Chủ nghĩa quốc gia là gì

Chủ nghĩa dân tộc (nationalism), hay còn được dịch sang tiếng Việt là chủ nghĩa quốc gia.

Trong tiếng Việt lâu nay, nhiều người vẫn dùng từ “dân tộc” để chỉ một sắc tộc, như dân tộc Kinh, dân tộc Mường, dân tộc Ê-đê… cho nên nếu dịch nationalism là chủ nghĩa dân tộc thì có thể khiến mọi người hiểu sai bản chất của khái niệm này – một khái niệm vốn gắn với quốc gia chứ không phải với sắc tộc. Tuy vậy, do cách dịch đó đã tồn tại quá lâu, nên ở đây, chúng ta cũng đành chấp nhận dùng cụm từ “chủ nghĩa dân tộc”.

Chủ nghĩa dân tộc, theo nghĩa nguyên thủy của nó, là sự gắn bó, về mặt tâm lý, của người dân với một quốc gia cụ thể, dựa trên một lịch sử chung, ngôn ngữ chung, văn học chung, văn hóa chung, và một ước nguyện chung là giành được và/hoặc duy trì được độc lập chính trị.

Việc chia sẻ “một ước nguyện chung là giành được và/hoặc duy trì được độc lập chính trị” là thuộc tính cực kỳ quan trọng của chủ nghĩa dân tộc, bởi nếu không có nó, sẽ không có quốc gia nào tồn tại trong tâm khảm những con người có thể được gọi là “dân” của một quốc gia.

Ngôn ngữ không phải yếu tố quyết định. Trên thế giới, không thiếu gì quốc gia đa ngôn ngữ. Ví dụ Thụy Sĩ có bốn thứ tiếng chính thức là Đức, Pháp, Ý, Romansh, nhưng không trở thành bốn quốc gia, bởi vì các thành viên của cộng đồng lớn Thụy Sĩ đều coi cộng đồng lớn của mình là một quốc gia – tức là họ đều chia sẻ ước nguyện chung là duy trì độc lập chính trị.

Từ thế kỷ 20 trở về trước, đặc biệt trong thời phong kiến, chủ nghĩa dân tộc được coi là một phẩm chất tốt đẹp. Trung thành với quốc gia là lòng trung thành cao cả nhất, hơn cả với tôn giáo, gia đình, chủng tộc hay giai cấp.

Ngay cả trong nửa đầu thế kỷ 20 với hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc, người ta vẫn chiến đấu vì một ý thức hệ bao trùm là chủ nghĩa dân tộc, hơn là vì chủ nghĩa cộng sản hay vì dân chủ tự do. Nói cách khác, trong các cuộc chiến tranh ấy, bên tham chiến là các quốc gia chứ không phải tôn giáo, giai cấp, hay chủng tộc.

Ở những nước phương Tây tự do, kính yêu lãnh tụ không phải là một phẩm chất tốt đẹp. Nhưng gắn bó và trung thành với quốc gia thì ở đâu, Đông hay Tây, cũng đều được coi là phẩm hạnh. Đó là quan niệm của thời trước.

Tuy thế, từ cuối thế kỷ 20, khi làn sóng toàn cầu hóa bắt đầu dâng lên, thì nhiều nước đã nghĩ lại về khái niệm chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia.

Người dân ở các nước phương Tây – vốn cởi mở hơn và hòa nhập vào thế giới toàn cầu hóa nhanh chóng hơn phương Đông – cho rằng chủ nghĩa dân tộc đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, và có hại trong thế giới hiện đại. Đầu óc dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi cản trở một quốc gia hội nhập, chung sống hòa bình và hợp tác với các nước khác. Sớm muộn nó sẽ tạo ra sự cực đoan, tự cô lập, và gây mâu thuẫn, xung đột, bạo lực.

Tuy vậy, tại Trung Quốc, Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc vẫn được đề cao và được coi là động lực để gắn kết toàn dân vì những mục tiêu chung.

Lòng yêu nước

Ở trên đã nói, mặc dù ở Mỹ và châu Âu, chủ nghĩa dân tộc đã mang hàm ý tiêu cực (hẹp hòi, cực đoan), nhưng tại Việt Nam và Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc vẫn được đề cao và được coi là động lực để gắn kết toàn dân vì những mục tiêu chung. Và, ở Việt Nam và Trung Quốc, nó lại được gọi một cách phổ biến là “lòng yêu nước”, “tình yêu đất nước”, chứ không gọi là “chủ nghĩa dân tộc”.

Ví dụ: như người ta hay nói “đóng thuế là yêu nước”, chứ không ai nói “đóng thuế là vì chủ nghĩa dân tộc”. Tương tự, trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam, người biểu tình cũng nói rằng họ xuống đường vì yêu nước chứ không phải vì chủ nghĩa dân tộc.

