Chương trình đánh giá chính sách công năm 2024

Chính sách công là quan điểm của Nhà nước về mục tiêu cần đạt tới và các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu. Các giải pháp chính sách của Nhà nước có thể được “luật hóa”, thông qua pháp luật để đi vào cuộc sống. Vì thế, hoạch định chính sách (HĐCS) công phải dựa trên những bằng chứng, căn cứ rõ ràng, với mục đích tạo ra những chính sách, pháp luật có chất lượng tốt, bảo vệ lợi ích chung và các giá trị dân chủ. Trong đó, đánh giá chính sách (ĐGCS) là một nội dung trọng tâm của việc HĐCS dựa trên bằng chứng.

Mặc dù đã quy định yêu cầu hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải xây dựng nội dung chính sách, và có báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL lại không quy định cụ thể các tiêu chí ĐGCS. Bài viết giới thiệu một số tiêu chí quan trọng, phổ biến trong thực hành phân tích và ĐGCS.

Chương trình đánh giá chính sách công năm 2024
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)

1. Đánh giá chính sách

Thomas R. Dye định nghĩa, chính sách công là bất cứ những điều gì mà Chính phủ lựa chọn làm hoặc không làm[1]. Vậy khi nào Chính phủ quyết định làm? Không làm được hiểu như thế nào, và điều đó tạo ra sự khác biệt gì? Do dự của các Chính phủ trong quyết định chính sách thường xuất phát từ những quan ngại, liệu phía sau các quyết định, mục tiêu của Nhà nước có đạt được hay không, đạt được với chi phí như thế nào, hay những thiệt hại gì có thể xảy ra? Hoạt động phân tích và ĐGCS sẽ giúp cho các nhà HĐCS tìm ra câu trả lời hợp lý nhất.

ĐGCS là việc thực hiện các hoạt động để nắm bắt thông tin về đối tượng của chính sách, dựa trên các tiêu chí nhất định. Có hai hình thức để thực hiện các ĐGCS là đánh giá trước và đánh giá sau. Thông thường, mỗi chính sách đều trải qua một chu trình gồm các giai đoạn chính như: lập nghị trình chính sách, hình thành chính sách, thực thi chính sách, và ĐGCS. Giai đoạn ĐGCS trong quy trình này có nhiều điểm tương đồng với hình thức đánh giá sau. Trong khi đó, đánh giá trước được thực hiện ngay trong giai đoạn xây dựng chính sách, trước khi ra quyết định thông qua chính sách và có nhiều điểm tương đồng, hay được xem như một phương pháp phân tích chính sách.

Trong đánh giá trước, chủ thể đề xuất chính sách cần đưa ra các phương án chính sách (PACS) cho những người ra quyết định lựa chọn. Chủ thể đánh giá trước sẽ xem xét các đề xuất PACS dựa trên các tiêu chí, phản ánh mức độ khả thi, tính hiệu lực, hiệu quả,.. của chính sách.

Trong giai đoạn đánh giá trước, quá trình thẩm định, đánh giá các PACS cần cho việc cung cấp các lý do lựa chọn chính sách. Kết quả của những ĐGCS là cơ sở cho nhà quản lý ra quyết định. Chất lượng của hoạt động đánh giá trước có ý nghĩa quan trọng đối với những người ra quyết định. Một hoạt động đánh giá có chất lượng được thể hiện ở mức độ phân tích kỹ, phạm vi bao phủ rộng các vấn đề liên quan, cung cấp nhiều dữ liệu, thông tin đáng tin cậy cho việc ra quyết định. Để đạt được kết quả đánh giá tốt, các nhà HĐCS có thể tiến hành đánh giá nhiều lần ngay trong giai đoạn đánh giá trước đối với chính sách.

Chủ thể đề xuất chính sách cần phải xây dựng các kịch bản, đề xuất các PACS. Việc đánh giá các PACS đem lại tác dụng thực tế hữu ích trên các phương diện:

- Tăng mức độ khả thi của chính sách, do có sự tính toán trước các nguồn lực.

- Đạt được mục tiêu với chi phí thấp nhất. Điều này là kết quả lựa chọn chính sách tốt nhất trong số các chính sách được đề xuất.

