Tại sao du lịch cần phải được điều chỉnh bởi pháp luật

VAI TRÒ CỦA PHÁP LUẬT DU LỊCH ĐỐI VỚI SINH VIÊN HIỆN NAY

Thứ tư - 20/10/2021 15:45

1. Đặt vấn đề
Du lịch Việt Nam đang phát triển nhanh chóng thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư, nhiều loại hình dịch vụ du lịch mới ra đời, sự cạnh tranh trong nước và khu vực ngày càng trở nên gay gắt, yêu cầu về phát triển bền vững, vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch ngày càng trở nên bức xúc, trước xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam đòi hỏi phải bổ sung, điều chỉnh nhiều nội dung chưa được quy định trong Luật Du lịch hoặc đã trở nên bất cập, cần nâng tầm của văn bản lên thành Luật Du lịch.

Sinh viên ngành du lịch hiện nay ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường cần được trang bị cho mình kiến thức cần thiết để hiểu về luật du lịch và sau khi ra trường có thể mở doanh nghiệp hoặc kinh doanh du lịch theo đúng quy định. Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi phải có cơ chế luật pháp điều chỉnh các chủ thể tham gia vào quá trình du lịch với mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững. Chính vì vậy: “Việc phổ biến Luật du lịch đối với sinh viên chuyên ngành HDDL trong đào tạo du lịch” là việc làm cần thiết và vô cùng quan trọng trang bị kiến thức nền tảng cho sinh viên sau khi ra trường và làm việc tại doanh nghiệp.
1. Vai trò của pháp luật du lịch
Vai trò của pháp luật du lịch đối với doanh nghiệp du lịch mang lại cho chúng ta cái nhìn về vai trò và những định hướng của pháp luật du lịch, những thể chế du lịch đối với các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam.
Hoạt động du lịch liên quan trực tiếp đến con người, đó là khách du lịch, có quốc tịch, tuổi, nghề nghiệp, trình độ nhận thức, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng khác nhau. Trong quá trình đi du lịch, những lợi ích chính đáng và hợp pháp của họ cần phải được bảo vệ, bên cạnh đó cũng đòi hỏi du khách phải có trách nhiệm tôn trọng và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hoá .....ở nơi khác đến du lịch, không nên vì lợi ích thuần tuý chiều lòng khách mà làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường sinh thái cũng như bản sắc dân tộc.
Hoạt động kinh doanh du lịch chủ yếu là kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng của kinh doanh dịch vụ là uy tín, chất lượng, danh tiếng, tạo được hình ảnh tốt trong tâm trí của khách. Việc chấp hành luật pháp trong hoạt động kinh doanh không những đem lại uy tín cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch mà còn mang lại cả danh tiếng cho dân tộc và đất nước.
Hoạt động kinh doanh du lịch là một hoạt động có tính liên ngành, liên vùng đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các ngành, các cấp thông qua các văn bản pháp quy. Trong hoạt động kinh doanh du lịch, không chỉ các tổ chức và cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà còn nhiều tổ chức và cá nhân khác cũng tham gia vào việc này. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, đảm bảo danh tiếng và uy tín của đất nước, đòi hỏi phải có luật quy định đối với các hoạt động kinh doanh du lịch phục vụ khách du lịch và mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phục vụ khách du lịch phải chấp hành nghiêm túc.
2. Thực trạng công tác giáo dục pháp luật đối với sinh viên hiện nay
Giáo dục pháp luật nói chung và luật Du lịch nói riêng ở Việt Nam hiện nay có vai trò to lớn trong đời sống xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của chủ thể và khách thể tham gia vào hoạt động du lịch nhằm tạo ra sự đồng thuận trong việc nhận thức và thực hiện pháp luật du lịch một cách hữu hiệu.
Công tác phổ biến luật du lịch cho sinh viên có vai trò đặc biệt quan trọng bởi vì, giúp cho sinh viên nắm vững được những chủ chương, quan điểm của Đảng về nhà nước và pháp luật; còn để giúp cho sinh viên nắm được các kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, vai trò của nhà nước và pháp luật trong hoạt động du lịch. Trong hoạt động kinh doanh du lịch luật du lịch luôn giữ vai trò tối thượng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, đòi hỏi sinh viên phải nắm vững không chỉ kiến thức về Hiến pháp, pháp luật nói chung, và pháp luật liên quan đến ngành du lịch của mình để có ý thức chấp hành pháp luật trong thời gian học tập; sau đó, có thể vận dụng vào thực tiễn công việc chuyên môn sau khi tốt nghiệp ra trường, hướng đến mục tiêu tuân thủ đúng pháp luật.
Trong những năm qua, khoa Du lịch ngoại ngữ đã coi trọng việc phổ biến luật du lịch cho sinh viên là việc làm cần thiết và quan trọng tuy nhiên sinh viên chưa thực sự nhân thức được tầm quan trọng và việc tiếp thu kiến thức luật du lịch còn chưa hiệu quả bởi các nguyên nhân sau:
Hệ thống luật thường khó nhớ và khó tiếp thu, nội dung dài và nhiều quy định
Sinh viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc nắm vứng hệ thống pháp luật nói chung và luật du lịch nói riêng đối với nghề nghiệp của mình
Môn học pháp luật du lịch chưa có nhiều nội dung liên qua đến luật du lịch mà còn bao gồm nhiều nội dung pháp luật khác, đây lại là học phần tự chon nên sinh viên ngại sợ học luật nên không lựa chọn.
Thực trạng tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật du lịch của các hướng dẫn viên khi dẫn khách, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác giáo dục phổ biến pháp luật cho sinh viên. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho sinh viên du lịch là vấn đề cần thiết, tiến hành thường xuyên, bền bỉ, công phu với những nội dung, hình thức phù hợp.
