Thầy/cô thực hành xây dựng quy tắc ứng xử và an toàn học đường cho lớp học mình đang phụ trách.

QUY TẮC ỨNG XỬ VĂN HÓA CỦA HỌC SINH

TRƯỜNG THPT HOÀNG VĂN THỤ

(Ban hành kèm theo Quyết định sô…. Ngày 05 tháng 10 năm 2020 của Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ)

CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

  1. Quy tắc ứng xử văn hóa của học sinh trường THPT Hoàng Văn Thụ quy định các chuẩn mực ứng xử văn hóa, nguyên tắc khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm trong nhà trường.
  2. Quy tắc này áp dụng đối với học sinh trường THPT Hoàng Văn Thụ.

Điều 2. Mục đích

  1. Điều chỉnh cách ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ với cá nhân, tập thể, nhà trường, gia đình và xã hội, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục.
  2. Xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng

  1. Căn cứ: Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư 06/2019 ngày 12/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định quy tắc ứng xử  trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; Các văn bản hướng dẫn có liên quan; Nội quy trường THPT Hoàng Văn Thụ.
  2. Tuân thủ các quy định của pháp luật; phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc.
  3. Bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
  4. Dễ hiểu, dễ thực hiện; phù hợp với lứa tuổi, cấp học và đặc trưng văn hóa vùng miền.
  5. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội dung Bộ Quy tắc ứng xử được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong cơ sở giáo dục.

CHƯƠNG II

CHUẨN MỰC ỨNG XỬ VĂN HÓA CỦA HỌC SINH

 TRONG NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ NƠI CÔNG CỘNG

Điều 4. Ứng xử của bản thân học sinh khi đến trường

          1. Đi học đúng giờ, chuẩn bị đầy đủ sách vở và dụng cụ học tập, không gây ồn ào, ra ngoài lớp trong thời gian truy bài. Không để sách, vở, dụng cụ học tập tại trường. Không mang đồ ăn vào trong lớp học. Nghỉ học phải có giấy xin phép có xác nhận của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Tuân theo nội quy trường, lớp. Phục tùng các quyết định của thày, cô giáo, nhân viên nhà trường.

          2. Trang phục đúng quy định của nhà trường.  Không nhuộm tóc, sơn móng tay, chân, son phấn lòe loẹt, tóc gọn gàng, học sinh nam không để tóc dài, cắt tóc phản cảm như cạo trọc, để bờm, đeo khuyên tai…đến lớp. Sử dụng ngôn ngữ giao tiếp có văn hóa, thái độ ứng xử thân thiện, hòa nhã, đoàn kết với bạn bè.

          3. Tham gia tích cực các hoạt động tập thể, phong trào học tập, lao động và hoạt động nghệ thuật, thể thao ở trường và ở địa phương. Không nói chuyện, đùa nghịch trong thời gian tập trung chào cờ và các hoạt động tập thể.

          4. Có ý thức bảo vệ cơ sở vật chất trường lớp, giữ gìn vệ sinh chung, làm đẹp trường lớp, nơi ở và nơi công cộng góp phần làm môi trường xanh, sạch, đẹp. Không đi, đứng, leo, trèo, ngồi, nằm trên lan can, bàn học. Không vứt rác, khạc nhổ bừa bãi. Không vẽ, viết, khắc lên tường, bàn ghế, bảng...Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, đóng cửa lớp học trước khi ra về. Vệ sinh lớp học đầu mỗi buổi học và trước thời gian truy bài.

          5. Không gian lận trong kiểm tra, thi cử. Có thái độ trung thực trong học tập, rèn luyện.

          6. Trong thời gian ngồi nghe giảng trong lớp học đảm bảo tư thế, tác phong nghiêm túc, trật tự, đúng vị trí, tôn trọng thầy giáo, cô giáo và bạn cùng lớp. Giơ tay phát biểu xây dựng bài. Không làm các cử chỉ như: Quay ngang, quay ngửa, phát ngôn tuỳ tiện, nhoài người, gục đầu. Không sử dụng điện thoại trong giờ học, không đọc truyện và làm việc riêng trong giờ học.

          7. Dắt xe, đi bộ trong khu vực sân trường kể cả lúc vào trường và lúc ra về trong các buổi học. Để xe ngay ngắn, thành hàng đúng vị trí quy định. Không đi xe máy đến trường.

