Cách tính lãi suất theo Bộ luật dân sự 2015

Lãi xuất trong Bộ luật dân sự năm 2015

Thứ năm - 18/08/2016 16:21
Ngày 24/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 đã quy định rõ về lãi suất của hợp đồng vay theo thỏa thuận. Theo đó, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất vay thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự hiện hành quy định mức lãi suất cho vay không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng; mà mức lãi suất cơ bản hiện nay vẫn áp dụng theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 91 tháng 11 năm 2010 quy định về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm. Như vậy, các bên được quyền thỏa thuận về lái suất nhưng không được vượt quá 150% nhân 9%/năm tức bằng 13,5%/năm. Quy định này cho thấy dùng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự như trong Bộ luật dân sự hiện hành là không còn phù hợp, mức lãi suất 13,5%/năm là quá hẹp; Vì vậy, hiện tượng cho vay vượt mức lãi suất nêu trên đã diễn ra khá phổ biến, ngay cả trong giới ngân hàng cũng tồn tại điều này và vì thế thực tế sẽ gây nhiều khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự.

Do đó, tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 đã sửa đổi chế định Lãi suất trong hợp đồng vay dân sự theo hướng nâng mức lãi suất vay giữa các bên như sau: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Việc quy định tăng mức lãi suất nêu trên có nhiều thuận lợi như: đảm bảo được tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng; các bên tham gia giao dịch vay tài sản có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi ký xác lập và thực hiện hợp đồng; mức lãi suất tăng so với quy định của luật cũ không quá cao và tương đối phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay. Ngoài ra, quy định nêu trên còn hạn chế được tình trạng cho vay lãi nặng.

Tuy nhiên, với quy định này việc làm thế nào để xác định chính xác khoản tiền vay tại từng thời điểm trong trường hợp bên cho vay liên tục nhập các khoản lãi suất vào nợ gốc và yêu cầu bên vay phải trả lãi trên toàn bộ số nợ đó. Khi đó, việc áp dụng lãi suất 20%/năm cho khoản vay vào thời điểm nào mới là phù hợp và số tiền nào mới được gọi là khoản tiền vay như trên có lẽ còn phải chờ hướng dẫn cụ thể mới có thể áp dụng được.

Tương tự như trên, nếu như tại khoản 2 Điều 476 Bộ luật dân sự hiện hành quy định: Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ thì tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 đã được chỉnh lý lại về mức lãi suất ấn định trong hợp đồng vay có lãi nhưng các bên không có thỏa thuận rõ về lãi suất dẫn đến tranh chấp quy định như sau: Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Đối với trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ quy định của Bộ luật dân sự hiện hành còn nhiều bất cập, cụ thể:
Tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật hiện hành quy định về việc phạt trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ như sau:

Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, theo quy định này bên có nghĩa vụ phải trả tiền mà chậm thực hiện nghĩa vụ thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả và tại khoản 5 Điều 474 Bộ luật dân sự hiện hành còn quy định thêm: Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Tuy có đến 02 Điều luật quy định liên quan đến vấn đề phạt do chậm thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng trong trường hợp vay có lãi và có kỳ hạn và lãi suất thỏa thuận không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, nếu đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ quy định của Bộ luật dân sự hiện hành đã tạo ra ba cách hiểu và áp dụng luật khác nhau.

- Cách hiểu thứ nhất: Bên vay chỉ phải trả lãi theo thỏa thuận trong thời hạn vay và khoảng thời gian từ khi kết thúc thời hạn vay cho đến thời điểm xét xử tính theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước hiện nay tức (9%/năm).

- Cách hiểu thứ hai: Bên vay phải trả theo lãi suất thỏa thuận tức bằng 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước kể từ khi ký kết hợp đồng cho đến thời điểm xét xử tức bằng 13,5/năm (1,125%/tháng). Thực tiễn xét xử hiện nay thường áp dụng cách hiểu này và phần lãi suất này được xem như là lãi phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ.

- Cách hiểu thứ ba: Bên vay phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận (tức phần lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cơ bản) và ngoài ra còn phải chịu thêm phần lãi suất do chậm thực hiện nghĩa vụ đối với toàn bộ khoản nợ quá hạn tính đến thời điểm trả nợ theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo cách hiểu này nghĩa là bên vay phải chịu 02 mức lãi suất trên số nợ vay, một là lãi trên nợ gốc tính đến thời điểm trả nợ và hai là lãi phạt chậm thực hiện nghĩa vụ trên số nợ quá hạn tính đến thời điểm trả nợ.

