Hóa kỵ và thiên riêu ở cung phúc đức năm 2024

Thiên Riêu thuộc thủy, cư Mão Dậu Tuất Hợi là nhập miếu, còn lại là hãm địa. Nhập miếu vượng, nho nhã văn vẻ, học rộng, kiến thức phong phú, xã giao rộng, phú quý lắm kẻ hầu hạ, phúc dày, đam mê tửu sắc, tính thích dâm lạc. Hội ác tinh, tan cửa nát nhà, vì sắc mà gặp họa.

Nếu rơi vào cung hãm chủ về đa tình đa dâm, đa nghi thái quá, dễ đi lầm đường, đam mê tửu sắc. Sao Thiên diêu gặp phải ác tinh, chủ về khuynh gia bại sản, vì sắc dục mà phạm tội. Đại hạn, tiểu hạn, hoặc lưu niên có Thiên diêu đến, chủ về hôn nhân tùy tiện không cần mai mối, không cần nghi thức kết hôn. Cần phòng tai họa về sông nước, tái hôn.

Thiên diêu hợp với cung Thiên di, chủ về ra ngoài được quý nhân phù trợ, Thiên diêu không hợp với cung Phúc đức chủ về thân tâm vất vả, lại gặp rắc rối về tình cảm.

Thiên diêu không ưa thủ mệnh ở tại Sửu hoặc Mùi, chủ về dễ quyến luyến chốn phong hoa tuyết nguyệt. Văn xương, Văn khúc đồng độ với Thiên diêu, ắt là người phong lưu ưa thiết thực, tự đánh giá mình quá cao.

Thiên diêu hội các sao Sát Kị, sẽ làm mạnh thêm tính chất vì sắc mà gây nên họa, xem xét kỹ tổ hợp tinh hệ chính diệu và xem ở cung nào mà định. Nếu ở cung Tài bạch, chủ về vì tử sắc mà phá tài; ở cung Điền trạch chủ về sản nghiệp của ông bà hay cha mẹ bị phá tán; ở cung Phu thê chủ về trùng hôn, tái hôn; ở cung Phúc đức chủ về tư tưởng thường hay bị hỗn loạn, không thể trầm tĩnh.

Riêu đắc địa đứng cùng Tràng Sinh, Đế Vượng tài hoa, tao nhân mặc khách. Riêu gặp Lưu Hà thông minh hoạt bát làm việc lẹ làng trôi chảy.

Thiên Riêu đứng với Phá Quân hãm lại có cả Thiên Mã dễ thành du đãng, hoặc tâm tính bội bạc khó chơi. Thiên Riêu đứng với Thiên Đồng ở Phu Thê cung là có cuộc tình tay ba, ngoại tình.

Trong chương Đẩu số phát vi luận của Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư viết: “Huyên uẩn (một tên gọi khác của Thiên Riêu) tam cung (cung đứng thứ ba là cung Thê) tắc tà dâm nhi đan tửu” nghĩa là: sao Thiên Riêu đóng cung thứ ba thì tà dâm và mê luyến.

Câu này không mấy nhắc tới Thiên Đồng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm thì phải có Thiên Đồng mới tà dâm ngoại tình như câu:

Đồng Riêu đoán ắt ngoại tình chẳng sai.

Chỉ Thiên Riêu không thôi thì bất chính cả hai.

Những câu phú về Thiên Riêu có:

– Riêu tại Hợi vi minh mẫn

(Thiên Riêu đóng Mệnh ở Hợi con người minh mẫn)

– Riêu Đà Kị đi liền ba cung mà có cung Mệnh Thân ở một trong ba cung ấy thì luôn luôn gặp họa

– Hạn phùng Riêu Hỉ Đào Hồng

Gái trai tơ tưởng những lòng dâm phong

– Hạn phùng Riêu Hổ khá ngừa

Những loài ác thú tránh xa chớ gần

– Riêu Xương Mộc Kình Sát ư lão hạn loạn dâm Võ Hậu

(Về già, hạn gặp Riêu Xương, Mộc Dục, Kình Dương và những sát tinh khác thì lòng vẫn còn nghĩ những chuyện dâm đãng như bà Võ Hậu)

Một lá số, ứng với nhiều cuộc đời, nó có những khung, những khuôn mẫu nhất định cho nó. Tuy nhiên, một lá số theo tính toán lý thuyết có tới hơn 10 ngàn người . Như vậy, một lá số có nhiều cuộc đời, cái sự hiểu cho đúng, cũng nhiêu khê . Nhưng có như thế, mới thấy câu hỏi xuất hiện tự nhiên : Thế làm thế nào để biết, hay phân biệt người a với người b trong cùng một lá số mới có ý nghĩa ?.