- Quá trình lựa chọn chính sách trên cơ sở của những thông tin từ việc đánh giá PACS tạo ra cách ứng xử duy lý, dựa trên những chứng cứ xác đáng, hướng tới sự công bằng và thuyết phục đối với các nhà đề xuất chính sách và công chúng.

- Những người ra quyết định có thể có được thông tin đầy đủ từ sự phản biện đa chiều của công chúng để quyết định đưa ra chính sách có lợi nhất cho cộng đồng.

- Các thông tin từ ĐGCS giúp nâng cao chất lượng, giảm thiểu rủi ro về mặt chính sách cho các đối tượng áp dụng.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với hành động và kết quả của chính sách, hạn chế lạm quyền, tùy tiện trong việc ban hành chính sách.

Bên cạnh đó, hoạt động ĐGCS cũng có những hạn chế cần phải lường trước. Điều này thể hiện ở chỗ, ngay cả khi thường xuyên áp dụng đánh giá PACS, quá trình này cũng không hoàn toàn thuận lợi khi người ra quyết định không đồng thời có chuyên môn sâu ở mọi lĩnh vực. Mặt khác, cả người đề xuất PACS và người phản đối chính sách đều có thể ứng xử không khách quan trong việc cung cấp thông tin. Các nhóm thường có xu hướng tìm kiếm và chứng minh cho quan điểm mà họ nắm giữ. Những người ủng hộ chính sách cũng có xu hướng ủng hộ bất kỳ dữ liệu nào mà họ có trong tay để hỗ trợ cho các luận điểm của mình, bất kể điểm mạnh hay điểm yếu về phương pháp luận của nghiên cứu mà tạo ra dữ liệu đó[2]. Điều đó tạo ra khó khăn cho quá trình sử dụng kết quả đánh giá để ra quyết định. Bên cạnh đó, tính khách quan của kết quả đánh giá còn phụ thuộc vào chủ thể đánh giá chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức, tiêu chí đánh giá. Ngay trong các đánh giá sử dụng giá trị số liệu vẫn có chỗ cho sự chủ quan, con người có thể tự ý đưa vào những số liệu làm sai lệch kết quả đánh giá. Do đó, cần phải xây dựng những tiêu chí đánh giá có chất lượng mới có được kết quả có giá trị thực sự cho quá trình ra quyết định.

2. Các tiêu chí đánh giá chính sách công

Tính khoa học và mức độ khách quan của kết quả ĐGCS phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là các tiêu chí được lựa chọn để đánh giá. Tiêu chí ĐGCS có ý nghĩa như bộ lọc thông tin, tạo ra những phán đoán giá trị cho mục tiêu đánh giá. Tùy thuộc vào đối tượng, mục tiêu, chủ thể đánh giá, chính sách có thể xây dựng, lựa chọn và sử dụng các tiêu chí khác nhau.

Các tiêu chí ĐGCS có tác dụng đo lường những giá trị, khả năng mà một chính sách hay chương trình có thể đem lại trong tương lai. Đối với chính sách công, các tiêu chí đo lường phải phản ánh được giá trị mà mục tiêu công theo đuổi. Việc sử dụng các tiêu chí đánh giá công khai cho phép thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng, giữ cho việc phân tích chính sách được khách quan và trọng tâm. Căn cứ vào mỗi PACS, với các tiêu chí rõ ràng, người sử dụng chính sách hoàn toàn có thể xếp hạng các lựa chọn thay thế theo thứ tự ưu tiên. Tính hợp lý của các tiêu chí được lựa chọn để đánh giá phụ thuộc vào tính chất, nội dung của những vấn đề cụ thể mà chúng cần giải quyết.

Việc xây dựng tiêu chí ĐGCS công cần phải đáp ứng yêu cầu vừa là thước đo cụ thể của vấn đề chính sách được đề cập, vừa phản ánh được lợi ích của đa số thành viên xã hội và được họ chấp nhận. Các tiêu chí đánh giá phương án chính sách phải đáp ứng được yêu cầu về:

- Mức độ thỏa đáng: Chỉ tiêu đánh giá phải đo lường được sự việc cần đo lường;

- Độ tin cậy: Chỉ tiêu đánh giá có khả năng tạo ra sự chính xác trong đo lường;

- Có thể hiểu được: Chỉ tiêu đánh giá cần rõ ràng, không phát sinh hiểu lầm;

