Đánh giá thực trạng công tác quản lý của hđqt năm 2024

QTCT là cơ chế, quá trình tác động của cổ đông tới hoạt động của toàn công ty nhằm đảm bảo quyền lợi của mình và xã hội. Rộng hơn, QTCT phát triển đến bảo vệ quyền lợi của những người liên quan bao gồm cả nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, môi trường và các cơ quan nhà nước. Xét theo đặc tính và cấu trúc, QTCT được xem là cơ chế thúc đẩy công bằng, minh bạch và tín nhiệm, cụ thể hoá việc phân phối quyền và trách nhiệm của HĐQT, người quản lý, cổ đông và những người liên quan, trong đó chỉ rõ quy định và quy trình ra quyết định về các vấn đề của công ty để xây dựng mục tiêu, cách thức đạt được những mục tiêu này, kiểm soát thành quả đồng thời khuyến khích sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả.

Nguyên tắc quản trị công ty của OECD

Năm 1999, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD) lần đầu tiên xuất bản những nguyên tắc về QTCT với mục đích hỗ trợ các chính phủ trong việc “cải thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế và quy định cho nền tảng QTCT”. Những nguyên tắc này không có tính ràng buộc mà chỉ cung cấp các định hướng và tinh thần cho việc xây dựng một hệ thống QTCT tốt. Đây là bộ nguyên tắc quốc tế đầu tiên về QTCT được chính phủ các nước chấp nhận và thông qua một cách rộng rãi.

Năm 2002, OECD đã tiến hành xem xét, rà soát bộ nguyên tắc năm 1999 và ban hành bộ nguyên tắc mới cập nhật, bổ sung (phát hành 05/2004, sau đây gọi tắt là Bộ nguyên tắc OECD 2004); bao gồm các lĩnh vực sau: Bảo đảm cơ sở cho một khuôn khổ QTCT hiệu quả; Quyền của cổ đông và các chức năng sở hữu chính; Đối xử bình đẳng đối với cổ đông; Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong QTCT; Công bố thông tin và tính minh bạch; Trách nhiệm của HĐQT. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã sử dụng những nguyên tắc này như là một tiêu chuẩn cho việc thiết lập khuôn khổ QTCT.

Quyền của cổ đông

Theo OECD, các nguyên tắc bao quát về quyền của cổ đông là “Khuôn khổ QTCT phải bảo vệ và tạo điều kiện thực hiện các quyền của cổ đông”. Chủ trương của nguyên tắc này bao gồm tất cả những vấn đề nhằm chấp thuận các quyền lợi cơ bản của cổ đông bao gồm quyền ảnh hưởng đến công ty, quyền được cập nhật thông tin, quyền được bán hoặc chuyển nhượng cổ phần và quyền tham gia vào lợi nhuận hoặc thu nhập của công ty (quyền kinh tế). Quyền của cổ đông tập trung vào các quyền cơ bản như đề cử, bầu cử, bãi miễn thành viên HĐQT, sửa đổi quy định, điều lệ công ty... và tuỳ các loại cổ phần khác nhau sẽ có các quyền khác nhau.

Đối xử bình đẳng đối với cổ đông

“Khuôn khổ QTCT cần đảm bảo có sự đối xử bình đẳng đối với mọi cổ đông, trong đó có cổ đông thiểu số và cổ đông nước ngoài. Mọi cổ đông phải có cơ hội khiếu nại hiệu quả khi quyền của họ bị vi phạm”. Chủ trương của nguyên tắc này là để bảo vệ sự toàn vẹn của thị trường vốn bằng cách bảo vệ các cổ đông không có quyền kiểm soát, tránh khỏi sự lạm dụng, chẳng hạn các khoản chi tiêu hoang phí do HĐQT, ban giám đốc và các cổ đông nắm quyền kiểm soát quyết định. Các nhà đầu tư (NĐT) tin rằng lợi ích của họ nếu không bị lạm dụng sẽ làm giảm rủi ro đầu tư, hạ thấp chi phí vốn và qua đó làm tăng giá trị tài sản.

Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong QTCT

Khuôn khổ QTCT cần công nhận quyền của các bên có quyền lợi liên quan đã được pháp luật quy định hoặc theo các thỏa thuận song phương, khuyến khích công ty tích cực hợp tác trong việc tạo dựng tài sản, việc làm và ổn định tài chính cho công ty. Khái niệm các bên liên quan đề cập đến các nhà cung cấp nguồn lực cho công ty bao gồm cả nhân viên, chủ nợ và nhà cung cấp.

Mối quan hệ giữa các nhà cung cấp này một phần được quy định bởi hệ thống pháp luật, nhưng bộ nguyên tắc OECD cũng nhìn nhận rằng mối quan hệ trên thường mang tính quan hệ hợp đồng (quyền lợi được bảo vệ dựa trên các hợp đồng riêng lẻ). Do đó OECD khuyến cáo khuôn khổ QTCT nên nhìn nhận rằng khi các bên liên quan có được lợi ích sẽ dẫn đến việc công ty cũng sẽ thu được lợi ích và các bên liên quan sẽ đóng góp cho sự thành công về lâu dài của công ty.

Hệ thống thể chế bảo vệ NĐT và chủ nợ bao gồm rất nhiều nội dung, như luật công ty, Luật Chứng khoán, Luật Phá sản, luật về thâu tóm sáp nhập, Luật Cạnh tranh, Luật Kế toán và chuẩn mực kế toán, cũng như các quy định và yêu cầu công bố thông tin từ TTCK. Hệ thống pháp luật bảo vệ các cổ đông và chủ nợ không chỉ quan trọng trong việc ngăn ngừa các nhà quản lý hoặc cổ đông có quyền kiểm soát chiếm đoạt tài sản, mà còn giúp đa dạng hóa trong cơ cấu sở hữu, phát triển thị trường vốn, và đem lại hiệu quả của việc phân bổ đầu tư.

Công bố thông tin và tính minh bạch

Khuôn khổ QTCT phải đảm bảo công bố thông tin kịp thời và chính xác về các vấn đề thực tế liên quan đến công ty, bao gồm tình hình tài chính, tình hình hoạt động, sở hữu và QTCT. Thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng là một môi trường phức tạp, đòi hỏi thông tin phải được công bố đầy đủ. Người sử dụng thông tin cũng cần được đảm bảo về độ tin cậy của thông tin. Cơ chế công bố thông tin tốt là cơ sở để thu hút vốn và tạo niềm tin cho các NĐT. Ngược lại, một cơ chế công bố thông tin kém hiệu quả và thiếu minh bạch có thể dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức gây hậu quả xấu cho công ty, cổ đông và cả nền kinh tế.

Trách nhiệm của HĐQT

Khuôn khổ QTCT cần đảm bảo định hướng chiến lược của công ty, giám sát có hiệu quả công tác quản trị của HĐQT, và trách nhiệm của HĐQT với công ty và cổ đông. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất bởi trách nhiệm thực thi QTCT đầu tiên và trên hết thuộc về HĐQT. Nguyên tắc này nhấn mạnh HĐQT cần làm việc vì quyền lợi tối cao của các cổ đông, tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của cổ đông cũng như những người có liên quan, trách nhiệm công bố và minh bạch thông tin.

Vấn đề quản trị công ty ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách trong lĩnh vực pháp lý. Bởi vậy, các quy định về QTCT đã có những bước tiến quan trọng. Hiện nay, Luật DN năm 2005 và Luật Chứng khoán năm 2006 (và các văn bản hướng dẫn) là hai cơ sở pháp lý cơ bản nhất trong vấn đề QTCT ở Việt Nam. Tuy nhiên việc vận dụng các thông lệ quốc tế về QTCT (cụ thể là Bộ nguyên tắc OECD 2004) chỉ mới áp dụng có giới hạn cho các công ty niêm yết, và một phần nào đó là các công ty đại chúng.

