Cách đối thơ

Hướng dẫn cách làm thơ cho các thành viên

(Tổng hợp bởi nhiều nguồn - Phụ trách: @Diên Vĩ)

Xin chào tất cả mọi người, hôm nay mình xin mạn phép gửi tới mọi người một số hướng dẫn về cách làm thơ. Mong là bài viết này sẽ hữu ích đối với các bạn!

Làm một bài thơ đi theo các bước sau đây:

1. Cảm xúc để hình thành ý tưởng (tứ) của bài thơ:

Có hai cách chính để cảm xúc hình thành ý tưởng bài thơ là trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là gặp một hiện thực nào đó, nhà thơ rung động rồi hình thành tứ thơ, ví dụ cảnh tắm biển Sầm Sơn, Cửa Lò, thăm chùa Bái Đính, Đền Đô Gián tiếp là đọc một cuốn sách thấy rung động về một nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, nhà thơ từ đó mà hình thành cảm xúc.

Cơ sở để cảm xúc không nhất thiết phải là đối tượng rộng lớn với mực độ quyết liệt nào đó, như Trường Sơn thời đánh Mỹ đối với Phạm Tiến Duật, mà còn là một cảm xúc từ một đối tượng nhỏ nhẹ, êm đềm nhưng không kém phần sâu sắc, như trường hợp Thang Ngọc Pho nằm đêm nghe tiếng con thạch sùng tặc lưỡi:

Đi đường nhặt được tứ thơ

Bỏ vào túi ngực lượn lờ phố đông

Về nhà , sờ túi: rỗng không

Thạch sùng tặc lưỡi: tiếc không hở trời.

Một khía cạnh của cảm xúc hình thành ý tưởng phải kể đến các kiểu cảm xúc trữ tình, triết luận hay biểu tượng. Trữ tình là kiểu thơ rất phổ biến, mà đậm đặc là thơ tình. Có thể nói, hầu hết các nhà thơ đều làm thơ tình. Thơ triết luận nói đầy đủ bao gồm thơ triết lý, thơ phản biện xã hội và thơ châm biếm - đả kích cũng được đặt vào kiểu thơ này. Kiểu thơ trữ tình gắn với nghệ thuật sáng tác lãng mạn nhiều hơn, cũng như thơ triết luận gắn với nghệ thuật hiện thực nhiều hơn. Thơ biểu tượng không thuần túy chỉ là một kiểu thơ, mà còn là một xu hướng sáng tạo nghệ thuật, bao gồm chung cho các kiểu thơ này thiên về xu hướng tượng trưng, siêu thực, huyễn tưởng

Nhân đây, nói về các xu hướng sáng tác. Nhìn chung, văn chương nói chung và thơ ca nói riêng đi ra từ cuộc sống, cho cuộc sống và như cuộc sống, nên luôn phát triển như cuộc sống về mọi phương diện. Mỗi xu hướng thơ đều phản ảnh tất yếu của cuộc sống, vì vậy mỗi người làm thơ không nên tự coi xu hướng thơ mình là hay, các xu hướng khác là hỏng và người đọc phải bình tĩnh tiếp nhận và đánh giá mỗi xu hướng thơ khác nhau. Qua xàng lọc công bằng của người đọc, mọi xu hướng thơ được đánh giá chính xác. Qua thời gian, xu hướng thơ ca nào trụ lại và phát triển trong lòng bạn đọc, thì đó là xu hướng thơ xứng đáng được đánh giả cao; và ngược lại! Trong một khoảng thời điểm, thơ truyền thống cũng như cách tân; các thể thơ như Đường luật, lục bát, tự do và thơ văn xuôi... cùng tồn tại và phát triển đồng hành.

Trong nhiều trường hợp, một bài thơ chứa đựng không chỉ một, mà nhiều kiểu và xu hướng sáng tạo như vừa nêu trên.

2. Xây dựng hình tượng bài thơ:

Thực chất là dùng câu chữ như là chất liệu ngôn từ để hình thành nội dung bài thơ. Ví dụ, bài thơ Nỗi niềm Tôn Ngộ Không (của Thúy Nguyễn) thể hiện con người Ngộ Không tài giỏi và sắc sảo ra sao; Đường Tăng là người áp đặt thế nào; cuối cùng kết luận hậu quả của tình trạng không sử dụng con người tài năng sẽ ra sao khi gặp vấn nạn cuộc đời. Hoặc như bài thơ Hai câu hỏi của Chế Lan Viên, hình tượng là hai ngọn nến một ngọn tích cực và một ngọn tiêu cực đối với tinh thần cộng đồng để đi đến ý đồ thi phẩm là cổ vũ cho chủ nghĩa tập thể:

Ta là ai như ngọn nến siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt

Ta vì ai khẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay người thắp lại vạn chồi xanh.

