Cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng

Có thể nói, khoảng 20 năm trở lại đây chưa khi nào lãi suất huy động tiền gửi của các NH lại thấp như hiện nay. Nếu so với thời điểm những năm 2010-2011, khi lãi suất thực tế phổ biến ở mức 15-17%/năm và lãi suất cho vay cũng dao động từ 17-20%/năm (tùy kỳ hạn và tùy NH) thì nay cả lãi suất huy động và cho vay chỉ bằng hơn 1/3.

Nguyên nhân chủ yếu là do những năm gần đây lạm phát ở mức thấp nên gửi tiền mặt dù lãi suất thấp nhưng vẫn thực dương. Thực tế này khiến ngành NH đang trong tình trạng dư vốn. Dù vậy, việc huy động vốn giữa các NH vẫn có sự cạnh tranh nhất định.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh: Huy động vốn là một trong những hoạt động không thể thiếu của các NH. Kể cả khi NH dư vốn thì họ vẫn thực hiện huy động nhằm giữ chân khách hàng và để đảm bảo đáp ứng đủ vốn khi khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu thực tế từng thời điểm mà mỗi NH lại đưa ra chiến lược huy động khác nhau. Do vậy, ở bất cứ thời điểm nào cũng đều có sự cạnh tranh, chỉ có điều lãi suất càng thấp thì mức độ cạnh tranh càng nhẹ nhàng, bớt “khốc liệt” hơn.

Thực tế thị trường tín dụng nhiều năm qua cho thấy, cùng 1 kỳ hạn nhưng giữa các NH lại đưa ra mức lãi suất huy động và cho vay khác nhau. Trong đó, có thể phân ra thành 2 nhóm: Nhóm các NH thương mại Nhà nước, cổ phần Nhà nước (TMNN, CPNN, gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank) và nhóm các NH TMCP đại chúng (các NH còn lại).

Theo đó, nhóm các NHTMCP Nhà nước bao giờ cũng có mức lãi suất huy động vốn thấp hơn so với nhóm các NH TMCP đại chúng. Đơn cử như lãi suất của BIDV hiện nay, kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng đang dao động ở mức 3,1-3,4%/năm; từ 6 đến dưới 12 tháng là 4%; từ 12 tháng trở lên là 5,5%/năm (BIDV áp dụng từ ngày 10-8-2021 đến nay).

Tương tự, Vietcombank áp dụng mức lãi suất từ 1 đến dưới 6 tháng là 3-3,3%/năm; từ 6 đến dưới 12 tháng là 4%; 12 tháng là 5,5%; từ 24 đến 60 tháng là 5,3%/năm.

Còn tại Ngân hàng SHB, từ 1 đến dưới 6 tháng là 3,8-4%; từ 6 đến 13 tháng là 5,6-6,1%; cao nhất từ 24 tháng trở lên là 6,3%...

Nhìn vào bảng lãi suất này có thể thấy, ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, sự chênh lệch giữa các NH không quá lớn, nhưng trên 6 tháng thì lại khá đáng kể, có thể chênh tới trên dưới 1,5%/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ các NHTMCP đại chúng bao giờ cũng có mức huy động cao hơn khối NHTMCP Nhà nước là bởi họ chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín trên thị trường và mạng lưới bao phủ cũng hạn chế hơn nên việc huy động cũng khó khăn hơn. Vì thế, chênh lệch về lãi suất là một trong những yếu tố quan trọng để các NH này thu hút khách hàng.

Hơn nữa, do đối tượng khách hàng của các NH TMCP đại chúng chủ yếu là cá nhân vay tiêu dùng nên lãi suất cho vay cũng cao hơn hẳn các NH TMCP Nhà nước. Do đó, họ có điều kiện để huy động ở mức cao hơn.

Do lãi suất huy động giảm nên lãi suất cho vay cũng đang ở mức thấp kỷ lục. Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên hiện chỉ là 4,5%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 5-8%/năm ở kỳ ngắn hạn; từ 7,8-9,6%/năm đối với trung và dài hạn.

Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Các NHTMCP Nhà nước là công cụ hữu hiệu của NHNN trong việc thực hiện dẫn dắt thị trường tiền gửi và tiền vay. Càng trong giai đoạn khó khăn thì vai trò của khối các NH này càng được thể hiện rõ ràng, nhằm hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, đối với các NHTMCP Nhà nước, lãi suất cũng là công cụ mà NH sử dụng khi muốn gia tăng nguồn vốn. Nếu cần vốn, NH sẽ điều chỉnh tăng, kèm theo đó là các chương trình khuyến mại... Ngược lại, khi đã đủ hoặc thừa vốn, NH sẽ giảm lãi suất huy động. Ngoài yếu tố tin cậy thì sở dĩ các NHTMCP Nhà nước vẫn huy động được vốn trong khi lãi suất thấp hơn hẳn các NHTMCP là bởi các chính sách đi kèm của các NH này dành cho khách hàng. Khách hàng càng sử dụng nhiều dịch vụ thì sẽ càng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ NH. Đối với khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp thì những ưu đãi khác mà NH dành cho họ mới là điều quan trọng và có giá trị hơn nhiều so với 1-2% lãi suất chênh lệch.

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh, tính đến cuối tháng 11-2021, huy động vốn toàn tỉnh đạt 84,2 nghìn tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay là hơn 73 nghìn tỷ đồng.  Trong đó, riêng 8 chi nhánh cấp 1 của khối NHTMCP Nhà nước chiếm tới 53,8 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 64%); số còn lại là của 26 tổ chức tín dụng khác (các NHTMCP đại chúng, các quỹ tín dụng...).

Những số liệu trên cho thấy, lãi suất trong huy động chỉ là một yếu tố cạnh tranh giữa các NH và hiện lượng vốn huy động trên địa bàn đang nhiều hơn cả chục nghìn tỷ đồng so với dư nợ cho vay.

Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

CẠNH TRANH CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÌN TỪ GÓC ĐỘ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TẠI VIỆT NAM

TS. NGUYỄN TRỌNG TÀI

1. Tính đặc thù trong cạnh tranh của các ngân hàng thương mại (NHTM)

Cạnh tranh là một hiện tượng gắn liền với kinh tế thị trường, chỉ xuất hiện trong điều kiện của kinh tế thị trường. Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thừa nhận cạnh tranh là môi trường tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh (KD) phát triển và tăng năng suất lao động, hiệu quả của các tổ chức, là nhân tố quan trọng làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Kết quả cạnh tranh sẽ xác định vị thế, quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi tổ chức. Vì vậy, các tổ chức đều cố gắng tìm cho mình một chiến lược phù hợp để chiến thắng trong cạnh tranh.

Giống như bất cứ loại hình đơn vị nào trong kinh tế thị trường, các NHTM trong KD luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, không chỉ từ các NHTM khác, mà từ tất cả các tổ chức tín dụng đang cùng hoạt động KD trên thương trường với mục tiêu là để giành giật khách hàng (KH), tăng thị phần tín dụng cũng như mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Tuy vậy, so với sự cạnh tranh của các tổ chức kinh tế khác, cạnh tranh giữa các NHTM có những đặc thù nhất định. Cụ thể:

(1) KD trong lĩnh vực tiền tệ là lĩnh vực KD rất nhạy cảm, chịu tác động bởi rất nhiều nhân tố về kinh tế, chính trị, xã hội, tâm lý, truyền thống văn hoá… mỗi một nhân tố này có sự thay đổi dù là nhỏ nhất cũng đều tác động rất nhanh chóng và mạnh mẽ đến môi trường KD chung. Chẳng hạn: Chỉ cần một tin đồn thổi dù là thất thiệt cũng có thể gây nên cơn chấn động rất lớn, thậm chí đe dọa sự tồn vong của cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Một NHTM hoạt động yếu kém, khả năng thanh khoản thấp cũng có thể trở thành gánh nặng cho nhiều tổ chức kinh tế và dân chúng trên địa bàn… Chính vì vậy, trong KD, các NHTM vừa phải cạnh tranh để từng bước mở rộng KH, mở rộng thị phần, nhưng cũng không thể cạnh tranh bằng mọi giá, sử dụng mọi thủ đoạn, bất chấp pháp luật để thôn tính đối thủ của mình, bởi vì, nếu đối thủ là các NHTM khác bị suy yếu dẫn đến sụp đổ, thì những hậu quả đem lại thường là rất to lớn, thậm chí dẫn đến đổ vỡ luôn chính NHTM này do tác động dây chuyền.

