Tại sao phải học đi đôi với hành

      Học tập là công việc suốt đời đối với mỗi một con người. Lê-nin từng nói: "Học, học nữa, học mãi". Nhưng phải học như thế nào cho đúng? Dân gian ta đã từng nhắc nhở: "Học đi đôi với hành". Chúng ta cần hiểu như thế nào về phương pháp học này?

      Học là quá trình chúng ta tiếp thu kiến thức của nhân loại. Nội dung học là các kiến thức nhân loại được chọn lọc (được phân loại thành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) cùng với đó là các kĩ năng, kĩ xảo tương ứng. Quá trình này nhằm đến một cái đích là làm phong phú những hiểu biết của con người, giúp phát triển vẹn toàn nhân cách và đặc biệt việc học trang bị cho mỗi chúng ta những kiến thức, những kĩ năng, kĩ xảo nghề nghiệp để từ đó tham gia vào hoạt động sản xuất của xã hội đem đến lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước. Như vậy, “học” ở đây được hiểu là gắn với vấn đề lí thuyết. Người học giỏi thường được hiểu là người nắm được nhiều nội dung lí thuyết.

      Bên cạnh đó, "hành" là thực hành, là quá trình vận dụng kiến thức vào cuộc sống, là đem những cái đã học được vào thực tế để kiểm tra độ đúng sai hay để làm sinh động nó. “Hành” có nhiều cấp độ: bắt chước người khác làm, làm lại theo những gì còn lưu trong trí nhớ, sáng tạo những cách thức hoạt động mới,... "Hành" được đến đâu, điều đó còn tùy thuộc vào tri thức mà bạn học được phong phú sinh động và sâu sắc đến bao nhiêu.

      Trong việc học hàng ngày, tại sao lại cần “Học đi đôi với hành”? Vì chúng là hai mặt thống nhất với nhau, bổ sung cho nhau.

      Như ta đã biết, nếu chỉ biết học lý thuyết mà không hề biết đến thực hành thì những lý thuyết ta học cũng chỉ là những tri thức chết, chúng không có tác dụng đối với đời sống. Đó là trường hợp nhiều học sinh Việt Nam đi thi học sinh giỏi quốc tế các môn khoa học tự nhiên. Chúng ta làm lí thuyết rất xuất sắc, thậm chí đạt điểm tuyệt đối. Nhưng khi thực hành, trong khi bạn bè các nước làm rất tốt thì chúng ta loay hoay hàng giờ, thậm chí phải bỏ cuộc. Đó cũng là trường hợp nhiều học sinh, sinh viên đạt kết quả học tập rất cao nhưng hoàn toàn không có kĩ năng sống thực tế. Họ không biết ứng xử sao cho hợp hoàn cảnh giao tiếp, không nấu được một bữa cơm, không tự viết được một lá đơn xin việc,... học như vậy chỉ phí phạm thời gian, công sức tiền bạc bởi thực tế học như vậy để làm gì nếu không thể ứng dụng vào đời sống? Như vậy, chúng ta không chỉ học lý thuyết mà còn phải biết áp dụng những lý thuyết đó phục vụ thực tế.

      Những hoạt động như cắm trại, tham quan, du lịch, sưu tầm văn học dân gian ở quê hương mình; những việc làm như trồng hoa, trồng cây, làm sạch trường, đẹp lớp,... là vô cùng thiết thực, đúng là "theo điều học mà làm". Quét nhà, lau nhà, nấu cơm, giặt quần áo trong gia đình là những công việc giúp tuổi trẻ trở nên tháo vát, khéo léo, biết yêu thương đỡ đần bố mẹ, sớm hình thành những đức tính tốt đẹp như siêng năng cần cù, yêu lao động và biết quý trọng người lao động.