Phân biệt a, b trong một lá số có nhiều cách . Như cách thông thường, mà xem ra có vẻ dễ thuyết phục nhất . Đó là cách dựa vào hình tướng tử vi .

Lời bàn :" thầy mù không thể xem giỏi tử vi vì không có mắt để nhìn hình tướng, họ muốn giỏi phải dùng môn khác trợ giúp như Kỳ Môn Độn Giáp vậy, ví dụ cụ BALA. Muốn xem chính xác phải giỏi nhiều môn vì dùng một môn thì độ chính xác không cao có khi sai lầm nhiều, Ví dụ một lá số có nhiều cuộc đời....nếu không dựa vào điều khác mà chỉ dựa vào lá số thì biết họ sẽ đi theo hướng nào trong những cuộc đời đó".

Sách Ngũ Hành hình tướng dùng ngũ hành mà luận xem hình tướng đương số sẽ thế nào, mọi người nói mệnh này ăn sao này không ăn sao kia nhưng bí quyết ở chổ tại sao cùng lá số mà người hình tướng này hình tướng kia nên dùng ngũ hành như chúng ta thường luận thì đâu có được.

Phương pháp nữa là dùng phong thủy âm trạch . Phương pháp này khó nhất, nhưng cũng bá đạo nhất. Vì thế, phải thật thân thiết mới dám dùng . Nhưng lợi ích thì vô cùng lớn . Bởi có thể thấy từ đó những hình thế của âm trạch phong thủy mà sửa đổi Long mạch sao cho phù hợp, không phải là cải số, mà là để đảm bảo cho người có số ứng với cái người có số tốt nhất trong cái lá số đó . Đã có lợi ích thì cũng có cái bất lợi . Mà bất lợi thì cũng ghê gớm, hại người và hại ta . Thế thời, phương pháp này lại càng ngày càng trở nên huyền bí, được ngụy trang dưới nhiều hình thái khác nhau .

Mỗi phương pháp đều có bí quyết !. Không thể nói phương pháp này hay hơn phương pháp kia . Nhưng nếu giỏi cả ba phương pháp đó thì tốt nhất . Bởi một khoa học về con người, thì tri thức không bao giờ là đủ để nghiên cứu nó .

Trích : Giai thoại về Tử Vi đời Tống

Vua Tống : - Trẫm có một thắc mắc : Trong cùng một giờ, một ngày, một tháng, một năm, có hàng vạn vạn người sinh ra, không lẽ cuộc đời họ cũng giống nhau ư?

Tây Sơn lão nhân : - Bệ hạ hỏi thực phải. Điều này có chép trong Tử-vi kinh, nhưng bệ hạ không ngự lãm mà thôi.

Nhà vua cầm cuốn sách lên: - Trẫm đã đọc kỹ, đọc đến thuộc làu, mà không thấy đoạn ấy. Đạo-sư chỉ cho biết vấn đề này chép ở chương nào.

- Xin bệ hạ mở trang đầu, bài phú Tử-vi cốt tủy, sẽ thấy.

- Quả thực trẫm sơ ý. Khi mở sách, trẫm đọc ngay chương nhất, mà không đọc phần tựa. Thì ra tổ chép ở đó.

Phú, thọ, quý, vinh, yểu, bần, ai, khổ, Do ư phúc trạch cát hung. Thương, tang, hình, khổn, hạnh, lạc, hỉ, hoan, Thị tại vận hành hung cát.

À, hai câu này trẫm có đọc qua, mà không hiểu rõ cho lắm.

- Không phải mình bệ hạ, mà hầu như những đệ tử Hoa-sơn đời sau, khi xem số đều chỉ chú ý đến những cung Mệnh, Tài, Quan cùng vận hạn. Ít người chú ý đến cung Phúc cũng như cung Tật-ách. Cái chìa khóa khoa Tử-vi là câu này.

