Cách xây lò sấy thịt

Cách xây lò sấy thịt

Lò sấy thuốc không khói của anh Sen.

Cách đây gần nửa năm, có một người dân ngụ ở khu phố Ninh Thọ, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh đã nghiên cứu và chế tạo thành công một lò sấy thuốc đặc biệt. Nói đặc biệt là vì cái lò sấy thuốc này khi đốt lên hoàn toàn không có khói. Nó khiến người ta liên tưởng tới bếp Hoàng Cầm của bộ đội ta trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Điều đáng ngạc nhiên là chủ nhân của cái bếp Hoàng Cầm thời nay không phải nhà khoa học hay kỹ sư gì cả, mà chỉ là một người dân bình thường, trình độ học vấn dừng lại ở tốt nghiệp trung học phổ thông. Người ấy là anh Lâm Hồng Sen, năm nay 43 tuổi.

Mày mò và chế tạo

Một lần đến nhà anh Sen, tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy lò sấy thuốc của anh đang hoạt động. Vật liệu dùng để đốt lò là mạt cưa. Quan sát kỹ, tôi thấy trên miệng ống khói chỉ toát ra một luồng hơi nóng, hoàn toàn không có một tí khói nào cả.

Hỏi anh Sen làm cách nào, anh nói: dùng phương pháp nhiệt phân, tách khí mê-tan từ mạt cưa làm khí đốt cho lò sấy. Có nghĩa là lò sấy của anh được đốt bằng khí mê-tan chứ không phải bằng mạt cưa, vì thế mới không có khói, chỉ trừ lúc mới đề-pa thì có một ít khói bay ra trong chừng vài phút.

Theo lời kể của anh Sen, trước đây, khi vừa học xong cấp ba, anh cũng dự định thi vào Trường đại học Bách khoa nhưng vì cha bệnh nên anh đành phải nghỉ học ở nhà lo làm kinh tế.

Giấc mơ đại học không thành nhưng niềm say mê khoa học kỹ thuật vẫn nguyên vẹn trong chàng thư sinh trẻ. Anh Sen thường xuyên mua sách vở khoa học kỹ thuật về nhà tự mày mò, nghiên cứu. Gia đình có một trại cưa gia công, hơn mười năm nay, anh Sen chuyên kiếm sống bằng nghề cưa xẻ gỗ.

Thấy trong trại có nhiều mạt cưa, ở địa phương lại có nhu cầu sấy gia công cây trinh nữ hoàng cung (một loại cây thuốc nam) nên anh Sen đầu tư xây dựng một lò sấy thuốc. Ban đầu anh chỉ dự định xây dựng một lò sấy thông thường, tận dụng nguồn mạt cưa để làm chất đốt.

Nhưng rồi anh Sen nhận thấy, xung quanh đều là khu dân cư, nếu xây dựng lò sấy theo kiểu truyền thống thì sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bà con hàng xóm.

Nhiều đêm trăn trở, nghĩ suy, anh Sen quyết định tìm một hướng đi khác. Anh biết được trên thế giới đã có người nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ chiết xuất khí mê-tan từ thực vật ra để làm khí đốt.

Ở Việt Nam đã có người mua công nghệ này về để sử dụng nhưng giá thành quá cao- phải tốn đến 2,4 tỷ đồng. Vậy tại sao mình không tự nghiên cứu, tự làm?

Từ ý tưởng ấy, anh Sen mày mò nghiên cứu, cuối cùng cũng đã nắm được phương pháp nhiệt phân, chiết xuất khí mê-tan từ thực vật để làm khí đốt. Nắm được bí kíp này, anh Sen mừng lắm, liền bắt tay vào thực hiện công trình.

Anh mua một tấm thép chịu nhiệt đem về thuê thợ hàn cuốn lại thành một bình tách khí mê-tan. Đây là bộ phận quan trọng nhất, có thể nói là trái tim của lò sấy- anh Sen cho biết. Sau khi có được trái tim của lò sấy, anh Sen bắt đầu thiết kế những bộ phận khác của lò sấy.

Chúng đều được anh chế tạo theo nguyên lý tự động hoá. Chỉ cần đổ đầy mạt cưa vào thùng chứa, sau đó hệ thống con lăn sẽ tự động cuốn mạt cưa vào bình tách khí. Nồi sấy cũng được điều khiển bằng mô tơ để lăn tròn quanh trục của nó như bồn trộn bê tông xi măng.

Đầu vào, đầu ra của nguyên liệu cần sấy cũng được hai hệ thống băng tải tự động cuốn vào và đưa ra. Bên cạnh đó, anh Sen còn thiết kế một tủ điện tử nhỏ, tủ này dễ dàng cho phép điều chỉnh khối lượng khí mê-tan đốt cháy nhiều hay ít để tăng hay giảm nhiệt độ cho lò sấy.

Cách xây lò sấy thịt

Cây thuốc trinh nữ hoàng cung trước khi đưa vào lò sấy.