3. Dùng ngôn từ (thi từ - thi ngữ) để thể hiện bài thơ:

Ý tưởng và hình tượng phải được thể hiện qua ngôn từ thi ca. Người làm thơ cần có vốn ngôn từ phong phú và có sức sáng tạo ngôn từ. Vốn ngôn từ phong phú sẽ giúp nhà thơ lựa chọn được những ngôn từ thích hợp, đắc địa cho bài thơ, thêm nữa, là giúp cho sáng tạo vần điệu hiệu quả, chẳng hạn cũng một nội dung, nhưng ngôn từ này không phù hợp vần điệu, có thể chọn lựa ngôn từ khác. Biết cách sử lý ngôn từ thích hợp cho thơ, ví dụ: mênh mông, mông mênh, mênh mang đều là rộng bao la, nhưng tùy từng thi cảnh mà dùng chữ nào cho phù hợp với ý tưởng hay vần điệu của bài thơ. Cũng như ngọt ngào có thể đảo thành ngào ngọt hay diễm huyền đảo thành huyền diễm trong trường hợp nhất đinh; nhưng ở mọi trường hợp không thể đảo bùi ngùi thành ngùi bùi, lộng lẫy thành lẫy lộng được!

Nhà thơ có một niềm tự hào là được đóng góp ngôn từ của mình vào kho tàng ngôn ngữ thông qua sáng tạo thi ca của mình. Những ngôn từ như đầy vơi, ngu ngơ, bung biêng, hoang hoải, nồng nả là như vậy .

4. Vần và điệu của bài thơ:

Vần là luật gieo vần đối với các thể thơ, ví dụ thơ lục bát, song thất lục bát, thơ khổ với dòng có số chữ khác nhau Điệu là nhạc điệu, âm điệu, tiết tấu đối với thơ tự do, thơ không vần, thơ văn xuôi.

Cần nhớ rằng vần và điệu chẳng qua là kết quả theo quy luật âm thanh của ngôn ngữ giúp ý tưởng bài thơ được bộc lộ đồng điệu với chức năng thính giác của người cảm nhận.

Tuy nhiên, luật của vần và điệu cũng không phải là tuyệt đối. Ngay trong thơ Đường luật, vẫn chấp nhận sự linh hoạt cho phép nhất - tam - ngũ bất luận/nhị - tứ - lục phân minh (xác định luật bằng - trắc trong câu thơ: Các từ một - ba - năm có thể linh hoạt; các từ hai - bốn - sáu bắt buộc); thậm chí, chấp nhận dạng thơ cổ phong không bắt buộc niêm luật như thơ Đường luật. Thơ lục bát cũng vậy: Ngoài chuẩn vận, cho phép nương vận. Ví dụ, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Hai câu này chuẩn vận: ta (a) ở câu 6 chuẩn vận với là (à) ở câu 8. Nhưng:

Cảo thơm lần giở trước đèn

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh

Hai câu này nương vận: đèn (èn) ở câu 6 nương vận với chữ truyền (uyền) ở câu 8.

Nhân đây, nhắc lại một chuyện nực cười là một nhà bình luận bình trên trang của một tác giả: Một bài thơ cổ phong của tác giả bị nhà bình luận này áp đặt cho là thơ Đường luật, rồi phê phán gay gắt. Lại một trường hợp khác là: Một bài thơ lục bát gieo vần theo nương vận, thì bị phê bình theo cách nhìn chuẩn vận!

5. Các hình thức thể hiện:

- Trực diện hay gián diện.

Trực diện là cách mà nhà thơ xưng hô như là tôi (cũng là ta theo đặc trưng "cái tôi và cái ta trong thơ ca) để bộc lộ cảm xúc của mình:

Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới thân tầu đưa tiễn Bác

(Chế Lan Viên)

Gián diện thì rất nhiều cách, ví dụ: cách ví von thông qua các vật như như núi sông, cây cỏ, chim muôngBài thơ Thuyền và biển của Xuân Quỳnh ví von thuyền và biển như anh và em không thể cách xa nhau.