3. Nội dung phổ biến luật du lịch cho sinh viên
Luật du lịch 2017 hiện nay đã được sửa đổi và rút gọn xuống còn 9 chương và 78 điều nhằm chuyền tải những nội dung đúng đắn và mới mẻ theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở lấy du khách làm trọng tâm và khẳng định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn. Nội dung luật đưa ra các quy định cần thiết mà sinh viên ngành hướng dẫn du lịch cần nắm vững như sau:
Về phân loại hướng dẫn viên
Luật Du lịch 2017 quy định có ba đối tượng tham gia hướng dẫn du lịch, đó là: Hướng dẫn viên nội địa (phục vụ khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam trong phạm vi toàn quốc). Hướng dẫn viên quốc tế (phục vụ khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong phạm vi toàn quốc và đưa khách du lịch ra nước ngoài. Hướng dẫn viên du lịch tại điểm (phục vụ khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch). Hướng dẫn viên du lịch tại điểm thực chất là lực lượng thuyết minh viên du lịch được xác định tên mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, để tránh trùng lắp với lực lượng thuyết minh viên bảo tàng, đồng thời thể hiện rõ được vai trò và bản chất công việc của người hành nghề hướng dẫn du lịch tại khu du lịch, điểm du lịch.
Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch
Luật Du lịch 2017 kế thừa các quy định về điều kiện cấp thẻ chung cho cả 3 loại hướng dẫn viên của Luật Du lịch 2005, đó là: Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất ma túy. Luật Du lịch 2017 tiếp tục duy trì điều kiện về trình độ văn hóa đối với hướng dẫn viên du lịch nội địa: tốt nghiệp trung cấp trở lên. Tuy nhiên, quy định về trình độ của hướng dẫn viên du lịch nội địa có khác so với quy định trong Luật Du lịch 2005, không chỉ người có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, mà cả người cóbằng tốt nghiệp trung cấp nghềcũng đủ điều kiện được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa.
Luật Du lịch 2017 thay đổi điều kiện về trình độ văn hóa đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế: Luật quy định người có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên đủ điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Quy định đối với hướng dẫn viên du lịch nội địa, người tốt nghiệp cao đẳng chuyên nghiệp hoặc cao đẳng nghề trở lên đủ điều kiện về trình độ văn hóa để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.Những người không học chuyên ngành hướng dẫn du lịch, thay vì quy định học các khóa 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng theo quy định của Luật Du lịch 2005, Luật Du lịch 2017 quy định người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa phải cóchứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa, người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải cóchứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế. Đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, Luật Du lịch không quy định yêu cầu về trình độ đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Để được cấp thẻ, người đề nghị phải đạt yêu cầu kiểm tra về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm do cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tổ chức. Luật Du lịch tiếp tục trao quyền cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Điều kiện hành nghề hướng dẫn viên
Điều kiện hành nghề hướng dẫn viên có nhiều thay đổi so với quy định của Luật Du lịch 2005. Luật Du lịch 2017 bổ sung quy định về điều kiện hành nghề để tạo điều kiện cho hướng dẫn viên được tự do lựa chọn đăng ký với tổ chức quản lý (doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc tổ chức xã hội – nghề nghiệp). Cụ thể, hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện sau: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch, có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa, có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Các quy định về hướng dẫn viên trong Luật Du lịch thể hiện tinh thần nâng cao trình độ nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của hướng dẫn viên trong hoạt động hướng dẫn. Luật Du lịch 2017 còn quy định rõ quyền, nghĩa vụ của hướng dẫn viên và trách nhiệm quản lý hướng dẫn viên du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch.
Song song với việc gửi công văn cho Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, Tổng cục Du lịch đã có công văn số 1343/TCDL-LH ngày 27/10/2017 gửi Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị xem xét sớm thành lập hội hướng dẫn du lịch Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hướng dẫn viên cũng như giúp bảo vệ quyền lợi cho chính hướng dẫn viên, cho các doanh nghiệp lữ hành và cho khách du lịch, góp phần đưa Luật Du lịch 2017 vào cuộc sống. Ngày 03/11/2017, Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đã chính thức ra mắt, công bố quyết định thành lập Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, công bố Ban chấp hành của Hội và ban hành kế hoạch triển khai hoạt động cuối năm 2017 và năm 2018. Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam có trụ sở chính tại Hà Nội và 2 văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và TP.HCM. Việc thành lập Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam là cần thiết và kịp thời, giúp giới thiệu việc làm, hỗ trợ hoạt động, bảo vệ quyền lợi của hướng dẫn viên cũng như giúp các cơ quan nhà nước quản lý, nắm bắt hoạt động của lực lượng hướng dẫn viên.
