Cụ phó bảng nguyễn sinh sắc – cha của bác hồ còn có tên gọi là gì?

Cụ phó bảng nguyễn sinh sắc – cha của bác hồ còn có tên gọi là gì?
Sự nghiệp giáo dục luôn là xương sống của mỗi quốc gia, dân tộc, đồng thời còn là động lực cho sự thịnh vượng của thế giới. Xét ở phương diện chi tiết, nền tảng giáo dục của gia đình mà trong đó tư tưởng và tấm gương về nhân cách, đạo đức của người cha, người mẹ có ảnh hưởng và tác động trực tiếp trong việc hình thành nhân cách của người con. Vì thế, T.Thore nói: “Người cha chính là người thầy đầu tiên của đứa trẻ”. Chân lý này mang tính thời đại sâu sắc. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một người cha – người thầy vĩ đại như thế. Cụ chính là người thầy giáo đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nền tảng giáo dục bi mẫn và trí tuệ mà cụ Nguyễn Sinh Sắc dành cho con của mình đã góp phần vô cùng quan trọng trong việc định hình nên nhân cách, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm nên một nhà văn hóa, một anh hùng yêu nước xuất sắc của dân tộc Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, một bậc vĩ nhân được ghi tên trong sử sách của thế giới.

TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CON CỦA CỤ NGUYỄN SINH SẮC

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức vào thời kỳ thực dân Pháp bắt đầu xâm lược và đặt ách thống trị lên nước ta, nhờ bản tính thông minh, sâu sắc, Nguyễn Sinh Sắc luôn suy nghĩ về những điều diễn ra trong xã hội lúc bấy giờ: “nỗi đau của dân tộc” và “nỗi nhục mất nước”. Tấm lòng yêu quê hương đất nước, thương đồng bào dân tộc, đau đáu với cảnh nước mất, nhà tan đã định hình trong cụ những tư tưởng nhạy bén về chính trị, văn hóa, xã hội. Tư tưởng “muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp” đã là nền tảng tư tưởng xuyên suốt của cụ trong suốt chiều dài lịch sử bản thân cũng như là giáo dục những người con của mình.

Có thể nói, từ khi còn là một thanh niên đến khi lập gia đình với bà Hoàng Thị Loan và trở thành người đàn ông trưởng thành gánh vác trọng trách của một bậc Nho sỹ với gia đình và xã hội, dù khi bần hàn hay đỗ đạt, vinh quy bái tổ, cụ luôn kiên trung với tư tưởng “thi đỗ cũng không nên làm quan, vì làm quan là áp bức, cướp bóc của dân”1. Tư tưởng đó được minh chứng qua bao phen sóng gió, khi cuộc sống của cụ và gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn, túng kiệt nhưng cụ Sắc vẫn giữ cho mình và gia đình một nhân cách sống trong sáng, liêm khiết, trầm tĩnh. Sức mạnh nội tâm và tư tưởng mạnh mẽ, mang tinh thần ngộ đạo rất cao của chàng thanh niên trẻ, quả thật là một bậc giác ngộ sâu sắc đạo lý sống trong bối cảnh lúc bấy giờ.

Ngay từ nhỏ, cụ Nguyễn Sinh Sắc không vì cảnh sống khó khăn mà xem học tập là con đường để vinh thân phì gia, chạy theo danh vọng, thành tích. Cụ luôn khẳng định: “Học để hiểu đạo lý làm người”. Đây là tinh thần và tư tưởng cấp tiến trong bối cảnh mà nền tư tưởng của dân tộc bị ách thống trị của thực dân Pháp kềm kẹp. Tư tưởng học tập để hiểu biết, để hành động, để làm được điều gì đó đúng đắn với đạo lý cho dân tộc, cho đất nước của một đấng nam nhi trong bối cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, cơ cực chính là nguồn năng lượng trí tuệ khác biệt. Nguồn trí tuệ đó chảy âm ĩ và bừng sáng trong đêm vắng, trong những khi dạy dỗ cho người con trai đặc biệt yêu nước và có tư tưởng lớn Nguyễn Sinh Cung.