- Chân mộc hay hàm ẩn:

Chân mộc là giản đơn dễ hiểu như bài thơ Nhớ vợ của Cầm Giang, Dọn về làng của Nông Quốc Chấn Hàm ẩn là là ý tưởng sâu kín, cách thể hiện cầu kỳ, ví dụ như nhiều bài thơ của các nhà thơ Xuân Diệu. Huy Cận, Chế Lan Viên

Một khía cạnh của chân mộc hay hàm ẩn là ý tưởng thơ nổi hay chìm. Nổi là ý tưởng bộc lộ dễ thấy; ngược lại, chìm là không dễ nắm bắt được ý tưởng của bài thơ. Tuy nhiên, dù chìm đến mức nào, nhà thơ cũng có lối vào để bạn đọc tiếp cận; nếu không bài thơ sẽ trở nên tắc tỵ, không khác gì nhà thơ đánh đố người đọc, như một bài toán không có đáp số!

Song, chân mộc hay hàm ẩn , mỗi dạng đều có cái hay riêng vấn đề là với mỗi ý bài thơ cụ thể được áp dụng cho phù hợp.

- Tự cảm, cảm tả hay cảm kể.

Trực cảm gần như trực diện đã được nêu trên, nhưng rộng hơn nhà thơ tự bộc lộ cảm xúc của mình.Cảm tả là tả cảnh, gắn cảnh với tình của nhà thơ, như Chiều qua Đèo Ngang hoặc Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan. Cảm kể là kể chuyện gắn cảm xúc của nhà thơ với chuyện kể như Bà má Hậu Giang hay Chuyện em Nguyễn Văn Hòa của Tố Hữu. Tuy nhiên, dù là cách nào, cảm xúc, tình cảm của nhà thơ cũng là nền tảng cho bài thơ bộc lộ.

(Theo tiểu luận Cách làm một bài thơ - Thanh Mai)

Các thể loại thơ:

Thơ dân gian Việt Nam (ca dao, tục ngữ): Là các thể loại được sử dụng nhiều nhất, khá dễ trong dân gian. Hầu như già trẻ lớn bé, trai gái, giàu nghèo... cứ là người Việt Nam là phải biết.
1. Thơ lục bát.
2. Song thất lục bát.
2. Vè.

* Thơ Đường: Đây là thể loại thơ nói thế nào nhỉ,nó giống như mấy bài thơ chúng ta học của mấy thi sĩ Trung Hoa cổ đó (Lí Bạch, Bạch Cư Dị...)
3. Thơ cổ phong: (ngũ ngôn, thât ngôn)
4. Thơ luật: (ngũ ngôn, thất ngôn)
5. Thơ Tuyệt Cú (hay còn gọi là Tứ Tuyệt).
(ở đây, trong mỗi phần của thơ có thể sẽ chia làm nhiều loại).

* Thơ mới :
7. Thơ bốn chữ.
8. Thơ năm chữ.
9. Thơ sáu chữ.
10. Thơ bảy chữ.
11. Thơ tám chữ.


Trên đây là tiểu luận nhỏ hướng dẫn chi tiết cho các bạn khi bắt đầu làm một bài thơ, dưới đây mình xin đưa thêm một số cách làm các thể thơ cụ thể để các bạn rõ hơn. Mong rằng sau khi xem những hướng dẫn này các bạn có thể tự chọn thể thơ mình yêu thích để thả hồn theo những cảm xúc bất tận, những hồn thơ nhẹ nhàng và sớm thôi, diễn đàn sẽ có thêm những thi sĩ xuất sắc.
1. Thể thơ tự do:

Thơ tự do có tất cả bốn cách làm, và luật bất luận của thơ tự do là Nhất Nhị Tứ bất luận, Tam, Ngũ, Bát phân minh, nhưng thể thơ này ít có nhiều người theo luật lắm và được cải tiến nhiều (vì nó được gọi là tự do) nên sau này chỉ chú trọng khi viết chỉ cần giữ luật niêm vần là đủ.

Cách thứ nhất:

Câu 1 và câu 3 phải giống nhau về luật bằng trắc và niêm vần với nhau ở chữ cuối, câu 2 và câu 4 cũng thế, nghĩa là chữ cuối phải vần (niêm) với nha! Khi sang đoạn khác thì cũng như thể trường thiên (nhiều đoạn ) mình có thể đổi vần tuỳ thích.

Luật bằng trắc trong thể thơ tự do.

Cách thứ hai:

Trong cách này thì hai câu trên vần trắc (niêm), hai câu dưới vần bằng và cũng niêm với nhau.

Cách thứ ba:

Cách nầy luật cũng như cách một và hai , tuy nhiên câu 2 và câu 3 bắt buộc phải niêm nhau, còn câu 1 và 4 thì không đòi hỏi, cách này thì thường được viết nhiều nhất và khi mình viết nhiều đoạn thì câu 5 phải niêm luật và vần với chữ cuối câu 4, và câu 9 niêm luật và vần với chữ cuối câu 8 và cứ như thế.

