Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi là gì

Cách đây đúng 60 năm, trên đường trở lại chiến khu Việt Bắc để chuẩn bị cho cuộc toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã dành 8 chữ vàng rất nổi tiếng và giàu ý nghĩa: Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi để đặt tên cho 8 cán bộ gần gũi Bác. 8 chữ trên sau đó không chỉ được quán triệt và truyền tụng rộng rãi như một khẩu hiệu mà còn thể hiện tư tưởng cách mạng xuyên suốt của Người. Cho đến nay, trong số những người vinh dự được Bác đặt tên theo khẩu hiệu trên, 7 người đã mất, chỉ còn 1 người duy nhất, đó là ông Tạ Quang Chiến, 83 tuổi. Ông trở thành người cuối cùng có thể kể rõ về sự ra đời cũng như ý nghĩa của 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã lựa chọn

Lai lịch 8 chữ

Ông Tạ Quang Chiến

Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Bác Hồ và các đồng chí phục vụ Bác rời Hà Nội trở lại chiến khu Việt Bắc để cùng Trung ương Đảng và Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trên đường đến chiến khu, Bác đã dừng chân ở một số tỉnh Hà Đông, Sơn Tây và Phú Thọ. Đến đầu tháng 3-1947, Bác đặt chân tới xã Cổ Tiết, vùng đất nằm bên sông Hồng, nay thuộc huyện Tam Nông (Phú Thọ) và ở lại đây 15 ngày. Sáng 6-3-1947, Bác đã họp tất cả các đồng chí phục vụ, tháp tùng lại và nói: Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta mới bắt đầu và còn lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thắng lợi. Từ hôm nay trở đi, để tỏ rõ quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, Bác đặt tên cho các chú là Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi.

Ông Chiến kể: Rất tình cờ, hôm đó tất cả chúng tôi gồm có 8 người, trong đó có 4 người Kinh và 4 người dân tộc. Tất cả đều ngồi quây quần bên Bác, một cách ngẫu nhiên, không sắp xếp và Bác chỉ tay vào từng người mà lần lượt đặt tên. Bác chỉ đặt tên, còn họ, tên đệm thì tự lựa chọn.

Cả 8 cán bộ đều sung sướng nhận tên Bác đặt cho mình. Bác nói: Bác đặt tên cho các chú như vậy để hàng ngày nhìn thấy các chú hoặc gọi tên các chú, các chú trở thành khẩu hiệu sống bên cạnh Bác, nhắc nhở Bác hoàn thành nhiệm vụ.

Có tên, ông Chiến bắt đầu tìm họ và tên đệm. Lúc đó, ông ngưỡng mộ đồng chí Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thế là ông lấy tên là Tạ Quang Chiến.

Đến năm 1954, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Chiến cùng với ông Kháng nghĩ rằng 2 chữ Kháng Chiến không còn phù hợp nữa, nên rủ nhau gặp Bác và nói: Thưa Bác, bây giờ đã giành được hòa bình rồi, xin Bác đổi lại tên cho chúng cháu là Hòa và Bình. Bác xua tay: Phải có kháng chiến thì mới có hòa bình. Quả vậy, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đất nước lại trải qua 20 năm chiến tranh khốc liệt, đánh đuổi đế quốc Mỹ mới giành được độc lập, tự do, thống nhất hai miền đất nước.

Cứ vậy, ông nâng niu, gìn giữ cái tên mà Bác đã đặt cho đến tận ngày nay, sử dụng thành tên chính thức trong mọi việc từ làm giấy tờ, sổ sách cho đến ký nhận văn bản, bút danh tác phẩm Nhiều người cũng vẫn tưởng rằng Tạ Quang Chiến là tên khai sinh của ông mà không biết rằng tên thật của ông là Nguyễn Hữu Văn.

Nhân vật cuối cùng

Ông sinh ra ở một làng thuộc tỉnh Hải Dương, bắt đầu gia nhập Việt Minh từ năm 1942 rồi tham gia tổng khởi nghĩa ở Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám-1945. Đó là cơ duyên khiến ông vinh dự được đồng chí Nguyễn Lương Bằng chọn vào danh sách 10 người được gần gũi và bảo đảm an toàn cho Bác Hồ.

