Tiên học lễ hậu học văn chữ hán năm 2024

Đầu tháng tám năm ngoái (2014) nhật báo Người Việt đăng bài viết “” của chị Vũ Thiên An phỏng vấn mỗ về Hán-Nôm và cá nhân mỗ. Trong bài viết ấy chị Thiên An mô tả mỗ là “chàng trai khác người”; kỳ thực mỗ không bao giờ tự xưng là khác người. Nói “khác người”, mỗ liên tưởng đến từ “dị nhân” (異人), một từ Hán-Việt có ý nghĩa là: 1. Một người có dị tài, không tầm thường; 2. Một người quái lạ; 3. Chỉ thần nhân, phương sĩ. Bảo rằng mỗ có dị tài nổi bật hơn tầm thường vạn vạn thì mỗ không dám nhận, còn bảo rằng mỗ là người kỳ quái hoặc là thần tiên thì càng không đúng. Hoặc nhiên, có người cho rằng mỗ có tính lập dị, cố ý tỏ ra khác với người đời, thì lại càng xa sự thật. Quốc văn mỗ sùng thượng nhất là văn phong của nhóm Nam Phong Tạp Chí nói chung và của cụ Phạm Quỳnh nói riêng. Đã viết văn chơi để thỏa cái chí thanh cao, ắt phải viết sao cho đủ mùi cổ nhã diễm lệ bi tráng khảng khái. Thế mà trò chuyện “ngoài đời” mỗ vẫn nói chuyện tương đối bình dân, từ ngữ phần lớn đều tầm thường nhật dụng, không đủ gọi là văn vẻ vậy. Thừa nhàn hẹn hò đi uống trà sữa, đi chơi với bạn bè, v.v. mỗ cũng ít nói đến Hán văn, Nho học, v.v. Đơn giản là vì, mục đích nghiên cứu cổ học đối với mỗ không phải là để phục hưng một thứ tử ngữ đã bị mai một trong hơn một trăm năm qua chỉ để phô trương sở học yêm bác, khoe khoang văn hay chữ tốt mà đuổi theo hư danh ở đời. Đối với mỗ, chấn hưng Hán học không có nghĩa hẹp là chỉ chấn hưng và bảo tồn văn hóa và truyền thống của cha ông mà thôi. Đối với mỗ việc chấn hưng Hán học đồng nghĩa với và không thể ly khai khỏi một sự chấn hưng đạo đức trong xã hội. Phải chấn hưng, phải bảo tồn. Phải phát huy, phải hoằng dương. Nhưng, làm những việc ấy làm gì? Nếu chỉ chấn hứng Hán học với mục đích là dậy cho dân biết đọc và viết hư văn rằng thì là mà, tử viết thi vân mà thôi, thì cứ ý mỗ, sự chấn hưng đó chỉ là phô bầy cái bề ngoài của Hán học, chứ vị tất đã chấn hưng được cái tinh thần, cái tinh hoa của Hán học, tức là cái tiết tháo cao thượng vốn có trong Nho giáo.

Cha ông ta có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn” (先學禮 , 後學文). Trong sách Luận Ngữ (論語), đức Khổng tử có câu rằng: Đệ tử vào ắt hiếu, ra ắt nhường, cẩn trọng mà trung tín, thương quần chúng, thân với người nhân đức. Làm được nhiêu đó rồi mà còn dư sức ắt lấy mà học văn (弟子入則孝,出則弟,謹而信,汎愛眾,而親仁。行有餘力,則以學文。Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn). Và thầy Tử Hạ cũng nói thêm: Đổi lòng hiếu sắc mà kính trọng kẻ hiền, thờ cha mẹ hết sức mình, lấy thân ra thờ vua, cùng bạn bè giao tiếp, nói mà có trung tín, người được như vậy tuy nói rằng chưa học, tôi tất nói rằng học rồi (賢賢易色,事父母能竭其力,事君能致其身,與朋友交言而有信。雖曰未學,吾必謂之學矣。Hiền hiền dịch sắc, sự phụ mẫu năng kiệt kỳ lực, sự quân năng trí kỳ thân, dữ bằng hữu giao ngôn nhi hữu tín. Tuy viết vị học, ngô tất vị chi học hỹ). Xưa nay các bậc tiên nho lấy tam cương ngũ thường làm gốc, lấy văn chương chữ nghĩa làm ngọn. Bây giờ muốn phục hưng Hán học, thiết nghĩ phải lo việc gốc rồi sau mới lo việc ngọn.

Có người hay hỏi mỗ: Học Hán-Nôm làm gì? Học Nho giáo làm gì? Mấy cái thứ đó còn ích chi cho đời này?

Tóm lại, nói gì thì nói, cứ ý mỗ cái ly do chính đáng nhất là để chấn hưng đạo đức. Và việc đó là một việc không hề dễ dàng, mà đồng thời là một việc hết sức cần thiết và quan thiết đến sự mất còn của xã tắc, sự ôn hòa trong từng gia đình, và sự bình an nội tâm của từng cá nhân.