Cách thứ tư:

Cách này thì câu 1 và câu 4 là vần bằng, câu 2 và câu 3 vần trắc và niêm nhau! khi làm thì phải từ 4 đoạn trở lên và chỉ giữ một vần bằng trong khi mình viết nhiều đoạn...

Hoàng Thị Thi - Diễn đàn Thi ca Việt Nam.
2. Thơ lục bát:

Thơ Lục Bát là thể thơ đặc biệt của Việt Nam, mà Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất. Với sự uyển chuyển nhịp nhàng của vần gieo và thanh điệu, thơ Lục Bát rất dễ thuộc, dễ nhớ, mà phổ nhạc lên thì cực kỳ ngọt ngào.

a. Cách làm thơ Lục Bát:

- Làm thơ, ấy là sắp xếp từ ngữ, câu chữ sao cho có sự đồng điệu, nhịp nhàng, uyển chuyển. Để làm được thơ Lục Bát, chúng ta cần nắm rõ cách gieo vần của thể loại thơ này:

+ Tiếng thứ 6 của câu Lục vần với tiếng thứ 6 của câu Bát.
+ Tiếng thứ 8 của câu Bát vần với tiếng thứ 6 của câu Lục tiếp theo.


Ngoài quy tắc về gieo vần, thơ Lục Bát cũng có quy tắc dành cho thanh điệu như sau:

Vd:
Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.
(Huy Cận)

Các bạn có thể thấy, mặc dù trong câu Bát, tiếng thứ 6 và tiếng thứ 8 đều là thanh bằng, nhưng bắt buộc phải có một tiếng thanh huyền và một tiếng thanh không.



Bằng - Trắc là gì? Dành cho bạn nào chưa hiểu rõ:



    • Thanh Bằng: gồm thanh huyền (dấu huyền) và thanh không (không dấu).
    • Thanh Trắc: gồm thanh sắc (dấu sắc), hỏi (dấu hỏi), ngã (dấu ngã), nặng (dấu nặng).
- Các thể thơ cổ điển luôn quy định luật Bằng Trắc rất nghiêm ngặt. Thơ hiện đại bây giờ dường như không cần quan tâm quá nhiều đến điều này, tuy nhiên, nếu bạn nắm được cách sử dụng Bằng Trắc, bạn có thể mang giai điệu gieo lên từng câu chữ.

- Có nhiều bài thơ Lục Bát phá cách một chút khi gieo vần bằng trắc mà vẫn rất hay:



Một số liên vần được xem là vần với nhau, các bạn có thể dùng kèm để câu thơ thêm phong phú và không bị "bí vần":
- Ai: Oai, Ay, Ây, Uây
- At: Ac, Oat
- Eo: Oeo
- Ư: Ưu
- Uông: Uôn
- Ao: Au, Âu
- En: Oen, Eng
- Et: Ec
- Uc: Ut

...

Bao gồm cả những vần cùng bắt đầu từ một nguyên âm. Tuy vậy, gieo vần chính xác vẫn luôn khiến bài thơ uyển chuyển nhất, không nên lạm dụng những liên vần.

b. Một số dạng Lục Bát biến thể:




    • Tiếng 6 của câu Lục có thể vần với tiếng 4 của câu Bát, khi đó tiếng thứ 2 và 6 của câu Bát sẽ đổi thành thanh trắc. Câu thơ sẽ ngắt nhịp ở giữa câu Bát.
Vd:
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi.
(Nguyễn Du)





    • Lục Bát gieo vần trắc:
- Trong kho tàng thơ Lục Bát, có một số ít bài thơ đặc biệt được gieo vần trắc. Những bài thơ lục bát đặc biệt này thường chỉ có hai câu và chủ yếu là ca dao, tục ngữ. Cách gieo vần của thơ Lục Bát vần trắc như sau:

+ Câu Lục có kết cấu Bằng Bằng Trắc.
+ Câu Bát có kết cấu Bằng Trắc Trắc Bằng.


Vần được gieo ở tiếng thứ 6 của câu Lục và tiếng thứ 6 hoặc 4 của câu Bát.
Theo ss Juukapup - Readzo.com
3.Thơ song thất lục bát:

Thơ song thất lục bát (hai 7+6-8), cũng được gọi là lục bát gián thất (6-8 xen hai 7) hay thể ngâm là một thể văn vần (thơ) đặc thù của Việt Nam. Một số tác phẩm lớn trong văn chương Việt Nam, trong đó có bản dịch Chinh Phụ Ngâm ra quốc âm đã được viết theo thể thơ này.

a. Cách làm thơ:
- Thơ song thất lục bát gồm có 2 câu 7 chữ và 1 câu 6 chữ, 1 câu 8 chữ.