Ông đã sớm quan niệm: “Con cái là tương lai của mình. Việc mình làm dở hôm nay hoặc chưa làm được, con cái sẽ tiếp tục nối bước”. Mặc dù vậy, cụ cũng không ép con theo ý muốn của mình mà dạy dỗ, uốn nắn, định hình nhân cách và tư tưởng rất thuận theo sự phát triển tự nhiên của con. Cho nên, cụ Nguyễn Sinh Sắc đối với con cái luôn tràn đầy tình thương yêu và trân trọng, dù có bận rộn với công việc và cuộc sống nhưng cụ luôn dành cho con thời gian nói chuyện, trả lời mọi câu hỏi của các con một cách đầy đủ, thích đáng, không lúc nào lơi là. Trong những lúc đó, ông đặc biệt phân tích sâu sắc về bối cảnh đất nước, tình hình chính trị và các phong trào yêu nước bấy giờ của các sỹ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… cho các con nghe và hiểu. Đối với mỗi sự việc, cụ luôn đưa ra đánh giá, phân tích, nhìn nhận vô cùng sắc bén để con trai thấy được bản chất sâu sắc của các sự việc. Cụ Sắc sớm nhận ra sự đặc biệt trong phong cách và suy nghĩ của người con trai Nguyễn Sinh Cung, nên cụ cũng dành cho con trai sự hướng dẫn và giáo dục đặc biệt, rất chú tâm định hình mục tiêu, lý tưởng sống lớn lao cho Nguyễn Sinh Cung.

NHÀ TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC LỚN,  NGƯỜI  THẦY  ĐẦU TIÊN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp thống trị và đô hộ, một điều đặc biệt là Nguyễn Sinh Cung được sống trong tình yêu thương, giáo dục cấp tiến và ý chí lớn từ người cha của mình là cụ Nguyễn Sinh Sắc, nên ngay từ nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm định hình tư tưởng và ý chí vượt ra ngoài những lẽ sống bình thường của thanh niên cùng trang lứa bấy giờ, đó là ra đi tìm đường cứu nước.

Tại sao phải ra đi tìm đường cứu nước? Nghiên cứu về lịch sử giải phóng dân tộc gắn với cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh, chúng ta có thể cảm nhận và vô cùng xúc động với mối nhân duyên và tình cảm yêu nước nồng nàn giữa cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay từ nhỏ, không chỉ được học chữ Quốc ngữ, cụ Nguyễn Sinh Sắc còn đặc biệt cho người con Nguyễn Sinh Cung theo học trường Tây học. Việc học ở trường Pháp là một tính toán có chủ ý của cụ Nguyễn Sinh Sắc trong việc giáo dục cho con đường hướng hành động. Với nhiều người đương thời, học trường Tây là để mưu cầu thân cận hoặc làm việc với chính quyền Pháp, nhưng cụ Sắc định hướng rất rõ ràng và tiên quyết là “Học để hiểu đạo lý làm người”, “học tiếng Pháp để hiểu nước Pháp”. Cụ Nguyễn Sinh Sắc nói rõ điều này với con trai Nguyễn Sinh Cung: “Muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn biết Pháp thì phải học chữ Pháp”.

Chúng ta có thể thấy, bối cảnh đương thời có rất nhiều thanh niên có tư tưởng yêu nước, nóng lòng muốn đứng lên làm điều tốt đẹp cho đất nước. Tuy nhiên, cũng có những hành động vừa manh nha đã bị chính quyền đô hộ bóp chết trong trứng nước. Hoặc có những người yêu nước, nhưng bối rối trong chính đường hướng hành động của mình do tư tưởng chưa đủ sâu sắc, toàn diện và chín muồi. Cụ Nguyễn Sinh Sắc khá thận trọng và nhạy bén trong thái độ và cách nhìn nhận đối với thời cuộc. Đối với các phong trào yêu nước bấy giờ, bên ngoài cụ vẫn ủng hộ những người cùng chung chí hướng, nhưng với tư duy nhạy bén của mình, cụ luôn đưa ra những góc nhìn, những phân tích sâu sắc, nhạy bén và toàn diện để con trai Nguyễn Sinh Cung có được tư duy và suy nghĩ đúng đắn.

