Bệnh ếch tơ ri là gì

Rối loạn phân ly thuộc nhóm các bệnh lý tâm thần, với tỷ lệ mắc bệnh chiếm 0.3 - 0.5% trong dân số. Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, ở người trẻ nhiều hơn người già. Triệu chứng rối loạn phân ly trên lâm sàng rất phong phú, đa dạng và đôi khi không rõ nguyên nhân, vì vậy thường gây nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.

Rối loạn phân ly (rối loạn thần kinh chức năng, hysteria,...) là những rối loạn tâm thần liên quan đến sự mất kết nối và ngắt quãng giữa những suy nghĩ, ký ức, môi trường xung quanh, hành động và đặc tính cá nhân. Những người bị rối loạn phân ly thoát ra khỏi tình trạng này bằng cách không tự chủ, có hại cho sức khoẻ và gây ảnh hưởng tới chức năng sống trong cuộc sống hàng ngày.

Rối loạn phân ly thường phát triển như là phản ứng chấn thương và lưu giữ ký ức khó khăn. Triệu chứng - phạm vi từ mất trí nhớ đến các đặc tính luân phiên - phụ thuộc từng phần vào kiểu rối loạn phân ly. Thời gian căng thẳng nhiều có thể làm cho triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng, rõ ràng hơn.

Quá trình vỏ não hoạt động suy yếu, thoát ly khỏi sự kiềm chế của dưới vỏ làm tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Do đó, sự kích thích mạnh của sang chấn tâm lý dẫn đến vỏ não không tự kiềm chế được lâm vào trạng thái ức chế. Khi vỏ não không tự điều hoà được thì hoạt động của vùng dưới vỏ sẽ tăng, xuất hiện các triệu chứng của rối loạn phân ly.

Thêm vào đó, các kích thích sang chấn tâm lý dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể. Khi một người trong tập thể bị, nhiều người khác cũng có thể bị làm cho ta thấy có cảm giác bệnh có thể dễ dàng lây lan (rối loạn phân ly tập thể).

Rối loạn phân ly ở trẻ em - đặc biệt gặp nhiều ở trẻ gái - thường xảy ra đồng loạt trong một nhóm hay một tập thể ở trường học hoặc trong đám đông. Biểu hiện của rối loạn này bắt đầu từ một người mắc bệnh và những người xung quanh có xu hướng “bị lan truyền”. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn về tâm lý, các vấn đề khó khăn trong cuộc sống như học tập, công việc và các mối quan hệ mà người bệnh không thể tự mình giải quyết được.

Bệnh ếch tơ ri là gì

Rối loạn phân ly thường phát triển như là phản ứng chấn thương và lưu giữ ký ức khó khăn

Rối loạn phân ly thường không theo sơ đồ giải phẫu nào mà nó dựa vào sự tưởng tượng của bệnh nhân. Các rối loạn này cũng rất đa dạng, xuất hiện và kết thúc đột ngột. Những biểu hiện bệnh có thể thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng hoặc cũng có thể bị tái phát trở lại khi các sự kiện sang chấn tâm lý vẫn tiếp tục diễn ra.

Dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào các kiểu rối loạn phân ly, có thể bao gồm:

  • Mất trí nhớ (Amnesia) trong khoảng thời gian nhất định, liên quan đến sự kiện, con người, thông tin cá nhân.
  • Có cảm giác không lệ thuộc vào bản thân và cảm xúc của bản thân.
  • Nhận thức về những người và vật xung quanh bị biến dạng và không thật.
  • Có cảm giác mờ nhạt về nhận định.
  • Sự căng thẳng hay những vấn đề trong mối quan hệ, công việc hoặc các lĩnh vực quan trọng khác trong cuộc sống.
  • Mất khả năng đối phó khi xúc động hoặc căng thẳng.
  • Các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, có ý nghĩ và hành vi tự tử.

Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học xác định rối loạn phân ly được gây ra bởi tổn thương não bộ, vì vậy bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng. Nguyên nhân chủ yếu là:

Sang chấn tâm thần thường là những cảm xúc mạnh như lo sợ tột độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề... Các sang chấn thường dễ nhận thấy trong bệnh tâm căn suy nhược vì nó có tính chất cấp và mạnh, thường phát sinh ngay sau khi có sang chấn hoặc một thời gian ngắn sau khi bị sang chấn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sang chấn tâm thần khó tìm thấy, nhất là những trường hợp bệnh lâu ngày tái phát.

  • Nhân cách yếu: Bệnh thường phát sinh ở những người do hoàn cảnh và giáo dục không thích hợp nên hình thành một nhân cách yếu, tiêu cực như thiếu tự chủ, thiếu tự kiềm chế bản thân, thích chiều chuộng, thích phô trương, chịu đựng khó khăn gian khổ kém, lý tưởng không vững.
  • Nhân tố có hại của môi trường: Là những nhân tố làm suy yếu hệ thần kinh, làm giảm các hoạt động của vỏ não như nhiễm trùng, nhiễm độc, chấn thương sọ não, thiếu dinh dưỡng, kiệt sức,...

Bệnh ếch tơ ri là gì

Điều trị rối loạn phân ly bằng liệu pháp tâm lý

Rối loạn phân ly điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý, trong đó liệu pháp ám thị được áp dụng rất có hiệu quả. Bên cạnh đó, nên kết hợp với việc nâng cao thể trạng, bồi dưỡng nhân cách, tạo không gian môi trường sống phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh cho bệnh nhân.

Ngoài ra, có thể kết hợp thêm các liệu pháp điều trị toàn diện khác như âm nhạc, thể thao, lao động, thư giãn, luyện tập,... Trong trường hợp nặng hơn, cùng với việc áp dụng các liệu pháp tâm lý cần phải kết hợp sử dụng thuốc hướng tâm thần hay châm cứu, bấm huyệt, tạo niềm tin cho người bệnh vào liệu trình điều trị giúp bệnh thuyên giảm và mất các triệu chứng rối loạn chức năng.

Trong điều trị bằng liệu pháp tâm lý cần chú ý:

  • Tuyệt đối không được xem thường bệnh nhân, không được xem đó là bệnh giả vờ mà hắt hủi, bỏ rơi bệnh nhân.
  • Cần tránh thái độ quá chiều chuộng, quá lo lắng theo bệnh nhân, như vậy vô tình ám thị cho bệnh nhân về tình trạng trầm trọng hơn của bệnh.
  • Rối loạn phân ly là bệnh của một nhân cách yếu, các liệu pháp trên chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, muốn khỏi bệnh phải tiếp tục làm liệu pháp tâm lý lâu dài.

Để phòng tránh bệnh này nên tăng cường tuyên truyền giáo dục kiến thức cần thiết về vệ sinh phòng bệnh tâm thần, nhằm rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, tương thân tương ái, tính tập thể, tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác.

Hiện tại Hệ thống Y tế Vinmecđiều trị rối loạn phân ly chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý, trong đó liệu pháp ám thị được áp dụng rất có hiệu quả. Bên cạnh đó, nên kết hợp với việc nâng cao thể trạng, bồi dưỡng nhân cách, tạo không gian môi trường sống phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh cho bệnh nhân.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

XEM THÊM:

