Bài thơ nổi tiếng của huỳnh văn nghệ năm 2024

Những câu thơ, bài thơ của ông được cán bộ chiến sĩ miền Đông Nam Bộ chuyền tay nhau học thuộc lòng. Ông là tác giả của hai câu thơ nổi tiếng: “Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Và cũng chính ở chiến khu Đ, chiến khu của miền Đông gian lao mà anh dũng, Huỳnh Văn Nghệ đã viết được những câu thơ, bài thơ đẹp nhất của đời mình.

Có thể nói ông là một trong số người có công đầu trong việc thành lập, củng cố và bảo vệ chiến khu Đ. Ông là người giữ trọng trách cao nhất về quân sự ở đây trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Chỉ huy trưởng Vệ quốc đoàn Biên Hòa, Chi đội trưởng Chi đội 10, rồi Khu bộ trưởng Khu 7…

Bài thơ nổi tiếng của huỳnh văn nghệ năm 2024
Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977)

Những năm tháng ấy, từ người dân bình thường đến các cán bộ, chiến sĩ Vệ quốc đoàn, những cán bộ của Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Tây Ninh đều nhắc đến ông với lòng cảm phục trìu mến. Người ta biết đến ông là một vị chỉ huy quân sự tài ba, còn là một nhà thơ chiến sĩ của miền Đông Nam Bộ. Những câu thơ, bài thơ của ông được cán bộ chiến sĩ miền Đông Nam Bộ chuyền tay nhau học thuộc lòng. Ông là tác giả của hai câu thơ nổi tiếng: “Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Và cũng chính ở chiến khu Đ, chiến khu của miền Đông gian lao mà anh dũng, Huỳnh Văn Nghệ đã viết được những câu thơ, bài thơ đẹp nhất của đời mình. Không bao giờ có ý định trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp nhưng chính cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc, của đồng bào, chiến sĩ miền Đông Nam Bộ đã là nguồn cảm hứng vô tận, thôi thúc ông cầm bút.

Thực hiện nghị quyết của Hội nghị quân sự tỉnh Biên Hòa, chiến khu Đ được xây dựng thành căn cứ chính thức của tỉnh từ tháng 5 năm 1946. Thực ra chiến khu Đ đã được manh nha hình thành từ trước đó khá lâu. Huỳnh Văn Nghệ viết:

Chiến khu Đ có từ thuở ấy

Có một anh đồng chí

Sau Nam kỳ khới nghĩa năm bốn mươi

Đưa chi bộ về rừng Đồng Nai

Lập chiến khu nuôi chí lớn

(Du kích Đồng Nai)

Đó là đồng chí Chín Quỳ – một trong những người cộng sản vào lớp đầu tiên của Đồng Nai , sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại đã đưa lực lượng còn sót lại ở miền Đông Nam Bộ về rừng Đồng Nai hoạt động, duy trì cái vốn quân sự đầu tiên cho cách mạng ở Biên Hòa – Đồng Nai, tiếp tục giác ngộ nhân dân, chờ thời cơ nổi dậy. Bao gian khổ, đói rét, bệnh tật, chết chóc đe dọa hàng ngày, hàng giờ đối với họ:

Chi bộ võ trang mới tròn tiểu đội

Cơ sở nhân dân chỉ nội huyên Tân Uyên

Phải chống ngụy tề bố ráp ngày đêm

Ngày đói ăn rau, đêm lo thao thức

Mỗi năm thêm nấm mộ giữa rừng

Ba Tôn, Bảy Chiếp, Út Liễng, Tư Mùng…

(Du kích Đồng Nai)

