Các chỉ tiêu đánh giá ngành công nghiệp năm 2024

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo).

QUAN TÂM TỚI DƯ NỢ TÍN DỤNG CHO LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP

Dự thảo đã đưa ra một số chỉ tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD.

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới.

Đến 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỉ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD.

Đồng thời hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn…

Qua nghiên cứu, VCCI đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu về phát triển thị trường vốn, ví dụ như xếp hạng tín nhiệm quốc gia, rủi ro quốc gia, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư trên GDP cho giai đoạn trung hạn, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp, giá trị vốn hoá của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên thị trường chứng khoán…

Theo phân tích của VCCI, kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp hoá ở châu Á cho thấy vai trò của thị trường vốn, khả năng tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng để có thể tích luỹ vốn, từ đó thúc đẩy sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, VCCI đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu về xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và phân loại theo các thành phần kinh tế.

Bởi nhìn ở nhiều quốc gia khác thấy, nếu công nghiệp hoá mà chỉ thay thế hàng nhập khẩu thì sẽ rất dễ bị rơi vào bảo hộ thái quá và không thể thoát được bẫy thu nhập trung bình.

Ngược lại, các nước công nghiệp hoá định hướng xuất khẩu, đặc biệt là khi kim ngạch xuất khẩu đến từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước, thì khả năng cạnh tranh tốt hơn và bền vững hơn khi cắt giảm các biện pháp bảo hộ.

Mặt khác, cần bổ sung thêm một số chỉ tiêu về sở hữu công nghiệp như số lượng sáng chế vào các chỉ tiêu đánh giá công nghiệp hoá. Số lượng sáng chế là một chỉ tiêu dễ quan sát và phản ánh khá nhiều trình độ công nghiệp hoá của quốc gia.

Đối với một số chỉ tiêu về tỷ trọng công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo thì cần có thống kê riêng dành cho từng thành phần kinh tế. Dự thảo cũng đã đưa ra nhóm nhiệm vụ trọng tâm số 7 về phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên cần bổ sung chỉ tiêu để theo dõi năng lực sản xuất công nghiệp của các thành phần kinh tế.

CHỌN MỘT SỐ NGÀNH KINH TẾ ĐƯỢC DUY TRÌ CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ

10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với 59 nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai chương trình hành động được đưa ra trong dự thảo. Song theo VCCI, trong tiến trình công nghiệp hoá quốc gia thường sẽ phải chọn một số ngành kinh tế được duy trì các biện pháp bảo hộ, hạn chế tiếp cận thị trường đối với nước ngoài.

Trong những ngành đó, sẽ chọn một số doanh nghiệp để được hưởng các chính sách ưu đãi trong một khoảng thời gian nhằm xây dựng năng lực sản xuất công nghiệp. Trong giai đoạn đó, các doanh nghiệp này ít phải chịu áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp mới và doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đây là môi trường dễ nảy sinh các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, dẫn đến hệ quả là các doanh nghiệp không còn động lực để cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chính sách công nghiệp hoá thất bại.

Do đó, để có thể công nghiệp hoá, đi kèm với việc duy trì chính sách công nghiệp thì luôn cần bảo đảm các doanh nghiệp không được thực hiện các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh hoặc các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác.

Vì thế, VCCI đề nghị bổ sung thêm giải pháp về việc thực thi pháp luật về cạnh tranh, đặc biệt là các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh trong nhóm các doanh nghiệp công nghiệp.

Dự thảo đưa ra nhiệm vụ 10.2 về “Xây dựng Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030” và giao cho VCCI chủ trì thực hiện. Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 đã yêu cầu “Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân”, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW đã cho thấy hầu như chưa có cơ quan nào xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân.

Chính vì vậy, để phát triển đội ngũ doanh nhân, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 09-NQ/TW đang kiến nghị Bộ Chính trị giao Ban Cán sự đảng Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, làm cơ sở cho các bộ ngành và địa phương ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân ở các cấp.

“Nếu VCCI chủ trì thì sẽ khó cho các bộ ngành và đặc biệt là các địa phương xây dựng các chương trình hành động riêng của mình. Vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh để thống nhất về phân công nhiệm vụ trong các văn bản”, VCCI nêu quan điểm.

Ngoài ra, Dự thảo cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan chủ trì trong việc phối hợp với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp khi chuẩn bị và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến doanh nghiệp.