Thời hạn thẻ hướng dẫn viên
Luật Du lịch 2017 quy định thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa có thời hạn 05 năm, thời hạn sử dụng dài hơn so với quy định của Luật Du lịch 2005 (3 năm). Khi hết hạn, hướng dẫn viên được đổi thẻ nếu có giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Đối với thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, Luật Du lịch 2017 không quy định thời hạn sử dụng. Việc sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm tùy theo nhu cầu của cơ quan quản lý khu du lịch, điểm du lịch và hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Trên đây là một số nội dung quan trọng của Luật Du lịch trong lĩnh vực hướng dẫn du lịch. Với tinh thần đổi mới, mở cửa và hội nhập, Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành
4. Một số giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho sinh viên hiện nay
Để nâng cao chất lượng giáo dục và phổ biến pháp luật nói chung và luật du lịch nói riêng cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực chính trị trong tình hình mới, cần tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất,tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình giáo dục pháp luật du lịch cho sinh viên
Nội dung, chương trình giáo dục pháp luật du lịch trong các trường đại học có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên. Nội dung, chương trình này được thiết kế trong chương trình đào tạo ở các trường đại học hiện nay thống nhất.
Nâng cao chất lượng giảng dạy môn học về chuyên ngành hướng dẫn du lịch như môn Pháp luật du lịch, môn Lý thuyết nghiệp vụ HD du lịch, môn Thực hành nghiệp vụ HD du lịch, Thực hành nghiệp vụ tổng hợp... Giảng viên thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật du lịch mới, tuyên truyền luật du lịch 2017 cho sinh viên hiểu và nắm rõ.
Thứ hai,đa dạng hóa các kênh truyền tải thông tin pháp luật du lịch phù hợp với từng đối tượng sinh viên. Thông tin pháp luật du lịch đóng vai trò rất quan trọng, có tác động rất lớn đến ý thức pháp luật, hành vi pháp luật và lối sống theo pháp luật của sinh viên trong khoa. Luật du lịch sẽ không có tác dụng giáo dục nếu như thiếu các kênh truyền tải phong phú, đa dạng. Những kênh đó có thể là xuất bản phẩm chính thức như; sách báo; các phương tiện thông tin đại chúng; bài giảng, nói chuyện của giảng viên, tuyên truyền viên; giao tiếp với các luật gia, các nhà chyên môn những nhà quản lý nắm vững luật du lịch.
Tăng cường phổ biến luật du lịch thông qua tuyên truyền miệng; qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, câu lạc bộ du lịch, giáo dục pháp luật, thường xuyên tổ chức thi tìm hiểuluật du lịch qua hệ thống tài liệu bao gồm sách, báo, băng đĩa vềdu lịch; qua phương tiện truyền thanh, truyền hình để mọi sinh viên được nghe, xem trực tiếp nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật để nắm bắt kịp thời các thông tin luật du lịch, các văn bản pháp luật mới; qua các cuộc ra quân tuyên truyền, cổ động; văn hóa, văn nghệ...
Thứ ba,tăng cường bổ sung, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực của các chủ thể giáo dục. Chủ thể giáo dục, nhất là cán bộ giảng dạy là yếu tố quyết định chất lượng phổ biến luật du lịch cho sinh viên. Chủ thể, mà ở đây là cán bộ quản lý sinh viên, người giảng viên là nhân tố trung tâm của quá trình giáo dục, đào tạo. Trong đó, chủ thể trực tiếp nhất là đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn học chuyên ngành du lịch liên quan đến kinh doanh du lịch. Đội ngũ giảng viên này là nhân tố rất quan trọng, tác động đến chất lượng phổ biến luật du lịch cho sinh viên ngành HDDL.
Thứ tư,phát huy tính tích cực, tự giác của sinh viên trong quá trình phổ biến luật du lịch
Chất lượng giáo dục luật du lịch của sinh viên phụ thuộc vào tính tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng của chính sinh viên. Để các tác động xã hội hóa pháp luật từ bên ngoài được sinh viên tiếp nhận và lĩnh hội một cách thỏa đáng cần phải có sự mong muốn nội tâm của chính sinh viên về việc trang bị cho mình những hiểu biết về pháp luật nói chung và luật du lịch được giáo dục. Mặt khác, với tư cách là chủ thể của nhận thức, việc tự học tập, tự rèn luyện sẽ giúp cho sinh viên vào nghề nghiệp tình cảm với luật du lịch để đi đến thực hiện những hành vi đúng đắn, phù hợp với những đòi hỏi của ngành du lịch đang trên đà phát triển hiện nay.
5. Kết luận
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành và xã hội hoá cao, do đó du lịch thể hiện trong mọi lĩnh vực, từ địa phương đến trung ương, từ công tác quy hoạch phát triển đến lựa chọn ưu tiên cho phát triển kinh tế cuả đất nước.
Sinh viên sau này chính là các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch, là những người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch, trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp phải tham gia vào nhiều mối quan hệ có liên quan đến lợi ích, các quan hệ này có thể dẫn đến những mâu thuẫn mà chỉ có sự can thiệp của Nhà nước mới có khả năng giải quyết, điều hoà các mâu thuẫn đó.
Nằm vững luật du lịch hay Pháp luật du lịch sẽ là một công cụ nhằm điều chỉnh hành vi của mình, đưa ra những định hướng giúp sinh viên hiểu được vai trò và vị trí của mình trong ngành du lịch, từ đó có những chiến lược hoạt độngvà kiến thức nghề nghiệp phù hợp