Ở góc độ nội bộ công ty, Điều lệ và Quy chế hoạt động là cơ sở cho việc xử lý các vấn đề liên quan đến QTCT. Như vậy xét về mặt hình thức, Việt Nam đã có những khuôn khổ cho vấn đề QTCT.

Tháng 10/2006, MPDF công bố báo cáo nghiên cứu mang tính khám phá về QTCT ở Việt Nam. Nghiên cứu thực hiện khảo sát điều tra 85 DN lớn với các loại hình pháp lý và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Nghiên cứu đã cung cấp những phát hiện ban đầu của cuộc điều tra khảo sát và những khuyến nghị cho Ban soạn thảo Luật DN. Cũng trong năm 2006, World Bank cũng công bố Báo cáo tình hình tuân thủ Chuẩn mực và Nguyên tắc (ROSC) về QTCT của Việt Nam, rà soát khuôn khổ pháp lý cũng như các thông lệ và việc tuân thủ của các công ty niêm yết, đồng thời đánh giá khuôn khổ QTCT so với các chuẩn mực được quốc tế công nhận. Năm 2008, VNR Research Division - Công ty báo cáo đánh giá Việt Nam đã khảo sát vấn đề QTCT đối với các công ty cổ phần nằm trong bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam, khuyến cáo một số vấn đề về cơ cấu, số lượng và thành phần của HĐQT; ban kiểm soát...

Nhìn chung, các nghiên cứu trên cho thấy Việt Nam chưa tuân thủ mọi nguyên tắc QTCT của thế giới, còn nhiều lỗ hổng từ khuôn khổ pháp lý cho đến cách vận hành của DN như có sự khác biệt giữa tuân thủ luật pháp và thực thi trong thực tế, hệ thống kiểm soát nội bộ yếu, các chính sách bảo vệ cổ đông nhỏ chưa rõ ràng, thiếu cơ chế công bố thông tin minh bạch. Mức độ tuân thủ thấp nhất trong số 8 nền kinh tế đang chuyển đổi ở Châu Á.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của World Bank năm 2010, chỉ tiêu “bảo vệ NĐT” của Việt Nam bị đánh giá thấp nhất trong các chỉ tiêu được đánh giá, nằm trong nhóm 15 nước cuối bảng xếp hạng (năm 2010 hạng 172/183, năm 2009 hạng 171/181). Chỉ tiêu này xem xét ba phương diện bao gồm tính minh bạch trong giao dịch, trách nhiệm pháp lý của thành viên ban quản trị và khả năng của cổ đông trong việc kiện các nhà quản trị có hành vi sai trái. Việt Nam chỉ đạt 2,7/10 điểm cho chỉ số này (điểm bình quân của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 5,3/10 và các nước thuộc OECD là 5,8/10); trong đó chỉ số về trách nhiệm của thành viên ban quản trị nằm trong nhóm thấp nhất thế giới (0/10), quyền khiếu kiện của cổ đông và tính minh bạch đều thấp (2/10 và 6/10).

Bảng 1 : Tổng hợp kết quả đánh giá khuôn khổ QTCT của Việt Nam

Lĩnh vực

Đáp ứng tiêu chuẩn thực hành của OECD

Thấp hơn tiêu chuẩn thực hành của OECD

Tổng cộng

Số lượng tiêu chí

% đáp ứng

Số lượng tiêu chí

% không đáp ứng

  1. Quyền của cổ đông

09

45,0%

11

55,0%

20

  1. Đối xử công bằng với cổ đông

07

70,0%

03

30,0%

10

  1. Vai trò của các bên liên quan

02

50,0%

02

50,0%

04

  1. Công bố, minh bạch thông tin

25

78,1%

07

21,9%

32

  1. Trách nhiệm của HĐQT

13

34,2%

25

65,8%

38

Tổng cộng

56

53,8%

48

46,2%

104

Tuy khuôn khổ về QTCT đã và đang được xây dựng, cải tiến theo chiều hướng tích cực; song qua nội dung phân tích cụ thể trên đây có thể thấy rằng mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành của OECD tại Việt Nam không cao, chỉ với 56/104 tiêu chí (tương ứng 53,8%).

