Chỉ tiêu vốn hóa gdp để đo lường năm 2024

Việc sử dụng tỷ lệ vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP từng được cụ Buffett nhận xét rằng “Đó có lẽ là biện pháp đơn giản và tốt nhất để xác định giá trị thị trường tại bất kỳ thời điểm nào”(Probably the best single measure of where valuations stand at any given moment).

Công thức tính tỷ lệ vốn hóa thị trường trên GDP

Vậy ý nghĩa của chỉ số này là gì? Trước hết chúng ta cần tìm hiểu về công thức tính của nó:

Market Capitalization to GDP = (Stock Market Capitalization / Market GDP) x 100

Được đo bằng tổng giá trị của tất cả các cổ phiếu được giao dịch công khai trên thị trường chia cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế đó. Tỷ lệ này so sánh giá trị của tất cả các cổ phiếu với giá trị của tổng sản lượng của cả nước.

Chẳng hạn Để tính tổng giá trị của tất cả các cổ phiếu được giao dịch công khai ở Hoa Kỳ, hầu hết các nhà phân tích sử dụng Chỉ số tổng thị trường của Wilshire 5000, là chỉ số đại diện cho giá trị của tất cả các cổ phiếu trên thị trường Hoa Kỳ. GDP hàng năm được sử dụng làm mẫu số trong công thức tính tỷ lệ.

Ý nghĩa của tỷ lệ vốn hóa thị trường trên GDP

Tỷ lệ Vốn hóa/ GDP theo mình có hai ý nghĩa:

1. Nó thể hiện mức độ chuyên nghiệp và phát triển của thị trường chứng khoán một quốc gia.

Theo quan sát của mình thì với những nước có nền kinh tế phát triển, thị trường chứng khoán chuyên nghiệp thì tỷ lệ này thường ở mức cao xấp xỉ hoặc trên 100%

VD: như Anh: 109.7 % ( 2016 ) ; Mỹ 146.9% ( 2016 ); Nhật 128.3% ( 2017 ); Singapore 215.6 (2016)…

Cũng dễ hiểu bởi ở những nước phát triển này thì hầu hết tất cả các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều được khuyến khích niêm yết lên sàn chứng khoán để tăng tính minh bạch cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp đó.

Ở những nước có nền kinh tế kém phát triển hơn thì tỷ lệ này thường ở mức thấp do thị trường vốn chưa được chú trọng.

VD: Srilanka 21.8% ( 2017 ); Turkey 28.3 ( 2017 ); Colombia 39.9% ( 2017 )…

2. Chỉ số này giúp xác định mức định giá của thị trường hiện tại là cao hay thấp so với lịch sử?

Tỷ lệ này được sử dụng để xác định liệu thị trường tổng thể có bị định giá thấp hay được định giá quá cao so với mức trung bình lịch sử.

Chẳng hạn theo dõi biến động của chỉ số này tại thị trường Mỹ hay thị trường Việt Nam qua các năm giúp chúng ta xem mức độ kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Ở thị trường Mỹ, thông thường, kết quả này lớn hơn 100% được cho là được định giá quá cao, trong khi giá trị khoảng 50% được cho là định giá thấp. Nếu tỷ lệ này nằm trong khoảng 50 đến 75%, thị trường có thể được cho là bị đánh giá thấp một cách khiêm tốn.

Ngoài ra, thị trường có thể có giá trị hợp lý nếu tỷ lệ nằm trong khoảng từ 75 đến 90% và được đánh giá quá cao nếu nó nằm trong phạm vi từ 90 đến 115%.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây tại thị trường Mỹ thì việc xác định tỷ lệ phần trăm bao nhiêu là cao hay bao nhiêu là thấp đã gây ra một cuộc tranh cãi không nhỏ, vì tỷ lệ Vốn hóa/ GDP này luôn duy trì ở một mức cao trong thời gian dài.

Năm 2000, theo số liệu thống kê tại Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ vốn hóa thị trường trên GDP của Hoa Kỳ là 153%, dấu hiệu của một thị trường được định giá cao. Ngay sau đó thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau khi bong bóng dotcom bùng nổ, tỷ lệ này lập tức trở thành một chỉ báo tiên đoán rủi ro trên thị trường. Tuy nhiên, trong năm 2003, tỷ lệ này rơi vào khoảng 130%, nhưng thị trường tiếp tục tạo ra những mốc cao nhất mọi thời đại trong vài năm tiếp đó.

Ngân hàng Thế giới cũng công bố số liệu Vốn hóa/ GDP toàn cầu năm 2015 đạt ngưỡng 55.2%.

Tỷ lệ vốn hóa thị trường trên GDP ở Việt Nam

Tính đến 30-6, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 6.838 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% so với cuối năm 2020, tương đương 108,7% GDP. Đây là mức vốn hóa kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng chỉ cách đấy hơn 1 năm khi covid mới xuất hiện tỷ số này đã có lúc rơi về dưới 50%.

Con số Vốn hóa/ GDP hiện tại của Việt Nam không cao so với các nước phát triển nhưng nếu so tỷ lệ này với các thị trường mới nổi khác thì đây là con số đáng thận trọng ở thời điểm này.

Nếu nhìn lại lịch sử Vốn hóa/ GDP Việt Nam đã tăng một mức đáng kể từ 31% năm 2013 đến nay là 108.7%.

Một phần là do việc đẩy mạnh việc IPO các đầu tàu kinh tế trong thời gian gần đây.

Thứ hai do nhiều doanh nghiệp tranh thủ lúc thị trường thuận lợi tăng vốn.

Thứ ba là dòng tiền từ các kênh đầu tư khác của người dân chảy vào chứng khoán khi mà bất động sản đóng băng và mặt bằng lãi suất thấp sau tác động của dịch covid.

Thêm vào đó là tốc độ tăng trưởng vốn hóa thị trường lớn hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Ở Việt Nam chúng ta sẽ tiếp tục được chứng kiến làn sóng IPO sẽ còn diễn ra rất mạnh cho đến 2023 do quy định bắt buộc niêm yết của chính phủ đối với các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết.

Cộng với dòng vốn nhàn rỗi trong nước cũng như nước ngoài đổ dồn vào thị trường chứng khoán Việt Nam do kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ làm cho Vốn hóa thị trường Việt Nam dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi tốc độ tăng GDP dù cao cũng sẽ chỉ duy trì được ở mức 5 - 7%/ năm.

Chính vì vậy tỷ lệ Vốn hóa/ GDP của Việt Nam về mặt bình quân sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới. Như vậy là anh em đã có thêm một chỉ báo nữa để tham khảo xem mức độ thị trường đang ở trong giai đoạn nào.