Tư liệu về cuộc đời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ghi lại, do tư chất thông minh hiếu học, lại được cha đặc biệt chăm sóc giáo dục, thường xuyên kề cận, nên mọi lời nói, hành động, ý tưởng hằng ngày của ông Sắc đều có ấn tượng và tác động sâu sắc đối với cậu Cung. Trong những buổi theo cha bàn việc nước, mặc dù bận việc dâng trà hầu đóm nhưng cậu vẫn nghe được những điều các cụ bàn luận, việc mà các cụ ưu tư, lo lắng. Có lần cậu nghe được mấy từ “tự do, bình đẳng, bác ái”, cậu không hiểu được. Cậu định hỏi ngay các cụ, nhưng e vô lễ, đành thôi. Khi tan cuộc ra về, cậu mới hỏi cha: “Con chưa hiểu tự do, bình đẳng, bác ái là gì, nhưng những thứ ấy chắc chắn ở nước ta chưa có. Con muốn hiểu tường tận ba từ ấy”. Lúc này, cụ Sắc nói: “Điều mà con muốn biết, chính cha cũng đang muốn biết. Những từ đó là ba cái đích lớn của cuộc đại cách mạng Pháp, nhưng đến giờ này chúng ta vẫn chưa hiểu được”.

Qua những tình tiết đắt giá này, chúng ta có thể thấy cụ Nguyễn Sinh Sắc đã sớm gieo hạt giống tư tưởng yêu nước một cách toàn diện và sâu sắc vào tâm hồn của người con trai Nguyễn Sinh Cung. Không những thế, cụ còn định hướng cho Nguyễn Sinh Cung con đường hành động đúng đắn: “Muốn chống Pháp phải hiểu Pháp”. Hiển nhiên, hàm ý của cụ Nguyễn Sinh Sắc là nếu muốn hiểu ba cụm từ “tự do, bình đẳng, bác ái” thì con đường con phải hành động đó chính là sang Pháp.

Cụ phó bảng nguyễn sinh sắc – cha của bác hồ còn có tên gọi là gì?
Tượng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong khuôn viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Quả thật, trong việc định hình tư tưởng và nhân cách cho các bậc vĩ nhân của nhân loại, thật không thể thiếu vắng sự đóng góp quan trọng của người cha, người mẹ – “người thầy đầu tiên”. Thật hiếm có trường hợp nào giữa cha và con vừa có tình phụ tử sâu đậm, vừa còn có sự đồng điệu, tri âm, tri kỷ sâu sắc như giữa cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Sinh Cung. Chúng ta càng khâm phục nền tảng giáo dục bền vững cho con đến từ tình thương yêu của một người cha, một người yêu nước, thương nòi của dân tộc Việt Nam như cụ Nguyễn Sinh Sắc, càng cảm thấy vô cùng tự hào về nét đẹp truyền thống và nền tảng gia đình của người Việt Nam. Chính từ những nền tảng giáo dục tốt đẹp và trí tuệ đó đã tạo nên một vĩ nhân Hồ Chí Minh được sử sách thế giới ngợi ca và làm rạng rỡ nhân cách, phẩm chất, giá trị sáng ngời của Việt Nam ngày nay trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

TÌNH CHA CON TRI ÂM, TRI KỶ SẮC SON

Phong cách giáo dục con của cụ Nguyễn Sinh Sắc không chỉ có ý nghĩa và giá trị trong bối cảnh quá khứ mà còn là tấm gương giáo dục con cái vô cùng đúng đắn, khoa học tạo nên những người con thành công và hạnh phúc.

Với mọi thời đại, giáo dục luôn là lĩnh vực quan trọng bậc nhất của mỗi quốc gia dân tộc. Giáo dục quyết định sự thành công hoặc thất bại của một con người; thịnh vượng hoặc suy vong của một dân tộc; phát triển hoặc thụt lùi của cả nhân loại. Nói như Leibniz: “Ai làm chủ giáo dục có thể thay đổi thế giới”. Xét ở góc độ giáo dục, dạy dỗ con cái từ lúc ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thể hiện được vai trò của một bậc thầy trong lĩnh vực giáo dục.

Kết quả của sự giáo dục đó, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tạo nên sự thành công trong tư tưởng và nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành quả còn ngọt ngào hơn nữa, là mối thâm tình cha con nghĩa nặng, tri âm, tri kỷ sắc son giữa cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời của những bậc làm cha mẹ đối với con cái và cũng là niềm hạnh phúc, ấm áp không gì có thể so sánh của những người con trong tình cảm yêu thương mỗi khi hướng về gia đình, tổ tiên, nguồn cội.