Tài liệu tham khảo
  1. Trịnh Xuân Dũng, Nguyễn Hữu Viện, Luật kinh doanh du lịch, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội – 2001, 139 trang.
  2. Đinh Trung Kiên, Bài giảng lý luận về du lịch học hiện đại, Hà Nội tháng 12/2003
  3. Trần Nhạn, Du lịch và kinh doanh du lịch, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin Hà Nội – 1996.
  4. Nguyễn văn Đính, Trần thị Minh Hoà , Kinh tế du lịch, NXB Thống kê Hà Nội 2004
  5. Luật du lịch 2005 và 2017, NXB Văn hóa TT

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Sao

Hạn chế của pháp luật về du lịch trong quy định bảo vệ quyền lợi của khách du lịch và kiến nghị hoàn thiện

07/01/2020

ĐÀO THỊ THU HẰNG

Trường ĐH Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

Tóm tắt: Luật Du lịch năm 2017 đã có hiệu lực và đang được thực thi. Nhưng trong quá trình áp dụng, Luật đã bộc lộ một số hạn chế. Một trong những hạn chế đó là thực hiện quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm với khách du lịch khi có sự kiện rủi ro xảy ra.

Từ khóa: ký quỹ du lịch, doanh nghiệp lữ hành, bảo hiểm du lịch, vốn của doanh nghiệp lữ hành.

Abstract: The Law on Tourism of 2017 has come into effectivenesses and under its enforcement. Through the process of the application, the Law has revealed some shortcomings. One of them is the regulation, to which the travel businesses enterprises have to make a deposit to ensure interests of the tourists once a occurs of risk events.

Keywords: travel deposit, travel business, travel insurance, capital of travel enterprises.

1. Quy định về ký quỹ du lịch không có hiệu quả

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Du lịch năm 2017 là quy định: doanh nghiệp kinh doanh lữ hành không cần phải có vốn pháp định nhưng phải ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm với khách du lịch.

Theo quy định của Điều 16 Nghị định 168/2017/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng tiền ký quỹ, mục đích của ký quỹ là: “Trong trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành xem xét và đề nghị ngân hàng cho doanh nghiệp trích tài khoản tiền ký quỹ để sử dụng hoặc từ chối”.

