Bài đánh giá năng lực đại học Quốc gia

Nắm bắt cấu trúc đề thi đánh giá năng lực là bước chuẩn bị quan trọng cho các thí sinh trước khi ôn luyện, bởi thí sinh sẽ biết cần phải ôn những nội dung nào, thời gian cho mỗi câu hỏi là bao nhiêu, mỗi câu tương ứng với bao nhiêu điểm. Hiểu được điều đó, trong bài viết dưới đây BUTBI.HOCMAI xin chia sẻ tới các thí sinh cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của các trường đại học trên toàn quốc.

[related_posts_by_tax title=""]

Tham khảo thêm

1. Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội

Đề thi gồm 3 phần:

  • Phần 1: Tư duy định lượng (Toán: 75 phút cho 50 câu hỏi)
  • Phần 2: Tư duy định tính (Ngữ văn và Ngôn ngữ: 60 phút cho 50 câu hỏi)
  • Phần 3: Khoa học (Tự nhiên và Xã hội: 60 phút cho 50 câu hỏi)

Tổng số câu hỏi: 150 câu trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn và câu hỏi điền đáp án

Thời gian làm bài: 195 phút (chưa kể thời gian của câu hỏi thử nghiệm)

Phân bổ giữa các phần thi:

– Phần 1 và phần 2: kiến thức trong chương trình lớp 10: 10%; lớp 11: 20%; lớp 12: 70%

– Phần 3: kiến thức trong chương trình lớp 11: 30%; lớp 12: 70%

2. Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Đề thi gồm 3 phần:

  • Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ (40 câu cho 400 điểm)
  • Phần 2: Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu (30 câu cho 300 điểm)
  • Phần 3: Giải quyết vấn đề (50 câu cho 500 điểm)

Tổng số câu hỏi: 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn

Thời gian làm bài: 150 phút

Cấu trúc chi tiết:

Các phần thi

Số câu Nội dung đánh giá
Phần 1. Sử dụng ngôn ngữ
1. Tiếng Việt 20 Hiểu biết văn học, sử dụng tiếng Việt, đọc hiểu văn bản
2. Tiếng Anh 20 Lựa chọn cấu trúc câu, nhận diện lỗi sai, đọc hiểu câu, đọc hiểu đoạn văn
Phần 2. Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu 30 Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu
Phần 3. Giải quyết vấn đề 50 Lĩnh vực khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); lĩnh vực khoa học xã hội (Địa lý, Lịch sử)


3. Cấu trúc đề thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội

Đề thi gồm 2 phần (bắt buộc và tự chọn), thời gian làm bài là 270 phút. Trong đó:

– Phần bắt buộc:

+ Toán: gồm 25 câu trắc nghiệm và 3 bài tự luận, làm trong 90 phút.

+ Đọc hiểu: làm theo hình thức của một bài luận, làm trong 30 phút.

– Phần tự chọn:

+ Tự chọn 1 (Khoa học tự nhiên): kiến thức làm bài nằm trong chương trình THPT các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; thời gian làm bài là 90 phút.

+ Tự chọn 2: Tiếng Anh: phần thi này có thể quy đổi bằng điểm IELTS, thời gian làm bài là 60 phút.

Bài thi đánh giá tư duy tính theo thang điểm 30. Trong trường hợp thí sinh thi tổ hợp 4 môn, bài thi sẽ được tính tối đa 40 điểm, sau đó quy đổi về thang điểm 30. Trong trường hợp điểm số đạt thang 40 – 50 điểm do có môn nhân hệ số 2, điểm sau đó vẫn được quy về thang 30 điểm.

4. Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội

Khác với các đề thi đánh giá năng lực kể trên, Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi 8 môn. Mỗi đề lại có cấu trúc câu hỏi và điểm riêng. Môn Ngữ văn có 30% trắc nghiệm và 70% tự luận. Môn Tiếng Anh có 80% trắc nghiệm và 20% tự luận. Các môn còn lại có 70% trắc nghiệm và 30% tự luận. Cấu trúc đề thi của Đại học Sư phạm nhìn chung không giống với các kỳ thi đánh giá năng lực khác, các câu hỏi tự luận được thêm vào nhằm đánh giá năng lực trình bày của thí sinh – khả năng quan trọng của những người làm nghề giáo.

5. Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

Tương tự với Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thi từng môn học – 6 môn (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Anh). Các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh mỗi đề gồm 50 câu, trong đó có 35 câu trắc nghiệm và 15 câu điền đáp án ngắn. Môn Ngữ Văn có 20 câu hỏi trắc nghiệm và 1 bài nghị luận xã hội 600 chữ. Môn Tiếng Anh có 4 phần thi: Nghe, Nói, Đọc, Viết.

6. Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của 8 trường, học viện thuộc khối ngành công an

Đề thi gồm 2 phần:

– Phần 1: Trắc nghiệm (làm trong 90 phút)

  • Khoa học tự nhiên (25 câu cho 25 điểm)
  • Khoa học xã hội (25 câu cho 25 điểm)
  • Ngôn ngữ (20 câu cho 10 điểm)

– Phần 2: Tự luận (làm trong 90 phút)

  • Toán: 3 – 5 câu (40 điểm)
  • Ngữ văn: đọc hiểu (10 điểm) và làm văn (30 điểm)

Trên đây là toàn bộ thông tin về cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của 6 kỳ thi đánh giá năng lực đang hot trong năm 2022. BUTBI.HOCMAI hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực sắp tới!

Bài đánh giá năng lực đại học Quốc gia

Thông tin chung về bài thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông (HSA: Highschool Student Assessment)

Bài thi Đánh giá năng lực  học sinh THPT (HSA) gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học, Văn học/Ngôn ngữ, Khoa học tự nhiên – xã hội. Hãy xem Đề tham khảo số 1.

Lĩnh vực

Câu hỏi 

 Thời gian (phút) 

 Điểm tối đa

Phần 1. Tư duy định lượng

Toán học

50

75

50

Phần 2. Tư duy định tính

   Văn học - Ngôn ngữ

50

60

50

Phần 3. Khoa học

Tự nhiên - Xã hội

50

60

50

Hiện nay, bài thi ĐGNL của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN chỉ thực hiện thi trên máy tính. Thí sinh làm bài lần lượt từ phần 1 đến phần 3. Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm nhưng có thể kèm thêm 1-4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm (không tính điểm) được trộn vào một cách ngẫu nhiên và bạn không biết là câu hỏi nào, vì thế bạn hãy làm hết khả năng để đạt kết quả tốt nhất. Kết quả làm bài của bạn sẽ góp phần tăng chất lượng câu hỏi chuẩn hóa ĐGNL của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN. Bài thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2-4 phút.

Chuẩn bị cho kỳ thi

Bài thi ĐGNL của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đánh giá các nhóm năng lực, kiến thức, kỹ năng của học sinh tích lũy trong quá trình học tập trung học phổ thông. Do đó, việc học tủ, “học gạo” không phải là cách để bạn đạt điểm thi cao. Cách thức đơn giản nhất là bạn hãy dành thời gian làm đề thi tham khảo để quen với cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tính toán thời gian cho mỗi câu hỏi để đưa ra lựa chọn thích hợp nhất. Việc làm quen với đề thi tham khảo cũng sẽ giúp bạn giảm áp lực tâm lý khi làm bài thi chính thức. Ngoài ra, bạn sẽ tích luỹ được kinh nghiệm, kỹ năng, bổ sung thêm được phần kiến thức chưa trả lời tốt. Việc theo học tại các trung tâm, đơn vị, cá nhân tổ chức luyện thi sẽ không mang lại hiệu quả cho bạn khi tham dự kỳ thi ĐGNL.

Một công việc có thể nói là khá nhàm chán là tìm hiểu về Quy chế và Hướng dẫn thi ĐGNL học sinh THPT của ĐHQGHN. Tuy nhiên, các điều khoản quy định, hướng dẫn là quyền lợi và nghĩa vụ của thí sinh. Hãy dành thời gian tìm hiểu các văn bản này sẽ rất hữu ích cho bạn trước khi đăng ký dự thi.

