Cách ly y tế là như thế nào

Nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ra cộng đồng, Bộ  Y tế đã Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020, hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú: nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị với các đối tượng cách ly là:  Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định;

I- Yêu cầu về phòng ở của người được cách ly

Tốt nhất là ở phòng riêng, nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình hoặc trong cùng nơi ở, nơi lưu trú ít nhất 2 mét và xa khu sinh hoạt chung.

Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng.

Nếu có điều kiện nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại.

Có nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nước sạch.

Có thùng rác có nắp đậy.

II- Về tổ chức thực hiện cách ly

UBND xã, phường, thị trấn nơi có người được cách ly: Phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của địa phương ra quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế và cấp giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly y tế đối với người được cách ly.

Chỉ đạo, tổ chức, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly.

Hỗ trợ nguồn lực để đảm bảo việc thực hiện cách ly theo quy định.

Tổ chức tiến hành cưỡng chế cách ly y tế nếu người được cách ly không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế.

Tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ người được cách ly để họ yên tâm thực hiện việc cách ly.

Cung cấp số điện thoại đường dây nóng của địa phương để người được cách ly liên hệ khi cần thiết.

Ban quản lý/người quản lý/chủ hộ khu chung cư, ký túc xá, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ:

Phối hợp  với y tế địa phương và các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thực hiện cách ly.

Phân công cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng chống dịch COVID-19 và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) để mọi người biết, liên hệ…

Tổ chức vệ sinh khử trùng khu vực sinh hoạt chung:

Khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc các dung dịch khử trùng có chứa0,05% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút) hoặc 0,1% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 01 phút) hoặc có chứa ít nhất 60% độ cồn; ưu tiên việc khử trùng bằng cách lau, rửa:

– Nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật tại khu vực công cộng (sảnh chờ, khu vui chơi, khu thể dục thể thao…), khu vệ sinh chung, cầu thang bộ, thang máy (nếu có): khử trùng ít nhất 01 lần/ngày.

– Tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can; nút bấm, cabin thang máy: khử trùng ít nhất 02 lần/ngày.

– Tổ chức thu gom rác thải và xử lý hàng ngày.

– Thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương hoặc qua đường dây nóng của chính quyền và y tế địa phương khi có trường hợp sốt hoặc ho, đau họng, khó thở.

– Tạo điều kiện, động viên, chia sẻ giúp đỡ người được cách ly để họ yên tâm thực hiện việc cách ly.

Nhân viên y tế hướng dẫn: Ban quản lý/người quản lý/chủ hộ, thành viên trong gia đình người được cách ly cách thức khử trùng nơi ở như: lau nền nhà, bề mặt các vật dụng, tay nắm cửa ở nơi cách ly bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử trùng. Hàng ngày đo thân nhiệt và theo dõi tình trạng sức khỏe người được cách ly. Ghi chép kết quả giám sát vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Báo cáo cho Trạm y tế cấp xã để báo cáo Trung tâm y tế cấp huyện…Ứng xử tận tình, chia sẻ, động viên và giúp đỡ người được cách ly khi thực hiện nhiệm vụ tạo tâm lý thoải mái, tin tưởng của người được cách ly trong suốt quá trình theo dõi.

Với người được cách ly

Chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương

Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Ghi lại kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Thông báo hàng ngày cho nhân viên y tế cấp xã về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.

Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở.

1- Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác;

2- Không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.

3- Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân: bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt…

4- Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định.

5- Không ăn chung, không ngủ chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.

6- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.

Thành viên trong hộ gia đình, nơi ở, nơi lưu trú

Hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc; Lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở nơi ở, nơi lưu trú hàng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử trùng; Cung cấp xuất ăn riêng cho người được cách ly…Giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.

MT (Theo Bộ Y tế)

1. Hỏi: Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 5 Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch (sau đây viết tắt là Nghị định 101/2010/NĐ-CP) quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cách ly y tế cửa khẩu như sau:

- Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi phát hiện đối tượng thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu, người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm lập danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế và báo cáo người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu để xem xét, phê duyệt.

- Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới, người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu phải phê duyệt danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế.

- Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế được phê duyệt, người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm sau đây:

+ Thông báo việc áp dụng biện pháp cách ly y tế cho các đối tượng sau:

(i) Đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và thân nhân của họ đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam;

(ii) Thân nhân hoặc người chịu trách nhiệm vận chuyển đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là thi hài, hài cốt;

(iii) Chủ hàng hóa, phương tiện vận tải trong trường hợp đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là hàng hóa, phương tiện vận tải, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người;

(iv) Cơ quan phụ trách an ninh tại cửa khẩu để phối hợp trong việc giám sát việc thực hiện cách ly y tế.

+ Chuyển đối tượng đến địa điểm thực hiện cách ly y tế và phân công nhân viên trực tiếp chăm sóc, điều trị cho đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam. Trường hợp đối tượng bị cách ly y tế là hàng hóa, phương tiện vận tải, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người, thi hài, hài cốt, việc áp dụng các biện pháp xử lý y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm dịch y tế biên giới.

  Trường hợp người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm, người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm báo cáo người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu để xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Sau khi hết thời gian thực hiện biện pháp cách ly y tế, người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm lập danh sách những đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và gửi cho Trạm y tế xã nơi đối tượng cư trú để thực hiện việc theo dõi sức khỏe.

- Trường hợp người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm, người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm báo cáo người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu để xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Sau khi tiếp nhận đối tượng, người đứng đầu khoa, phòng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận đối tượng có trách nhiệm:

+ Tổ chức thực hiện việc cách ly y tế và chăm sóc, điều trị cho người bệnh;

+ Thông báo với người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu về tình trạng bệnh của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế.

- Trường hợp nhận được thông báo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định người đó mắc bệnh truyền nhiễm, người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm lập danh sách những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và gửi cho Trạm Y tế xã nơi người tiếp xúc cư trú để theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe.

2. Hỏi: Trong quá trình khám bệnh, Bệnh viện A phát hiện X có nhiều dấu hiệu mắc bệnh Covid-19 và thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở y tế. Trong trường hợp này, Bệnh viện A cần thực hiện trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với X như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 101/2010/NĐ-CP, Bệnh viện A  phải thực hiện trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở y tế như sau:

- Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh nhân X, Trưởng khoa, phòng nơi X đang khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lập danh sách trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế và báo cáo Giám đốc Bệnh viện A để xem xét, phê duyệt.

- Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị này, Giám đốc Bệnh viện A phải phê duyệt việc áp dụng biện pháp cách ly y tế với X.

- Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi việc cách ly y tế đối với X được phê duyệt, trưởng khoa, phòng nơi X đang khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm:

(i) Thông báo việc áp dụng biện pháp cách ly y tế cho bệnh nhân X và thân nhân của họ;

(ii) Chuyển X đến địa điểm thực hiện cách ly y tế và phân công nhân viên trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

- Trường hợp sau khi áp dụng biện pháp cách ly y tế mà xác định X không mắc bệnh Covid-19, Giám đốc Bệnh viện A phải thông báo hủy bỏ việc áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với X.

- Sau khi hết thời gian cách ly, nếu X chưa khỏi bệnh thì Giám đốc Bệnh viện A quyết định việc gia hạn thời gian cách ly.

3. Hỏi: Anh M là người nước ngoài đến Việt Nam du lịch vào đúng thời điểm các nước trên thế giới đang phải đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19. Khi đến sân bay của Việt Nam, anh M bị phát hiện nhiễm virut SARS-CoV-2 nên thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế. Trong trường hợp này, việc thông báo quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với anh M được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Khoản 2 Điều 12 Nghị định 101/2010/NĐ-CP quy định việc thông báo quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với người nước ngoài như sau:

- Trong trường hợp anh M có thân nhân đi cùng: Người đứng đầu cơ sở trực tiếp thực hiện biện pháp cách ly y tế thông báo quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế cho anh M và thân nhân của anh. Đồng thời gửi văn bản thông báo về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế đến Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao để tiến hành thủ tục thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước anh M mang quốc tịch.