Ông Chiến nhớ lại: Sau ngày Quốc khánh 2-9-1945, Bác bắt đầu về làm việc công khai ở Bắc Bộ Phủ, nhưng buổi tối lại về ở số 8 Lê Thái Tổ (trước hồ Hoàn Kiếm). Để phục vụ Bác, trước đó, vào ngày 28-8-1945, một văn phòng chủ tịch nước kiêm văn phòng thủ tướng đã được thành lập. Lúc đầu, văn phòng chỉ có 10 người, sau tăng lên 20 người, rồi 100 người, đảm nhận nhiệm vụ giúp việc cho Bác ở Bắc Bộ Phủ. Trong đó, chúng tôi gồm có 10 người, mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ như cận vệ, lái xe, thư ký Tôi được giao làm cận vệ, luôn luôn bên Bác. Ông lúc đó mới 21 tuổi, là người trẻ nhất. Họ trở thành những thành viên đầu tiên của Văn phòng Chính phủ ngày nay và hiện nay ngày 28-8 đã trở thành ngày truyền thống của Văn phòng Chính phủ.

Suốt từ 2-9-1945 đến năm 1957, ông Chiến được giao nhiệm vụ làm cận vệ, có lúc thay đồng chí Vũ Kỳ làm thư ký cho Bác Hồ. Sau năm 1957, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh về lịch sử Đảng, bảo vệ luận án tiến sĩ rồi về làm Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Từ năm 1966 1973, ông làm Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Từ năm 1969 đến 1981 được giao làm Tổng cục phó rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (sau này là Ủy ban Thể dục Thể thao). Trong suốt cuộc đời hoạt động, ông cũng có hơn 50 năm trong vai trò là cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng, lịch sử khoa học xã hội và hiện nay là lịch sử tư tưởng Hồ Chí Minh.

VĂN PHÚC HẬU

1. Đồng chí Võ Trường (tên thật là Võ Chương, quê ở Huế). Trước cách mạng ông dạy học ở Thanh Hóa, tham gia Thanh niên cứu quốc rồi được điều động về bảo vệ Bác. Khi lên đến chiến khu Việt Bắc, ông chuyển sang làm tuyên huấn, bị bệnh nặng và mất năm 1949.

2. Đồng chí Vũ Kỳ, tên thật là Vũ Long Chuẩn, quê ở Hà Đông, tham gia cách mạng từ năm 1941, bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Năm 1945 vượt ngục, tham gia Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Ông làm thư ký cho Bác Hồ từ tháng 8-1945 cho đến khi Bác mất (2-9-1969).

3. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, quê ở Thái Bình, tên thật là Nguyễn Văn Cao. Từng bị địch giam giữ tại nhà tù Sơn La, Chợ Chu (Thái Nguyên), sau vượt ngục, tham gia xây dựng chiến khu Việt Bắc. Từng là võ sư nên ông được giao làm đội trưởng đội bảo vệ Bác. Sau được phong thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ (Bộ Công an).

4. Đồng chí Tạ Quang Chiến.

5. Đồng chí Hồ Văn Nhất, dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn, tên thật là Hoàng Văn Phúc, là tự vệ căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng, được điều động bảo vệ Bác từ tháng 5-1945 khi Bác từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Sau này, ông trở thành cán bộ Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.

6. Đồng chí Võ Viết Định, tên thật là Chu Phương Vương, là chiến sĩ quân giải phóng, quê ở Cao Bằng, được điều động bảo vệ Bác tới năm 1950 thì chuyển công tác.

7. Đồng chí Nguyễn Quang Chí. Sau 7 tháng, ông chuyển công tác, đồng chí Triệu Hồng Thắng, tên thật là Triệu Văn Cắt, dân tộc Dao ở Thái Nguyên, thay. Sau, ông Triệu Hồng Thắng trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu Việt Bắc.

8. Đồng chí Trần Lợi, tên thật là Trần Đình, người Nùng ở Cao Bằng, nguyên chiến sĩ quân giải phóng, bảo vệ Bác tới năm 1950 thì chuyển công tác về địa phương.

(Trích sách 56 năm Văn phòng Chính phủ xây dựng và phát triển 1945-2001).

Video liên quan

Chủ đề