- Kịp thời: Thời điểm xác định giá trị tính toán của chỉ tiêu đánh giá hợp lý;

- Phù hợp với mục đích: Chỉ tiêu đánh giá phải phản ánh mục đích hoặc thành quả của việc thực hiện chính sách một cách phù hợp;

- Mức độ ảnh hưởng của chính sách: Độ lớn của mức độ ảnh hưởng của chính sách đối với sự việc mà chỉ tiêu đánh giá đo lường;

- Khả năng đo lường: Sự bảo đảm về kỹ thuật đo lường các dữ liệu của chỉ tiêu đánh giá;

- Khả năng thao tác: Khả năng mà người đánh giá có thể thao tác giá trị đo lường của tiêu chí đánh giá;

- Độ bao quát: Không để sót mặt trọng yếu nào của biện pháp chính sách và được bao quát bởi các tiêu chí đánh giá;

- Không trùng lắp, thừa các chỉ tiêu đánh giá, các chỉ tiêu đo lường các mặt khác nhau;

- Chi phí dùng để thu thập dữ liệu: Độ lớn của tổng chi phí dùng để thu thập dữ liệu của nhóm chỉ tiêu đánh giá;

- Sức chống chọi với những hành động phản kháng: Khó dẫn đến những hành động phản đối ý đồ của đánh giá.

Trên thực tế, chính sách công nhằm mục đích giải quyết các vấn đề cụ thể trong cái tổng thể, có mối liên hệ với nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Vì thế, mục tiêu và các thước đo của những mục tiêu chính sách công rất đa dạng. Gắn với mục tiêu công có thể liệt kê ra nhiều tiêu chí như: tính hiệu lực, tính hiệu quả, tính khả thi (về kinh tế, về chính trị, về hành chính), tính công bằng, tính hiệu suất, tính hợp hiến, tính thống nhất, tính tính minh bạch, tính thuận lợi, tính dân chủ,... Tùy thuộc vào từng chính sách và việc xác định mục tiêu chính sách, cần phải xác định đúng tiêu chí cần thiết để đánh giá. Mặt khác, trong các tiêu chí cũng cần xác định tiêu chí chính và các yếu tố thuộc về chỉ tiêu phục vụ cho tiêu chí chính. Về phương pháp, có thể liệt kê ra các tiêu chí, sau đó xác định mục tiêu chính và các mục tiêu bộ phận (chỉ tiêu) để xác định được tiêu chí cơ bản và các chỉ tiêu đánh giá. Cũng có thể gom các tiêu chí (chỉ tiêu) phục vụ cho mục tiêu chính sách công theo đuổi vào một tiêu chí mang tính khái quát. Ví dụ tại Nhật Bản, để ĐGCS công, ba tiêu chí là tính hiệu lực, tính hiệu quả và tính kinh tế (còn gọi là 3E: Efficiency, Effectivness và Economy) thường được sử dụng, trong khi tại Mỹ và một số nước khác chú trọng cả 3E và tính công bằng (Equality). Dưới đây là những tiêu chí tiêu biểu trong ĐGCS công:

Tính hiệu lực

Hiệu lực của chính sách công là khái niệm phản ánh tác dụng đích thực của một chính sách. Tính hiệu lực của chính sách được đo lường bằng mức độ mà hiệu quả của hoạt động đạt được mức mục tiêu. Các yếu tố phản ánh tiêu chí hiệu lực của chính sách là mức độ đáp ứng các nguồn lực, kỹ thuật, phương tiện để triển khai được chính sách và nhận được sự đồng thuận, chấp hành của đối tượng thực hiện chính sách. Trong tiêu chí này, cần chú ý các chỉ tiêu như lợi ích của các bên liên quan, sự tương thích của nội dung chính sách, đảm bảo tính răn đe, buộc đối tượng tuân thủ, chấp hành và mức độ đạt được mục tiêu của chính sách. Kết quả đánh giá tính hiệu lực của chính sách cho biết chính sách có thể được thực hiện trên thực tế hay không.