8. Nghiêm cấm uống rượu, bia, hút thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử). Không mang các vật dụng gây nguy hiểm đến trường như dao, kiếm, đồ chơi súng bắn đạn... không mua bán, tàng trữ, sử dụng, đốt pháo và chất gây cháy nổ.

9. Nghiêm cấm các hành vi: Gây sự, đánh nhau, đưa người lạ mặt vào trường, kết băng nhóm kích động gây mất trật tự an ninh trong và ngoài trường.

10. Nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi gây tác hại tới nhà trường, xúc phạm đến uy tín, danh dự của cá nhân, tập thể.

          Điều 5. Ứng xử trong quan hệ bạn bè

          1. Chào hỏi, xưng hô với bạn bè đảm bảo thân mật, cởi mở, trong sáng; không gọi nhau, xưng hô bằng những từ chỉ dành để gọi những người tôn kính như ông, bà, cha, mẹ…, không gọi tên bạn gắn với tên cha, mẹ, hoặc những khiếm khuyết ngoại hình hoặc đặc điểm cá biệt về tính nết; không làm ầm ĩ ảnh hưởng đến người xung quanh.

          2. Trong đối thoai, nói chuyện, trao đổi với bạn bè cần chân thành, thẳng thắn, cởi mở, ôn tồn, không cãi vã , chê bai, dè bỉu, xúc phạm, huơ chân, múa tay, nói tục, chửi bậy, chửi thề, khạc nhổ Biết tôn trọng, yêu quý lẫn nhau, biết cảm thông và chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

          3. Biết nhận lỗi và sửa lỗi khi mình làm điều sai với bạn, biết tha lỗi khi bạn làm sai với mình.

          4. Trong học tập biết giúp đỡ, hướng dẫn tận tình các bạn học yếu, chịu khó học tập bạn tốt cùng nhau tiến bộ.

          5. Quan hệ với bạn khác giới đảm bảo tôn trọng, đúng mực, trong sáng. Không sấn sổ, săn đón, điệu bộ quá trớn, không có những hành động hay lời nói xúc phạm, khiếm nhã, trêu chọc, khiêu khích…

          Điều 6. Ứng xử với thày cô giáo và nhân viên nhà trường và khách đến trường

          1. Tôn trọng, lễ phép và vâng lời thầy cô, cán bộ quản lý, nhân viên.

          2. Khi gặp thầy cô, nhân viên nhà trường, khách đến trường phải chào hỏi lịch sự.

          3. Khi hỏi, trả lời đảm bảo tôn ti trật tự trên dưới, câu hỏi và trả lời ngắn gọn, rõ ràng, có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ; có thưa gửi, cảm ơn.

4. Không bàn tán, nói xấu cán bộ, giáo viên, nhân viên và người khác; không đưa thông tin, hình ảnh về cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường trên internet dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của người có liên quan.

  Điều 7. Ứng xử trong gia đình

  1. Lễ phép, kính trọng và vâng lời ông, bà, cha mẹ và người lớn tuổi.

  2. Nhường nhịn, chăm sóc và giúp đỡ em nhỏ.

  3. Tích cực làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ. Trong công việc gia đình đảm bảo làm việc được giao, chăm chỉ, vừa sức, không đôi co, cãi cọ, cau có khi bị nhắc nhở.

  4. Chào hỏi khi đi, về; có lời mời trong bữa cơm gia đình. Đi đâu phải có sự đồng ý của cha, mẹ mới được đi, nếu tham gia công việc của trường, lớp cha mẹ không đồng ý phải giải thích với thái độ đúng mực, không cáu gắt tỏ thái độ coi thường…

  Điều 8. Ứng xử trong cộng đồng, xã hội

1. Thực hiện tốt nếp sống văn hóa, quy tắc, quy định văn hóa nơi công cộng.

2. Kinh trọng, lễ phép với người lớn tuổi. Cư xử đúng mực với mọi người. Tương trợ giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn, sống có tình nghĩa với hàng xóm, láng giềng. Giúp đỡ, nhường chỗ cho người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật khi lên xuống tàu, xe, khi qua đường.