- Chữ cuối câu bảy trên vần với chữ thứ 5 câu bảy dưới, chữ cuối câu bảy dưới vần với chữ cuối câu lục, tiếng cuối câu lục vần với chữ thứ 6 câu bát. Và chữ cuối câu bát vần với chữ thứ 5 (đôi khi chữ thứ 3) của câu thất tiếp theo.

Câu số Vần:
1 - - T - B - T
2 - - B - T - B
3 - B - T - B
4 - B - T - BT B
5 - - T/B - B - T
6 - - B - T - B
7 - B - T - B
8 - B - T - B T B

* Một đoạn song thất lục bát tiêu biểu:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Nào ai gây dựng cho nên nỗi này
Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt khúc mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh
(Chinh Phụ Ngâm)

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành liền mong tiến bệ rồng,
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu.

(Đặng Trần Côn)
4. Thơ 4 chữ:

- Thơ bốn chữ là thể thơ đơn giản nhất, tuy nhiên, nếu người viết không biết vận dụng ngôn từ một cách khéo léo thì rất dễ trở thành 1 bài vè.

  • Cách làm thơ 4 chữ:

- Thơ 4 chữ thể thơ khá đơn giản về về niêm luật. Để cho bài thơ có âm điệu ta chỉ cần chú ý đôi chút đến luật bằng trắc ở chữ thứ 2 và chữ thứ 4 trong câu. Nếu chữ thứ 2 là 1 thanh bằng (B) thì chữ thứ 4 là thanh trắc (T) và ngược lại, nếu chữ thứ 2 là thanh trắc thì chữ thứ 4 là bằng. Tuy nhiên, đôi khi để tạo điểm nhấn cho bài thơ cũng như tạo hình tượng nghệ thuật, các nhà thơ đôi khi cũng không tuân thủ theo đúng quy luật của thể thơ.

- 2 - 4
- T - B
- 2 - 4
- B - T


Cách gieo vần trong thể thơ 4 chữ được chia làm ba loại gồm: cách gieo vần tiếp, cách gieo vần tréo, cách gieo vần ôm và gieo vần ba tiếng.

* Cách gieo vần tiếp:

x B x T (vần 1)
x B x T (vần 1)
x T x B (vần 2)
x T x B (vần 2)

ví dụ:

Ngày Xưa Hoàng Thị

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Anh đi theo hoài
Gót giầy thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng
(Phạm Thiên Thư)

* Cách gieo vần tréo:

x B x T (v1)
x T x B (v2)
x B x T (v1)
x T x B (v2)

Ví dụ:
Buổi Trưa Hè

Buổi trưa lim dim
Nghìn con mắt lá
Bóng cũng nằm im
Trong vườn êm ả.

Bò ơi, bò nghỉ
Sau buổi cày mai
Có gì ngẫm nghĩ
Nhai mãi, nhai hoài...

(Huy Cận)

* Cách gieo vần ba tiếng:

x B x T (v1)
x T x B (v1)
x B x T (tự do)
x T x B (v2)

Sao biếc đầy trời
Sầu trông viễn khơi
Ðêm mờ im lặng
Nhìn hạt sương rơi
(Khổng Dương)

* Cách gieo vần ôm:
x B x B
x B x T
x B x T
x T x T

Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng

(Phạm Thiên Thư)
5. Thơ ngũ ngôn (thơ 5 chữ)
- Cũng giống như thơ 4 chữ, nếu chữ thứ 2 trong câu là bằng thì chữ thứ 4 là trắc và ngược lại. Cách gieo vần của thể thơ này cũng được chia làm hai loại thường được gọi là cách gieo vần ôm, và cách gieo vần tréo.

  • Cách làm thơ:

* Cách gieo vần ôm:
x B x T x (v1)
x T x B x (v2)
x B x T x (v2)
x T x B x (v1)

- Một khổ thơ gồm 4 câu, chữ cuối của câu 1 và chữ cuối của câu 4 vần với nhau, chữ cuối của câu 2 và chữ cuối của câu 3 vần với nhau.

