về

Đó là đất nước của những con người đằm thắm yêu thương:

Đất nướcCủa những người con gái, con trai Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép Xa nhau không hề rơi nước mắt Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt

(Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam – Nam Hà)

Chính vì có tình yêu đất nước thiết tha mà họ đã nguyện hi sinh hạnh phúc riêng, biết nén nỗi đau để làm nên trận thắng .

Văn học của chúng ta đã khắc họa hình ảnh con người Việt Nam với sức sống mãnh liệt như thế đó. Nhưng sức sống ấy còn được biểu hiện rất rõ trong sản xuất, xây dựng. Trong chiến đấu, con người Việt Nam hiện ra với những nét đẹp tuyệt vời thì trong sản xuất họ cũng hiện ra thật đẹp, nét đẹp của tâm hồn, của hành động, của ý chí. Giặc Mỹ đang tâm tàn phá những nhà máy, những phố phường thân yêu, căm thù giặc cao độ, con người của đất mẹ Việt Nam đã nói rõ quyết tâm của mình:

Giặc Mĩ phá thì ta xây lại Lấp hố bom mà dựng lò cao Nhà máy tựa hang sâu vững chãi Ta tựa lòng ta rất đỗi tự hào.

(Bài ca xuân 77 – Tố Hữu)

Họ là những con người, với bàn tay và khối óc lao động nhiệt tình của mình đang làm cho đất nước đổi thịt thay da. Không bao giờ họ tỏ ra chán nản, ta chỉ thấy ở họ những nụ cười quyết thắng:

Ta xúc dồn lên chị với anh Công trình giáo dựng ngất trời xanh Trộn lên vôi vữa tay ai đợi

Nhịp xẻng trong chiều động nắng hanh

Họ là những con người đầy sáng tạo, sức sáng tạo mạnh mẽ của tuổi xuân, họ không sợ khó khăn gian khổ, hình ảnh của họ thật đáng yêu quý biết chừng nào:

Yêu biết mấy những con người đi tới Hai cánh tay như hai cánh bay lên Ngực dám đón những phong ba dữ dội Chân đạp bùn không sợ các loài sên

(Mùa thu mới – Tố Hữu)

Sức trẻ mùa xuân đầy hứa hẹn ấy đang đóng góp một phần rất đắc lực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến tới chủ nghĩa cộng sản của dân tộc ta:

Hỡi những người trai, những cô gái yêuTrên những đèo mây, những tầng núi đá Hai bàn tay ta hãy làm tất cả Xuân đã đến rồi hối hả tương lai Khói những nhà máy mới ban mai

(Bài ca mùa xuân 1961 – Tố Hữu)

Họ có được sức mạnh lay trời chuyển đất ấy bởi vì có sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, cộng thêm với sức trẻ mùa xuân không bao giờ nguôi cả. Con người Việt Nam hôm nay luôn luôn cảm ơn Đảng, Bác Hồ:

Cảm ơn Đảng đã cho ta dòng sữa Bổn ngàn năm chan chứa ân tình Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn bạo chúa Kiếp tì nô vùng dậy chém nghê kình

(Chào xuân 67 – Tố Hữu)

Có thể nói sức mạnh của con người Việt Nam đạt đến đỉnh cao chói lọi nhất ngày hôm nay là do có sự lãnh đão của Đảng, có sự lãnh đạo của Bác Hồ. Nói đến Bác Hồ là chúng ta nói đến sức sống bền bỉ của con người Việt Nam được quy tụ vào một hình ảnh một vị Chủ tịch nước kính yêu. Đó là hình ảnh đẹp tuyệt vời của Người giữa núi rừng:

Nhớ ông cụ mắt sáng ngời Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường Nhớ Người những sáng tinh sương Ung dung yên ngựa trên đường suối reo …

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Hình ảnh của Bác hiện lên thật đẹp, có cái vẻ khẩn trương của vị Chủ tịch bận rộn nhưng lại có cái vẻ ung dung, bình tĩnh, thư thái đến lạ lùng của một “Tiên ông”. Tuổi ngày càng cao, nhưng Bác luôn thấy mình rất trẻ:

Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán So với ông Bành vẫn thiếu niên Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe Trần mà như thế kém gì Tiên.

(Sáu mươi tuổi – Hồ Chí Minh)

Phải chăng đó chính là biểu hiện rất đẹp của nhiệt tình cách mạng, của lòng yêu đời tha thiết. Và chính đó là sức sống mãnh liệt, tuyệt vời của con người Việt Nam ta kết tinh trong vẻ đẹp rạng ngời của một vị Chủ tịch nước kính yêu.