- Trẫm chờ đạo-sư chỉ dạy.

- Tâu bệ hạ, cung Phúc rất quan trọng. Nó ảnh hưởng đến ba cung Phu-thê, Tài-bạch, Thiên-di là lẽ đương nhiên. Nó gần như khống chế toàn cuộc đời về: Giầu-nghèo, thọ-yểu, sang-hèn, vinh-nhục, sầu-thảm và khổ-cực. Tùy theo cung Phúc tốt hay xấu mà biết đương số giầu hay nghèo, sống lâu hay chết yểu; sang hay hèn, sang cũng có nghĩa làm quan lớn, có danh tiếng hay không? Tức có vinh không? Rồi cuộc đời bi-ai hay toại chí đắc thế?

- Không ngờ cung phúc quan trọng như vậy. Nhưng trẫm vẫn chưa hiểu rõ hơn về những người sinh cùng giờ, ngày, tháng, năm.

- Tâu bệ hạ, cung Phúc bao gồm nhiều yếu tố cuộc đời. Mà cung Phúc lại ứng vào với ngôi mộ mà đương số được hưởng phúc.

- Trẫm vẫn chưa hiểu. Xin đạo-sư lấy một vài lá số làm tỷ dụ.

- Vâng, thần xin lấy số của Chiêu-văn quan đại học sĩ Vương Tăng cùng với số của Kinh-lược sứ Quảng-Tây lộ Vương Duy-Chính. Cả hai cùng sinh vào giờ Tỵ, ngày hai mươi tháng sáu năm Bính-Tý. Thế nhưng cuộc đời hai vị hoàn toàn khác nhau về chi tiết, nhưng đại thể thì giống nhau.

- Ừ nhỉ, khi bổ nhiệm hai người, trẫm đều xem qua số trước, nhưng trẫm sơ tâm không chú ý đến hai người cùng một số. Cả hai người cùng đắc cách Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương. Mệnh lập tại Dần. Đồng, Lương thủ mệnh, thêm Mã, Lộc, Tang, Hình, Tam-thai. Đồng, Lương là cách làm quan, nhưng đắc cách cực tốt Lộc, Mã giao trì. Tử-vi kinh nói Lộc, Mã giao trì, kinh nhân giáp đệ. Nên hai người tuy thi hai khóa khác nhau, mà cùng đỗ cao cả. Thời thơ ấu của Tăng thì yên ổn, nhung lụa. Còn thời thơ ấu của Chính thì khổ cực đến phải đi làm nô bộc. Cả hai cùng bị người anh ngu si, dốt nát, lêu lổng ghen tỵ, đánh đập. Cả hai năm trước đây vợ đều chết. Tăng tục huyền với con nhà danh gia. Chính tục huyền với con nhà bần hàn. Tăng làm quan tại triều, Chính trấn ngự Nam-thùy.

- Thần xin giải cái khác nhau đó. Cả hai vị cung Phúc-đức do Thái-dương thủ, ngộ Triệt, gặp Kiếp, Đà. Thái-dương chỉ vào ngôi mộ ông nội. Ngôi mộ ông nội của Tăng để vào đầu mỏm núi, hướng ra vòm sông, cảnh trí rất dẹp, giống như ngồi trong cái nghiên bút. Thế đất đó trong khoa Địa-lý gọi là Bút mặc, văn giai. Còn mộ ông nội Chính để vào khu ruộng trũng, phía trước có cồn dâu, trên cồn có tượng thờ hổ đá. Thế đất đó gọi là Bạch-hổ tọa trấn. Vì vậy Tăng thi đậu sớm, làm quan tại triều, chức tới tể thần, ngoài ra còn lĩnh Khu-mật-viện sứ. Còn Chính thi đậu trễ hơn mấy năm, gốc là quan văn, sang làm quan võ, hay Tử-vi kinh gọi là Xuất võ do văn .

Tây-Sơn lão nhân tiếp: - Cả hai người, đều đắc cách Mã đầu đới kiếm, trấn ngự biên cương đến hai lần. Vì vậy Chính lĩnh kinh lược sứ Quảng-Tây, trấn Nam-thùy. Còn Tăng tuy ở triều, nhưng trong Khu-mật viện, y lĩnh trọng trách Nam-phòng cũng giống như trấn ngự biên cương.