Tại sao du lịch cần phải được điều chỉnh bởi pháp luật

(Ảnh minh họa - Nguồn internet)

Như vậy, có thể thấy rằng, “tiền ký quỹ” là để giải quyết những vấn đề của khách du lịch khi gặp rủi ro. Cụ thể, quỹ chỉ được sử dụng khi du khách bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp. Mục đích này dường như bị “trùng lặp” với các quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hệ thống pháp luật Việt Nam:

Thứ nhất, kinh doanh dịch vụlữ hànhlà việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách. Chương trình du lịchlà văn bản thể hiện lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến đi của khách du lịch từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi[1]. Do đó, việc sử dụng phương tiện vận chuyển hành khách sẽ là một phần không thể thiếu được của hầu hết các chuyến đi. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, chủ xe cơ giới, người vận chuyển hàng không phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách[2]. Pháp luật cũng quy định người kinh doanh vận tải đường thủy nội địa phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba[3], người vận chuyển hành khách bằng đường biển có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển đối với hành khách[4]. Ngoài ra, Luật Du lịch cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch phải mua bảo hiểm cho khách du lịch theo phương tiện vận tải[5]. Như vậy, khi vận chuyển khách du lịch, chủ các phương tiện vận chuyển phải bắt buộc mua bảo hiểm cho khách du lịch.

Thứ hai, ngoài bảo hiểm do người vận chuyển mua, khách du lịch còn có thể được thanh toán tiền chữa bệnh, thậm chí là các chi phí nếu bị tử vong bằng bảo hiểm y tế. Luật Bảo hiểm y tế quy định bảo hiểm y tếlà hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy địnhcủaLuật[6]. Mặc dù, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đã được mở rộng rất nhiều, ngoài người lao động, học sinh, sinh viên... (thậm chí bao gồm cả người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam), tuy nhiên vẫn chưa bao quát hết được phạm vi khách du lịch. Nhưng có thể thấy rằng, phần lớn khách du lịch là người Việt Nam khi bị tai nạn, rủi ro liên quan đến sức khỏe, tính mạng đều sẽ được bảo hiểm y tế chi trả.

Thứ ba, Luật Du lịch cũng quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch[7]. Công ty bảo hiểm sẽ chi trả chi phí cho tổn thất về sức khỏe, tài sản, hành lý cho người đang sinh sống tại Việt Nam (gồm những người có quốc tịch Việt Nam và người có quốc tịch nước ngoài sinh sống tại Việt Nam) muốn đi du lịch, thăm hỏi, công tác, du học trong nước cũng như nước ngoài.

Như vậy, ở Việt Nam, với ba hình thức bảo hiểm này, việc chi trả cho những rủi ro, tai nạn hoặc tổn thất về sức khỏe, tính mạng cho du khách đều có thể được thực hiện kịp thời. Trong đó, chúng tôi cho rằng, việc bán bảo hiểm cho khách du lịch là quan trọng nhất. Bởi lẽ, để các công ty bảo hiểm bán sản phẩm của họ, thì họ sẽ phải kiểm tra, thẩm định quy trình cung cấp sản phẩm nên sẽ giám sát, theo dõi sát sao hoạt động của các doanh nghiệp mà họ bán sản phẩm. Những hành vi, hoạt động bất hợp lý có thể bị loại trừ bởi các công ty bảo hiểm. Không công ty bảo hiểm nào tiếp tục bán hoặc áp dụng mức phí bảo hiểm thấp với những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng hoặc luôn để xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, cũng theo quy định của Điều 16 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, quỹ chỉ dùng trong trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kính phí để giải quyết kịp thời. Vô hình chung, quy định này đã đẩy rủi ro cho khách du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước thực sự cần phải xem xét lại vấn đề này. Bởi lẽ, kinh doanh lữ hành là ngành nghề đối mặt với rất nhiều rủi ro như: thiên tai, tai nạn giao thông, tai nạn leo núi, trèo thác, ngộ độc thực phẩm... Nếu một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành mà không đủ kinh phí để chi trả, giải quyết những sự cố xảy ra cho khách hàng thì cũng không nên để những doanh nghiệp này tồn tại. Mặc dù Việt Nam đang huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch, nhưng không phát triển du lịch bằng mọi “giá”, dẫn đến quyền lợi của khách du lịch không được bảo đảm. Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam thậm chí đã chấp nhận đón khách của tour 0 đồng[8]; do quy mô nhỏ nên chi phí quản lý ít đã hạ giá tour; cung cấp sản phẩm kém chất lượng gây tình trạng cạnh tranh không lành mạnh[9]; lừa dối khách du lịch gây mất uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch quốc gia[10]... Do vậy, những doanh nghiệp không có đủ khả năng về mặt tài chính thì cần phải bị loại bỏ ra khỏi thị trường.