Và “Cách mạng đến giữa mùa trăng thángTám. Chiến khu Đ rừng vắng bỗng tưng bừng”. Những người du kích Đồng Nai còn lại sau năm năm “lập chiến khu nuôi chí lớn” ấy nhanh chóng về Biên Hòa lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng tháng Tám ở Biên Hòa – Đồng Nai. Nhưng cũng chính những người du kích Đồng Nai ấy, chỉ chưa đầy một tháng sau đã phải cùng đồng bào đồng chí toàn Nam Bộ trực tiếp chiến đấu với cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Và khi được tăng quân tiếp viện, thực dân Pháp đánh rộng ra các tỉnh miền Đông Nam Bộ, lực lượng của ta lại phải dần rút về chiến khu Đ xây dựng lực lượng, chiến đấu lâu dài với quân xâm lược. Ngòi bút của vị chỉ huy kiêm thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ đã ghi lại khá đầy đủ cuộc sống chiến đấu của quân dân ta ở chiến khu Đ những năm tháng ấy. Đây là cảnh hội họp ở chiến khu Đ:

Đoàn quân đi như thân rắn uốn

Quanh đồi, qua suối, qua đồng

………………

Cành lá ngụy trang múa reo trên mũ áo

Cơm vắt bao đêm, ngày không đỏ lửa

Thương đồng chí anh nuôi cặp mắt mơ màng

Chiếc nồi đồng há miệng thênh thang

Như buồn ngủ ngáp dài vô tận

Thương anh trinh-liên suốt ngày lận đận

Chạy như thoi gác trước canh sau

Chị cứu thương mũ chẳng vừa đầu

Vì tiếc mãi chưa “hy sinh” búi tóc

Đường gập ghềnh quanh co, hố, dốc

Thương anh công binh lo từng bước cho đoàn

Nối cây rừng thành cầu dọc cầu ngang

(Hành quân)

Khó nói hết những khó khăn gian khổ cán bộ chiến sĩ và đồng bào ta ở chiến khu Đ phải chịu đựng. Nhà thơ Xuân Miễn trong bài thơ nổi tiếng “Nhớ miền Đông” đã viết “Đôi lúc tương tư một tán đường”. Cảnh gian khổ điển hình, có thể nói đã lên cao độ ở chiến khu Đ, đó là phải chịu đựng bão gió, lụt lội- điều mà ít thấy xảy ra ở miền Đông Nam Bộ. Thật khó quên trận bão lụt năm Thìn (1952) ấy:

Rùng rợn giữa đêm mưa

Tiếng vợ khóc gọi chồng chới với:

“Con trôi rồi, con trôi theo bè chuối…”

Những nóc nhà trôi

Những thân cây đổ

Suối ngập thành sông, sông tràn thành biển

Mênh mông sóng vỗ chân trời

Thôi hết rồi, hết lúa hết khoai

Chiến khu Đồng Nai lại đói

Con ngậm củ mài, cha nhơi củ chuối

Ướt mắt chồng nhìn vợ nuốt vỏ khoai

Trút cả hũ không còn đầy nắm muối

Cho ngày ăn cả đại đội Lam Sơn

Ba người chia một vắt cơm

Tạm đỡ dạ cả tiểu đòan chủ lực

(Chiến khu Đ chống bão)

Và “giặc Pháp muốn thừa cơ trận bão. Đánh chiến khu một trận cho tiêu tan. Dồn sức tấn công, lừa bịp, chiêu hàng. Tăng cường truyền đơn và bom pháo”. Đấy là đỉnh cao của những thử thách. Nhưng đấy cũng chính là dịp chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được bộc lộ cao nhất. Chiến khu anh hùng tụ về những con người gan dạ, dũng cảm nhất, chiến đấu và lao động quên mình.

Đây là trường hợp hy sinh của một chiến sĩ quân giới:

Đêm thao thức bên lò lựu đạn

Ngày say sưa máy tiện máy bào

Quá sức ốm đau

Chén thuốc rễ cây rừng không cứu được

(Nấm mộ giữa rừng)

Và đây là sự dũng cảm, bất khuất của một em bé liên lạc:

Ba ngày bị đánh bị tra

Mắt lồi má tím, máu trào môi đen

…Lắc đầu em cố nói không

Giặc hăm cắt cổ bỏ sông, em cười

(Em bé liên lạc)