Cụ phó bảng nguyễn sinh sắc – cha của bác hồ còn có tên gọi là gì?
Hồ Chí Minh, tên thật là Nguyễn Sinh Cung, vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam)

Được sự hậu thuẫn tư tưởng cao thượng của người cha cho hoài bão vượt khỏi tầm tư duy xã hội ở đất nước bị đô hộ lúc bấy giờ, năm 1911, Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành quyết định sang tận nước Pháp xa xôi để hiểu đất nước này một cách rõ ràng, tường tận, từ đó vạch ra con đường cứu nước đúng đắn. Nhưng Nguyễn Tất Thành là một người con hiếu đạo, làm sao có thể dứt lòng ra đi mà không nao núng khi nhìn thấy cha tuổi già, sức yếu: “Cha, hồi này sức khỏe của cha suy sụp quá nhiều, cha đã hy sinh cho con suốt bao năm dài, nuôi dưỡng, dạy dỗ, dìu dắt con từng bước đường đời. Nay đã từng tuổi nầy mà con chưa kịp báo đền, quả thật là bất hiếu, ra đi con chưa yên lòng”. Hiểu được ý chí và quyết tâm rất lớn của con, chỉ còn một nỗi hiếu nhân vướng bận là còn đè nặng trong lòng người thanh niên yêu nước, cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy con: “Nước mất thì phải lo mà cứu, con chỉ có mỗi một việc đó phải làm. Cứu nước tức là hiếu với cha rồi đó”.

Xét theo lẽ thường tình, trái tim của người cha lúc nào mà không muốn con được an toàn ở cạnh bên mình, nhất là tuổi ngày càng già, sức càng yếu. Người cha nào lại không lo lắng khi con trai đi đến chân trời mới lạ, chưa biết được nó sẽ như thế nào, chỉ lường trước là đầy khó khăn, thử thách. Chỉ có một tư duy lớn, cao thượng, quả cảm và kiên định mới đủ sức ươm mầm, nuôi dưỡng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tấm bé đến lúc trưởng thành. Chúng ta thấy, trên con đường bôn ba hải ngoại, để trả lời cho câu hỏi về con đường đúng đắn giải phóng dân tộc, dù rất nhiều gian lao, vất vả, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tự tin, bản lĩnh và rạng ngời hạnh phúc, vì theo Người là cả một nhân cách tuyệt vời của một người cha, một người thầy vĩ đại, bao la.

Kể từ ngày chia tay nhau trên mảnh đất Bình Định, hai cha con cụ Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành chưa một lần được gặp lại nhau, nhưng dòng tư tưởng và sự tri âm, tri kỷ đồng điệu ở chí hướng của những người con yêu nước, đã luôn làm cho hai người song hành và gắn bó với nhau trên mỗi nẻo đường. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đến Sài Gòn, ở tại chùa Linh Sơn để nghiên cứu Phật học, hàng ngày đi xem mạch, phát thuốc và để nghe ngóng tin con.

Năm 1919, Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi hội nghị Versaille ở Paris được đăng trên báo Nhân Đạo (L’Humanité) với tên gọi Bản yêu cầu tám điểm và báo Dân Chúng (Le Populaire) với tên gọi “Quyền của các dân tộc”, ký tên Nguyễn Ái Quốc đã làm chấn động toàn cầu. Nhận được thông tin, cụ Nguyễn Sinh Sắc vô cùng xúc động. Cụ đi dọc bờ sông Sài Gòn, bến Nhà Rồng, nơi trái tim của hai thế hệ yêu nước, nơi giấc mơ hoài bão của cụ được gửi gắm vào trái tim, chí hướng lớn của người con trai yêu nước. “Thành, con có biết giờ nầy cha đang đứng tại nơi con đã ra đi. Chẳng những cha mà cả dân tộc này trông đợi con về. Khi nhìn thấy ba chữ Nguyễn Ái Quốc là cha đã ngờ ngợ. Nguyễn Yêu Nước, tình máu thịt, nghĩa cha con đã giúp cha nhận ra con. Thành ơi! Cha sung sướng lắm!”.

Được tiếp sức bởi con đường hoạt động yêu nước đúng đắn của con, cụ Nguyễn Sinh Sắc sôi nổi tham gia hoạt động yêu nước. Trong thời gian này, cụ cũng tích cực đi qua rất nhiều tỉnh thành ở Nam Bộ, thâm nhập vào đời sống bằng con đường bốc thuốc giúp dân và dạy học để truyền bá tinh thần yêu nước. Đặc biệt, giai đoạn năm 1923 – 1926, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã có thời gian hoạt động cách mạng rõ rệt và ấn tượng khi tham gia lãnh đạo Hội Danh dự yêu nước tại chùa Hội Khánh, tại đây cụ mở lớp dạy học, bốc thuốc trị bệnh. Trong khoảng thời gian này, cụ thường thăm viếng rất nhiều chùa, đàm đạo với nhiều bậc chân tu như quý Hoà thượng Từ Văn, Khánh Anh, Khánh Hòa, Thiện Chiếu, Huệ Đăng, Chí Thiền,… hòa quyện với tinh thần Phật giáo, hầu hết những ngôi chùa cụ đến cư ngụ, nếu có điều kiện cụ đều mở lớp dạy học, truyền bá tư tưởng yêu nước, nhập đạo cứu đời.