      Mặt khác, có lúc những lý thuyết chúng ta đã được học khi đưa vào thực hành lại gặp phải rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng ta phải biết kết hợp vừa học lý thuyết và thực hành nhuần nhuyễn những điều đã học. Có như vậy, thì những kiến thức chúng ta được học sẽ trở nên sâu hơn, giúp chúng ta nắm vững nguồn tri thức. Nếu chỉ học mà không thực hành thì tất cả cũng chỉ là lý thuyết. Chính vì vậy, học phải đi liền với thực hành, có như vậy ta mới có thể đem hết những gì đã học cống hiến phục vụ cho đất nước.

      “Học đi đôi với hành” là lời của người xưa đúc kết nhưng vẫn còn là bài học lớn của hôm nay và mai sau dành cho những ai thực sự cầu tiến bộ.

Loigiaihay.com

Học là con đường ngắn nhất để thành công trong cuộc sống. Ở thời đại này dường như ai cũng học và từng học. Bất kể là cách học ra sao, phương châm học như thế nào nhưng thực hành luôn là việc đi đôi cùng học tập. Thế nên người ta mới có câu “Học đi đôi với hành

Vậy học là gì? Hành là gì? Và tại sao ta phải kết hợp cả hai với nhau?

“Học” là quá trình tích lũy kiến thức cơ bản của nhân loại được đúc kết từ hơn nghìn năm nhằm mục đích mở mang trí óc, nâng cao hiểu biết về nhiều mặt cũng như góp phần lợi ích trong quá trình xây dựng đất nước. Có nhiều cách học,từ sách vở,thầy cô giảng dạy ngay cả một người qua đường cũng có thể cung cấp cho bạn những kiến thức mới.Học là làm giàu tri thức, là bổ sung vào các lỗ hổng chưa được hoàn thiện.Đây không phải là quá trình ngắn mà kéo dài từ năm này sang năm nọ.Bởi vì có quá nhiều kiến thức và lĩnh vực khác nhau.

Hành” là quá trình ứng dụng những kiến thức đã được học vào thực tiễn. Hay nói cách khác thực hiện những công việc thực tế dựa trên lý thuyết đã học. Bằng cách thực hành này những kiến thức đã tiếp thu sẽ được ghi nhớ và dễ dàng tiến bộ trong quá trình học tập vẫn đang tiếp diễn.

Học đi cùng với hành là sự kết hợp thống nhất, bổ trợ cho nhau về mọi mặt. Làm cho cái ta học trở nên sâu sắc, logic phù hợp với cơ sở khoa học và đạt được kết quả tốt nhất. Học mà không hành thì hiểu vấn đề nhưng không nắm bắt được trọng điểm.Hậu quả là lãng phí đi thời gian và công sức. Còn hành mà không học thì ngược lại đã nắm bắt được trọng điểm nhưng không hiểu vấn đề vì chưa từng học qua những kiến thức cơ bản cũng như nội dung chuyên môn.Cuối cùng “Học không hành” là không đạt được kết quả, gây lãng phí thời gian và công sức , “Hành không học” thường đi đôi với thất bại và kết quả không cao.

“Học đi đôi với hành” vừa là nguyên lý giáo dục vừa là phương pháp học tập hiệu quả.

