Cách xử lý lục bình

Lục bình hay bèo tây vốn là một loài thực vật thủy sinh rất quen thuộc với bà con miền Tây. Lục bình phát triển nhanh không chỉ lấn chiếm lòng sông, cản trở lưu thông mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt.

Thậm chí một số địa phương trong vùng đã bỏ ra kinh phí hàng tỷ đồng mỗi năm để dẹp bỏ vấn nạn lục bình, nhưng cũng không hiệu quả. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Cách xử lý lục bình
Lục bình được trục vớt bằng máy tại khu vực bến phà Cây Ổi. Ảnh: Giang Phương/Thanh niên

Dọc theo nhiều tuyến sông, kênh, rạch ở miền Tây, lục bình bủa vây đến nỗi các phương tiện đường thủy không thể lưu thông. Diện tích mặt nước bị các loài này bịt kín, gây hạn chế dòng chảy, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của phương tiện lưu thông trên tuyến. Ngoài ra, đây còn là nguyên nhân gây ô nhiễm do rác thải, chất thải các loại, xác động vật trôi nổi bị cản lại. 

Để lục bình không xâm nhập vào các con kênh nội đồng, ghe xuồng vận chuyển dễ dàng cho vụ mùa, người dân phải dùng dây, phao làm hàng rào ngăn chặn.  Trên những con sông như Cái Bần, Cái Nai ở thị xã Long Mỹ, lục bình vẫn sinh sôi dày đặc. Sông Ngan Dừa giáp ranh hai tỉnh Bạc Liêu - Hậu Giang, người dân cũng lao đao với lục bình. 

Do lục bình trôi theo dòng chảy, đến một số nơi chúng bị vướng lại và sinh sôi với một tốc độ chóng mặt. Chẳng bao lâu, những khóm lục bình nhỏ đã nảy nở ra đầy cả sông. Không kể hết bao nhiêu con sông bị "nạn" lục bình hoành hành. Từ những con kênh nhỏ đến những con sông lớn... đều nhanh chóng có sự hiện diện của lục bình và ở mỗi nơi, chúng đều gây khó dễ cho tàu ghe qua lại. Ghe tàu nếu không mắc kẹt giữa dòng thì cũng vướng lục bình vào động cơ. Không những làm mất thời gian mà còn gây hao tốn nhiều nhiên liệu. Thậm chí có nhiều nơi lục bình đã ngăn tàu ghe không thể chạy trên sông.

Ở vùng sông rạch chằng chịt như Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng... nhiều loại nông sản được vận chuyển bằng đường sông. Thế nhưng tình trạng lục bình lấn sông đã khiến việc sinh kế, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nhà nông gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, mọi người thường xem lục bình như một loài cỏ dại xâm lấn và gây hại cho đất. Nhưng thực tế, lục bình còn có rất nhiều công dụng khác nhau, đặc biệt đây là nguồn nguyên liệu lý tưởng để sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu. Nghề trồng, chặt rồi đan lục bình đã trở thành công việc mang lại thu nhập ổn định cho nhiều địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà con miền Tây thường nói vui rằng làm nghề liên quan đến lục bình dễ cứ như là vớt rác trên sông về bán lấy tiền vậy. Bằng chứng là có rất nhiều người đã từ lâu gắn bó với loại cây này.

Cách xử lý lục bình
Thực tế, lục bình có rất nhiều công dụng khác nhau. Ảnh: Báo QĐND

Đến xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, không khó để bắt gặp cảnh nhà nhà phơi lục bình trước sân để bán cho mối. Còn dưới sông, bà con cũng luôn tay cắt lục bình để đem về phơi khô hoặc bán tươi. Cắt lục bình, phơi lục bình, là những công việc quen thuộc của nhiều gia đình tại vùng đất này.

Đang ngồi phơi lục bình, chị Dương Thúy Hằng ,huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, kể:  'Bây giờ giá 14 - 15.000/kg khô. Còn tươi mướn chặt là 500 đồng/kg. Theo như lục bình đẹp thì 12 kg tươi được 1 kg khô, còn lục bình non, xấu thì 13 - 14 kg . Bà con nông thôn mình làm được. Thu nhập thì bình quân 1 tháng 1 người cũng được 4,5 triệu.

Những cọng lục bình sau khi phơi khô thành những sợi mềm mại nhưng rất dai và bền. Vì thế, các mặt hàng được đan thủ công từ cây lục bình tuy đơn giản nhưng rất được ưa chuộng. Hơn nữa, đây đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhờ bàn tay khéo léo của người dân, lục bình đã biến thành sản phẩm giá trị gia tăng, thân thiện môi trường, có giá bán từ 150.000 đến 300.000 đồng. 

Tận mắt chứng kiến người dân sau khi thu hoạch cọng lục bình thì bỏ phần rễ trên sông, gây lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, Nhà máy sản xuất đất sạch và Nông nghiệp công nghệ cao (DASACO), thuộc Công ty TNHH Đa năng Hoàn Cầu đã thu mua lại để xử lý thành phân bón hữu cơ bón cho cây trồng. Với công suất khoảng 3.000-4.000 tấn/năm, nhà máy đã góp phần làm sạch những dòng sông vừa tăng thu nhập cho người dân.

Chị Đặng Thị Hoa, ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết, nếu như trước đây, người dân chỉ dùng phần thân thì giờ lấy luôn phần rễ. Với 1 tấn rễ lục bình, bà con cũng có thêm thu nhập khoảng nửa triệu đồng.

Chị Hoa chia sẻ: 'Hồi đó bỏ không hà, giờ có công ty người ta mua cái mình vớt mình có thểm tiền, cũng mừng, có chuyện ăn chuyện làm. Mỗi người vớt 1 ngày 150 - 200.000 đồng'.

Cũng cắt rễ lục bình để bán, chị Nguyễn Hồng Thắm, ngụ huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho hay, trước giờ, cắt lục bình xong toàn bỏ rễ trên sông, bây giờ có công ty thu mua nên bà con có thêm tiền phụ kinh tế gia đình, giảm ô nhiễm hơn trước vì rễ được vớt sạch rễ. Hiện nay, đội vớt lục bình của ấp 10 đã tập hợp được khoảng 7 chị em đến để phụ thu gom rễ lục bình, vô bao vận chuyển về nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ.

Ở Hậu Giang, lục bình nhiều, kín mít cả 1 khúc sông, việc cắt thân để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chẳng đáng là bao nếu so với việc lục bình tăng mật số gấp đôi sau 2 tuần. Nếu rễ được vớt sạch, sông cũng bớt ô nhiễm hơn trước.

Làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, diện tích nhân nuôi lục bình cũng mở rộng, việc tận dụng được cả phần rễ đã góp phần tạo ra nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Ở đó, phụ phẩm trong nông nghiệp được xem là nguồn tài nguyên tái tạo chớ không phải là chất thải.