Ví dụ:
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
(Lưu Trọng Lư)


* Cách gieo vần tréo:
x x b x T
x x t x B (vần với câu 4)
x x b x T
x x t x B (vần với câu 2)

Hoặc :

x x t x B
x x b x T (vần với câu 4)
x x t x B
x x b x T (vần với câu 2)

Ví dụ:
Hôm nọ em biếng học
Khiến cho anh bất bình,
Khẽ đánh em cái thước
Vào bàn tay xinh xinh
(Nguyễn Xuân Huy)

* Cách gieo vần tiếp:
x B x T B (vần)
x T x B B (vần)
x T x B T
x B x T B (vần)

x B x T T
x T x B B (vần)
x T x B T
x B x T B (vần)

Hoặc:

x T x B B (vần)
x B x T B (vần)
x B x T T
x T x B B (vần)
x T x B T
x B x T B (vần)
x B x T T
x T x B B (vần)

- Chữ cuối của các câu 1 2 4 - 6 - 8 vần với nhau.


* Cách gieo vần 3 tiếng:

x x t x B (vần)
x x t x B (vần)
x x b x T
x x t x B (vần)

- Chữ cuối của các câu 1, 2 & 4 vần với nhau.

Ví dụ:
Đưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa?
(Nguyễn Tất Nhiên)


*Lưu ý: Luật bằng trắc chỉ giúp tăng nhạc điệu cho bài thơ. Bạn có thể tuân theo hoặc không.
6. Thơ thất ngôn tứ tuyệt

Thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật gồm có 4 câu, mỗi câu 7 chữ, về phối thanh hay luật bằng trắc hoàn toàn giống thơ thất ngôn bát cú.

Về gieo vần thì có 3 cách:

Gieo vần vào tiếng cuối các câu 1-2-4 (tiếng cuối câu 3 bắt buộc thanh trắc)

Ví dụ:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Cách này thường được các cao nhân thời xưa sử dụng nhiều nhất.

Gieo vần chéo:
Vào tiếng cuối các câu 1-3 (tiếng cuối các câu 2-4 phải là thanh trắc) hay các câu 2-4 (tiếng cuối các câu 1-3 phải là thanh trắc). Ví dụ:
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân

Gieo vần ôm:
Tiếng cuối câu 1 vần với tiếng cuối câu 4, tiếng cuối câu 2 vần với tiếng cuối câu 3. Ví dụ:
Tiếng đàn thầm dịu dẫn tôi đi
Qua những sân cung rộng hải hồ
Có phải A Phòng hay Cô Tô ?
Lá liễu dài như một nét mi


Cách này ít người sử dụng.
7. Thơ thất ngôn bát cú đường luật

Thơ thất ngôn bát cú Đường luật gồm có 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Tổng cộng có 56 chữ.

Về cách phối âm, hay luật bằng trắc giữa các câu, ta chỉ nói các thanh Bằng-Trắc của các chữ đứng thứ 2-4-6 trong 1 câu (theo quy tắc Nhất-tam-ngũ bất luận, nhị-tứ-lục phân minh). Các tiếng 2-4-6 trong cùng 1 câu theo thứ tự luật bằng trắc có thể là B - T - B hay có thể là T - B - T.

Ví dụ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông B - T - B
Nuôi đủ năm con với một chồng T - B - T

Đôi khi trong câu đầu tiên của bài thơ cũng có thể làm theo thứ tự B - B - T, cũng có thể xem đó là luật phối thanh của câu T - B - T. Ví dụ:
Một đèo, một đèo, lại một đèo B - B - T

Về cách gieo vần trong thơ: Vần trong thơ là những tiếng đọc giống nhau hay những tiếng đọc gần giống nhau như cùng một vần, hay là vần gần giống nhau mhư sông-chồng, tà-hoa.... Các vần giống nhau trong thơ Đường luật mang thanh bằng, và được đặt ở cuối mỗi câu thơ. Có thể gieo vần vào các tiếng cuối của các câu 1-2-4-6-8, hay có thể là 2-4-6-8, và các vần phải vần với nhau rõ ràng,các tiếng cuối câu 3-5-7 còn lại phải mang thanh trắc, các cao nhân thời xưa thường hay gieo vần vào các tiếng cuối các câu 1-2-4-6-8. Ví dụ:

Sóc phong suy hải khí lăng lăng
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng
Ngạc đoạn, kình khoa sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
Quan hà Bách nhị do thiên thiết
Hào kiệt công danh thử địa tằng
Vãn sự hồi đầu ta dĩ hĩ
Lâm lưu phủ cảnh ý nan thăng
(Bạch Đằng hải khẩu - Nguyễn Trãi)

Trong khi gieo vần thường các cao nhan cũng chú ý đối thanh trong thơ, thường có 2 cách đối thanh, đó là đối thanh huyền (H) và thanh ngang (N) trong các vần được gieo. Ở bài thơ ví dụ trên ta thấy lăng-Đằng-tằng-tằng-thăng theo thứ tự N-H-H-H-N. Còn cách đối kách là xen kẽ thanh huyền và thanh ngang với nhau. Ví dụ như bài Qua đèo ngang của bà huyện Thanh Quan.