Bệnh tâm căn hysteria thường xuất hiện sau những chấn thương tâm thần ở những người có nhân cách yếu. Biểu hiện bệnh lý của bệnh hết sức đa dạng, có thể từ triệu chứng giống triệu chứng của một bệnh cơ thể đến các triệu chứng thần kinh, tâm thần như: khóc, cười, kêu la, có các cơn co giật, liệt, mất cảm giác, câm, điếc, ý thức mù mờ... Đặc điểm của bệnh tâm căn hysteria là tính dễ bị ám thị và khả năng tự ám thị của người bệnh, có thể có xu hướng ly kỳ hóa, hành vi mang kịch tính, thích được mọi người chú ý đến mình. Theo các nhà khoa học, bệnh tâm căn hysteria có thể gọi là bệnh “rối loạn phân ly”, chúng tạo nên những rối loạn do căn nguyên tâm lý, biểu hiện các triệu chứng đa dạng giống các bệnh thực thể và thần kinh. Tuy nhiên thuật ngữ bệnh hysteria vẫn còn được sử dụng khá phổ biến trong y học.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh tâm căn hysteria thường do chấn thương tâm thần, đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như: lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề... Bệnh hay phát sinh một thời gian ngắn sau khi bị chấn thương nhưng có trường hợp khó tìm thấy chấn thương, nhất là các trường hợp bệnh tái phát. Bệnh nhân lần đầu lên cơn kích động cảm xúc hysteria sau một trận đánh bom oanh tạc, lần sau đó giẫm phải mảnh bom mìn hay bị trượt chân gây chảy máu cũng có thể lên cơn; có khi bệnh phát sinh do một nhân tố thúc đẩy không liên quan đến chấn thương cấp tính hay mạn tính và bệnh có vẻ như tự phát.

Bệnh dễ phát sinh ở những người trẻ tuổi có các yếu tố thuận lợi như: người có nhân cách yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống vững mạnh. Đồng thời bệnh cũng có thể xảy ra ở những người có loại hình thần kinh yếu, loại hình thần kinh nghệ sĩ hoặc ở người có hệ thống tín hiệu thứ hai bị suy yếu, hệ thống tín hiệu thứ nhất chiếm ưu thế trong hoạt động tâm thần, phần hoạt động lý trí bị giảm sút và phần hoạt động bản năng được tăng cường. Ngoài ra, các yếu tố có hại khác có khả năng ảnh hưởng như tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não... làm suy yếu hệ thần kinh. Các yếu tố có hại này tác động mạnh hoặc kéo dài làm cho vỏ não bị suy yếu, dễ làm cho bệnh phát sinh ngay trên một người thuộc loại hình thần kinh mạnh và thăng bằng.

Bệnh ếch tơ ri là gì
Bệnh tâm căn hysteria thường gặp ở nhóm tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam

Triệu chứng bệnh lý

Triệu chứng lâm sàng của bệnh tâm căn hysteria rất đa dạng nhưng chúng có hai tính chất chung là xuất hiện có liên quan trực tiếp với chấn thương tâm thần, có phần giống nhưng có phần khác với các triệu chứng của các bệnh thực thể. Bệnh lý được thể hiện bằng các cơn hysteria, rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn giác quan và rối loạn tâm thần.