Lĩnh vực Quyền của cổ đông có mức độ đáp ứng thấp với 11/20 tiêu chí không đáp ứng tiêu chuẩn thực hành của OECD, trong khi lĩnh vực Đối xử công bằng với cổ đông chỉ có 3/10 tiêu chí không đáp ứng.

Bằng sự bổ sung các quy định về công bố thông tin trong Thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15/01/2010, Bộ Tài chính đã cập nhật khá đầy đủ các quy định theo tiêu chuẩn QTCT của OECD về minh bạch, công bố thông tin. Do vậy, phần lớn các nội dung về nguyên tắc Công bố, minh bạch thông tin của Việt Nam đã đáp ứng tiêu chuẩn thực hành của OECD, đạt tỷ lệ 78,1% (25/32 tiêu chí); không đáp ứng 07 tiêu chí, tỷ lệ 29,1%.

Trong khi đó, mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành của OECD về Trách nhiệm của HĐQT là thấp nhất trong số 5 lĩnh vực với số lượng các tiêu chí đáp ứng chỉ đạt 13/38 tiêu chí và không đáp ứng 25/38 tiêu chí (tương ứng 65,8%).

Về tổng thể, so với bộ tiêu chuẩn thực hành QTCT quốc tế - với các tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở Bộ nguyên tắc OECD 2004, bộ nguyên tắc quốc tế về QTCT được chính phủ các nước chấp nhận và thông qua một cách rộng rãi - có thể kết luận khuôn khổ QTCT ở Việt Nam là tương đối đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Một số định hướng, đề xuất

Kể từ khi ban hành Luật DN 2005 đến nay, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cải cách khuôn khổ pháp luật về thực hành QTCT với việc ban hành nhiều văn bản, quy định mới nhằm đảm bảo phù hợp với thông lệ, chuẩn mực được quốc tế công nhận.

Có thể đánh giá rằng trong một chừng mực nhất định các cơ sở pháp lý ấy là tương đối đầy đủ để vận hành một khuôn khổ QTCT tốt trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của các cổ đông ngoài công ty (đặc biệt là các cổ đông thiểu số) và bảo đảm vai trò của các bên có quyền lợi liên quan. Tuy nhiên từ kết quả của nghiên cứu này, có một số vấn đề cần được xem xét nhằm bổ sung, hoàn thiện sau đây:

Về bảo vệ quyền lợi cổ đông và các bên liên quan

Cải tiến các quy định liên quan đến việc công bố các quyền của cổ đông, đặc biệt là chất lượng của thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông(ĐHĐCĐ). Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cổ đông thực hiện các quyền lợi hợp pháp của họ tại đại hội, cần có quy định rõ ràng và chi tiết hơn về các thông tin cần công bố. Chi tiết các tài liệu được chuẩn bị và gửi đến cổ đông cùng với thông báo mời họp phải bao gồm:

- Danh sách thành viên HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) đương nhiệm, danh sách ứng viên đề cử vào HĐQT và BKS với đầy đủ thông tin về lí lịch trích ngang, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, cổ phần sở hữu.

- Danh sách đề xuất các đơn vị kiểm toán độc lập (nhiều hơn 1 đơn vị) với tên công ty, khái quát về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính và mức phí dịch vụ (nếu có), kể cả trường hợp ủy quyền cho HĐQT lựa chọn.

- Thông tin chi tiết về chính sách cổ tức bao gồm tỷ lệ, mức chi trả cổ tức, phương thức và thời hạn chi trả.

- Nội dung, mục tiêu và lý do của từng vấn đề kèm theo các ý kiến, đề xuất của các thành viên HĐQT về các vấn đề sẽ được thảo luận và biểu quyết tại đại hội.

Thời hạn thông báo trước về việc tổ chức ĐHĐCĐ, thời hạn gửi và công bố các thông tin liên quan về các vấn đề sẽ được thảo luận và biểu quyết tại đại hội cần được kéo dài hơn để cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nước ngoài có đủ thời gian xem xét và chuẩn bị (quy định hiện nay lần lượt là 15 ngày và 7 ngày).