Về mặt câu chữ của Luật theo khoản 5 Điều 474 bên vay phải trả lãi trên nợ gốc lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản tại thời điểm trả nợ thì cách hiểu thứ ba là có vẻ đúng hơn cả (nhưng rất ít được vận dụng vào thực tế). Vì, nếu theo cách hiểu thứ nhất và thứ hai thì lãi suất trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn chỉ bằng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước hoặc cùng lắm chỉ bằng lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng (150% Lãi suất cơ bản). Như vậy, vô hình chung quy định của pháp luật đã tạo điều kiện thúc đẩy bên đi vay luôn có xu hướng thích vi phạm nghĩa vụ thanh toán vì nếu có vi phạm thì mức lãi suất phải trả chỉ từ bằng hoặc thấp hơn lãi suất đã thỏa thuận. Do đó, không có lý do gì bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ theo thời hạn vay mà các bên đã ký kết. Và tuy Bộ luật dân sự hiện hành quy định về nghĩa vụ trả lãi trên số tiền chậm trả nhưng thực tiễn xét xử cho thấy trong một số trường hợp trước thới điểm xét xử bên vay đã trả một phần nợ gốc thì Tòa án cũng không buộc bên vay phải chịu lãi suất đối với phần đã trả đó. Mặc dù, bên vay cũng đã vi phạm về việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng vay.

Với quy định mới, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay đã khắc phục được hầu hết những bất cập nêu trên. Tại khoản 5 Điều 466 BLDS 2015 quy định: "Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác."

Bằng quy định này Bộ luật dân sự 2015 đã chia số tiền vay thành 03 khoản nợ khác nhau: Nợ gốc đến hạn chưa trả, nợ gốc chậm trả và nợ gốc quá hạn chưa trả.
Nợ gốc đến hạn chưa trả phải trả lãi suất bằng lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng (không quá 20%/năm của khoản tiền vay); nợ gốc chậm trả thì ngoài lãi suất thỏa thuận nêu trên còn phải trả mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 (lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468; là bằng 50% nhân 20%/năm tức bằng 10%/năm).

Như vậy, với quy định tại điểm a khoản này số tiền bên vay trả chậm hơn so với thời hạn được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến trước thời điểm xét xử bên vay phải chịu 02 mức lãi suất bao gồm: Lãi suất thỏa thuận theo hợp đồng của các bên đã ký và lãi suất do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (10%/năm) nêu trên.

Đối với số tiền tại thời điểm xét xử bên đi vay vẫn chưa trả thì áp dụng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 468 như sau: Toàn bộ số nợ chưa trả sẽ được chuyển thành nợ quá hạn và tính lãi suất là 150% lãi suất các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng mà theo quy định các bên không được thỏa thuận vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Như vậy, mức lãi suất giới hạn tối đa của quy định này sẽ là 30%/năm của khoản tiền vay.

Như vậy, ta có thể thấy Bộ luật dân sự năm 2015 đã có nhiều quy định mới về phần lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, những quy định mới này theo hướng tăng mức lãi suất thỏa thuận và lãi suất phạt do chậm hoặc không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, điều này sẽ góp phần tạo cơ chế về lãi suất để nhằm thúc đẩy bên vay thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, bảo đảm sự tuân thủ và kỷ luật hợp đồng trong giao dịch dân sự; bảo đảm hài hòa với mục đích quy định lãi suất là một trong những công cụ để điều tiết nền kinh tế, đặc biệt đối với thị trường vốn, tiền tệ và các mục đích kinh tế, xã hội khác. Đồng thời, đây là quy định mới theo hướng linh hoạt, mở rộng quyền năng cho các chủ thể trong quan hệ dân sự, từ đó thúc đẩy các chủ thể này tham gia tích cực hơn vào các quan hệ này. Ngoài ra, việc xác định mức lãi suất cao nhất trong giao dịch vay tài sản mà Bộ luật dân sự năm 2015 cho phép còn có ý nghĩa trong lĩnh vực hình sự vì yếu tố cấu thành cơ bản đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 (vừa được Quốc Hội quyết định lùi thời hạn có hiệu lực) phải dựa trên quy định về mức lãi suất của Bộ luật dân sự.

Tác giả bài viết: Trần Thị Bích Hà

Nguồn tin: VKSND H.Vĩnh Thạnh