(2) Hoạt động KD của các NHTM có liên quan đến tất cả các tổ chức kinh tế, chính trị – xã hội, đến từng cá nhân thông qua các hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm, cho vay cũng như các loại hình dịch vụ (DV) tài chính khác; đồng thời, trong hoạt động KD của mình, các NHTM cũng đều mở tài khoản cho nhau để cùng phục vụ các đối tượng KH chung. Chính vì vậy, nếu như một NHTM bị khó khăn trong KD, có nguy cơ đổ vỡ, thì tất yếu sẽ tác động dây chuyền đến gần như tất cả các NHTM khác, không những thế, các tổ chức tài chính phi NH cũng sẽ bị “vạ lây”. Đây quả là điều mà các NHTM không bao giờ mong muốn. Chính vì vậy, các NHTM trong KD luôn vừa phải cạnh tranh lẫn nhau để dành giật thị phần, nhưng luôn phải hợp tác với nhau, nhằm hướng tới một môi trường lành mạnh để tránh rủi ro hệ thống.

(3) Do hoạt động của các NHTM có liên quan đến tất cả các chủ thể, đến mọi mặt hoạt động kinh tế – xã hội, cho nên, để tránh sự hoạt động của các NHTM mạo hiểm nguy cơ đổ vỡ hệ thống, tất cả Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước đều có sự giám sát chặt chẽ thị trường này và đưa ra hệ thống cảnh báo sớm để phòng ngừa rủi ro. Thực tiễn đã chỉ ra những bài học đắt giá, khi mà NHTW thờ ơ trước những diễn biến bất lợi của thị trường đã dẫn đến hậu quả là sự đổ vỡ của thị trường tài chính – tiền tệ làm suy sụp toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, nên sự cạnh tranh trong hệ thống các NHTM không thể dẫn đến làm suy yếu và thôn tính lẫn nhau như các loại hình KD khác trong nền kinh tế.

(4) Hoạt động của các NHTM liên quan đến lưu chuyển tiền tệ, không chỉ trong phạm vi một nước, mà có liên quan đến nhiều nước để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế đối ngoại; do vậy, KD trong hệ thống NHTM chịu sự chi phối của nhiều yếu tố trong nước và quốc tế, như: Môi trường pháp luật, tập quán KD của các nước, các thông lệ quốc tế… đặc biệt là, nó chịu sự chi phối mạnh mẽ của điều kiện hạ tầng cơ sở tài chính, trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò cực kỳ quan trọng, có tính chất quyết định đối với hoạt động KD của các NH này. Điều đó cũng có nghĩa là, sự cạnh tranh trong hệ thống các NHTM trước hết phải chịu sự điều chỉnh bởi rất nhiều thông lệ, tập quán KD tiền tệ của các nước, sự cạnh tranh trước hết phải dựa trên nền tảng kỹ thuật công nghệ đáp ứng được yêu cầu của hoạt động KD tối thiểu; bởi vì, một NHTM mở ra một loại hình DV cung ứng cho KH là đã phải chấp nhận cạnh tranh với các NHTM khác đang hoạt động trong cùng lĩnh vực, tuy nhiên, muốn lĩnh vực DV này được thực hiện thì đòi hỏi phải đáp ứng tối thiểu về điều kiện hạ tầng cơ sở tài chính mà thiếu nó thì không thể hoạt động được. Rõ ràng là, sự cạnh tranh của các NHTM loại hình cạnh tranh bậc cao, đòi hỏi những chuẩn mực khắt khe hơn bất cứ loại hình KD nào khác.