Vì vậy, "efficiency" mô tả tính hiệu lực của chính sách là khả năng có thể vận hành của chính sách được đánh giá thông qua tính toán về chi phí - lợi ích, khả năng ngân sách, nguồn lực và các điều kiện khác. Trong đó, yếu tố nguồn lực mới chỉ là điều kiện cần để một chính sách được triển khai. Tính hiệu lực của chính sách đòi hỏi phải có sự tuân thủ, chấp hành đầy đủ các quy định thuộc về chính sách. Do đó, điều kiện cần và đủ để đo lường tính hiệu lực của một chính sách là những điều kiện kỹ thuật, nguồn lực, quy trình và đặc biệt là đảm bảo sự chấp hành chính sách của các đối tượng áp dụng để đạt được mục tiêu chính sách đề ra. Điều đó có nghĩa, nội dung chính sách phải cho phép dự báo được khả năng tuân thủ thực hiện của các đối tượng áp dụng. Để đánh giá một chính sách có thực sự đi vào cuộc sống hay không sau khi nó được ban hành, đòi hỏi người đánh giá phải dựa vào các yếu tố có giá trị phản ánh tính hiệu lực của chính sách. Các yếu tố cần đánh giá là:

- Mức độ đảm bảo các nguồn lực tài chính, nhân sự;

- Mức độ đáp ứng về phương tiện kỹ thuật, công nghệ cần thiết cho việc thực hiện chính sách;

- Tính toán về chi phí và lợi ích, khẳng định lợi ích có thể vượt qua các chi phí;

Tính hiệu lực của PACS có tác động trực tiếp đến những người ra quyết định. Bất kỳ PACS nào có dấu hiệu không có tính hiệu lực, phát huy tác dụng trong tương lai, đều cần thiết phải dừng lại để xem xét, bổ sung các điều kiện hoặc chấm dứt ban hành chính sách;

- Khả năng giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo chính sách;

- Rào cản chính sách và khả năng vượt qua;

- Mức độ đạt được mục tiêu chính sách.

Mặc dù tính hiệu lực của chính sách phản ánh phần nào tính khả thi, nhưng vẫn có một số tài liệu đã tách tính khả thi để nghiên cứu riêng.

Tính khả thi

Tính khả thi của chính sách được phản ánh ở khả năng thực hiện trên thực tế của một chính sách. Để đánh giá tính khả thi của chính sách, cần phải dựa vào các chỉ tiêu cụ thể như: mức độ khả thi chính trị, khả thi kinh tế, hành chính và khả thi về xã hội.

Đánh giá tính khả thi về chính trị đòi hỏi quá trình đánh giá phải dự báo được mức độ ủng hộ của những nhà ra quyết định về một đề xuất chính sách. Về kinh tế, cần đánh giá đầy đủ khả năng ngân sách, nguồn lực con người để triển khai chính sách và những đảm bảo về lợi ích vượt qua chi phí. Đánh giá tính khả thi về xã hội được đo lường, dự báo về mức độ công chúng chấp nhận, ủng hộ đề xuất chính sách. Tiêu chí này cần khai thác sâu về các chỉ tiêu tác động đến môi trường tự nhiên, xã hội (dân trí, tôn giáo, văn hóa, mức độ dân chủ), mở rộng sự tham gia, tính minh bạch, văn bản dễ hiểu, dễ áp dụng,... Ngoài ra, cần phải đánh giá mức độ thống nhất với các chính sách đã ban hành, phù hợp với chính sách do cơ quan có thẩm quyền cấp trên và những các cam kết quốc tế.

Tính hiệu quả (Effectivness)

Trong các chính sách của Nhà nước, phần lớn chính sách đều sử dụng ngân sách, chi tiêu bằng tiền công, chính vì vậy, xem xét tính hiệu quả của chính sách là xem xét điều mà khách hàng (Nhà nước) có được khi họ bỏ tiền ra (mua, đầu tư, trợ cấp,...) là cần thiết.

Tính hiệu quả của chính sách công là độ lớn của kết quả thu được từ việc sử dụng nguồn lực cố định. Nói cách khác, tính hiệu quả của chính sách được khẳng định khi một PACS có khả năng làm cho các nguồn lực phát huy hiệu suất lớn nhất, trong sự so sánh với các PACS khác.