- Trong trường hợp anh M không có thân nhân đi cùng: Người đứng đầu cơ sở trực tiếp thực hiện biện pháp cách ly y tế gửi thông báo về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế đến Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao để tiến hành thủ tục thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước anh M mang quốc tịch.

4. Hỏi: Việc quản lý người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 13 Nghị định 101/2010/NĐ-CP quy định việc quản lý người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế như sau:

- Trong thời gian áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng chế độ ăn, mặc, ở và không được tiếp xúc trực tiếp với người thân hoặc ra khỏi khu vực cách ly, trừ các trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định dưới đây.

- Trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế:

+ Nếu người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có diễn biến bệnh hoặc mắc các bệnh khác vượt quá khả năng xử lý của mình thì thủ trưởng cơ quan thực hiện việc cách ly phải chuyển người đó đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ khả năng gần nhất để điều trị cho người bệnh.

+ Nếu người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế mà bị tử vong, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ quan thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế phải tiến hành việc kiểm thảo tử vong theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện vệ sinh trong việc quàn, ướp, chôn cất, di chuyển thi hài, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Việc vận chuyển người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế từ địa điểm này đến địa điểm khác phải sử dụng phương tiện vận chuyển chuyên dụng, đồng thời phải áp dụng các biện pháp dự phòng để không làm lây nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm cho người vận chuyển và ra cộng đồng.

5. Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng?

Trả lời: Khoản 3 Điều 17 Nghị định 101/2010/NĐ-CP quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong trường hợp dịch xảy ra theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp huyện;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong trường hợp dịch xảy ra trên địa bàn từ hai huyện trở lên theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh;

- Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng đối với các hoạt động, dịch vụ có quy mô lớn ở trong nước.

6. Hỏi: Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng chế độ gì?

Trả lời: Theo Điều 2 Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng các chế độ sau:

- Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

- Được cấp không thu tiền: Nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng cho người bị cách ly y tế do Bộ Y tế ban hành.

- Được miễn chi phí di chuyển từ nhà (đối với trường hợp đang thực hiện cách ly y tế tại nhà nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm phải thực hiện cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh), từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác theo quyết định của người có thẩm quyền; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn và đúng quy định.

- Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

- Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Mức chi theo thực tế phát sinh trên cơ sở hoá đơn, chứng từ hợp lệ đảm bảo theo đúng các quy định về chuyên môn y tế của việc bảo quản, quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

- Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.

- Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có).

7. Hỏi: Khi khám bệnh tại bệnh viện, ông A được xác định dương tính với virut SARS-CoV-2. Giám đốc bệnh viện đã ra quyết định cách ly ông A tại bệnh viện để điều trị trong thời hạn 20 ngày. Đã hết thời gian cách ly, ông A được xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính với virut SARS-CoV-2. Xin hỏi, trường hợp này, ông A có phải tiếp tục bị áp dụng biện pháp cách ly tại cơ sở y tế hay không?

Trả lời: Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP, trường hợp hết thời hạn áp dụng biện pháp cách ly y tế mà đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế chưa khỏi bệnh thì Giám đốc bệnh viện phải gia hạn thời gian cách ly. Quyết định gia hạn thời gian cách ly y tế là 10 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Do vậy, ông A vẫn phải tiếp tục bị áp dụng biện pháp cách ly tại cơ sở y tế.

8. Hỏi: Trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, có nhiều cán bộ, công chức, nhân viên y tế có nguy cơ mắc COVID-19 nhưng vẫn phải duy trì công việc hàng ngày tại nơi làm việc. Vậy, việc cách ly y tế đối với những người này sẽ được thực hiện ở đâu? Việc tiếp nhận và đưa đón họ từ nơi làm việc đến nơi cách ly như thế nào?