- Trẫm tưởng chỉ một lần thôi chứ. Hai người cùng có cách Kình-dương cư quan tại Ngọ, là Mã đầu đới kiếm.

- Tâu bệ hạ, Thiên-hình, Thiên-mã thủ mệnh tại Dần cũng là cách Mã-đầu đới kiếm. Nhưng vì ngôi mộ ông nội của Tăng thiên về văn, nên tiến trình của Tăng văn nhiều hơn võ. Còn ngôi mộ ông nội Chính thiên về võ nhiều hơn văn, nên ngôi sao võ có dịp nổi dậy.

Lão nhân ngừng lại một lúc, rồi tiếp: - Hồi thơ ấu, đức Thái-Tổ có người bạn tên Chu Năng. Hai người cùng số Tử-Vi. Cung Phúc-đức có Tham-lang tại Tuất. Ngôi mộ ứng với Tham-lang của đức Thái-Tổ kết phát nên người lập được nghiệp rồng. Còn ngôi mộ ứng với cung Phúc của Chu Năng ở vào chỗ cùng cực xấu, nên Chu cũng sáng nghiệp bằng cách qui dân lập được mấy ấp, được tôn làm hương trưởng, rồi sau khi chết được tôn làm thần Thành-hoàng. Đó bàn về phúc. Cung Phúc-đức bao gồm phần phúc và đức. Hai người cùng một số, nhưng tổ-tiên, ông-bà, bố-mẹ, và bản-thân xây dựng cái thiện-đức, thì đương số được hưởng phú, thọ, quý, vinh nhiều hơn. Phần yểu, bần, ai, khổ giảm. Còn như tiền nhân gây nhiều ác-đức, thì phú, thọ, quý, vinh giảm; mà yểu, bần, ai, khổ tăng.

Nhà vua hiểu ra: - Như vậy những người cùng số, có cuộc đời hao hao giống nhau. Nhưng tùy theo ngôi mộ ứng với cung Phúc-đức táng ở thế đất kết hay bại, mà phú, thọ, quý, vinh, yểu, bần, ai, khổ khác nhau. Bây giờ tới vấn đề khác. Như số những người chết một lúc như chiến-tranh, đắm thuyền. Không lẽ số những người đó đều đến ngày ly thế cả hay sao?

- Tâu bệ hạ, trong Tử-vi kinh có nói rồi. Thần xin đọc: Vận con phải thua vận cha. Vận người không bằng vận nhà. Vận nhà không bằng vận làng. Vận làng không bằng vận châu. Vận châu không bằng vận nước. Vận nước không bằng vận thiên hạ.

Nhà vua suýt xoa: - Trẫm hiểu rồi! Trước đây trẫm đọc đoạn này chỉ hiểu lờ mờ. Bây giờ nhờ đạo sư nhắc, trẫm mới vỡ lẽ. Trẫm thử kiến giải xem có chỗ nào sai, đạo sư minh cho. Như hai trẻ cùng số, nhưng thời thơ ấu sống với cha mẹ. Nếu cha mẹ giầu sang, thì dù số nó xấu, vẫn được ấm no. Còn như cha mẹ nghèo khó, thì dù số nó tốt, vẫn bị cơ cực. Đó là vận con phải thua vận cha.

- Bệ hạ kiến giải thực minh mẫn. Rộng hơn chút nữa, một người ở trong làng, dù số tốt hay xấu cũng phải chịu chung số phận của cả làng. Tỷ như hai người cùng số giầu. Một người sống trong làng giầu, thì của cải súc tích. Còn người sống trong làng khó, thì chỉ giầu so với người trong làng, nghĩa là kha khá vậy thôi.

- Trẫm hiểu rồi, khi người ta đi cùng thuyền, giống như ở trong cùng làng. Nếu hơn phân nửa người trong thuyền tận số, thì thuyền đắm. Số còn lại bị chết oan theo. Như vận một châu không có người chết, nhưng vận nước có binh ách, châu cũng chịu chung, ắt có nhiều người chết.