Mặt khác, cũng theo quy định của Điều 16 Nghị định 168, doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành...[11] Như vậy, chỉ chính doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đó mới quyết định việc sử dụng tiền ký quỹ. Giả sử, khi xảy ra những sự cố, rủi ro không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của du khách, nhưng doanh nghiệp lữ hành cho rằng những rủi ro này không do lỗi của họ và họ không làm đề nghị giải tỏa tạm thời tiền quỹ, thì cơ quan quản lý nhà nước về lữ hành không thể tự lấy tiền quỹ của doanh nghiệp ra để chi trả cho du khách. Mặt khác, khoản tiền ký quỹ cao nhất chỉ là 500 triệu đồng[12] khó đủ để lo chi phí trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe, tính mạng của đoàn du khách nước ngoài. Đặc biệt là các đoàn du khách nước ngoài đến Việt Nam theo loại hình du lịch MICE[13] thường có số lượng lên đến hàng trăm du khách một chương trình hoặc chương trình du lịch “team building” có quy mô lớn. Trong khi doanh nghiệp lữ hành luôn “chạy” nhiều chương trình du lịch cùng lúc. Do vậy, có thể thấy khoản tiền ký quỹ này là quá ít, chưa kể đến doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa chỉ ký quỹ có 100 triệu đồng. Vấn đề tiếp theo là khi xảy ra tranh chấp giữa du khách và doanh nghiệp lữ hành, tòa án hoặc cơ quan thi hành án có được can thiệp để giải quỹ lấy tiền bồi thường cho du khách hay không cũng là câu hỏi chưa có giải đáp rõ ràng. Bởi theo quy định hiện tại thì chỉ duy nhất cơ quan cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được quyền đề nghị ngân hàng giải tỏa quỹ.

Ngoài ra, quy định về ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cũng tạo ra những băn khoăn về trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép lữ hành, như: giả sử trong trường hợp cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành “bận” không giải quyết kịp trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đề nghị của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không thể có tiền đưa du khách đi cấp cứu, dẫn đến du khách bị tử vong do bị can thiệp y tế chậm thì sẽ chịu trách nhiệm ra sao?

Trên thực tế để “né” việc phải thực hiện việc ký quỹ trên, nhiều doanh nghiệp du lịch đã thỏa thuận với nhau, giao cho một doanh nghiệp đăng ký và đóng ký quỹ, các doanh nghiệp còn lại vẫn xây dựng và bán tour trên danh nghĩa doanh nghiệp đã ký quỹ thông qua một hợp đồng hợp tác “bán lại khách” hoặc làm hợp đồng đại lý. Như vậy, với hợp đồng đại lý thì Luật Du lịch năm 2017 đã quy định rõ, doanh nghiệp giao đại lý “tổ chức thực hiện chương trình du lịch do bên nhận đại lý lữ hành bán; chịu trách nhiệm với khách du lịch về chương trình du lịch giao cho bên nhận đại lý lữ hành”[14]. Còn hợp đồng hợp tác “bán lại khách” du lịch để hưởng chênh lệch trên giá tour, thì vẫn do doanh nghiệp có ký quỹ thực hiện tour. Nhưng ngược lại, với trường hợp doanh nghiệp đối tác tìm được lượng khách đủ đông để tổ chức thực hiện tour thì họ sẽ tự thực hiện tour và nếu có kiểm tra của cơ quan nhà nước thì sẽ “qua mặt” bằng cách khai báo là tour của công ty có ký quỹ thực hiện.

Do vậy, có thể nói rằng, quy định về việc ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành vô tình đã tạo điều kiện cho hoạt động của những doanh nghiệp kém về năng lực tài chính tham gia kinh doanh, tạo ra những hệ lụy trên thị trường du lịch Việt Nam và gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm du lịch của Việt Nam. Mặt khác, khảo sát thực tế cho thấy, đến nay tuyệt đại đa số doanh nghiệp lữ hành chưa bao giờ sử dụng tiền ký quỹ[15]. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, nên bỏ quy định về ký quỹ. Nếu chọn bảo vệ quyền lợi hợp lý cho du khách, hiện thực hóa trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với khách du lịch trong hoạt động của mình, chúng ta nên quy định vốn pháp định với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoặc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm doanh nghiệp bắt buộc với mức bồi thường tương đương mức vốn pháp định chúng ta muốn. Cần chọn phát triển những doanh nghiệp lữ hành có “chất lượng”, thay vì chạy theo “số lượng” như hiện nay.