Từ đây, nảy sinh một sự nhầm lẫn, hỗn loạn tương đối giữa hai khái niệm: chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước (hay có thể gọi là chủ nghĩa ái quốc).

 Để cho rõ ràng, người viết đề xuất rằng chúng ta có thể định nghĩa hai chủ nghĩa này như sau:

Lòng yêu nước, hay chủ nghĩa ái quốc: sự gắn bó, về mặt tâm lý, của người dân với một quốc gia cụ thể, dựa trên một lịch sử chung, ngôn ngữ chung, văn học chung, văn hóa chung, và một ước nguyện chung là giành được và/hoặc duy trì được độc lập chính trị (chính là nghĩa nguyên thủy của khái niệm chủ nghĩa dân tộc). Trong chừng mực ôn hòa, lòng yêu nước là một phẩm chất tốt đẹp.

Chủ nghĩa dân tộc, hay chủ nghĩa quốc gia: Là lòng yêu nước được đẩy tới mức cực đoan, trở thành tâm lý sùng bái và tự hào thái quá về đất nước mình, và coi quốc gia là cộng đồng chính trị quan trọng nhất trong mọi loại tổ chức chính trị. Với ý nghĩa đó, nó đã mang hàm ý tiêu cực. Nếu đi tới mức coi đất nước mình là trung tâm của thế giới, ưu việt hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới, thì nó trở thành chủ nghĩa sô-vanh, kiêu ngạo, hung hãn và hiếu chiến.

Chủ nghĩa quốc gia là gì

Cuối cùng, cho dù là lòng yêu nước hay chủ nghĩa dân tộc, thì tình cảm gắn bó, trung thành với đất nước rất dễ bị các chính quyền lợi dụng để đoàn kết dân chúng vào những mục tiêu chung, nhiều khi chẳng tốt đẹp gì, ví dụ như tham gia chiến tranh, chém giết sinh mạng con người.

Bài viết này được trích từ cuốn “Chính trị bình dân” của tác giả Phạm Đoan Trang. 

Tài liệu tham khảo:

1. “Politics”, Andrew Heywood, 3rd edition, Palgrave Foundations, 2007.
2. “Governing: An Introduction to Political Science”, Austin Ranney, 8th edition, Prentice Hall, 2001

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm quốc gia
  • 2. Khái niệm chủ thể của luật quốc tế
  • 3. Các loại chủ thể của luật quốc tế
  • 4. Đặc điểm của chủ thể luật quốc tế
  • 5. Quốc gia là chủ thể cơ bản của luật quốc tế
  • 6. Quyền và nghĩa vụ của quốc gia với tư cách chủ thể luật quốc tế?

1. Khái niệm quốc gia

Quốc gia là một khái niệm địa lý và chính trị, trừu tượng về tinh thần, tình cảm và pháp lý, để chỉ về một lãnh thổ có chủ quyền, một chính quyền và những con người của các dân tộc có trên lãnh thổ đó; họ gắn bó với nhau bằng luật pháp, quyền lợi, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết qua quá trình lịch sử lập quốc, và những con người chấp nhận nền văn hóa cũng như lịch sử lập quốc đó cùng chịu sự chi phối của chính quyền, và, họ cùng nhau chia sẻ quá khứ cũng như hiện tại và cùng nhau xây dựng một tương lai chung trên vùng lãnh thổ có chủ quyền.

Quốc gia là chủ thể chính yếu nhất của luật pháp quốc tế. Tính đến hiện nay có khoảng 195 quốc gia trên thế giới. Định nghĩa quốc gia thường được thảo luận dưới tiêu đề “tư cách quốc gia” hay “sự hình hành quốc gia”. Thông thường các giáo trình khi đề cập đến định nghĩa về quốc gia thường bắt đầu bằng Công ước về Quyền và Nghĩa vụ của Quốc gia năm 1933 (gọi tắt là Công ước Montevideo). Công ước này không phải là một điều ước đa phương phổ quát, mà chỉ là một điều ước gồm thành viên là 16 quốc gia ở khu vực châu Mỹ. Mặc dù hạn chế về tính phổ quát, nhưng, cho đến hiện nay, Công ước Montevideo năm 1933 là văn bản pháp lý duy nhất trong luật pháp quốc tế đưa ra một định nghĩa quốc gia. Do đó, đây là điểm khởi đầu tốt để thảo luận về vấn đề này.

Điều 1 của Công ước quy định: Một quốc gia với tư cách là chủ thể của luật pháp quốc tế nên có các tiêu chí sau: a) dân cư thường trú; b) lãnh thổ xác định; c) chính quyền; và d) khả năng tham gia vào quan hệ với các quốc gia khác.”

