Tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu

Nội dung này được quy định tại Nghị định số 45/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí. Cụ thể:

1. Tiêu chí lựa chọn nhà thầu bao gồm:

  1. Tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu bao gồm: năng lực kỹ thuật, tài chính, khả năng thu xếp vốn để triển khai hoạt động dầu khí; kinh nghiệm thực hiện các hoạt động dầu khí, hợp đồng dầu khí (trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh); các hợp đồng, thỏa thuận liên quan đã và đang thực hiện (nếu có);
  1. Tiêu chí về điều kiện kỹ thuật phù hợp với từng lô dầu khí bao gồm: cam kết công việc tối thiểu (thu nổ mới, tái xử lý tài liệu địa chấn, số lượng giếng khoan); cam kết công việc phát triển mỏ, khai thác; phương án triển khai và công nghệ tối ưu cho hoạt động dầu khí, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí carbon dioxide;
  1. Tiêu chí về điều kiện kinh tế phù hợp với từng lô dầu khí bao gồm: các mức thuế phù hợp với pháp luật về thuế, phụ thu khi giá dầu tăng cao; tỷ lệ chia dầu lãi, khí lãi cho nước chủ nhà; tỷ lệ quyền lợi tham gia của nước chủ nhà (thông qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khi có phát hiện thương mại đầu tiên trong diện tích hợp đồng dầu khí (nếu áp dụng); tỷ lệ quyền lợi tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được chỉ định tham gia với tư cách là nhà thầu; tỷ lệ thu hồi chi phí; cam kết tài chính tương ứng với các cam kết công việc tối thiểu; cam kết về các nghĩa vụ tài chính khác (các loại hoa hồng, chi phí đào tạo, đóng góp quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dầu khí).

2. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh, hồ sơ đề xuất bao gồm:

  1. Đối với tiêu chí năng lực, kinh nghiệm: đánh giá theo tiêu chí đạt và không đạt;
  1. Đối với tiêu chí về điều kiện kỹ thuật phù hợp với từng lô dầu khí: đáp ứng yêu cầu về cam kết công việc tối thiểu và đánh giá theo chấm điểm với thang điểm 100;
  1. Đối với tiêu chí về điều kiện kinh tế phù hợp với từng lô dầu khí: đánh giá theo chấm điểm với thang điểm 100;
  1. Tổng hợp kết quả: tổng điểm sẽ được tính như sau: Tổng điểm = Tổng điểm tiêu chí về điều kiện kỹ thuật nhân (x) với trọng số tiêu chí về điều kiện kỹ thuật cộng (+) Tổng điểm tiêu chí về điều kiện kinh tế nhân (x) với trọng số tiêu chí về điều kiện kinh tế. Trong đó trọng số tiêu chí về điều kiện kỹ thuật tối thiểu là 0,3 tùy thuộc vào đặc thù của từng lô dầu khí; trọng số tiêu chí về điều kiện kỹ thuật cộng (+) trọng số tiêu chí về điều kiện kinh tế = 1;

đ) Bên dự thầu được lựa chọn thắng thầu khi đồng thời đạt được các kết quả sau: năng lực, kinh nghiệm “đạt”; đáp ứng yêu cầu về cam kết công việc tối thiểu và tổng điểm tiêu chí về điều kiện kỹ thuật đạt mức tối thiểu theo quy định tại hồ sơ mời thầu; tổng điểm tiêu chí về điều kiện kinh tế đạt mức tối thiểu theo quy định tại hồ sơ mời thầu; tổng điểm theo mục d khoản 2 Điều 18 Nghị định 45/2023/NĐ-CP cao nhất.

3. Khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh, hồ sơ yêu cầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải xây dựng và phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà thầu và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh, hồ sơ đề xuất phù hợp với đặc thù của từng lô dầu khí.

Nghị định 45/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, thay thế Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí và Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

Hỏi về cách đánh giá năng lực của nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu

Công ty A có giá trị tài sản ròng là 50 tỷ đồng, chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực bất động sản. Công ty B có giá trị tài sản ròng là 500 tỷ đồng, có trên 5 năm kinh nghiệm về lĩnh vực dự án bất động sản. Công ty A và B liên danh để tham gia đấu thầu gói thầu dự án bất động sản trị giá 250 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ phần tham gia vào liên danh là Công ty A chiếm 80%, Công ty B chiếm 20%. Nhà thầu ban hành tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm như sau: Giá trị tài sản ròng bình quân trong 3 năm gần nhất hơn 250 tỷ đồng thì đạt 300 điểm, có ghi chú, đánh giá trên cơ sở tổng tài sản trung bình trong 3 năm của tổng thành viên liên danh. Xin hỏi, với thông tin trên thì hiểu theo cách nào như sau thì đúng: Cách thứ nhất: Công ty A và Công ty B có giá trị tài sản ròng 3 năm gần nhất là 550 tỷ đồng, vì vậy đạt 300 điểm. Cách thứ hai: Công ty A chiếm 80% cổ phần liên danh, giá trị tài sản ròng yêu cầu là 200 tỷ đồng để được chấm đạt, nhưng Công ty A chỉ có giá trị tài sản ròng 50 tỷ đồng, vì vậy Công ty A không đạt về năng lực tài chính. Công ty B chiếm 20% cổ phần liên danh, giá trị tài sản ròng yêu cầu là 50 tỷ đồng để chấm đạt, Công ty B có giá trị tài sản ròng 500 tỷ đồng, vì vậy công ty B được chấm đạt. Tuy nhiên do thành viên liên danh là Công ty A không đạt nên liên danh (A + B ) bị chấm rớt, mất điểm hạng mục này.

Gửi bởi:

Trả lời có tính chất tham khảo

Câu trả lời mang tính tham khảo: Tại Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

Đối với trường hợp của ông Hồng, việc đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu.

Liên quan việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu liên danh, theo hướng dẫn tại các Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp ban hành kèm Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu liên danh được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh, tuy nhiên phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu.

Trường hợp nhà thầu chưa rõ về tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu thì có thể gửi văn bản yêu cầu bên mời thầu làm rõ.