Cơn hysteria: biểu hiện bằng cơn co giật hysteria hay cơn vật vã hysteria, chúng xảy ra do tác động trực tiếp của các yếu tố chấn thương tâm lý hoặc xảy ra trong tình huống giống tình huống đã xảy ra cơn hysteria đầu tiên. Cơn co giật có tính chất đa dạng, không định hình như trong cơn động kinh. Cơn thể hiện bằng nhiều động tác không tự ý và lộn xộn như: vùng vẫy chân tay, đập chân tay xuống sàn hay giường, uốn cong người, gào thét; có trường hợp người bệnh giật xé quần áo, rứt tóc, tự cào cấu, lăn khắp sàn nhà. Trong cơn hysteria, ý thức không rối loạn hoàn toàn, thường bị thu hẹp, nét mặt không tím tái, đồng tử còn phản xạ với ánh sáng; người bệnh không bao giờ cắn lưỡi, tiểu tiện dầm hoặc đại tiện đùn và vẫn còn khả năng phản ứng với thái độ của người ở chung quanh. Trong trường hợp này có thể dùng lời nói để điều khiển một số vận động của bệnh nhân, dùng kích thích mạnh như châm kim, dùng mệnh lệnh hoặc ám thị làm cơn mất hoàn toàn hoặc tạm thời. Cơn hysteria thường kéo dài khoảng 15 - 20 phút, có khi hàng giờ; cơn có thời gian càng kéo dài khi người bệnh càng được người khác chú ý và quan tâm. Đặc điểm cơn hysteria chỉ xuất hiện khi có người ở chung quanh, không bao giờ xuất hiện khi người bệnh ở một mình hoặc đang ngủ. Bệnh nhân có thể biết trước mình sắp lên cơn nên biết tìm chỗ để ngã hoặc nằm, vì vậy không bao giờ bị ngã gây chấn thương; khi hết cơn người bệnh có thể tỉnh táo ngay. Thực tế cần lưu ý chẩn đoán phân biệt cơn hysteria với cơn động kinh thật để tránh nhầm lẫn. Trong cơn kích động cảm xúc hysteria, người bệnh cười, khóc, cảm xúc hỗn độn, nói linh tinh, vùng chạy, leo trèo, gào thét, đôi khi kèm theo cơn co giật; ý thức bệnh nhân không bị rối loạn nặng, chịu ám thị ở chung quanh và cơn có thể kéo dài nhiều ngày. Trong cơn ngất lịm, người bệnh cảm thấy người mềm yếu dần, từ từ ngã ra, nằm thiêm thiếp, mắt chơm chớp; cơn có thể kéo dài từ 15 phút đến 1 giờ. Trong cơn ngủ thường hiếm gặp hơn, người bệnh lên cơn giật nhẹ rồi nằm yên, ngủ một thời gian dài từ 1 - 2 ngày, vạch mí mắt để xem thấy nhãn cầu vẫn đưa qua đưa lại; trong khi ngủ bệnh nhân thỉnh thoảng thở dài, thổn thức, khóc lóc.

Rối loạn vận động: người bệnh biểu hiện nhiều loại vận động khác nhau như: lắc đầu, gật đầu, nháy mắt, múa giật, múa vờn... Thường gặp nhất là trạng thái run nhưng tính chất run không đồng đều và không có hệ thống; có thể run một phần cơ thể hay run cả người, khi không chú ý thì run giảm nhưng lúc chú ý thì run tăng. Có thể gặp chứng liệt hysteria với tình trạng liệt nặng hoặc liệt nhẹ, liệt mềm hay liệt cứng, liệt một hoặc hai chi hay cả tứ chi.

Chứng liệt hysteria có những đặc điểm khác biệt tình trạng liệt do nguyên nhân thực thể là trương lực cơ không thay đổi, không có phản xạ bệnh lý, không có hiện tượng teo cơ, không giật sợi cơ, tính kích thích điện không thay đổi. Liệt hysteria thường thấy dưới hình thức liệt nửa người, liệt hạn chế ở chân và tay, không lan tới các dây thần kinh sọ não, không có dấu hiệu của tổn thương bó pháp thần kinh; không có động tác đồng vận, phản xạ tự vệ, rối loạn cơ tròn... Người bệnh đi lết giống người đi không muốn cử động một chân. Trong chứng liệt nửa người thường kèm theo mất cảm giác nửa người cùng bên, khu vực mất cảm giác này thường lan đến đúng đường giữa và mất cảm giác nông lẫn cảm giác sâu. Nếu bệnh nhân có chấn thương sọ não mà có chứng liệt hysteria nửa người thì chứng liệt này xảy ra cùng bên với chấn thương và người bệnh không hiểu mối liên hệ chéo của giải phẫu thần kinh. Đồng thời cũng có thể gặp trạng thái mất đứng, mất đi; người bệnh không thể đứng được và đi được; khi nằm trên giường vẫn cử động chân tay. Ngoài ra có thể bị rối loạn phát âm với nhiều hình thức như khó nói, nói lắp, không nói được... nhưng cơ quan phát âm như dây thanh âm, hầu, họng, lưỡi vẫn bình thường.