2. Khái niệm chủ thể của luật quốc tế

Chủ thể của Luật Quốc tế là những thực thể đang tham gia hoặc có khả năng tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế một cách độc lập, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ quốc tế và khả năng gánh vác trách nhiệm pháp lý quốc tế từ những hành vi mà chính chủ thể thực hiện.

3. Các loại chủ thể của luật quốc tế

Hiện nay, trong quan hệ pháp Luật Quốc tế hiện đại thì chủ thể của Luật Quốc tế bao gồm:

– Các quốc gia, đây là chủ thể cơ bản và chủ yếu của Luật Quốc tế.

– Các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập, đây là chủ thể tiềm tàng của Luật Quốc tế.

– Các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đây là chủ thể phái sinh của Luật Quốc tế, được hìnhthành bởi sự hợp tác của các quốc gia trên nhiều lĩnh vực hướng đến lợi ích của các quốc gia và lợi ích chung của cộng đồng.

– Các chủ thể đặc biệt khác.

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, vai trò của các cá nhân, tập đoàn, công ty đa quốc gia, các hiệp hội phi chính phủ trong quan hệ quốc tế ngày càng tăng cho nên việc thừa nhận các chủ thể có sự tham gia vào một số quan hệ pháp luật quốc tế ở một số lĩnh vực nhất định, do đó có quan điểm cho rằng đây cũng là chủ thể của Luật Quốc tế.

4. Đặc điểm của chủ thể luật quốc tế

– Xét về vị trí, tính chất, vai trò chức năng và bản chất pháp lý… thì các chủ thể của Luật Quốc tế có sự khác nhau, tuy nhiên chúng bao giờ cũng có chung các đặc điểm cơ bản và đặc trưng sau:

+ Là thực thể đang tham gia hoặc có khả năng tham gia quan hệ pháp Luật Quốc tế.

+ Độc lập về ý chí, không chịu sự tác động của các chủ thể khác.

+ Được hưởng quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế.

+ Có khả năng gánh vác những trách nhiệm pháp lý quốc tế do những hành vi mà chủ thể đó gây ra.

+ Không có một chủ thể nào có quyền tài phán chủ thể của Luật Quốc tế.

5. Quốc gia là chủ thể cơ bản của luật quốc tế

Quan hệ pháp luật quốc tế là những quan hệ phát sinh tồn tại và phát triển chủ yếu giữa các quốc gia với nhau. Quốc gia là chủ thể đầu tiên, chủ thể trước hết xây dựng pháp luật quốc tế. Trong quá trình thi hành luật quốc tế, quốc gia cũng là chủ thể đầu tiên cho việc thi hành pháp luật quốc tế

Chủ thể của luật quốc tế hiện đại là những thực thể đang tham gia quan hệ pháp lí luật quốc tế một cách độc lập có đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp luật quốc tế đồng thời phải gánh chịu trách nhiệm pháp lí quốc tế một cách độc lập do chính hành vi vi phạm pháp luật quốc tế gây ra trên cơ sở các qui phạm pháp luật quốc tế.

Quốc gia là chủ thể chủ yếu cơ bản của luật quốc tế hiện đại bởi vì :

– Quốc gia cũng là chủ thể cơ bản của luật quốc tế bởi vì nếu không có quốc gia thì bản thân luật quốc tế không có cơ sở tồn tại và phát triển. Khi các quốc gia ra đời có mối quan hệ mật thiết với nhau và chịu sự điều chỉnh trong quan hệ quốc tế, quốc gia được coi là hạt nhân của toàn bộ hệ thống pháp luật quốc tế.

– Quốc gia là chủ thể đầu tiên, chủ thể trước hết xây dựng pháp luật quốc tế; quốc gia là chủ thể ban đầu của luật quốc tế bởi vì nó xuất hiện như một chủ thể đầu tiên của luật quốc tế. Trong quá trình thi hành luật quốc tế, quốc gia cũng là chủ thể đầu tiên cho việc thi hành pháp luật quốc tế.

– Quốc gia cũng là chủ thể cơ bản và chủ yếu trong việc thi hành áp dụng biện pháp cưỡng chế việc tuân thủ áp dụng pháp luật quốc tế.

– Quốc gia là chủ thể duy nhất có quyền tạo lập ra và khả năng tạo lập ra chủ thể mới luật quốc tế đó là các tổ chức liên chính phủ.