Học và hành giúp bài học không nhàm chán, trở nên sôi nổi dễ gây hứng thú cho các bạn học. Hiệu quả học tập cao. Hiểu sâu và nắm rõ kiến thức cơ bản. Cha ông ta thường nói “Trăm hay không bằng quen tay” có hiểu biết đến đâu nhưng không có cơ hội tận dụng những kiến thức đó thì điều vô ích. Học đi đôi với hành là một kim chỉ nam chuẩn xác cho ngành giáo dục Việt Nam để đào tạo được thế hệ vừa nắm chắc lý thuyết vừa giỏi làm. Bởi trong công việc cái người ta cần và quan tâm là sản phẩm và chất lượng chứ không phải chỉ hiểu biết về mặt lý thuyết. Ví dụ bạn đọc một quyển sách dạy nấu ăn, đọc từ quyển này sang quyến khác nhưng chưa từng một lần thử vào bếp bắt tay làm thì cho dù bạn có cày cấy trong những quyển sách như thế nào thì cũng không thể khá lên được... Học và hành là hai đường song song luôn đi kề cạnh nhau bồi đắp cho nhau tức chúng ta cần học để làm tốt, cần làm để học tốt. Việc học sẽ trở nên sáo rỗng và uổng phí khi trong một thời gian dài chẳng được áp dụng.Với mục đích học tập đúng đắn, chúng ta mới có thể say mê, nghiêm túc và chăm chỉ tiếp thu đủ. Trong thực tiễn ta có thể kết hợp học và hành theo nhiều cách để mang lại kết quả tốt nhất. Học không chỉ để bổ sung kiến thức mà còn phải vận dụng thì mới mang lại hiệu quả tốt nhất. Một thực tế đáng buồn hiện nay là nền giáo dục nước ta còn coi trọng lí thuyết mà kém tính thực hành. Điều này làm cho nền giáo dục chưa phát triển, chưa đáp được nhu cầu của xã hội. Nguyên nhân của hiện trạng này là do học sinh chưa ý thức được cặn kẽ vai trò giữa học và hành. Mặt khác, nước ta còn nghèo nàn, chưa thể đầu tư nhiều dụng cụ, phòng thí nghiệm chất lượng cho các môn học

Nhưng ngày nay việc học dường như đã bị các bạn trẻ xem nhẹ. Các bạn không chỉ không có ý chí tiến tới mà ngày càng trở nên thụt lùi. Học qua loa, học cho có hay học chỉ vì hình thức bên ngoài là một cách học sai lầm đáng bị chê trách. Nếu cứ duy trì những cách học sai lầm nhưng thế thì học sẽ chẳng bao giờ có kiến thức của riêng mình. Cũng chính cách học hình thức như này là nguyên nhân dẫn đến những ý nghĩ tiêu cực trong thi cử cũng là yếu tố gây nên tật xấu.

Học là phải hiểu, học là phải thực hành, là phải vận dụng những kiến thức vào trong thực tế. 

Không học vẹt, học tủ, học để đối phó mà là chân chính học. Là ôn tập sau những giờ được dạy kiến thức cơ bản. Sử dụng kiến thức của mình đã có mà làm các bài tập để ghi nhớ.  Điều quan trọng trong học tập đó là sự sáng tạo, sự mạnh dạn học hỏi.

Tóm lại học và hành là không phải là con đường duy nhất mà là nhanh nhất dẫn đến thành công sau này. Là một học sinh- chúng ta cần phải biết áp dụng phương châm “học đi đôi với hành” sao cho hiệu quả nhất để vững bước trên con đường học tập.

Viết bởi Nth Bảo Ngọc

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây

Xem thêm các sách tham khảo liên quan:

  • Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 8
  • Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 8 (Ngắn Gọn)
  • Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 8 (Cực Ngắn)
  • Giải Vở Bài Tập Ngữ Văn Lớp 8
  • Tác Giả – Tác Phẩm Văn Lớp 8
  • Sách giáo khoa ngữ văn lớp 8 tập 1
  • Sách giáo khoa ngữ văn lớp 8 tập 2
  • Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 8 Tập 1
  • Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 8 Tập 2
  • Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 8 Tập 1
  • Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 8 Tập 2

Đề bài: Giải thích câu tục ngữ Học đi đôi với hành.

Bài làm

Học tập là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi con người, nhưng đôi khi người ta quên hiểu rõ ràng và đầy đủ rằng, học tập không phải đơn thuần chỉ là lĩnh hội các tri thức mang tính lí thuyết mà còn là sự vận dụng, ứng dụng những lí thuyết vào thực tế. Đó là lí do vì sao chúng tôi muốn giải thích và làm rõ câu tục ngữ : “Học đi đôi với hành”.