Rối loạn cảm giác: bệnh nhân thường bị mất hoặc giảm cảm giác đau, bản thân người bệnh không bao giờ nói đến hiện tượng này mà chỉ được phát hiện khi đi khám bệnh. Chứng mất cảm giác hysteria khác với tình trạng mất cảm giác thực thể, vùng mất cảm giác không theo đúng khu vực phân phối của rễ và dây thần kinh cảm giác. Bệnh lý thường gặp dưới dạng mất cảm giác “bít tất tay”, “bít tất chân” ở nửa người, có khi lan sang bên kia đường giữa. Giới hạn vùng mất cảm giác rất rõ, vùng mất cảm giác hoàn toàn tiếp giáp ngay vời vùng còn nguyên cảm giác; đôi khi khám lại thì vùng mất cảm giác có thể di chuyển vị trí. Trong vùng mất cảm giác do bệnh hysteria không bao giờ thấy triệu chứng bỏng như thường thấy trong bệnh rỗng tủy sống. Tình trạng mất cảm giác sâu không kèm theo các rối loạn phối hợp vận động. Cảm giác đau của bệnh hysteria khu trú rất khác nhau và có thể biểu hiện giống như đau trong viêm ruột thừa, đau dạ dày, đau vùng tim, đau cột sống, đau cơ, đau dây thần kinh hông...

Rối loạn giác quan: bệnh hysteria có thể gây nên tình trạng mù mắt và mù xảy ra hoàn toàn đột ngột nhưng khi khám đáy mắt vẫn thấy bình thường, phản xạ của đồng tử mắt với ánh sáng còn tốt. Mắt vẫn linh hoạt hướng về phía người đến nói chuyện và có thể khỏi nhanh chóng dưới tác dụng của ám thị. Ngoài ra cũng có thể còn gặp chứng lưỡng thị hoặc đa thị do bệnh hysteria. Đồng thời điếc do bệnh hysteria hay gặp trong thời kỳ chiến tranh sau chấn động não do sức ép của bom đạn và thường điếc ở cả hai bên tai, tuy đã mất thính lực nhưng vẫn còn phản xạ ở tai, chớp mắt khi có tiếng động mạnh, thu hẹp đồng tử khi có kích thích tiếng động; kiểm tra điện não đồ thấy có biến đổi khi có tiếng động kích thích. Ngoài ra tình trạng mất vị giác và khứu giác do bệnh hysteria cũng thường gặp. Các rối loạn ngôn ngữ như chứng lặng thinh với tình trạng câm hoàn toàn khác với đa số các trường hợp mất vận động ngôn ngữ, trường hợp này ít nhiều còn di tích của ngôn ngữ. Người mắc chứng lặng thinh do bệnh hysteria có thể chỉ vào môi mình để ra hiệu là không nói được và thường dùng bút để viết diễn tả những yêu cầu của mình. Trong chứng mất tiếng do bệnh hysteria, người bệnh không nói được to, chỉ nói thầm nhưng có thể ho thành tiếng. Trong chứng nói lắp do bệnh, bệnh nhân không nói đứt quãng mà chỉ nói chậm và lặp lại nhiều lần những phụ âm đầu như “tt tôi, đ đi”; người nói lắp do cơ quan phát âm bị co thắt và thường không thấy ngượng vì thiếu sót ngôn ngữ của mình; việc điều trị chứng nói lắp bằng cách sử dụng liệu pháp tâm lý sẽ khỏi, còn chứng nói lắp do nguyên nhân khác thì phải chữa bệnh lâu dài ở khoa tập nói. Một vấn đề cũng cần lưu ý là các rối loạn thần kinh thực vật nội tạng được biểu hiện bằng rất nhiều triệu chứng khác nhau như: cơn lạnh run, cơn nóng bừng, cơn đau vùng ngực, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt...; thường gặp nhất là trường hợp co thắt thực quản và cơ hoành, nôn do co thắt môn vị, “hòn” hysteria do co thắt từ ruột lên dần đến thực quản làm cho người bệnh cảm thấy có cục gì đó ở trong bụng lăn tới họng; những triệu chứng này đều thay đổi nhanh chóng dưới tác dụng của ám thị.