Một anh du kích khi bị giặc dùng cực hình tra tấn vẫn kiên quyết : “không nói. Răng cắn chặt lấy môi. Trước mưa rơi đẫm máu. Miệng anh cứ như cười”. Ở chiến khu thiếu thốn đủ bề, nhất là thuốc men, y cụ. Và một trường hợp tuyệt vời dũng cảm khác đã được Huỳnh Văn Nghệ ghi lại. Đó là môt chiến sĩ bị thương, dũng cảm chịu đựng cho bác sĩ cưa chân bằng… cưa thợ mộc:

Bác sĩ vừa cưa vừa khóc

Chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe

Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre

Anh chiến sĩ cứ mải mê hát

Đã hát đi hát lại bao lần

Vẫn chưa đứt xương chân

Vẫn chưa ngừng máu đổ

(Tiếng hát giữa rừng)

Nối tiếp truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, với cuộc chiến đấu chính nghĩa và được một lý tưởng cao đẹp dẫn đường đã cho các anh nguồn sức mạnh làm nên những sự tích phi thường ấy. Cuộc sống sinh họat của cán bộ chiến sĩ, nhân dân ta ở chiến khu Đ là cuộc sống đầy thiếu thốn, khó khăn, là cuộc sống bất bình thường, nhưng ở đây, ở cái “xã hội chiến khu Đ” này có thể nói là hình ảnh của một xã hội mới còn đơn giản nhưng đã rõ nét- xã hội của Tình thương và Trách nhiệm:

Củ mì luộc chia đôi chấm muối

Mặn bùi tình nghĩa anh em

Cửa mở suốt đêm

Doanh trại, nhà dân, cơ quan Chính phủ

Chung một mái tranh

Cởi mở tâm tình

Rách lành manh áo che thân

Không phân biệt nhân dân cán bộ

(Rừng đẹp)

Tình đoàn kết gắn bó keo sơn, đoàn kết dân quân, đoàn kết Bắc-Nam, đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong từng đơn vị, cơ quan “tình chiến khu còn đậm mãi ấm trà thơm”. Ở đây có những câu chuyện “Mẹ Nam con Bắc” thật cảm động. Anh bộ đội, anh chiến sĩ Vệ quốc là người chịu hy sinh gian khổ nhiều nhất và lập nên nhiều chiến công to lớn nhất nên luôn được nhân dân dành cho tình cảm yêu mến, quý trọng:

Trẻ em chạy theo nhìn không chớp mắt

Lúa khoai mừng đếm những bàn chân

(Hành quân)

Quên mình vì lý tưởng, vì hạnh phúc chung của cả dân tộc, mọi tính toán cá nhân trong cuộc chiến đấu một mất một còn ở nơi đây những năm tháng này không có cơ hội xuất hiện nên con người thật vô tư, hồn nhiên. Đó là những cuộc bình công được đa số đề nghị gác lại để “Độc lập làm luôn thể. Một lần đỡ mất công”. Họ chỉ nhất trí “những người chiến đấu. Đến giọt máu cuối cùng. Mới cần được bình công. Trước chúng mình tất cả”. Và khi được giải thích “Thi đua là lệnh Bác. Để kháng chiến thành công. Muốn thi đua giết giặc. Đại đội phải bình công” thì mọi người đồng ý sẽ có bình công nhưng “Chuyện trước, sau sẽ hay. Kể từ trận ngày mai. Có bình công khen thưởng. (Hội nghị bình công). Thật là nghĩa khí, có chút gì đó anh hùng mã thượng của Lục Vân Tiên “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”. Coi sự hy sinh cống hiến vì nghĩa lớn, vì độc lập tự do của Tổ quốc là lẽ đương nhiên, không bao giờ tính toán so đo. Và cũng với cái nhìn như thế, những gian khổ hy sinh ở chiến khu Đ đều được hóa giải bằng cái nhìn trong trẻo, lạc quan đến lạ thường. Có một chiến khu Đ khác rất thơ mộng trong thơ Huỳnh Văn Nghệ:

Xuân vẫn về đây giữa chiến khu

Rừng thiêng nay bỗng hết âm u

Núi non hớn hở thay màu áo

Suối biếc ngân reo chuỗi hạt châu

Ánh sáng tưng bừng trên lá non

Chim đồi mát giọng hát véo von

Chiến sĩ từng đoàn dưới nắng tươi

Bên hoa ngồi kể chuyện nô cười…

(Xuân chiến khu)