– Muốn thảo luận, trước hết ta phải cùng hiểu nội hàm của 2 chữ LỄ và VĂN. Đây là 2 từ cổ mà thường bị hiểu theo nghĩa nôm na ngày nay, LỄ thì toàn nghĩa phản cảm (lễ phép, lễ bái, cúng lễ, lễ tiết, lễ hội…), toàn là sự phục tùng cung kính của kẻ dưới với người trên. VĂN thì văn chương thơ phú… rông dài. Thế thì khẩu hiệu này chỉ đáng vứt đi cho rảnh.

– Nhưng theo lời giảng mà tôi học được ở chữ Nho thuở bé thì LỄ là tất cả những quy phạm khuyên con ngưới cần đối xử với nhau và với mọi công việc trong xã hội sao cho đúng nhất, tốt nhất. Tất nhiên cái tốt cái đúng của ngày xưa thì không thể toàn vẹn và hiện đại như ngày nay, nhưng cái đúng trong đó vẫn là cơ bản. Không phải cứ cổ là trọng nam khinh nữ mà các Cụ rất trọng tấm gương “phu phụ tương kính như tân” (vợ chồng biết kính trọng nhau như khách). Các Cụ đã khuyên “bất xỉ hạ vấn” (đừng xấu hổ khi học hỏi những người dưới mình). “Dân vi quý, Xã tắc thứ chi, quân vị khinh” (Dân mới quý, rồi đến đất nước, còn vua thì bình thường thôi). Nho giáo vào Việt Nam đã nhuốm thuần phong mỹ tục của nước Việt chứ không dập khuôn như Tàu. Chữ VĂN thì không phải chỉ là Văn chương thơ phú rông dài mà là tất cả những điều, những tri thức học được từ sách vở, từ sự giảng dạy của người thầy.

– Tóm lại, theo điều tôi lĩnh hội được thì tinh thần toát lên từ lời răn “Tiên học Lễ hậu học Văn” là hãy dạy cho học sinh biết làm Người trước đã, rồi mới đến chuyện dạy học sinh mọi kiến thức sách vở. Giáo dục trước hết là dạy làm Người, rồi mới đến dạy mọi tri thức. Đã làm Người thì trước hết phải biết tự khẳng định mình, biết mình “đã đứng trong trời đất” thì phải ứng xử với mọi người, mọi việc ra sao cho xứng đáng? Nghĩa là phải chủ động và đóng góp cái đặc hiệu của cá nhân mình! Phương châm Giáo dục tích cực quý giá như vậy thiết tưởng còn phải giữ đến muôn đời.

– Tuy vậy, vì 2 chữ LỄ và VĂN có nguồn gốc chữ cổ, có lẽ nên để trong dấu ngoặc kép, và cần được giảng giải cho đúng cái nghĩa tượng trưng bao quát của nó như trên đã trình bày chăng?

– Nhưng theo tác giả Hiếu Chân thì “Trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển của đất nước và xã hội Việt Nam chính là đảng Cộng Sản chứ không phải cái khẩu hiệu “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”, và do đó cái cần phải bãi bỏ càng sớm càng tốt là chế độ độc tài toàn trị mà đảng này áp đặt lên toàn bộ đất nước chứ không chỉ bãi bỏ câu khẩu hiệu vốn dĩ đã bị xếp xó và thay bằng “5 điều bác Hồ dạy” từ sau ngày miền Nam thất thủ”.

Đúng là trong một chế độ toàn trị hà khắc thì quyền làm một con người tự do, chủ động là rất khó. Nhưng nếu chờ thanh toán xong chế độ ấy mới cải tiến được phương châm giáo dục thì biết đến bao giờ, chịu bó tay chăng?

Theo tôi, hiện nay, tuy gặp khó khăn như vậy, nhưng những nhà giáo dục có tâm huyết với đất nước vẫn có thể thực hiện khẩu hiệu chân chính “Tiên học LỄ”, dạy làm Người hiệu quả trong một chừng mức nào đó. Bởi vì thời thế đã có chút đổi khác. Thời Cộng sản toàn trị còn hưng thịnh, người ta mị dân và ép tất cả phải nhất nhất phải nghe theo. Nhưng sang giai đoạn thoái trào này, sự cai trị đã phân hóa theo hai đầu: một mặt không mị dân nữa mà trừng trị thẳng cánh cho biết tay, nhưng mặt khác họ vẫn phải âm thầm khôn ngoan, chấp nhận những lẽ phải của công lý chung trong nhân loại, để gỡ thế bị cô lập và tẩy chay.

Những cố gắng chân chính nếu biết khéo léo vẫn có cơ thực hiện, cứ thế “tích thiểu thành đại” cụm dần nhau lại sẽ đẩy nhanh Dân tộc thoát khỏi mối đại họa này. Lương tâm toàn Dân tộc sẽ thắng, kể cả những người Cộng sản.