Mắt chúng ta muốn đọc, đọc mãi những dòng thơ tươi xanh, những dòng thơ lửa cháy, những trang sách tuyệt vời. Tất cả đều toát lên hình ảnh con người đất nước Việt Nam đẹp tuyệt vời với sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam. Sức sống ấy biểu hiện trong văn học chính là tinh thần chiến đấu bền bỉ anh dũng kiên cường của họ. Đó là lòng lạc quan vô bờ bến của con người Việt Nam trong chiến đấu và xây dựng. Sức sống ấy của con người Việt Nam đã có tự ngàn xưa và cho đến bây giờ, con người Việt Nam vẫn kế thừa nó và với ánh sáng của Đảng chiếu rọi, con người Việt Nam đã biến sức sống ấy thành những vũ khí lợi hại nhất để tiến công kẻ thù trên mọi phương diện, để cất lên những tiếng ca yêu đời ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi chế độ. Tiếng ca lạc quan ấy vẫn vút lên từ cuộc sống thực chiến đấu và dựng xây, vẫn vút lên tự trái tim của những con người Việt Nam mang trong mình bầu máu nồng nhiệt tình không bao giờ nguôi cạn. Là đối tượng của văn học, hình ảnh của những con người Việt Nam với sức sống mãnh liệt của họ đã đi vào tác phẩm với những nét rất đẹp, nhưng họ cũng từ tác phẩm bước ra ngoài đời thúc giục mọi người, có tác dụng thật sâu rộng đến trái tim quần chúng, đến trái tim người đọc. Như vậy, văn học của chúng ta đã làm tròn chức năng của nó. Nói như Thủ tướng Phạm Vặn Đồng thì văn học của chúng ta xứng đáng là “Một công cụ để khám phá, hiểu biết và sáng tạo thực tại xã hội, chủ yếu là con người và cuộc chiến đấu của con người”.

Ngày nay, kế tiếp truyền thống ngày xưa của tổ tiên thế hệ những con người Việt Nam mới đang chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình trên những trận tuyến khác nhau. Biết bao khó khăn gian khổ nhưng họ đâu có sờn lòng vì họ hiểu ý nghĩa lớn lao của công việc mình làm. Đó chẳng phải sức vươn lên không ngừng của lớp trẻ Việt Nam sao? Đó chẳng phải sức scíng mãnh liệt của con người Việt Nam được kế thừa và phát huy trong mọi thời đại ngày nay sao?

Càng đọc những dòng thơ, cuốn sách, chúng ta phát hiện ra những nét đẹp tuyệt vời của sức sông con người Việt Nam. Đã qua rồi thuở bài thơ Thần của Lí Thường Kiệt sang sảng vang lên trên trận tuyến sông Như Nguyệt. Đã qua rồi công cuộc kháng chiến chống pháp, Mĩ gian khổ hi sinh mình anh hùng, dũng cảm… Nhưng ngày nay, sức sống của những con người Việt Nam, “Tập làm chủ, tập làm người xây dựng. Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên” vẫn đang nở rộ như hoa mùa xuân đủ loại hương sắc dạt dào. Con người Việt Nam trong thời đại ngày nay hiểu rõ rằng có được thời đại hôm nay là nhờ có những lớp người đi trước, là:

Phải bao máu thấm trong lòng đất Mới ánh hồng lên sắc tự hào!

(Xin gửi Miền Nam – Tố Hữu)

Nên “Đêm đêm mình lại nhủ mình” quyết giữ và dựng xây cho sông núi này, đất nước này, của cha ông ta mãi mãi đẹp tươi. Đọc và tìm hiểu văn học của chúng ta, chúng ta muôn ngàn lần cảm ơn văn học đã cho chúng ta hiểu rõ về bức chân dung của con người Việt Nam. Chúng ta quyết đem sức sống tràn trề ấy của con người Việt Nam từ xưa đến nay để kế thừa và phát huy đẹp mãi. Còn chúng ta, lớp trẻ Việt Nam hãy hưởng lấy sức sống đó để tạo ra sức sống mới mạnh mẽ hơn xây dựng quê hương đất nước.

=> Xem thêm: Về câu nói của M.Gorki: “Văn học là nhân học” – Các bài văn hay lớp 12 tại đây.

Related

Tags:hot · Sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam · Văn nghị luận lớp 12