Đối với một chính sách đã hoặc đang được triển khai thì tính hiệu quả thường được xem xét là, liệu chương trình này đã đạt được các kết quả hay tác động chính sách kỳ vọng hay chưa. Điều đó được dựa vào các số liệu thực tế đã có (thu được từ kết quả thực thi) để so sánh. Nhưng, tính hiệu quả trong đánh giá PACS (đánh giá trước), trước xây dựng pháp luật không như vậy. Tiêu chí hiệu quả của PACS phải được biểu hiện bằng khả năng đạt được các mục tiêu và mục đích chính sách. Sức thuyết phục về tính hiệu quả của một PACS được chứng minh về khả năng đạt được mục tiêu với hiệu suất công việc cao.

Khi đứng trước nhiều PACS, cần phải so sánh lợi ích và chi phí giữa các phương án, cân nhắc để chọn cách giải quyết đạt được kết quả cao mà phí tổn là thấp nhất. Trong thực tế, một chính sách có hiệu quả thực sự khi người ta đã chọn đúng việc để làm và chọn đúng cách làm để tăng hiệu suất.

Các yếu tố cần đo lường để đánh giá tính hiệu quả bao gồm:

- Số lượng các nguồn lực đầu vào (lượng đầu vào);

- Độ dài thời gian cần hoàn thành;

- Số lượng công việc cần phải làm;

- Tính cần thiết của các công việc này (hạn chế tối đa động tác thừa);

- Những chi phí cho các hoạt động phải làm;

- Lượng hiệu quả: Số lượng công việc được hoàn thành trong thời gian và chi phí nào;

- Tính năng suất: Hiệu suất làm việc (mức độ tập trung đạt được chất lượng công việc);

- Xác định các mục tiêu của chính sách và so sánh.

Đánh giá tính hiệu quả của các PACS được đo lường thông qua việc cố gắng ước lượng khả năng đạt được mà những mục tiêu và mục đích đề ra. Nói cách khác, tính hiệu quả của PACS có thể được xem xét thông qua những đánh giá về sự thiết thực của mục tiêu và khả năng có thể làm cho các nguồn lực phát huy hiệu suất lớn nhất để đạt được mục tiêu. Như vậy, khi đánh giá, mỗi PACS đều đem đến một cách thức để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, một phương án tốt, được đánh giá là có hiệu quả thì phải có bằng chứng, chứng minh được những công việc cần thiết cho chính sách sẽ đảm bảo chất lượng và hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.

Trong đánh giá các PACS, việc xác định tính hiệu quả cũng có những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, việc đo lường hiệu quả cho một chính sách trong tương lai có thể trở nên lỗi thời với thời điểm hiện tại đang đánh giá, ngay cả khi đưa vào những dữ kiện dự báo ở tương lai thì độ chắc chắn vẫn không cao. Mặt khác, các chính sách công thường gắn với nhiều mục tiêu, mục đích khác nhau, có thể thành công trong một số mục tiêu này nhưng lại thất bại trong một số mục tiêu, mục đích khác. Một số mục tiêu chỉ có thể đạt được khi có đủ độ dài về thời gian cần thiết, điều này có thể làm sai lệch các đánh giá mục tiêu ngắn hạn. Vấn đề nữa là, làm thế nào để xử lý đúng đắn các yếu tố thuộc về môi trường chính trị, khi mà các ý kiến của các chính trị gia thường có xu hướng nhấn mạnh những yếu kém của các chương trình hiện tại và nâng cao điểm mạnh của những chương trình dự kiến thay thế dựa vào ý chí chủ quan hơn là các bằng chứng về tính hiệu quả của chính sách.

Tính kinh tế (Economy)

Trong HĐCS, xây dựng pháp luật, cùng với tính hiệu quả, tính kinh tế của chính sách cũng là kỳ vọng của Nhà nước. Tính kinh tế không đồng nhất với tính hiệu quả của chính sách. Về nội hàm, tính kinh tế của một chính sách phản ánh thông qua việc đo lường về mức độ tiết kiệm được các nguồn lực cho triển khai một chính sách cụ thể. Tuy nhiên, tính hiệu quả lại được thể hiện ở năng suất lao động (hoạt động triển khai chính sách của cán bộ, công chức thực thi chính sách). Trong xây dựng pháp luật, đánh giá tính kinh tế của chính sách nghĩa là xác định được liệu có phương án nào để mục tiêu chính sách đạt được với chi phí thấp nhất. Điều kiện đánh giá tính kinh tế trong một PACS là mục tiêu có thể đạt được khi: (i) chi phí thấp nhất với lợi ích cố định hoặc (ii) lợi ích lớn nhất với chi phí cố định.