Phép đối trong thơ thất ngôn bát cú, là đối giữa các câu 3-4, 5-6. Các câu này đối lại nhau như các câu đối thời xưa. Rõ nhất là về các câu trong bài Qua đèo Ngang. Về bố cục thì bài thơ được chia làm 4 mỗi phần có 2 câu:
Câu 1-2 là hai câu đề: Mở ra vấn đề về bài thơ
Câu 3-4 là hai câu thực: Giải thích về vẫn đề
Câu 5-6 là hai câu luận: Bàn luận về vấn đề

Câu 7-8 là hai câu kết: Kết luận lại vấn đề
8. Thơ Đường

Thơ Đường được bắt đầu từ bên Trung Hoa, thời nhà Đường bên Trung Hoa rất xem trọng các văn hào, và cũng vì lẽ đó nên các quan trong triều bắt buộc phải biết làm thơ, cho nên trong thơ nhà Đường có rất nhiều thi sĩ nổi tiếng. Đặc biệt hơn nữa, các thi hào thời nhà Đường đã phát triển một lối làm thơ riêng biệt mà ngày nay chúng ta được biết là thơ Đường.

Thơ Đường còn được gọi là "Đường Thi Thất Ngôn Bát Cú" tạm dịch là Đường thơ bảy chữ tám câu. Tám câu này được phân ra thành bốn cặp (cặp là hai câu giống nhau theo luật bằng trắc).

cặp 1: gồm câu một và câu tám
cặp 2: gồm câu hai và câu ba
cặp 3: gồm câu bốn và câu năm
cặp 4: gồm câu sáu và câu bảy

Cũng giống như Thất Ngôn Tứ Tuyệt, luật bằng trắc trong Đường Thi áp dụng cho những chữ 2, 4 và 6 trong mỗi câu; đặc biệt, những chữ 7 (chữ cuối của mỗi câu) cũng phải theo luật bằng-trắc (b = bằng, t = trắc).

Nếu mở đầu bài thơ bằng T B T (luật trắc) thì bài thơ sẽ theo luật như sau:

câu 1: x T x B x T b (vần)
câu 2: x B x T x B b (vần)
câu 3: x B x T x B t
câu 4: x T x B x T b (vần)
câu 5: x T x B x T t
câu 6: x B x T x B b (vần)
câu 7: x B x T x B t
câu 8: x T x B x T b (vần)

Nếu mở đầu bài thơ bằng B T B (luật bằng) thì bài thơ sẽ theo luật như sau:

câu 1: x B x T x B b (vần)
câu 2: x T x B x T b (vần)
câu 3: x T x B x T t
câu 4: x B x T x B b (vần)
câu 5: x B x T x B t
câu 6: x T x B x T b (vần)
câu 7: x T x B x T t
câu 8: x B x T x B b (vần)

Điểm khó nhất trong Đường Thi là câu số ba và câu số bốn, bởi vì hai câu này được gọi là hai câu thực và hai câu năm và câu sáu là hai câu luận... hai cặp câu này luôn luôn đối nhau, danh từ đối danh từ, động từ đối động từ, tính từ đối tính từ, quan trọng hơn cả là hai cặp câu này phải ý đối ý.


Điểm cao nhất của Đường Thi là có thể họa với người khác, nghĩa là sẽ dùng lại tất cả những mang vần của bài thơ muốn họa tức là bài thơ của người đầu tiên (thường được gọi là bài Xướng Thi) để diễn tả theo ý thơ của mình.
9. Thơ Nhật Bản (thơ Haiku)

a, Về hình thức:

Một bài thơ theo thể thơ Haiku có ba dòng, dòng đầu và dòng cuối mỗi dòng có năm âm, ôm lấy dòng giữa có bảy âm, có dạng 5-7-5, tổng cộng 17 âm. Tiếng Nhật Bản đa âm, nên mỗi dòng có thể có một, hai, ba chữ hay nhiều hơn. Haiku có biến thể là 5-7-6 hay 5-8-5, lên 18 âm trọn bài. Tiếng Việt đơn âm, nên mỗi chữ là một âm. Không cần vần điệu, nhưng thơ Haiku là sự kết hợp giữa màu sắc, âm thanh, tượng hình có chọn lọc. Thoạt nhìn chỉ là một bài thơ ngắn gọn, nhưng người thơ đã dẫn dắt chúng ta đi qua một khu vườn chữ nghĩa nhỏ hẹp để thênh thang bước vào một cõi tư duy vô cùng bát ngát, một chân trời sáng tạo rộng mở mà người đọc cần có một sự tưởng tượng dồi dào phong phú .