2. Kiến nghị giải pháp để bảo vệ quyền lợi của khách du lịch

Một số quốc gia trong khu vực đặt ra yêu cầu về vốn của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau: Singapore quy định vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế là 100.000 đô la Singapore (tương đương khoảng 1,67 tỉ đồng)[16]; Nhật Bản vừa quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải có vốn pháp định là 30 triệu Yên (tương đương khoảng 6,2 tỉ đồng), vừa phải ký quỹ là 70 triệu Yên (tương đương 14,6 tỉ đồng)[17]… Việc đặt ra yêu cầu cao về vốn tối thiểu hay vốn pháp định của doanh nghiệp hiện nay dường như đi ngược lại với xu hướng khuyến khích thành lập và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cần phải dung hòa trong việc bảo vệ lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong những trường hợp cần thiết, chúng ta phải chọn bảo vệ quyền lợi khách hàng và trật tự xã hội hơn vì khách hàng luôn là bên yếu thế trong quan hệ với doanh nghiệp. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển bền vững thì yêu cầu cao về vốn là hợp tình, hợp lý.

Tuy nhiên, nếu chúng ta yêu cầu vốn tối thiểu cao như quy định của Singapore lại chưa hợp lý. Bởi vì, vốn tối thiểu của doanh nghiệp đều có thể dùng vào hoạt động kinh doanh. Tại một thời điểm bất kỳ, nếu tiến hành kiểm toán về lượng tiền mặt của doanh nghiệp thì có khả năng lượng tiền mặt chỉ là 0 đồng, hoặc thậm chí là một số âm vì dòng tiền buộc phải tham gia vào quá trình kinh doanh và thông tin này được xem là “bí mật” với hầu hết các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nói riêng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh lữ hành lại có thể xảy ra những rủi ro, tai nạn mà yêu cầu cấp thiết phải đáp ứng là khách hàng cần ngay một khoản tiền ứng trước, hoặc bồi thường theo hợp đồng để chữa bệnh hoặc xử lý rủi ro. Do vậy, để thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thì quy định yêu cầu về vốn pháp định sẽ hợp lý hơn. Vì vốn pháp định là số vốn mà doanh nghiệp phải duy trì trong suốt quá trình hoạt động[18] và doanh nghiệp không thể dùng vốn pháp định vào hoạt động kinh doanh. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về việc doanh nghiệp có được sử dụng vốn pháp định để mua tài sản cố định hay không. Tuy nhiên, nếu pháp luật cho phép doanh nghiệp dùng vốn pháp định mua tài sản cố định như mua quyền sử dụng đất, trụ sở của doanh nghiệp thì việc quy định vốn pháp định sẽ làm giảm đi vai trò của nó, vì giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp có thể lên xuống thất thường.

Mặt khác, chúng ta có thể quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải mua bảo hiểm trách nhiệm[19]. Dưới góc độ của người bán bảo hiểm thì tất cả các doanh nghiệp đều có trách nhiệm pháp lý đối với khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng. Nếu bên thứ ba chịu thiệt hại về tài sản hay thương tật do sử dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm. Ngoài việc chi trả bồi thường, doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng lớn về thời gian, uy tín thương hiệu và chi phí pháp lý liên quan. Vì thế, trong trường hợp này,bảo hiểm trách nhiệmsẽ là công cụ hiệu quả bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Bảo hiểm trách nhiệm có thể bao gồm các gói bảo hiểm: (1) bảo hiểm trách nhiệm công cộng; (2) bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm và (3) kết hợp cả hai gói bảo hiểm. Với gói bảo hiểm trách nhiệm công cộng, doanh nghiệp sẽ được chi trả chi phí bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại về tài sản hoặc người (ốm đau, thương tật)phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệpxảy ra trong thời hạn bảo hiểm và các chi phí khiếu kiện pháp lý liên quan tới khiếu nại đó. Với gói bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, doanh nghiệp sẽ được công ty bảo hiểm chi trả trong trường hợphàng hóa, sản phẩm mà doanh nghiệp bán/ cung cấp/ sửa chữa/ thay thế/ xử lý hay phục vụgây ra thiệt hại cho người tiêu dùng hàng hóa/sản phẩm, doanh nghiệp; chi phí khiếu kiện pháp lý liên quan tới khiếu nại cũng như chi phí bồi thường theo trách nhiệm pháp lý của Người được bảo hiểmđối với những thiệt hại về người (thương tật, ốm đau) và tài sản của Người tiêu dùng hàng hóa/sản phẩm xảy ra trong thời hạn bảo hiểm[20].