Yêu cầu khi xác định tính kinh tế của PACS là phải tiên liệu được các yếu tố tương lai để tính toán xem liệu có thể thực hiện các hoạt động với chi phí thấp hơn không. Điều này đòi hỏi phải giả định tình huống để so sánh các hoạt động cùng loại, tìm ra phương án chi phí thấp nhất. Nói cách khác, một PACS chứng minh được khả năng đạt được mục tiêu khi có được các yếu tố đầu vào với giá rẻ nhất là một chính sách tốt, đạt được tính kinh tế.

Để đánh giá tính kinh tế của chính sách, chỉ yếu tố đạt được mục tiêu là chưa đủ. Điều đó cũng có nghĩa, tính hiệu quả không đồng nghĩa với mục tiêu đạt được bằng mọi giá, mà phải với điều kiện chi phí thấp nhất.

Tiêu chí kinh tế đặt ra đối với chính sách công sẽ khuyến khích các chủ thể đề xuất chính sách suy nghĩ về những chi phí và lợi ích, đưa ra những đề xuất mang tính cạnh tranh trong giải pháp về khả năng tiết kiệm nhất các nguồn lực đầu vào của chính sách. Biểu hiện của tính kinh tế trong chính sách công còn là việc tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, xã hội trong điều kiện không điều chỉnh tăng nguồn lực đầu vào. Vì vậy, cần ủng hộ sự can thiệp chính sách khi lợi ích của chính sách vượt qua các chi phí. Trường hợp ngược lại, khi chi phí lớn hơn so với lợi ích thì việc sử dụng phương án thay thế khác về lao động, vốn và các nguyên vật liệu đã được dự tính trước cho thấy là sẽ tước đi những giá trị của xã hội[3].

Việc áp dụng tiêu chí kinh tế trong đánh giá lựa chọn PACS cũng có một số khó khăn. Điều đó đòi hỏi các nhà HĐCS, xây dựng pháp luật cần quan tâm, như:

- Việc tính toán những lợi ích và phí tổn cho các hoạt động vì lợi ích có thể xác định được trong các vấn đề kinh tế nhưng khó xác định ở chính sách thúc đẩy phúc lợi xã hội, chính sách về y tế, bảo vệ môi trường, trật tự an ninh, đặc biệt khi những chi phí rất lớn. Chẳng hạn, cần phải tính toán thế nào với những lợi ích của cuộc chiến chống khủng bố so với những phí tổn quân sự và so với những cái chết hay thương tật của người dân vô tội.

- Có sự thiếu thống nhất trong quan điểm về sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ chi phí cũng như quyền được hưởng lợi ích. Những người ủng hộ yêu cầu xác định tính kinh tế trong PACS giả định rằng lợi ích và chi phí được phân phối công bằng (ở một mức độ nào đó) trong dân cư. Tuy nhiên, nhiều chính sách đã đến với những nhóm đối tượng cụ thể (trợ cấp nông nghiệp, trợ cấp cho sinh viên), trong khi ngân sách để chi cho các chính sách này lại đến từ thuế mà tất cả những người trả thuế phải gánh chịu. Do đó, làm thế nào để đánh giá đầy đủ về sự phân bổ các khoản lợi ích và chi phí, nhằm tìm kiếm giải pháp hợp lý là không đơn giản.

Tính công bằng (Equality)

Không giống như chính sách của khu vực tư, chính sách công là công cụ thực thi mục tiêu chung của Nhà nước và xã hội. Nhiệm vụ của chính sách công biểu hiện ở tính trách nhiệm chung đối với cộng đồng xã hội. Ngoài tính hiệu lực, hiệu quả, kinh tế, chính sách công được lựa chọn phải thỏa mãn lợi ích của đa số người dân thuộc các tầng lớp, giai cấp khác nhau trong xã hội. Chính sách của Nhà nước nếu đảm bảo sự công bằng sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao, tạo động lực cho xã hội phát triển. Tính công bằng vì thế là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc khi xem xét khả năng tồn tại và giá trị của một chính sách công.