3. Tham gia toàn giao thông an toàn, chấp hành nghiêm túc các quy định về trật tự an toàn khi tham gia giao thông. Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện.

4. Tuân thủ các quy định của pháp luật. Tránh các tệ nạn xã hội (sử dụng ma túy, ham trò chơi điện tử, hành vi bạo lực, gian lận, tiếp xúc với thông tin có nội dung độc hại cho sự phát triển nhân cách...).

5. Ứng xử trên mạng xã hội: Sử dụng ngôn từ trong sáng, không nói tục, chửi bậy. Nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác, đăng tải clip có nội dung phản cảm.

CHƯƠNG III

QUY ĐỊNH XỬ LÝ HỌC SINH VI PHẠM

Điều 9. Căn cứ xử lý học sinh vi phạm: Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; Các văn bản hướng dẫn có liên quan; Nội quy trường THPT Hoàng Văn Thụ.

Điều 10. Các hình thức xử lý học sinh vi phạm

Nguyên tắc xử lý: Theo hướng phòng ngừa,  răn đe; Giúp học sinh nhận ra khuyết điểm và có hướng sửa chữa tiến bộ; Có tác dụng giáo dục tích cực.

  1. Nhắc nhở, hỗ trợ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm
    1.  Học sinh bị nhắc nhở trong các trường hợp:
  • Chưa nghiêm túc trong các hành vi ứng xử văn hóa trong nhà trường.
  • Chưa thực hiện tốt nội quy của lớp, trường.
  • Đi muộn, trang phục không đúng theo quy định, không đội mũ bảo hiểm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xe không đúng vị trí, mang đồ ăn vào trong lớp học …
  • Thái độ học tập chưa nghiêm túc bị ghi trong Sổ đầu bài. Không chú ý trong giờ học, nói tự do, sử dụng điện thoại trong giờ học, đọc truyện, làm việc riêng trong giờ…
  • Không tích cực trong lao động, không mang dụng cụ lao động, vứt rác bừa bãi…

1.2. Quyền hạn xử phạt:

Thày giáo, cô giáo trong trường, GVCN, Giáo viên trực tuần, Ban GD đạo đức học sinh.

Tủy theo tính chất, thời điểm, mức độ vi phạm có thể sử phạt các hình thức sau:

  • Học sinh kiểm điểm, cam đoan hứa sửa chữa, xin lỗi công khai…
  • Phạt lao động, vệ sinh trường lớp, phạt đứng dưới cờ, cổng trường.
  • Phạt chép bài hoặc đứng cuối lớp học dự thính (Thời gian phạt học sinh đứng học dự thính tối đa 20 phút/tiết học).

1.3 Một số quy định riêng:

  • Sử dụng điện thoại trong giờ học: Thu điện thoại, niêm phong bàn giao cho GVCN, thông báo cho phụ huynh, đến cuối kỳ học bàn giao cho cha, mẹ học sinh.
  • Học sinh đến trường trang phục không phù hợp (kể cả các buổi sinh hoạt tập thể) như quần bò xước, quần nỉ, quần ngủ, quần đùi, áo phông không cổ, trang phục in hình ảnh, chữ viết có nội dung không lành mạnh… yêu cầu về nhà thay đổi (lần 1).
  • Đi dép lê trong các buổi học theo TKB: Tịch thu.
  •  Đi xe đạp trong sân trường: Giữ xe 01 tuần (lần 1)
  • Đi xe máy đến trường: Giữ xe, yêu cầu cha, mẹ học sinh đến cam kết, bàn giao.
  • Đá bóng trong sân trường: Thu bóng.
  • Đùa nghịch vô ý hư hại tài sản; kẻ, vẽ, khắc lên bàn, tường, bảng, bẻ cành cây... phải bồi thường, tự khắc phục hậu quả. Trường hợp nghiêm trọng sẽ xét kỷ luật.

2. Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm

    1.  Khiển trách trước Giáo viên chủ nhiệm

2.1.1 Lỗi vi phạm:

  • Bị nhắc nhở 3 lần trở lên trong tuần học.
  • Nói tục, chửi bậy, hút thuốc, uống rượu bia…
  • Nghỉ học không lý do, trốn học, bỏ giờ.
  • Vi phạm chuẩn mực ứng xử văn hóa của học sinh trong nhà trường, gia đình và nơi công cộng đã nhắc nhở nhưng tái phạm.
  • Thái độ sai trong các giờ kiểm tra. Không trung thực.
  • Sử dụng từ ngữ thô tục, thiếu văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội.
  • Có thái độ kém văn hoá hoặc hành vi thiếu đạo đức đối với thầy cô giáo, đối với cha mẹ, bạn bè và những người xung quanh, gây mất đoàn kết trong tổ, nhóm học tập, bao che hoặc đồng tình với hành động sai phạm của bạn, không báo cáo với nhà trường những việc làm sai trái của bạn mà mình đã biết để nhà trường có biện pháp ngăn ngừa kịp thời, hoặc kiểm điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ có tác hại tương đương. 

2.1.2. Quyền hạn xử phạt:

  • GVCN quyết định.
  • Thông báo cho cha, mẹ hoặc người giám hộ học sinh vi phạm để phối hợp theo dõi, giáo dục.
  •  Hạ bậc hạnh kiểm trong tháng.

2.2. Khiển trách trước Ban Giáo dục đạo đức học sinh nhà trường

2.2.1. Lỗi vi phạm:

  • Tái phạm nhiều lần một trong các khuyết điểm, sai phạm đã bị khiển trách trước lớp.
  • Mắc khuyết điểm, sai phạm thuộc những điều nhà trường ngăn cấm, dù chỉ là một lần, song đã gây nhiều tác hại ảnh hưởng không tốt đến việc giáo dục toàn diện của nhà trường như: ăn cắp bút, sách, tiền bạc, đồ dùng tư trang, … của bạn bè, thầy cô giáo, gia đình hoặc của nhân dân nơi mình ở.
  • Gây gổ, đánh nhau với bạn bè và những người ở ngoài nhà trường: tung dư luận xấu, phao tin đồn nhảm; tham gia tuyên truyền các hoạt động mê tín dị đoan; nghe nhạc, xem phim hoặc truyền báo sách báo có nội dung xấu; hoặc mắc các khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương.
  • Vô lễ với giáo viên, nhân viên trong trường. Hỗn láo với ông bà, cha, mẹ, người lớn tuổi.
  • Vi phạm chuẩn mực ứng xử văn hóa của học sinh trong nhà trường, gia đình và nơi công cộng dù lần đầu nhưng có ảnh hưởng không tốt tới quá trình giáo dục của nhà trường, tới dư luận xã hội.

2.2.2. Quyền hạn xử phạt

- Ban Giáo dục đạo đức học sinh nhà trường quyết đinh.

Hồ sơ khiển trách gồm:

+ Tường trình sự việc của học sinh, Bản kiểm điểm.

+ Biên bản làm việc với cha, mẹ hoặc người giám hộ của học sinh.

+ Biên bản họp lớp đề nghị hình thức kỷ luật.

+ Biên bản họp Ban Giáo dục đạo đức học sinh nhà trường.

- Hạ một bậc hạnh kiểm trong học kỳ đó.

3. Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác

3.1. Tạm dừng học tối đa 01 tuần

3.1.1. Lỗi vi phạm:

  • Mắc khuyết điểm sai phạm đã bị khiển trách trước Ban Giáo dục đạo đức học sinh nhà trường mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm.
  • Thái độ sai trong các kỳ thi.
  • Mắc khuyết điểm sai phạm lớn, dù chỉ là một lần, song có tác hại nghiêm trọng như: ăn cắp hoặc cướp giật ở trong và ngoài trường; có lời nói và hành động vô lễ với thầy cô giáo; trêu chọc hoặc có hành vi thô bỉ với phụ nữ, với người nước ngoài; có những biểu hiện rõ ràng về gây rối trật tự an ninh; bị công an tạm giam giữ hoặc thông báo cho nhà trường biết.
  • Đánh nhau có tổ chức hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương.
  • Sử dụng mạng xã hội xúc phạm danh dự, uy tín người khác, đăng tải các bài viết, hình ảnh, video có nội dung phản cảm, truyền bá lối sống buông thả không lành mạnh….
  • Vi phạm chuẩn mực ứng xử văn hóa của học sinh trong nhà trường, gia đình và nơi công cộng dù lần đầu nhưng gây tác hại ảnh hưởng không tốt tới quá trình giáo dục của nhà trường, tới dư luận xã hội.