Mặc dù đã có quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải mua bảo hiểm du lịch bắt buộc, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thường chỉ mua bảo hiểm du lịch cho khách ở mức tối thiểu để giảm giá thành sản phẩm. Vậy nên, khi du khách gặp rủi ro, họ sẽ không được hỗ trợ hoàn toàn và có nhiều thứ bị loại trừ, nên mức bồi thường không cao. Trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm bảo hiểm du lịch của các doanh nghiệp trong và ngoài nước có mức phí bảo hiểm khá thấp. Ví dụ, du lịch nội địa, chi phí bảo hiểm thấp nhất chỉ 1.500 đồng/người/ngày. Phạm vi của bảo hiểm du lịch trong nước là bảo hiểm cho những thương tật, tàn tật, tử vong do tai nạn hoặc ốm đau, bệnh tật bất ngờ trong chuyến đi du lịch của du khách nhưng với hạn mức trách nhiệm bảo hiểm cao nhất chỉ là 10 triệu đồng cho mỗi trường hợp[21]. Thông thường, công ty bảo hiểm thường đưa ra nhiều gói bảo hiểm với mức phí bảo hiểm khác nhau theo nguyên tắc, phí bảo hiểm cao thì tiền bảo hiểm sẽ cao, nhưng hầu hết các khách du lịch lẻ không mấy khi thỏa thuận về mức phí bảo hiểm du lịch mà để công ty lữ hành áp đặt. Với số tiền bảo hiểm 10 triệu đồng (nếu có) thì sẽ rất khó cho du khách xoay sở khi gặp tai nạn.

Đã vậy, các công ty du lịch không bảo hiểm cho mọi chuyến đi. Luật Du lịch năm 2017 đã liệt kê vào những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch: 1. Bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; 2. Đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác; 3. Lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù bay; 4. Thám hiểm hang động, rừng, núi[22], nhưng việc mua bảo hiểm những tour du lịch này cho du khách đang gặp khó khăn vì hầu hết các công ty bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm hoặc bán với mức phí rất cao.

Như vậy, theo chúng tôi, việc quy định về tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hiện nay không đảm bảo để bảo vệ quyền lợi của khách du lịch. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, chúng tôi kiến nghị các nhà làm luật nên quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải có vốn pháp định hoặc phải mua bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc. Và mức vốn pháp định hoặc mức trách nhiệm bảo hiểm được công ty bảo hiểm chi trả sẽ cần sự bàn bạc thêm từ các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế./.


[1] Xem Điều 3.8 & 9 Luật Du lịch năm 2017.

[2] Xem Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

[3] Xem Điều 5 Nghị định 110/2014/NĐ-CP quy định kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.

[4] Xem Điều 203.3 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015.

[5] Xem Điều 47.2 Luật Du lịch năm 2017.

[6] Xem Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Bảo hiểm Y tế năm 2014.

[7] Xem Điều 37.1đ Luật Du lịch năm 2017.

[8] Trang điện tử Báo Công an nhân dân, truy cập ngày 30/8/2018 trên: http://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/Manh-tay-xu-ly-canh-tranh-du-lich-khong-lanh-manh-433825/

[9] Trang điện tử Báo Giao thông, truy cập ngày 30/8/2018 trên: http://www.baogiaothong.vn/vach-mat-canh-tranh-ban-trong-kinh-doanh-du-lich-d181923.html

[10] Trang điện tử Báo Đầu tư, truy cập ngày 30/8/2018 trên: https://baodautu.vn/du-khach-khieu-nai-doanh-nghiep-lu-hanh-lam-gi-d24672.html

[11] Xem Điều 16 Nghị định 168/2017/NĐ-CP về quy định chi tiết Luật Du lịch năm 2017

[12] Xem Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP về quy định chi tiết Luật Du lịch năm 2017

[13] MICE viết tắt của bốn từ tiếng Anh: Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội thảo) và Event (sự kiện)

[14] Điều 42.2 Luật Du lịch năm 2017

[15] Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, truy cập ngày 30/8/2018 trên: http://enternews.vn/luat-du-lich-2017-va-nhung-cau-hoi-con-bo-ngo-120288.html

[16] Hội đồng du lịch Singapore, truy cập ngày 05/9/2018 trênhttps://www.stb.gov.sg/assistance-and-licensing/licensing/Pages/TRAVEL-AGENT-LICENCE.aspx#Eligibility,

[17] Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản, truy cập ngày 05/9/2018 trên:http://www.mlit.go.jp/kankocho/en/shisaku/sangyou/ryokogyoho.html

[18]Xem Điều 8.1 Luật Doanh nghiệp năm 2014

[19]Xem Điều 7.2g Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, năm 2010.

[20] Công ty Bảo Việt: http://www.baoviet.com.vn/baohiem/Khach-hang-doanh-nghiep/Bao-hiem-trach-nhiem/ GeneralLandingPage/152/, truy cập ngày 21/12/2018.

[21] https://nld.com.vn/kinh-te/vi-sao-nen-mua-bao-hiem-du-lich-20171011100350129.htm, truy cập ngày 21/12/2018

[22] Điều 8 Nghị định 168/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (391), tháng 8/2019.)