Và đây nữa:

Rừng đẹp như một bài thơ cổ

Cành cao vượn hú

Ríu rít tổ chim

Bờ suối đỏ hoa sim

Thảm cỏ xanh điểm vàng quả bứa

(Rừng đẹp)

Nhưng chiến tranh đâu phải trò đùa. Đất nước quê hương lẽ ra phải đẹp hơn vạn lần nếu không bị quân xâm lược giày xéo. Ở chiến khu, Huỳnh Văn Nghệ luôn thao thức nhớ về quê hương Tân Uyên của ông “thuở thanh bình yêu mến. Gái quê họp chợ má hồng tươi. Thuyền bốn phương về đây lưu luyến bến. Dòng sông xanh êm thắm nhẹ nhàng trôi”, bây giờ đã tan nát vì bom đạn giặc:

Gái Tân Uyên ứa lệ trưa hè

Thương vười cũ dâu chè không ai tưới

Trai Tân Tịch về sông hái bưởi

Cũng chết oan dưới mũi súng quân thù

Dây kẽm gai rối nùi đường chốn cũ

Mắc cỡ Tây chụp phủ bãi rau lang

Hàng tháp canh như chó dữ nhe răng

Từng lọat súng dọa ánh trăng, dòng nước

Tàu há mồm chuyến xuôi chuyến ngược

Chở sâu thêm mặt nước vết căm hờn

(Bờ sông bị chiếm)

-Tây đã vào đất Cuốc

Xe tăng gầm phía Bào Đế, Tân Dân

Ở Lạc An chúng đang đốt nhà dân

Nhổ từng gốc khoai

Cướp từng tô thóc

Phía Cây Đào, rền tiếng súng cà nông

Đất Tân Tịch rỗ hố bom, đại bác

Rạch nát thân dừa

Xác xơ ngọn chuối

Hai vợ chồng nhìn nhau không nói

Nhặt từng mảnh xương con

Gói lại

Đem chôn

Lệ trào tuôn

Không tắt lửa căm hờn

Trong bốn mắt

(Một trận chống càn)

Những người chiến sĩ ở chiến khu Đ đã đem những ánh mắt căm hờn ấy ra trận, giáng cho quân thù những đòn sấm sét. Chiến khu Đ là nơi xuất phát, nơi chuẩn bị những chiến công oanh liệt:

-Lệnh Nguyễn Bình vừa oai nghiêm, tha thiết:

“Đồng bào ơi! Ta quyết phen này!”

Lệnh truyền xuống tiếng reo hò vang dậy

Lửa Tân Uyên cao ngọn đuốc tưng bừng

Ra mặt trận chen chân trai lẫn gái

Mang tàu cau mẹ bám gót dân quân

Trận Tân Uyên cuối mùa đông năm ấy

Lần đầu tiên giặc Pháp nếm chua cay

Lần đầu tiên đạo viễn chinh lừng lẫy

Phải lui về bỏ lại mấy trăm thây

(Mất Tân Uyên)

-Chỗ này là trận Bưng Còng

Còn đây Bến Sắn thành công mới rồi

Trảng Bom lửa cháy ngập trời

La Ngà xe giặc tơi bời giữa trưa

(Tình súng)

Và suốt chín năm kháng chiến, chiến khu Đ lẫy lừng cả nước vì sự dũng cảm kiên cường, xây dựng nên truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Truyền thống anh hùng của chiến khu Đ mãi mãi là niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi người dân miền Đông Nam Bộ, mỗi người dân Biên Hòa – Đồng Nai. Chín năm kháng chiến kiên cường chống thực dân Pháp ở chiến khu Đ còn tạc vào lịch sử hình ảnh một vị chỉ huy văn võ song toàn, một nhà thơ chiến sĩ “tay gươm tay bút” tài hoa. Ông là người đã viết nên pho lịch sử chiến khu Đ độc đáo bằng THƠ.