Có thể nói, nền tảng giáo dục của cụ Nguyễn Sinh Sắc qua tinh thần Phật giáo đó là: “Thân giáo, khẩu giáo, ý giáo” đã nằm trọn vẹn trong con người và nhân cách sống của cụ Nguyễn Sinh Sắc, bằng tinh thần bi mẫn, trí tuệ và vị tha.

Chúng ta thấy rằng, Đức Phật dạy con trai La Hầu La cũng vô cùng chú trọng đến tinh thần bi mẫn, trí tuệ, thiền tịnh và tự giác. Tư tưởng dạy con của Đức Phật là không cho con điều gì quý giá cho bằng gieo vào tâm hồn con những hạt giống và nền tảng tư duy giác ngộ. Ngay từ khi La Hầu La còn nhỏ, Đức Phật đã giáo dục con trên nền tảng lớn. Đức Phật nói: “Con phải thiền làm sao giống như đất vậy, đất không cảm thấy phiền vì bất cứ một thứ gì đổ lên đó. Vì vậy, nếu con tập thiền giống như đất, con sẽ không có cảm giác vui thích hay không vui thích về bất cứ một điều gì. Hãy tập thiền như nước, như lửa, như gió và như không gian: tất cả đều không cảm thấy phiền bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích. Thực tập được như nước, như lửa, như gió, như không gian, tâm của con sẽ không còn vướng bận gì cả”.

Trong mỗi thời đại, giáo dục con cái luôn có nhiều thách thức và trăn trở. Làm sao để cho con có nền tảng giáo dục đúng đắn từ nhận thức đến tư duy, để phát triển nhân cách, phẩm chất và hạnh phúc trong cuộc đời luôn là điều mà mỗi bậc cha mẹ và xã hội quan tâm. Khi đó, tấm gương về sự giáo dục con cái đầy nhân bản, nhân văn và sâu sắc, tình cảm cha con thiêng liêng, thắm thiết của cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ luôn là đề tài giáo dục cấp tiến cho mọi thời đại. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là bậc thầy trong lĩnh vực giáo dục trên mọi nền tảng giáo dục. Cụ xứng đáng được ghi khắc, tri ân không chỉ bởi lòng yêu nước thương dân, một nhân cách lớn mà còn là người thầy xuất sắc trong giáo dục xã hội và gia đình.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta một lần nữa tưởng nhớ, chiêm nghiệm và học thêm những bài học lớn lao về tấm gương và nhân cách lớn trong giáo dụ c, dẫn dắt các thế hệ mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã để lại.

* Hòa thượng Thích Thiện Nhơn: Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chú thích:

1. Nguyễn Hữu Hiếu (chủ biên) (1990), Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, tr.42.
2. Nguyễn Đắc Hiền (chủ biên) (1990), Tlđd, tr.29.
3. Theo Những mẫu chuyện về Thời niên thiếu của Bác Hồ-Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh, trích lại trong Nguyễn Đắc Hiền (chủ biên) (1990), Tlđd, tr.53.
4. Nguyễn Đắc Hiền (chủ biên) (1990), Tlđd, tr.44.
5. Theo tài liệu lưu trữ tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp) và của nhà văn Sơn Tùng thì cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành có gặp nhau ở Sài Gòn. Đoạn trích trích lại theo Nguyễn Đắc Hiền (chủ biên) (1990), Tlđd, tr.74.
6. Nguyễn Đắc Hiền (chủ biên) (1990), Tlđd, tr.103.
7. Hiện còn một số thảo luận xoay quanh việc cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành có gặp lại nhau hay không. Theo tài liệu Nguyễn Hữu Hiếu (chủ biên) (1990), Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, hai người còn gặp lại nhau tại Sài Gòn.

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Nhà giáo dục lớn, người thầy đầu tiên định hướng tư tưởng, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hòa thượng Thích Thiện Nhơn)