Đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Thực hiện các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức các hoạt động PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Sau 07 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết qủa nhất định, cụ thể:

Một là, Các sở, ban, ngành, địa phương đã nhận thức đúng đắn hơn về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL, một số cơ quan, đơn vị địa phương đã nhận thức đúng và xác định được công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bám sát kế hoạch công tác của Trung ương, UBND tỉnh kịp thời ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng công tác PBGDPL. 

Hai là, Về nguồn nhân lực PBGDPL: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh thường xuyên tham mưu kiện toàn thành viên Hội đồng, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên ở địa phương nhằm tạo lực lượng nòng cốt bảo đảm cả về số lương và chất lượng để thực hiện việc tuyên truyền, PBGDPL. Hằng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu chu UBND tỉnh kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh, đồng thời chỉ đạo UBND cấp huyện kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPl cấp huyện và đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện và Tuyên truyền viên tuyến xã . Đến nay, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh có 35 thành viên (theo quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 22/01/2021 của UBND tỉnh); toàn tỉnh hiên nay có 60 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh(theo quyết định số 2170/QĐ-UBND ngày 16/7/2020 của UBND tỉnh); có trình độ từ đại học trở lên (trong đó có 34 người có trình độ Đại học luật, 26 người có trình độ Thạc sỹ, 01 người có trình độ Tiến sỹ, 15 người dân tộc thiểu số); cấp huyện có tổng cộng 212 Báo cáo viên pháp luật (trong đó có 51 người dân tộc thiểu số, 89 người có trình độ Đại học luật, 113 người đã được bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến, kiến thức pháp luật, 176 người tham gia phổ biến pháp luật trực tiếp). Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cấp xã trên toàn tỉnh là 2098 người (trong đó có 1543 người tham gia phổ biến pháp luật trực tiếp); 2.342 Tổ hòa giải với 15.365 Hòa giải viên, lực lượng này đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh, qua đó đưa chính sách pháp luật vào thực tiễn đời sống nhân dân.

Ba là, Hội đồng PHPBGDPL các cấp thường xuyên được kiện toàn; Đội ngũ báo cáo viên pháp luật từng bước nâng cao chất lượng thông qua các đợt tập huấn chuyên sâu về nghiêp vụ, qua đó đóng góp tích cực vào việc đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân. Công tác kiểm tra hoạt động PBGDPL được quan tâm, chú trọng, Vai trò của các cơ quan Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL được phát huy. 

Bốn là, Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức với nhiều hình thức, trong đó có một số hình thức có hiệu quả như: Phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp thông qua các hội nghị phổ biến, tuyên truyền; Qua phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu; Thông qua hoạt động của tổ chức hòa giải ở cơ sở, hoạt động trợ giúp pháp lý. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được như trên, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

- Đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật đa số đều là cán bộ kiêm nhiệm nên kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế; trình độ chuyên môn về lĩnh vực pháp luật của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở nhiều nơi còn thiếu về số lượng, hoạt động của đội ngũ này chưa được thường xuyên, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm. Thậm chí có nhiều trường hợp không làm nhiệm vụ báo cáo viên.

- Một số thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL và tổ thư ký các cấp chưa tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng, chưa thực sự chủ động, tích cực phối hợp triển khai chương trình, kế hoạch công tác của Hội đồng; sự phối hợp giữa các ngành, các cơ quan hữu quan trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật có lúc, có nơi chưa tích cực, chủ yếu vẫn thực hiện theo ngành dọc. Thành viên Hội đồng PHPBGDPL các cấp chủ yếu cử cấp phó tham gia, song những người này không có thẩm quyền quyết định các biện pháp bảo đảm hoạt động của công tác PBGDPL nên hiệu quả hoạt động của Hội đồng hiệu quả trên thực tế chưa cao.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn chưa được hiệu quả và sâu rộng.

    - Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được với yêu cầu trong điều kiện hiện nay; đặc biệt ở cấp xã. Việc huy động các nguồn lực hỗ trợ, xã hội hóa công tác PBGDPL còn gặp rất nhiều khó khăn.

         Thiết  nghĩ, để hoạt động PBGDPL đạt được kết quả tốt hơn nữa, thời gian tới các cấp, các ngành cần thực hiện một số giải pháp, đó là: 

Thứ nhất, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp trên; thường xuyên có kế hoạch, các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân...phát huy tối đa vai trò của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Đặc biệt, ngành Tư pháp các cấp, với vai trò là cơ quan thường trực của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, phải chủ động tham mưu cho chính quyền cấp mình trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi và tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. 

Thứ hai, Thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật và Hòa giải viên ở cơ sở. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ trong phổ biến, giáo dục pháp luật.  Bên cạnh đó nâng cao sự hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương cho đội ngũ này. Đặc biệt, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại địa phương và phát huy vai trò của Già làng, Trưởng thôn, Trưởng bản và người có uy tín ở địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ ba, gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, do đó cũng góp phần quan trọng trong việc hoàn thành chỉ tiêu về đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Vì vậy, trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới, cần đặc biệt quan tâm tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và phải coi đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.

Thứ tư, Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, đa dạng hóa nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp hài hòa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống với những hình thức mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc thiểu số cần được tiếp tục triển khai sâu rộng, như phổ biến pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật, cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa truyền thống….

Thứ năm, bảo đảm kinh phí để triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và các chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng. Kinh phí được bố trí hằng năm phải đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ và việc triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho người dân./.

Hồng Phúc- Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật