Lãi suất 2023

Tại báo cáo "Triển vọng ASEAN Củng cố tài khóa: Một chặng đường dài" do HSBC công bố, ngân hàng này dự báo lãi suất điều hành sẽ tiếp tục tăng cho đến quý II/2023 và chạm mốc 7%.

Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành 100 điểm cơ bản vào cuối tháng 9 từ mức 4% lên 5%. HSBC dự báo, lãi suất điều hành sẽ tiếp tục tăng lên 6% trong quý IV/2022, 6,5% trong quý I/2023 và đạt mốc 7% trong quý II/2023 sau đó giữ ở mức này đến hết năm 2023.

Lãi suất 2023
Lãi suất điều hành sẽ tiếp tục tăng đến quý II/2023

Báo cáo từ HSBC cũng cho thấy, lãi suất điều hành của Việt Nam (5%) hiện đang cao hơn so với một số quốc gia trong ASEAN như Phillipines (4,25%), Indonesia (4,25%), Malaysia (2,5%), Thái Lan (1%).

Tuy nhiên, nếu đúng như dự báo của HSBC lãi suất sẽ tăng liên tiếp lên mức 7%, khoảng cách giữ lãi suất điều hành của Việt Nam và các quốc gia khác trong ASEAN sẽ được nới khá rộng.

Bù lại, Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP cao nhất và kiểm soát lạm phát tốt nhất trong số các quốc gia ASEAN mà HSBC nghiên cứu.

Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam dự báo ở mức 7,6%, tăng trưởng năm 2023 ở mức 6% và năm 2024 ở mức 6,6%.

Trong khi đó, mức tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại được kiểm soát ở mức thấp nhất trong nhóm ASEAN-6. Năm 2022, HSBC dự báo Việt Nam sẽ kiểm soát CPI tăng ở mức 3,4% trong khi Malaysia tăng 3,5%, Indonesia tăng 4,6%, Philippines 5,5%, Singapore 6,1%, Thái Lan 6,3% và mức trung bình ASEAN-6 là 4,9%.  

Bước sang năm 2023, CPI của Việt Nam dự báo sẽ tăng cao hơn đôi chút ở mức 3,7% và năm 2024 ở mức 3,4% nhưng vẫn thấp ngưỡng 4% từng được Việt Nam đặt mục tiêu cho năm 2022.

Trước đó, tại hội thảo “Triển vọng Thị trường 2022”, CEO HSBC Việt Nam Tim Evans cho biết, bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực, tiếp tục đạt thành tích, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP. 

Mỹ rất có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 khi áp lực lạm phát kéo dài buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải đẩy lãi suất lên cao hơn dự kiến.

Lãi suất 2023
Fed và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang căng sức chống đỡ lạm phát. Ảnh: AFP

Cựu Chủ tịch Fed tại thành phố Boston, ông Eric Rosengren, đưa ra cảnh báo trên trong cuộc phỏng vấn trên đài CNBC vào ngày 8/11.

Ông Rosengren cho rằng Fed hiện có vẻ sẽ tăng lãi suất lên mức kịch kim và vượt mức dự báo 5% của các nhà đầu tư, khi đó sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm 2023.

"Tôi nghĩ rằng rất có thể Mỹ sẽ hứng chịu một cuộc suy thoái nhẹ vào năm tới", ông Rosengren trả lời đài CNBC tại một hội nghị của Ngân hàng UBS được tổ chức ở London.

Về mức lãi suất kịch kim mà Fed có thể ấn định, ông Rosengren dự đoán "sẽ hơn 5,5%".

Trong cuộc họp chính sách mới nhất vào tuần trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên ngưỡng 3,75 - 4% và ám chỉ rằng việc tăng lãi suất có thể được đẩy mạnh hơn so với những gì đã vạch ra trước đó, mặc dù tốc độ tăng có thể chậm hơn.

Sau động thái của Fed, các nhà giao dịch đặt cược mức lãi suất kịch kim mà Fed sẽ ấn định vào thời điểm tháng 5/2023 là 5,09%. 

Còn theo ông Rosengren, Fed sẽ tăng lãi suất kịch kim khi thị trường lao động Mỹ suy yếu và tăng trưởng lương danh nghĩa chậm lại.

Để lãi suất lên mức kịch kim 5,5% vào năm tới, ông Rosenberg cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ phải ở ngưỡng 5 - 5,5%, cao hơn mức 3,7% hiện nay và vượt mức dự báo 4,4% của Fed.

Thị trường lao động Mỹ liên tục bị thắt chặt trong những tháng gần đây, đẩy áp lực tăng lương dâng cao. Tăng trưởng tiền lương trong tháng 10 đã đạt mức 5,2%, cao hơn mức 3,5% mà Fed tính toán phù hợp với mục tiêu lạm phát 2%. "Bạn sẽ cần điều đó để kìm chân mức tăng lương cho phù hợp với chỉ tiêu lạm phát 2%", ông Rosenberg nói.

Nỗ lực của Fed nhằm giải quyết tình trạng lạm phát tăng vọt tới 8,2% trong tháng 9 có thể trở nên phức tạp hơn nữa do kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 7/11.

Hiện tại, đảng Cộng hòa đang được ủng hộ để giành quyền kiểm soát Hạ viện, trong khi cuộc đua giành quyền kiểm soát Thượng viện dường như rất căng thẳng.

Nếu chiến thắng về tay đảng Cộng hòa, ông Rosengren nhận định điều đó có thể gây áp lực lên Fed trong việc thay đổi hướng đi của mình khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

"Nếu rơi vào suy thoái, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ bởi sẽ không có gói kích thích tài chính mà bạn có thể có”, ông Rosengren nhấn mạnh.

Cựu Chủ tịch Fed tại Boston cũng lưu ý: "Thách thức sẽ là nếu nền kinh tế bắt đầu đi xuống, Fed cảm nhận ra sao khi chính sách tài khóa không có khả năng chống đỡ thị trường lao động đang suy yếu".