Trả lời: Ngày 30/3/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1462/QĐ-BYT hướng dẫn tạm thời cách ly tại khách sạn cho cán bộ y tế trong phòng, chống dịch COVID-19, theo đó, đối tượng là nhà quản lý, chuyên gia, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế (gọi chung là cơ sở y tế) có nguy cơ mắc COVID-19, có trách nhiệm phải duy trì công việc hằng ngày tại nơi làm việc sẽ được áp dụng hình thức cách ly tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng và vẫn đến nơi làm việc hàng ngày. Thời gian cách ly do Bộ Y tế quyết định tùy thuộc vào tình hình thực tế nhưng không ít hơn 14 ngày.

Cơ sở y tế có trách nhiệm lập và thống nhất danh sách người được cách ly tại khách sạn và thời gian đưa đón đến nơi làm việc hằng ngày với khách sạn.

Lực lượng quân đội hoặc cơ sở y tế chịu trách nhiệm bố trí, vận chuyển và tiến hành các thủ tục bàn giao người được cách ly cho khách sạn; thực hiện khử trùng vật dụng cá nhân của người được cách ly trước khi ra khỏi nơi làm việc; đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển, không để lây nhiễm chéo, hạn chế dừng, đỗ trong quá trình di chuyển. Người được cách ly phải đeo khẩu trang, hạn chế ăn uống, nói chuyện trong suốt quá trình vận chuyển.

9. Hỏi: Khi được áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19, người được cách ly cần tuân thủ những quy định nào?

Trả lời: Theo điểm 6.4 của Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế (sau đây gọi là Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng, chống dịch bệnh Covid-19), người được cách ly phải tuân thủ những quy định sau đây:

- Chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở, nơi cư trú đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương.

- Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Ghi lại kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Thông báo hàng ngày cho nhân viên y tế cấp xã về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.

- Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở.

- Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác;

- Không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.

- Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân: bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng,     khăn mặt...

- Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định.

-  Không ăn chung, không ngủ chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.

- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.

10. Nếu trong gia đình có người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19 thì các thành viên khác trong gia đình (ở cùng nhà) của người bị cách ly phải thực hiện những quy định gì?

Trả lời: Theo điểm 6.5 của Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khi có người thân trong gia đình bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19 thì các thành viên khác trong gia đình phải thực hiện những quy định sau đây:

- Hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc.

- Lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở nơi ở, nơi lưu trú hàng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử trùng.

- Cung cấp xuất ăn riêng cho người được cách ly.

- Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã, chính quyền địa phương sở tại khi người được cách ly tự ý rời khỏi khu cách ly hoặc có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở và.

- Không tổ chức liên hoan ăn uống, hoạt động đông người tại nơi ở, nơi lưu trú.

- Giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.

11. Hỏi: Tòa nhà chung cư nơi tôi sinh sống có người bị áp dụng biện pháp cách ly tại nhà do có tiếp xúc với người được xét nghiệm dương tính với virut SARS-CoV-2. Vậy, Ban quản lý tòa nhà chung cư có trách nhiệm gì trong phòng, chống dịch bệnh?

Trả lời: Theo điểm 6.2 của Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nếu trong khu chung cư có người bị áp dụng biện pháp cách ly tại nhà do có tiếp xúc với người được xét nghiệm dương tính với virut SARS-CoV-2, Ban quản lý tòa nhà chung cư có trách nhiệm sau đây:

- Phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương và các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thực hiện cách ly.

- Phân công cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng chống dịch COVID-19 và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) để mọi người biết, liên hệ.

- Tổ chức thực hiện giám sát người được cách ly đảm bảo đúng quy định.

- Báo cáo với cơ quan thẩm quyền và phối hợp tổ chức cưỡng chế cách ly nếu người được cách ly không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế.