* Một quy định khác liên quan đến việc bảo vệ các quyền của cổ đông cần được sửa đổi là quy định về nội dung của Biên bản họp ĐHĐCĐ:

- Biên bản phải trình bày rõ ràng, chi tiết các vấn đề chất vấn, các ý kiến đề xuất của cổ đông cùng với bản ghi chép các câu hỏi và trả lời. Các nội dung chất vấn, đề xuất phải được chủ tọa xem xét và phản hồi một cách cẩn trọng, hợp lý. Quy định này nhằm hạn chế các trường hợp những khiếu nại, ý kiến của cổ đông thiểu số bị xem nhẹ hoặc bỏ qua bởi các cổ đông lớn lạm dụng lợi thế chi phối.

- Danh sách thành viên HĐQT và BKS tham dự ĐHĐCĐ phải được thể hiện đầy đủ trong biên bản đại hội. Việc tham dự đầy đủ các cuộc họp là hành động thể hiện trách nhiệm và sự cam kết của thành viên ban quản trị với các cổ đông đã tin tưởng và trao cho họ quyền quản lý, giám sát hoạt động của công ty.

Ngoài ra, cần có quy định bắt buộc các chức danh (tổng) giám đốc điều hành, trưởng BKS và thành viên phụ trách các tiểu ban chức năng của HĐQT (nếu có) phải tham dự ĐHĐCĐ để thực hiện nghĩa vụ báo cáo và giải trình trước các cổ đông.

* Thẩm quyền quyết định phương án phân phia lợi nhuận từ hoạt động của công ty nên được trao cho ĐHĐCĐ, tạo điều kiện cho các cổ đông thực hiện đầy đủ các quyền tài sản của mình.

* Nên hạn chế và tiến tới loại bỏ cổ phần ưu đãi biểu quyết trong cơ cấu cổ phần của công ty, đảm bảo sự bình đẳng giữa các cổ đông. Cổ đông nhà nước trong DNNN cổ phần hóa và cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần niêm yết là những cổ đông đã tham gia xây dựng điều lệ công ty, có đại diện tham gia HĐQT và được mua cổ phần theo mệnh giá. Đây là lợi thế rất lớn so với các cổ đông khác của công ty, do đó việc trao cho họ quyền sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết là không cần thiết và thiếu công bằng.

* Bổ sung các quy định và hướng dẫn cụ thể các công ty niêm yết trong việc xây dựng cơ chế sử dụng và bảo vệ các thông tin nội bộ quan trọng của công ty đối với thành viên ban quản trị, ban điều hành và cán bộ quản lý khác; trong đó phân loại, định nghĩa những thông tin nào là thông tin nội bộ quan trọng.

* Nghiên cứu xây dựng bộ quy tắc ứng xử về việc đối xử với các bên có quyền lợi liên quan nhằm đảm bảo quyền hợp pháp của các đối tượng này:

- Có cơ chế nhằm khuyến khích và nâng cao hiệu quả tham gia vào quá trình QTCT của người lao động, trong đó có quy định cử đại diện người lao động tham gia HĐQT.

- Bổ sung quy định các công ty niêm yết phải có chính sách về vai trò, quyền lợi của khách hàng, nhà cung cấp/đối tác kinh doanh minh bạch, rõ ràng và có thể tiếp cận được.

* Có quy định bắt buộc về trách nhiệm của công ty với vấn đề môi trường; chẳng hạn yêu cầu công ty phải công bố các chính sách và tiêu chuẩn về vấn đề bảo vệ môi trường mà công ty cam kết tuân thủ như một trong những điều kiện để được niêm yết trên TTCK. Bên cạnh đó phải có biện pháp chế tài nghiêm ngặt đối với các công ty vi phạm.