Rối loạn tâm thần: người bệnh thường có biểu hiện tình trạng quên, trốn nhà, rối loạn cảm xúc và rối loạn tư duy. Quên là một trạng thái thông thường của bệnh, người bệnh không nhớ các sự kiện quan trọng gần đây không phải do tổn thương thực thể, có thể quên từng phần hoặc hoàn toàn các sự kiện sang chấn tâm lý; chứng quên thường thay đổi từng ngày và đối với những người tiếp xúc khác nhau, khi tỉnh người bệnh không thể nhớ lại được; tình trạng quên thường không kéo dài và sẽ hồi phục được hoàn toàn. Trốn nhà là tình trạng người bệnh bỏ nhà hoặc nơi làm việc để ra đi có mục đích mà vẫn duy trì sinh hoạt cá nhân và tiếp xúc bình thường trong xã hội như mua vé tàu xe, hỏi điều chỉ dẫn...; việc trốn để thực hiện chuyến đi có tổ chức, có thể đến những nơi trước đã biết và có ý nghĩa về mặt cảm xúc; thường chỉ đi trong vài ngày hoặc đôi khi có thể trong một thời gian dài và tình trạng trốn nhà thường đi kèm với tình trạng quên. Rối loạn cảm xúc là tình trạng người bệnh có biểu hiện dễ bị xúc động, cảm xúc không ổn định, rất nhạy cảm với các kích thích, dễ lây cảm xúc của người khác, cảm giác và tri giác rất nhạy cảm, đặc biệt đối với các kích thích giác quan; có thể xuất hiện ảo giác, nhất là ảo thị mang hình ảnh rực rỡ và phản ánh tình huống chấn thương. Rối loạn tư duy chủ yếu là tư duy cụ thể và hình tượng, các quá trình phân tích, tổng hợp, phán đoán đều nông cạn; nội dung câu chuyện thường nói về bản thân mình, trình bày bệnh tật để khêu gợi sự chú ý của người khác, lời nói lên bổng xuống trầm, thường kèm theo điệu bộ có kịch tính, trí tưởng tượng phong phú và hay cố bịa chuyện hấp dẫn và ly kỳ; có hành vi, tác phong giàu kịch tính, thích phô trương, nhiều hành vi tự phát, có khi do bản năng chi phối.

Qua những triệu chứng bệnh lý đã nêu trên, việc chẩn đoán xác định bệnh cần dựa vào các đặc điểm như: người có nhân cách yếu và loại hình thần kinh nghệ sĩ yếu, có chấn thương tâm thần hay hoàn cảnh xung đột gây bệnh, triệu chứng xuất hiện đột ngột và tăng lên mức tối đa ngay sau khi bị chấn thương, không có quá trình tiến triển theo quy luật thông thường của một bệnh; triệu chứng xuất hiện đơn độc, không có các triệu chứng khác kèm theo để trở thành một hội chứng nhất định; các triệu chứng thần kinh không phù hợp với giải phẫu định khu và không có tổn thương thực thể kèm theo; đặc biệt việc điều trị bằng tâm lý bệnh sẽ khỏi một cách nhanh chóng.