- Thông báo cho các hộ gia đình, người lưu trú tại nơi ở, nơi lưu trú có người được cách ly về thông tin của người được cách ly, đối với một số trường hợp đặc biệt thì theo hướng dẫn của Bộ Y tế để mọi người biết, phối hợp thực hiện việc cách ly và tham gia giám sát việc cách ly.

- Tổ chức thông tin truyền thông phòng chống dịch COVID-19. Treo, dán các áp phích, thông báo, hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19.

- Không tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại khu vực sinh hoạt chung, nơi ở, nơi lưu trú.

- Cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người được phân công giám sát cách ly.

- Bố trí thùng đựng rác có nắp đậy, dung dịch sát khuẩn tay nhanh tại khu vực sảnh chờ, hành lang, cầu thang bộ, cửa cầu thang máy (nếu có).

- Tổ chức vệ sinh khử trùng khu vực sinh hoạt chung:

+ Khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc các dung dịch khử trùng có chứa 0,05% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút) hoặc 0,1% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 01 phút) hoặc có chứa ít nhất 60% độ cồn; ưu tiên việc khử trùng bằng cách lau, rửa:

+ Nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật tại khu vực công cộng (sảnh chờ, khu vui chơi, khu thể dục thể thao...), khu vệ sinh chung, cầu thang bộ, thang máy (nếu có): khử trùng ít nhất 01 lần/ngày.

+ Tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can; nút bấm, cabin thang máy: khử trùng ít nhất 02 lần/ngày.

- Tổ chức thu gom rác thải và xử lý hàng ngày.

- Thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương hoặc qua đường dây nóng của chính quyền và y tế địa phương khi có trường hợp sốt hoặc ho, đau họng, khó thở.

- Tạo điều kiện, động viên, chia sẻ giúp đỡ người được cách ly để họ yên tâm thực hiện việc cách ly.

12. Hỏi: Sau khi có thông báo chính thức Bệnh viện B phát hiện có các bác sỹ, nhân viên của Bệnh viện dương tính với virut SARS-CoV-2, một số người dân trên địa bàn xã A đến Trạm y tế khai báo việc họ đã từng đến khám bệnh tại Bệnh viện B trong thời gian gần đây. Trong trường hợp này, xã A phải thực hiện biện pháp gì và trình tự, thủ tục như thế nào?

Trả lời: Trước hết, những người dân của xã A đã từng đến khám tại Bệnh viện B (nơi phát hiện có bác sỹ và nhân viên nhiễm virut SARS-CoV-2) được xác định thuộc trường hợp phải cách ly y tế tại nhà theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP. Trong trường hợp này, cần tiến hành các thủ tục áp dụng biện pháp cách ly tại nhà quy định tại Điều 3 Nghị định này như sau:

- Trong thời gian 03 giờ, kể từ khi phát hiện người thuộc trường hợp phải cách ly y tế tại nhà, Trạm trưởng Trạm Y tế xã A lập danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch của xã để xem xét, phê duyệt.

- Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của Trạm trưởng Trạm y tế xã, Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch xã phải quyết định việc phê duyệt hoặc từ chối phê duyệt danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế. Trường hợp từ chối phê duyệt phải nêu rõ lý do.

- Trong thời gian 03 giờ, kể từ khi danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế được phê duyệt, Trạm trưởng Trạm Y tế xã có trách nhiệm:

+ Thông báo việc áp dụng biện pháp cách ly cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và thân nhân của họ, đồng thời thông báo cho Công an xã và tổ trưởng tổ dân phố, trưởng cụm dân cư, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng làng, trưởng ấp, trưởng phum, trưởng sóc để phối hợp giám sát việc thực hiện biện pháp cách ly y tế;

+ Tổ chức thực hiện các biện pháp giám sát, theo dõi sức khỏe của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế;

+ Báo cáo và đề xuất với Ban Chỉ đạo chống dịch xã về các biện pháp nhằm hạn chế đến mức tối đa nguy cơ lây nhiễm từ người bị cách ly y tế ra cộng đồng.

- Trường hợp người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã có trách nhiệm báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch xã để xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.