Ngày nay thơ Haiku thoáng hơn nhiều, không gò bó số chữ trong mỗi câu (tổng cộng trên dưới 17 âm hay chữ), không nhất thiết phải chấm, phết hoặc chấm phết tuỳ tiện (không cần phải ở cuối câu), không cần đặt tựa, không bắt buộc phải có từ của mùa. Chỉ giữ lại hình thức 3 câu và được đưa vào những từ ngữ chải chuốt, những ẩn dụ của cái hữu hạn và vô hạn ...

b, Về nội dung:

Nội dung có luật cơ bản sau: không mô tả cảm xúc, chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm nên thơ Haiku thường chỉ diễn tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc.

Ôi những hạt sương ( sự kiện hiện tại)
Trân châu từng hạt (ý nghĩ thứ 1)
Hiện hình cố hương (ý nghĩ thứ 2)

Một bài Haiku Nhật luôn tuân thủ hai nguyên lý tối thiểu, đó là Mùa và Tính Tương Quan Hai Hình Ảnh.Trong thơ bắt buộc phải có Kigo (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa ( không dùng từ xuân, hạ, thu, đông nhưng dùng các từ như hoa anh đào, cành khô, lá vàng ,tuyết trắng ... để chỉ các mùa), và diễn tả một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường).

Tiếng ve kêu râm ran ( tiếng ve kêu chỉ mùa hạ)
Như tan vào trong than trong đá
Ôi, sao tĩnh lặng quá!

lặng yên qua mấy từng không (hình ảnh vũ trụ)
lời ve (hình ảnh nhỏ)
gõ thấu vào lòng đá xanh.

Ðọc thơ Haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả. Tác giả dường như chỉ chia sẻ với người đọc một sự kiện đã quan sát được.

Cỏ hoang trong đồng ruộng
Dẫy xong bỏ tại chỗ
Phân bón!

Nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, một tình cảm nhè nhẹ, bàng bạc trong cả bài thơ, nói lên niềm vui sống hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc đời của con người: ngắn ngủi, phù du, trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên.

Thế giới này như giọt sương kia
Có lẽ là một giọt sương
Tuy nhiên, tuy nhiên...

Thơ có xu hướng gợi ý hay ám chỉ bóng gió nhẹ nhàng. Thông thường trong thơ đưa ra hai hình ảnh : một hình ảnh trừu tượng sống động và linh hoạt, một hình ảnh cụ thể ghi dấu thời gian và nơi chốn.

Trăng soi (hình ảnh trừu tượng)
Một bầy ốc nhỏ (hình ảnh cụ thể)
Khóc than đáy nồi (nơi chốn cụ thể)

Nhà thơ không giải thích hay luận về sự liên kết giữa hai hình ảnh nầy, chỉ diễn tả sự vật theo bản chất tự nhiên của nó . Người làm thơ phải tự đặt mình như một đứa trẻ lúc nào cũng có cảm giác bỡ ngỡ , lạ lùng khi tiếp xúc lần đầu tiên với ngoại giới . Một bài thơ Haiku hay là làm sống lại những gì đã chôn sâu trong ký ức và đưa ra những cảm giác sâu sắc, tế nhị, để tự nó khơi lại trí tưởng tượng và mơ ước của người đọc để người đọc tự suy diễn , cảm nhận .

Chim vân tước bay
Thở ra sương gió
Dẫm lướt từng mây


Thơ như một bài kệ, sàn lọc từng chữ, không dư mà cũng không thiếu, cốt sao nói đến chính cái đang là - "đương hạ tức thị". Nắm bắt thực tại ngay trong giây phút nẩy mầm, cái đang xảy ra lắm khi chuyên chở cả một vũ trụ thu gọn vào trong thời điểm đó, tiểu thế giới và đại thế giới hòa nhập vào nhau. Một diễn tiến trước mắt khiến ta liên tưởng đến một hiện tượng hay biến cố nào đó trong một kinh nghiệm sống của riêng mình . Kỷ xảo của thơ Haiku là giản lược tối đa chữ nghĩa trong thơ để vận dụng trí tưởng tượng nơi người đọc . Không có người làm thơ và kẻ đọc thơ, cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm với sự liên hệ rất tinh tế và hài hòa của đất trời.