2. Các nhân tố tác động đến cạnh tranh của các NHTM

Nhóm nhân tố khách quan. Có 4 lực lượng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của một NHTM, đây là những nhân tố khách quan và có thể được mô tả qua sơ đồ 1.1 dưới đây

* Tác nhân từ phía NHTM mới tham gia thị trường. Các NHTM mới tham gia thị trường với những lợi thế quan trọng như: (i) Mở ra những tiềm năng mới; (2) Có động cơ và ước vọng giành được thị phần; (iii) Đã tham khảo kinh nghiệm từ những NHTM đang hoạt động; (iv) Có được những thống kê đầy đủ và dự báo về thị trường… Như vậy, bất kể thực lực của NHTM mới là thế nào, thì các NHTM hiện tại đã thấy một mối đe dọa về khả năng thị phần bị chia sẻ; ngoài ra, các NHTM mới có những kế sách và sức mạnh mà các NHTM hiện tại chưa thể có thông tin và chiến lược ứng phó.

* Tác nhân là các đối thủ NHTM hiện tại. Đây là những mối lo thường trực của các NHTM trong KD. Đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng đến chiến lược hoạt động KD của NHTM trong tương lai. Ngoài ra, sự có mặt của các đối thủ cạnh tranh thúc đẩy ngân hàng (NH) phải thường xuyên quan tâm đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng các DV cung ứng để chiến thắng trong cạnh tranh.

* Sức ép từ phía KH. Một trong những đặc điểm quan trọng của ngành NH là tất cả các cá nhân, tổ chức KD sản xuất hay tiêu dùng, thậm chí là các NH khác cũng đều có thể vừa là người mua các sản phẩm (SP) DVNH, vừa là người bán SPDV cho NH. Những người bán SP thông qua các hình thức gửi tiền, lập tài khoản giao dịch hay cho vay đều có mong muốn là nhận được một lãi suất cao hơn; trong khi đó, những người mua SP (vay vốn) lại muốn mình chỉ phải trả một chi phí vay vốn nhỏ hơn thực tế. Như vậy, NH sẽ phải đối mặt với sự mâu thuẫn giữa hoạt động tạo lợi nhuận có hiệu quả và giữ chân được KH cũng như có được nguồn vốn thu hút rẻ nhất có thể. Điều này đặt ra cho NH nhiều khó khăn trong định hướng cũng như phương thức hoạt động trong tương lai.

* Sự xuất hiện các DV mới. Sự ra đời ồ ạt của các tổ chức tài chính trung gian đe dọa lợi thế của các NHTM khi cung cấp các DV tài chính mới cũng như các DV truyền thống vốn vẫn do các NHTM đảm nhiệm. Các trung gian này cung cấp cho KH những SP mang tính khác biệt và tạo cho người mua SP có cơ hội chọn lựa đa dạng hơn, thị trường NH mở rộng hơn. Điều này tất yếu sẽ tác động làm giảm đi tốc độ phát triển của các NHTM, thị phần suy giảm. Ngày nay, người ta cho rằng, khi các NHTM mạnh lên nhờ sự rèn luyện trong cạnh tranh, thì hệ thống NHTM sẽ mạnh hơn và có sức đàn hồi tốt hơn sau các cú sốc của nền kinh tế.

Nhóm nhân tố chủ quan. Bên cạnh các nhân tố khách quan tác động đến năng lực cạnh tranh của các NHTM, trên thực tế, nhóm các nhân tố thuộc về nội tại của hệ thống NHTM cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của các NH này. Chúng bao gồm: (i) Năng lực điều hành của ban lãnh đạo NH; (ii) Quy mô vốn và tình hình tài chính của NHTM; (iii) Công nghệ cung ứng DV NH; (iv) Chất lượng nhân viên NH; (v) Cấu trúc tổ chức; (vi) Danh tiếng và uy tín của NHTM.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 3/2008