* Khuyến khích công ty có chính sách, định hướng rõ ràng về các hoạt động phúc lợi, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng và trách nhiệm với xã hội. Sửa đổi, bổ sung các chính sách về thuế, chính sách thi đua khen thưởng theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho các công ty thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Về công bố và minh bạch thông tin

Mặc dù các qui định về công bố thông tin có mức độ đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn QTCT quốc tế, một vài điểm sau trong các qui định này cần được cân nhắc cải tiến:

* Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự bổ sung các điều luật xử lý những vi phạm trong lĩnh vực hoạt động chứng khoán là cần thiết; nhưng với các đặc trưng hoạt động của TTCK thì việc phát hiện, chứng minh hành vi bị coi là phạm tội không đơn giản, bởi các hành vi giao dịch dựa trên các thông tin đa dạng, nên khó xác định ai là người bị thiệt hại, số lượng bị thiệt hại, trách nhiệm bồi thuờng thiệt hại... Để đảm bảo cho các quy định của luật có tính khả thi cao, tạo điều kiện cho áp dụng luật hiệu quả, cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết các quy định về những tội danh trong lĩnh vực chứng khoán, đảm bảo cho hoạt động đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán hiệu quả.

* Cần bổ sung quy định yêu cầu Báo cáo thường niên phải trình bày rõ ràng hơn về các rủi ro kinh doanh, những biến động lớn để hỗ trợ cho các NĐT trong việc đánh giá đúng giá trị cổ phiếu của công ty, không chỉ dừng lại ở việc phân tích các hệ số tài chính như hiện nay.

* Nên bổ sung quy định công bố lý lịch tóm tắt của thành viên Ban quản trị trong Báo cáo thường niên. Khả năng chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, nguy cơ xung đột quyền lợi, mức độ độc lập, khách quan và cả thời gian vật chất có thể có của các thành viên HĐQT là điều mà các cổ đông/NĐT quan tâm, cần được cập nhật để tăng cường khả năng giám sát của họ.

* Có quy định bổ sung yêu cầu công bố thông tin về sự hiện diện của các thành viên HĐQT trong các phiên họp HĐQT để cổ đông giám sát và đanh giá được sự mẫn cán, trách nhiệm của người đại diện họ trong thực thi QTCT.

* Cần cụ thể và chuẩn xác hoá khái niệm “người có liên quan” trong các văn bản chính thức. Quy định cụ thể cơ chế, cách thức thu thập, tập hợp, xác định danh tính, lưu giữ và quản lý hồ sơ về những người có liên quan. Có như vậy, yêu cầu công khai để kiểm soát giao dịch của công ty với người có liên quan mới được giám sát hiệu quả.

Về trách nhiệm của HĐQT

Để nâng cao quy định về vai trò và trách nhiệm của HĐQT, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu một số nội dung sau:

* Xây dựng bộ quy tắc cho hoạt động QTCT bao gồm hệ thống chỉ tiêu đánh giá, phân loại; bộ quy tắc về hành vi đạo đức kinh doanh áp dụng cho thành viên Ban quản trị và toàn thể lãnh đạo, nhân viên công ty. Đồng thời, quy định bổ sung các hình thức xử lý vi phạm tương ứng cụ thể cho tập thể và từng cá nhân.

* Nghiên cứu bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của Kiểm soát nội bộ giúp ngăn ngừa và phát hiện sớm những khiếm khuyết trong QTCT để có giải pháp khắc phục kịp thời và ít tốn kém.

* Bổ sung quy định về tiêu chí về thành viên HĐQT độc lập vì hiện nay vai trò, trách nhiệm của các thành viên HĐQT độc lập chưa được xác định rõ và cũng chưa có quy định công bố trong Báo cáo thường niên. Ngoài ra, cần có quy định rõ ràng về việc thành lập các ban chức năng của HĐQT, trong đó thành viên là các thành viên HĐQT độc lập nhằm đảm bảo tính cân bằng về quyền lực và tính độc lập của HĐQT.

* Khuyến khích các công ty hướng tới sự tách bạch giữa Chủ tịch HĐQT và Giám đốc công ty để phát huy chức năng giám sát và điều hành của từng bộ phận.