Đăng ký dự thi

Bạn có thể sử dụng điện thoại thông minh, máy tính… kết nối internet để lập tài khoản đăng ký dự thi tại http://khaothi.vnu.edu.vn. Tài khoản của bạn tồn tại 24 tháng kể từ thời điểm bạn đăng ký. Các thông tin đăng ký gồm căn cước công dân/chứng minh nhân dân, địa chỉ thư điện tử (email), số điện thoại liên hệ, kết quả học tập bậc THPT năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12, lệ phí đăng ký dự thi. Chọn ngày thi phù hợp với lịch trình của bạn tại: http://khaothi.vnu.edu.vn.

Trước khi hoàn tất các bước đăng ký dự thi, bạn phải đọc kỹ các điều khoản quy định về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của bạn đối với kỳ thi. Nếu đồng ý, bạn sẽ nhận được email thông báo từ Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN và hãy làm bài thi tham khảo, tự ôn tập. Trước ngày thi, kiểm lại thông tin đăng ký dự thi: địa điểm thi, ca thi, giờ thi, in giấy báo dự thi tại email.

Việc thi nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn không thay đổi điểm thi của bạn với bài thi ĐGNL. Thí sinh sẽ được đăng ký dự thi 2 lần liên tiếp cách nhau tối thiểu 28 ngày.

Phương pháp làm bài thi ĐGNL

Với các bài thi có câu hỏi trắc nghiệm khách quan thì điều quan trọng là bạn phải kiểm soát tốt thời gian làm bài bằng cách phân phối thời gian đọc hiểu đầu bài, đọc hướng dẫn từng phần trước khi lựa chọn đáp án. Với mỗi phần, hãy chia thời gian của từng phần theo số câu hỏi và xác định thời gian cần thiết để hoàn thành tất cả các câu hỏi. Nếu có thể, bạn hãy tiết kiệm thời gian để xem lại câu hỏi, làm lại các câu khó trong phần đó trước khi chuyển sang phần kế tiếp.

Trước khi bắt đầu mỗi phần, hãy đọc cẩn thận hướng dẫn trả lời, xem xét tất cả các câu trả lời và chọn đáp án phù hợp nhất. Các câu hỏi về toán học và khoa học tự nhiên cần tìm kiếm câu trả lời chính xác. Bạn có thể làm nháp và lựa chọn đáp án mà bạn cảm thấy đúng nhất trong số các đáp án đã cho. Giám thị sẽ cho phép bạn sử dụng các máy tính thực hiện các phép toán đơn giản. Một số câu hỏi đòi hỏi bạn phải làm nháp, tính toán, suy luận để có đáp án đúng trong khi cũng có các câu hỏi khác có thể dễ dàng nhận ra đáp án và cần phải làm rất nhanh để dành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. Nếu bạn không tìm thấy đáp án như bạn tính, hãy đọc lại đề bài và xem xét lại tất cả các đáp án đã cho, so sánh các câu trả lời đã chọn với các câu còn lại và tìm hiểu xem chúng khác nhau ở điểm gì? Sự khác biệt này có thể gợi ý cho bạn câu trả lời đúng. Hãy loại trừ các câu trả lời sai nhiều nhất có thể, sau đó có thể lựa chọn đoán câu hỏi dựa trên những mối liên hệ giữa đáp án và đầu bài.

Điểm bài thi

Điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Hãy cố gắng hoàn thành tất cả các câu hỏi của bài thi.

Điểm bài thi sẽ hiện ra sau khi bạn kết thúc phần 3. Nếu bạn không vi phạm quy chế thi, điểm hiện trên màn hình sẽ là điểm của bạn đạt được. Điểm thi chính thức sẽ được cập nhật trên tài khoản cá nhân.

Đa phần đơn vị sử dụng kết quả bài thi ĐGNL nhận hồ sơ theo tổng điểm bài thi. Tuy nhiên, một số trường đại học có thể có thêm các yêu cầu như điểm các thi phần phải đạt ngưỡng nhất định. Do đó, hãy cố gắng làm tất cả các câu hỏi mặc dù thế mạnh của bạn chỉ là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Hãy cùng chúng tôi khám phá năng lực của bạn.

Chứng nhận kết quả thi

Giấy chứng nhận kết quả thi sẽ gửi tới địa chỉ của bạn qua đường bưu điện. Hãy đảm bảo kê khai chính xác địa chỉ nhận thư, số điện thoại của bạn ở phần đăng ký dự thi. Bạn sẽ nhận được 01 bản giấy chứng nhận miễn phí.