Điều trị và phòng bệnhBệnh tâm căn hysteria chủ yếu điều trị triệu chứng bằng liệu pháp ám thị khi người bệnh thức tỉnh, dùng lời nói làm cho bệnh nhân hiểu rõ thực chất bệnh trạng của mình và giúp thanh toán bệnh. Có thể kết hợp những biện pháp phụ trợ như dùng thuốc kích thích, châm cứu...; làm cho bệnh nhân tin tưởng tuyệt đối vào thầy thuốc, từ đó có khả năng làm mất những triệu chứng chức năng. Cũng có thẻ dùng châm cứu, điện châm, xoa bóp, bấm huyệt... vì rất có tác dụng trong ám thị để làm mất các triệu chứng rối loạn vận động, cảm giác, giác quan... Nếu thực hiện liệu pháp này không có hiệu quả, phải dùng liệu pháp ám thị trong giấc ngủ thôi miên bằng trạng thái ức chế không hoàn toàn của vỏ não, bệnh nhân ngủ những trong não vẫn còn điểm thức và qua điểm cảnh tỉnh đó người bệnh vẫn tiếp thu được lời ám thị của thầy thuốc.Trong liệu pháp tâm lý, cần đặc biệt chú ý đến thái độ đối với bệnh nhân, tuyệt đối không được xem thường họ, nhất là không được xem đó là người giả bệnh và có thái độ chế giễu, hắt hủi, bỏ rơi... Tuy nhiên cũng cần tránh thái độ quá chiều chuộng, quá lo lắng, theo dõi quá chặt chẽ, vô tình ám thị làm cho người bệnh tưởng rằng bệnh lý của mình quá nặng. Ngoài liệu pháp tâm lý, tùy theo tình trạng của bệnh nhân để áp dụng các biện pháp tăng cường cơ thể, điều chỉnh hoạt động thần kinh cao cấp bằng những loại thuốc phù hợp kèm theo các liệu pháp giải trí, lao động... Vì vậy điều trị bệnh tâm căn hysteria phải toàn diện, lưu ý việc rèn luyện nhân cách khá quan trọng vì đây là bệnh thường gặp ở những bệnh nhân có nhân cách yếu nên ngoài các liệu pháp điều trị ở trên để chữa trị triệu chứng, muốn chữa khỏi hẳn bệnh phải duy trì liệu pháp tâm lý lâu dài, làm cho người bệnh hiểu được nhược điểm của bản thân và động viên mặt tích cực trong nhân cách nhằm khắc phục mặt tiêu cực như bỏ thói quen dễ bị ảnh hưởng, tập kiềm chế cảm xúc và hành vi của mình.

Việc phòng bệnh được thực hiện bằng biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến rộng rãi các kiến thức vệ sinh phòng bệnh tâm thần để mỗi gia đình biết giáo dục con em ngay từ khi còn nhỏ, rèn luyện cho chúng có nhân cách vững mạnh với nhiều tính cách tốt như có lý tưởng, chịu đựng được gian khổ, biết kiềm chế bản thân... Trong cuộc sống gia đình, học đường và tập thể; cần tăng cường giáo dục tình đoàn kết và thân ái; tránh những chấn thương tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác. Trong những hoàn cảnh gay go, gian khổ hay tình huống ác liệt; phải tổ chức sinh hoạt tốt, thực hiện giải trí, tăng cường thể chất; giải quyết kịp thời tình trạng ốm đau, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc...

Lời khuyên của thầy thuốc
Theo các nhà khoa học, trong thời kỳ chiến tranh đã ghi nhận dịch bệnh tâm căn hysteria xảy ra ở đội thanh niên xung phong tại Quảng Bình năm 1968 và đội thanh niên xung phong tại Lâm Đồng năm 1977 với khoảng 30 - 50% số nữ thanh niên trong đội bị mắc bệnh. Thực tế các địa phương bệnh thường xảy ra lẻ tẻ nhưng những năm trước đây bệnh lại xuất hiện có tính chất tập thể ở trong một số trường học tại tỉnh Phú Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Đà Nẵng... Bệnh thường xảy ra ở nhóm tuổi trẻ, đặc biệt là trên đối tượng nữ; vì vậy gia đình, học đường và xã hội cần quan tâm đến vấn đề này để có các biện pháp phòng ngừa cụ thể nhằm giảm thiểu bệnh lý trong cộng đồng.