Trước hết, “học” mà câu tục ngữ đề cập chính là việc tiếp nhận những kiến thức trên lớp, chính xác hơn thì đó là tiếp nhận lí thuyết. Còn “hành” chính là vận dụng, ứng dụng những lí thuyết vào thực tế cuộc sống. “Đi đôi” có nghĩa là luôn song hành với nhau, không thể nào tách rời. Toàn bộ câu tục ngữ có thể hiểu chính là, việc ta tiếp nhận kiến thức hay lí thuyết sẽ luôn phải đi cùng với việc ứng dụng, vận dụng những điều đó trong thực tế cuộc sống của chúng ta, như vậy mới có ý nghĩa.

Vậy tại sao “học” phải “đi đôi với hành”? Nếu con người chỉ “học” không “hành” hay chỉ “hành” không “học” thì có được không? Lí giải điều này sẽ giúp ta hiểu sâu sắc ý nghĩa câu tục ngữ. Nếu như “học” không “hành”, chúng ta có thể sẽ rất giỏi lí thuyết, thế nhưng kiến thức lí thuyết sâu rộng cũng sẽ trở nên vô ích khi nó không giúp gì cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Vậy chúng ta sẽ “hành” để giúp ích cho cuộc sống, nhưng nên hiểu nếu “hành” mà không có lí thuyết chỉ đường, chúng ta biết bắt đầu từ đâu, biết “hành” như thế nào? “Hành” mà không “học”, con người chắc chắn sẽ thất bại. Tóm lại, “học đi đôi với hành” là một chân lí, học định hướng, giúp cho việc vận dụng có hiệu quả và ngược lại, việc vận dụng sẽ làm cho lí thuyết được học trở nên có ý nghĩa, đồng thời quay lại kiểm nghiệm tính đúng đắn của lí thuyết.

Chúng ta nhìn thấy rất nhiều người thành công là kết quả của việc vận dụng hợp lí và linh hoạt giữa lí thuyết và ứng dụng. Nhiều bạn trẻ có thể học không quá xuất chúng, nhưng ngoài học, các bạn còn hiểu tầm quan trong của ứng dụng nên tích cực học hỏi từ thực tế, trải nghiệm cuộc sống lấy kinh nghiệm ngoài sách vở, sinh viên sư phạm đi gia sư, làm thêm trong các trung tâm nên ra trường dễ dàng tìm được một công việc như ý muốn. Ngược lại, có những sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp loại giỏi nhưng do chỉ có kiến thức lí thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tế nên vẫn thất nghiệp. Những sinh viên chỉ mải tìm việc làm từ thực tế để tăng thu nhập mà không chú tâm rèn luyện lí thuyết để vận dụng đúng cũng thất bại trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm tốt cho mình. Đó alf minh chứng cho sự đúng đắn của câu tục ngữ.

Vậy làm sao để chúng ta làm tốt được cả “học” và “hành”? Thiết nghĩ, một người cần hiểu rõ ràng mục đích và tầm quan trong của “học” đối với “hành” và ngược lại. Nhận thức đúng đắn điều này để chúng ta có sự cân bằng giữa hai yếu tố. Trong học tập lí thuyết trên lớp, cần cố gắng trau dồi lắng nghe, tuy nhiên cần cố gắng vận dụng những gì chúng ta đã học trong cuộc sống để giải quyết vấn đề, cần hiểu việc vận dụng phải linh hoạt và sáng tạo mới có hiệu quả tốt nhất.

“Học đi đôi với hành”, câu tục ngữ từ rất xa xưa nhưng đã thể hiện nhận thức đúng đắn từ rất sớm của ông cha ta về mối quan hệ giữa học và hành. Mỗi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường hãy luôn tâm niệm câu tục ngữ như một kim chỉ nam cho bản thân mình để học tập và ứng dụng một cách hiệu quả.

Video liên quan

Chủ đề