Anh Sen chia sẻ: Bây giờ lò sấy đã hoàn thành, nhìn nó cũng đơn giản nhưng hồi mới bắt tay vào làm mới thật cả một quá trình gian nan. Tôi vừa làm vừa vận hành thử. Cứ làm đi làm lại, quan sát xem cái thứ nhất có bộ phận nào đạt yêu cầu thì ghi chép lưu lại, bộ phận nào chưa đạt thì bỏ, lần sau làm lại. Cứ như thế, sau gần một năm trời mày mò, đến cái lò thứ 9 thì công trình mới hoàn thành.

Hỏi về tổng chi phí chế tạo lò sấy, anh Sen nói chưa thống kê đầy đủ nhưng ước tính cũng khoảng vài trăm triệu đồng. Một điều đáng chú ý là ngoài mạt cưa, lò sấy của anh Sen còn có thể sử dụng nhiều loại vật liệu khác như củi, rơm, trấu, lục bình vvvv...

Thời gian đun, sấy của lò tính ra nhanh hơn so với lúc đun, sấy bằng chụm củi thông thường. Anh Sen đã thử làm một thí nghiệm để so sánh: anh dùng một ký củi khô đốt lên để đun 1 lít nước thì thấy nước chỉ mới sôi tim, chưa đạt 100 độ C; trong khi nếu dùng ký mạt cưa cho phương pháp nhiệt phân thì có thể đun sôi 2,5 lít nước mà vẫn còn thừa mạt cưa.

Điều đó có nghĩa là dùng phương pháp tách khí mê-tan để làm khí đốt sẽ tiết kiệm hơn phân nửa vật liệu đốt so với kiểu đốt lò truyền thống bằng củi, trấu. Đó là chưa kể, đốt bằng củi, trấu bao giờ cũng thải khói, gây ô nhiễm môi trường.

Anh Sen nói thêm, một lò gạch công nghệ mới vẫn phải cần ít nhất hai công nhân có sức khoẻ túc trực suốt 24/24 giờ. Họ còn phải thay phiên nhau vác củi, trấu, vỏ hạt điều cho vào miệng lò. Đến khi tro đầy đáy lò, thì phải xúc đổ vào xe, đẩy ra bãi đổ. Cứ thế, chỉ riêng khâu chụm lò đã phải cần ít nhất hai công nhân thay nhau làm việc suốt cả tuần mới xong một mẻ gạch.

Với lò sấy thuốc của anh Sen, chỉ cần đổ mạt cưa và nguyên liệu sấy vào một lần, sau đó điều chỉnh nhiệt độ và tốc độ quay phù hợp là lò sấy tự hoạt động, công nhân có thể thoải mái đi làm việc khác, qua cả ngày hoặc cả đêm mới quay lại thăm chừng cũng không vấn đề gì.

Cách xây lò sấy thịt

Anh Sen giải thích về quá trình tách khí mê-tan bằng phương pháp nhiệt phân.

Cũng theo lời anh Sen, ngoài việc sấy gia công cây trinh nữ hoàng cung, anh đã sấy thử nghiệm một số nguyên liệu khác như mì xắt lát, cây lục bình, kết quả cũng rất thành công. Anh cho biết, mì xắt lát chỉ cần sấy khoảng 20 phút là khô.

Tìm hiểu về việc xử lý mì xắt lát ở một số nơi trong tỉnh, anh nhận thấy vào mùa mưa, bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc phơi mì xắt lát. Nếu chẳng may gặp phải mưa dầm, không phơi được thì mì sẽ bị ẩm mốc, hư thối. Anh Sen đang dự tính tìm một đối tác để xây dựng một lò sấy gia công mì xắt lát ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu.

Triển vọng góp sức trị lục bình

Những năm qua, nhiều nông dân và cả cán bộ các ngành chức năng vẫn rất đau đầu vì vấn nạn lục bình dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông mà chưa tìm ra phương pháp hữu hiệu để xử lý. Nói về vấn đề này, anh Sen cho rằng có thể giải quyết được.

Theo lời kể, anh Sen đã vớt 4 bao lục bình đem về lò sấy làm thử nghiệm bằng cách dùng 2 bao tách khí mê- tan làm khí đốt để sấy khô 2 bao còn lại. Tức là dùng lục bình để sấy lục bình, không cần phải tốn chất đốt nào khác. Lục bình sau khi sấy khô có thể ủ làm phân bón hoặc làm thức ăn cho gia súc.

Anh Sen khẳng định: Nếu có cá nhân, đơn vị nào hợp tác để có đủ chi phí lắp ráp một lò sấy trên sà lan di động trên sông, thì có thể vừa trục vớt, vừa sấy lục bình ngay trên sà lan mà không phải tốn thêm mặt bằng.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một chiến sĩ tên Hoàng Cầm đã sáng tạo ra một loại bếp nấu không thấy khói (thực chất là vẫn có khói nhưng khói được dẫn dắt theo một hệ thống thiết kế toả đi nhiều nơi nên khó phát hiện) phục vụ nuôi quân an toàn, góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Còn bây giờ, lò sấy không khói- bếp Hoàng Cầm thời đại của anh Sen bước đầu đã chứng tỏ được tính hữu ích của nó trong việc hạn chế ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường. Tiếc rằng công trình có ý nghĩa này vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Đại Dương