Có nên yêu khi còn ngồi trên ghế nhà trường

TÌNH YÊU Ở TUỔI HỌC TRÒ NÊN HAY KHÔNG NÊN?

Viết tặng Dị Văn.

Xinđượclấyđềbàilàmmởbàiluôncho đỡ tốn thời gian và đi ngay vào vấn đề luôn khỏi vòng vèo. Tôi còn nhớ lời cô nói, bất cứ vấn đề gì nếu trả lời được ngay thì cũng chỉ là lời đáp suông, chẳng có giá trị gì sất. Nên chuyện nghị luận ở đây xin được mở thêm một đống nghi vấn để được cùng bạn đọc thảo luận cởi mở.

Hẵng khoan bàn về tình yêu. Trước cần nói về nên hay không nên, cần vứt ngay câu hỏi này. Chuyện nên hay không thì một bài tập làm văn ngắn nào có cái quyền để làm thẩm phán. Muốn kết luận một điều gì cần phải có chứng cứ cụ thể không chỉ về mặt định tính mà còn về mặt định lượng. Để có được số liệu cho thấy việc này là nên và việc này là không nên, chúng ta có những kết quả nghiên cứu, khảo sát đáng tin cậy. Và cả khi có kết luận, quyền quyết định nên hay không vẫn nằm trong tay mỗi cá nhân, là tự do mỗi cá nhân.

Tình yêu ở tuổi học trò, hiểu hẹp, là tình yêu của những đứa học trò. Nhìn vào tuổi học trò, ta đã thấy ngay một sự kì thị không hề nhẹ ở đây. Có bao giờ bạn nghe ai nói, tình yêu không phân biệt giới tính, tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo hay chưa? Cho nên, có thể dẹp đi cái giới hạn tuổi học trò ở đây. Vậy thì chỉ còn lại tình yêu ở đây đáng giá để đem ra bàn luận. Tình yêu thì có tội tình gì mà người khác lại cấm cản? Từ cổ chí kim, không thiếu những điển hình đấu tranh cho tình yêu khiến biết bao người ngưỡng mộ hay tiếc thương. Người ta nói mãi, viết mãi, ca ngợi tình yêu mãi, rồi cũng cứ đâm đầu yêu đó thôi. Cho nên, vấn đề nêu ra ở đầu bài có thể kết thúc ở đây được rồi.

Thành thật mà nói, vấn đề được đưa ra xuất phát từ việc người lớn lo sợ con em vì yêu mà lơ là chuyện học hành. Cứ nghĩ đến cảnh con em mình cứ hẹn hò với gấu đi chơi suốt, bài vở thì bỏ bê chẳng ngó ngàng, thì sao các bậc phụ huynh không lo cho được cơ chứ! Nhưng thử nghĩ theo một góc độ khác, con với cái suốt ngày chỉ biết học với học, và học trở thành một nghề. Các phụ huynh có vui được không?

Có ai còn băn khoăn chuyện yêu đương thời học trò là nên hay không? Hãy thử nhớ về những kỉ niệm thời đi học của mình xem, nó đẹp chứ? Bạn có thấy tình yêu lúc đây trong sáng và tinh khiết không? Nói thật, bây giờ không còn được ngồi trên ghế nhà trường nữa, tôi lại tiếc nuối vì sao ngày xưa không nhận lời yêu đương quách cho rồi. Bỏ lỡ biết bao là trải nghiệm thú vị, cảm hứng của biết bao con chữ lời văn, tiếc lắm thay! Nghe có vẻ vụ lợi và thực dụng đấy, nhưng sự thật thì càng lớn con người càng bớt đi cái nét trong sáng và vẻ tinh khiết hồn nhiên hồi nhỏ. Ai rồi cũng thế, cho nên tôi mới thấy tiếc và thòm thèm cái tình yêu tuổi học trò.

Con người là hỗn hợp giữa cảm xúc và lý trí. Đa phần người ta dùng cảm xúc để yêu hơn là lý trí. Gởi trao tình cảm càng nhiều, đến khi tan vỡ thì mới thấu cái nỗi khổ đau nát vụn từng mảnh tim. Ở tuổi học trò, chúng ta thường ít để lý trí lên tiếng mà hay bốc đồng làm theo tiếng gọi con tim. Đó cũng là một trong những lý do mà phụ huynh lo lắng khi con cái biết yêu đương trai gái, đặc biệt là ở cái tuổi lo ăn lo học chưa nếm chán mùi đời. Họ muốn bảo vệ con cái được sống vui cười hạnh phúc.

Thế nhưng, mục đích bảo vệ con em là tốt, phương thức thực hiện lại không mấy tốt cho lắm. Nhiều người cấm cản không cho các em yêu đương, mà quên rằng ở lứa tuổi phản nghịch, càng cấm các em càng làm tới bến. Khổ cha, khổ mẹ, khổ thầy cô, và khổ cả tấm thân mỏng manh đang tuổi lớn khôn. Không quản được thì cấm, điều này thể hiện sự bất lực của người quản lý. Lẽ ra người lớn muốn tốt cho trẻ nhỏ, thì nên có những hướng dẫn cụ thể và khéo léo trong khuyên dạy, các em đã không càng đi càng lệch đường.

Tôi nhớ hồi học đại học, thầy tôi có bảo biến số tình yêu có tác động tích cực với hàm số học tập. Khi yêu, người ta sẽ cố gắng để bản thân trở nên thật tốt, thật hoàn hảo trong mắt người mình yêu. Có dạo tôi yêu thầm người nào đấy, nên cố hết sức học thật tốt, dù trước đó tôi đã chán nán trước cái sự học nhồi nhét kinh khủng. Học kì ấy điểm cao lắm, vì lúc ấy tôi đang yêu mà.

Mạng xã hội đang rất phổ biến với giới trẻ hiện nay, việc cấm cản các em yêu đương cũng chẳng ích lợi gì. Đó là chưa kể thị trường tràn lan các ấn phẩm ngôn tình, internet ngập chìm trong những câu truyện tình yêu học trò nhỏ, học trò to. Đã đến lúc những người nhớn (lớn) tỉnh giấc đi thôi, cấm cản chẳng có tác dụng gì đâu. Thôi thì hãy biết chấp nhận và tìm cách sống chung với lũ.

Còn nhà trường, cũng chẳng có quyền gì cấm các em yêu đương cả. Vì chẳng phải chính tại nhà trường, các em mới quen nhau và yêu nhau đó sao? Vì chẳng phải vì nhà trường nhồi nhét nhiều kiến thức quá mà các em đâm ra sợ học đành tìm niềm vui khác đó sao? Người xưa có câu tiên trách kỷ hậu trách nhân đó. Người nhớn (lớn) hãy biết cách học trước khi muốn các em học.

Tổng kết lại, tôi không cho rằng chuyện yêu đương ở tuổi học trò là nên hay là không nên. Tình yêu chân chính thì không có tội gì hết, và chẳng có ai được quyền cấm cản. Thay vì vậy, hãy hướng dẫn cho các em biết thế nào là tình yêu, làm sao để tự bảo vệ bản thân. Mặt khác, nhà trường và phụ huynh cũng cần xem lại chính bản thân trước khi đánh giá bất cứ hành động gì của các em học sinh. Vì các em còn ngây thơ và đáng yêu lắm!

(Ý viết triển khai chưa hết, lâu quá không viết kiểu này. Có điều chi thiếu sót mong được góp ý.)

28/09/2016