Hình thức biểu hiện của tính công bằng là tạo ra những tác động không thiên vị cho các đối tượng trong xã hội cả về quyền lợi và nghĩa vụ. Trong PACS phải cân nhắc: chủ thể nhận được những lợi ích của hành động chính sách là ai, ai không nhận được, ai là người chi trả những chi phí cho chính sách. Từ đó xác định sự hợp lý của hình thức phân phối, gắn với mục tiêu của chính sách.

Tiêu chí công bằng trong chính sách là đòi hỏi không thể thiếu đối với hoạt động quản lý công. Tuy nhiên, đánh giá tính công bằng trong các PACS cũng có những khó khăn. Thực tế, còn tồn tại mâu thuẫn trong việc việc xác định tính công bằng trong chính sách công. Quan niệm về công bằng trong chính sách công hiện nay được hiểu theo hai cách, công bằng về quy trình và công bằng theo kết quả cuối cùng. Công bằng theo quy trình chấp nhận có sự khác biệt về việc nhận được những lợi ích do đặc tính cá nhân của mỗi người đem lại. Công bằng theo kết quả cuối cùng lại coi những điều tốt đẹp của xã hội như tài sản, thu nhập hay quyền lực chính trị phải được phân phối công bằng đến mọi người. Công bằng theo kết quả coi việc đạt được những điều tốt đẹp trong xã hội không đơn thuần đến từ các đặc điểm cá nhân về tài năng, sự cầu tiến hay đạo đức làm việc. Bên cạnh đó, còn có khó khăn mang tính kỹ thuật như việc tìm ra những cách thức xác định, kỹ thuật đo lường tính công bằng cho các quan hệ xã hội vốn rất phức tạp.

Là công cụ của nhà quản lý công, được sử dụng vì mục tiêu công, chính sách cần thỏa mãn lợi ích của nhiều tầng lớp, giai cấp, đối tượng khác nhau trong xã hội. Vì vậy, việc xây dựng tiêu chí ĐGCS công cần phải đáp ứng yêu cầu vừa là thước đo cụ thể của vấn đề chính sách được đề cập, vừa phản ánh được lợi ích của đa số thành viên xã hội và được họ chấp nhận.

Những tiêu chí ĐGCS trên không phản ánh đầy đủ các tiêu chí cần thiết cho mọi chính sách công. Tuy nhiên, các tiêu chí này có tính tiêu biểu và hội tụ nhiều chỉ tiêu mà mục tiêu công cần đạt được. Có thể tìm thấy trong tính khả thi của chính sách những tiêu chí khác (còn gọi là chỉ tiêu) bằng việc xác định mức độ phù hợp của chính sách với điều kiện thực tế của xã hội, hay chỉ tiêu thống nhất của chính sách,... Vì vậy, trong ĐGCS công, việc vận dụng các tiêu chí trên đây là không thể thiếu được, đồng thời cho phép các nhà phân tích không xa dời mục tiêu, khai thác sâu, rộng các chỉ tiêu cần thiết để có được những kết quả xác đáng. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14/5/2016 với Phụ lục V (mẫu 1) kèm theo, đã xác định quy trình đánh giá tác động chính sách với 5 bước, trong đó đánh giá tác động của các giải pháp (chính sách) đối với các đối tượng chịu tác động từ chính sách được đặt ra sau khi xác định vấn đề bất cập, xác định mục tiêu và các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề. Để có chính sách công chất lượng, quá trình đánh giá tác động pháp luật, bên cạnh tính tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình, cần phải coi trọng yếu tố nội dung của chính sách, được đo lường thông qua đánh giá những tác động tiêu cực, tích cực dựa trên các tiêu chí xác đáng./.

[1] Michael Howlett & M. Ramesh, Nghiên cứu chính sách công: Chu kỳ chính sách và tiểu hệ thống chính sách, Toronto - New York - Oxford, 1995.

[2] Michaek E. Craft; Scott R. Furlong, Đánh giá các lựa chọn chính sách, Tài liệu dịch, dùng trong Chương trình giảng dạy Kinh tế Fuibright.

[3] Carl V. Patton, David S. Sawicki, "Basic Methods of Policy Analysic and Planning" (1993), Nxb. Prentice Hall, (nguồn:http//books.google.com.vn/books/about/Basic- Methods-.. ) và Weimer and Vining (1999) (nguồn: http://www.ipmn.net/…/14- inefficiency-in-public-organizations/).