– Quốc gia là chủ thể cơ bản, chủ thể ban đầu luật quốc tế bởi vì quốc gia là một thực thể bao gồm 3 yếu tố cơ bản:

Lãnh thổ:

Là một trong những yếu tố cần thiết cho sự ra đời tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Lãnh thổ quốc gia là một phần của trái đất bao gồm vùng đất, vùng nước, vùng trời, dưới lòng đất, lãnh thổ của quốc gia phải được xác định rõ ràng bởi đường biên giới trên đất liền với các quốc gia lân cận hay vùng không thuộc quốc gia nào, quốc gia đó phải được xác định trên bản đồ địa lí hành chính thế giới với vị trí và địa danh rõ ràng, tuy nhiên giữa các quốc gia có thể có các vùng lãnh thổ tranh chấp, nhưng để đảm bảo yếu tố lãnh thổ xác định thì quốc gia đó phải có vùng lãnh thổ hoàn toàn được xác định rõ ràng thuộc chủ quyền của mình.

Dân cư:

Một quốc gia không thể tách rời yếu tố con người nghĩa là có dân cư ổn định trên lãnh thổ đó, đa phần dân cư phải là công dân nước sở tại, sinh sống ổn định lâu dài là những người có địa vị pháp lí có quyền và nghĩa vụ đối với quốc gia, quốc gia cũng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với công dân của mình, có lịch sử truyền thống văn hóa, nguồn gốc gắn liền với lãnh thổ mà họ đang sinh sống, gắn bó lâu dài với quốc gia sở tại.

Chính phủ:

Là yếu tố cần phải có để điều hành xã hội, có chủ quyền được nhân dân tín nhiệm có đầy đủ chủ quyền và quyền lực trong việc thực hiện các quan hệ đối nội, đối ngoại, nghĩa là có thực quyền điều hành quốc gia trong lập pháp, hành pháp và tư pháp quyết định vận mệnh chính trị của dân tộc, tự do lựa chọn hình thức, thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội cho đất nước mình, chính phủ đó phải nắm được quyền lực đối ngoại nghĩa là nắm quyền đại diện quốc gia tham gia vào các quan hệ quốc tế, có khả năng thiết lập quan hệ pháp luật quốc tế.

Như vậy, khi một quốc gia đáp ứng được các điều kiện về lãnh thổ, dân cư ổn định, quốc gia có chủ quyền, chính phủ có khả năng quan hệ pháp luật quốc tế thì kể từ thời điểm đó quốc gia trở thành chủ thể đương nhiên, chủ thể mới của luật quốc tế mà không phụ thuộc bất kỳ sự công nhận nào.

6. Quyền và nghĩa vụ của quốc gia với tư cách chủ thể luật quốc tế?

Quyền năng chủ thể Luật quốc tế của quốc gia có thể hiểu là các quyền tự nhiên của một quốc gia với vai trò là một chủ thể trong quan hệ pháp luật quốc tế. Quyền năng chủ thể luật quốc tế của quốc gia đã có ngay từ khi có tồn tại quốc gia với hội tụ đầy đủ những khả năng của nó mà không hề phụ thuộc vào sự công nhận của bất kỳ quốc gia nào khác. Quyền năng chủ thể Luật quốc tế của quốc gia là tổng thể những quyền và nghĩa vụ mà quốc gia có được khi tham gia vào quan hệ pháp lý quốc tế.

Cùng với xu hướng khu vực hóa đang gia tăng trong những thập niên gần đây, một số tổ chức quốc tế khu vực đã đạt được những thành tựu nhất định trong hợp tác về an ninh chính trị cũng như kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhưng để có thể trở thành trung tâm phối hợp hành động về các vấn đề quốc tế, phát huy được thế mạnh của các thiết chế này, các tổ chức quốc tế liên chính phủ toàn cầu cũng như khu vực cần được trao cho thẩm quyền lớn hơn. Những bước tiến dài của EU trong các lĩnh vực hợp tác khác nhau cũng có một phần xuất phát từ tính chất ‘siêu quốc gia’ mà các quốc gia thành viên đã trao cho Tổ chức này.

Dưới góc độ đó, quốc gia là chủ thể duy nhất có quyền năng đầy đủ khi tham gia quan hệ quốc tế, điều này thể hiện ở các quyền và nghĩa vụ quốc tế cơ bản sau:

– Quyền quốc tế cơ bản:

+ Quyền bình đẳng về chủ quyền và quyền lợi;

+ Quyền được tự vệ cá nhân hoặc tự vệ tập thể;

+ Quyền được tồn tại trong hòa bình và độc lập;

+ Quyền bất khả xâm phạm về lãnh thổ;

+ Quyền được tham gia vào việc xây dựng các quy phạm pháp luật quốc tế;

+ Quyền được trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế phổ biến.

– Nghĩa vụ quốc tế cơ bản:

+ Tôn trọng chủ quyền của các quốc gia;

+ Tôn trọng sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ của các quốc gia khác;

+ Không áp dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực;

+ Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;

+ Hợp tác hữu nghị với các quốc gia khác nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế;

+ Tôn trọng nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ quốc tế;

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)