3.1.2. Quyền hạn xử phạt:

  • Hình thức kỉ luật tạm dừng học ở trường do Hội đồng kỉ luật nhà trường đề nghị. Hiệu trưởng quyết định.
  • Hạnh kiểm học kỳ xếp loại không quá mức Trung bình.

3.2. Tạm dừng học có thời hạn trên 01 tuần

3.2.1. Lỗi vi phạm:

-   Vi phạm các khuyết điểm, sai phạm đã bị khiển trách nhưng không biết hối lỗi, sửa chữa khuyết điểm, có ảnh hưởng xấu tới những học sinh khác; hoặc phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm tổn thương nhiều đến danh dự của nhà trường, của thầy, cô giáo và tập thể học sinh như: trộm cắp, trấn lột, gây gỗ đánh nhau có tổ chức và gây thương tích cho người khác… hoặc mắc những khuyết điểm, sai phạm có tính chất và mức độ tác hại tương đương.

 -   Mắc khuyết điểm, sai phạm rất nghiêm trọng, tuy chỉ là lần đầu, song hành động sai phạm này là có ý thức và chủ động (không phải bị lôi kéo, a tòng), gây nên những tác hại rất lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người như: tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, trụy lạc, phản động, … dùng vũ khí ( dao găm, lưỡi lê, súng lục, lựu đạn …) đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, can án ngoài nhà trường bị công an bắt giữ hoặc mắc những khuyết điểm, sai phạm khác mà tính chất và mức độ tác hại tương đương.

- Sử dụng mạng xã hội để nói xấu cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường; làm tổn thương tới uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác; đăng các clip có nội dung phản cảm; đánh bạn rồi chụp ảnh, quay clip và sử dụng để uy hiếp, lăng nhục người khác; đăng tải các nội dung đi ngược với mục tiêu giáo dục, ảnh hưởng tới uy tín trường, lớp.

- Vi phạm chuẩn mực ứng xử văn hóa của học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ dù lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng  tới uy tín, danh dự thày cô giáo, nhà trường, gây bức xúc trong dư luân xã hội.

3.2.2 Quyền hạn xử phạt:

- Hội đồng kỷ luật học sinh đề nghị, Hiệu trưởng quyết định hình tạm dừng học ở trường có thời hạn.

- Hạnh kiểm học kỳ xếp loại Yếu.

3.3 Hồ sơ kỷ luật:

+ Tường trình sự việc, Bản kiểm điểm của học sinh.

+ Biên bản làm việc với cha, mẹ hoặc người giám hộ của học sinh.

+ Biên bản họp lớp đề nghị hình thức kỷ luật.

+ Biên bản họp Hội đồng kỷ luật nhà trường.

+ Quyết định kỷ luật.

+ Cam kết của học sinh có xác nhận của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

CHƯƠNG IV

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của học sinh

Thực hiện nghiêm túc các điều trong bộ quy tắc này. Khi phát hiện bạn vi phạm quy tắc phải chân tình góp ý để bạn sửa chữa, đồng thời phản ánh kịp thời với thầy cô giáo, với cán bộ Đoàn hoặc ban Giám hiệu nhà trường.

Điều 11. Trách nhiệm của Giáo viên chủ nhiệm

Thực hiện nghiêm túc các điều trong bộ quy tắc này. Xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa học sinh của lớp dựa trên Quy tắc chung. Kịp thời thông tin học sinh vi phạm quy tắc ứng xử tới cha, mẹ học sinh để kết hợp giáo dục.

Điều 13. Trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường

Quán triệt, hướng dẫn và tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh thực hiện Bộ quy tắc này. Niêm yết công khai Bộ quy tắc trên bảng tin và Website nhà trường. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện, phê bình, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Bộ quy tắc ứng xử văn hóa có hiệu lực kể từ ngày ký. Hàng năm, nhà trường có sự rà soát lại các nội dung và đánh giá việc thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường. Mọi sự thay đổi được thảo luận và đồng thuận của các thành viên trong nhà trườngHiệu trưởng chịu trách nhiệm quyết định thực hiện./.

 

HIỆU TRƯỞNG

HOÀNG TRUNG SÂM