Lãi suất ngân hàng năm 2013 là bao nhiêu mới nhất năm 2022

Hiện nay, lãi suất huy động vẫn đang được duy trì ở mức khá thấp, dao động từ 3-4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7%-5%/năm đối với kỳ hạn 6-12 tháng và 4,2-6,5%/năm đối với kỳ hạn hơn 12 tháng. Tuy nhiên, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp như vậy cũng đang gặp phải áp lực. Ðó là lạm phát của năm, sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, cùng với nhu cầu tín dụng tăng,… cũng tạo sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất.

Lãi suất tiết kiệm bật tăng sau Tết Nguyên đán

Theo khảo sát trên thị trường, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi ngay trong tháng 2. Ðơn cử ngày 7/2, ngày đầu tiên giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hầu hết ngân hàng đều áp dụng chương trình ưu đãi hấp dẫn như tăng lãi suất huy động, tặng quà, lì xì may mắn cho khách hàng để thu hút lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân. Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khách hàng được hưởng lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm khi gửi tiền tiết kiệm Prime Savings trên Ngân hàng số VPBank NEO. Ðây là mức lãi suất cao nhất tại VPBank và các ngân hàng khác tại thời điểm này. Còn đối với sản phẩm tiết kiệm thường tại quầy, tùy theo kỳ hạn, lãi suất huy động tại VPBank tăng 0,5%-0,7%/năm so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,2-0,3%/năm so với tháng trước đó.

Ngoài VPBank có mức tăng kỷ lục, nhiều ngân hàng cũng đồng loạt điều chỉnh. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất từ 0,2-0,5%/năm với nhiều kỳ hạn từ ngày 7/2. Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Techcombank là 5,8%/năm với kỳ hạn 36 tháng và 5,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), lãi suất gửi tiết kiệm online cao hơn 0,8%/năm so với gửi tại quầy. Theo bảng lãi suất mà MSB đang niêm yết, lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất là 5,6% cho kỳ hạn 12 tháng; và 5%-5,3%/năm cho kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng. Ðối với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), khách hàng gửi tiết kiệm online cũng được cộng thêm 0,3%-0,4%/năm so với gửi tại quầy và mức lãi suất áp dụng đầu xuân cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,2%-0,4%/năm tùy theo từng kỳ hạn gửi…

Duy trì mặt bằng lãi suất ổn định

Trước đó, ngay trong tuần giao dịch cuối cùng trước Tết Nguyên đán, nhu cầu tiền mặt tăng mạnh khiến thanh khoản trong hệ thống gặp áp lực tạm thời và kênh thị trường mở (OMO) đã tiếp tục được sử dụng. Theo nghiên cứu từ Công ty SSI Research, trong tuần cận Tết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bơm 8,8 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Tổng lượng tín phiếu đang lưu hành thông qua kênh OMO là 9,9 nghìn tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh với kỳ hạn qua đêm vượt lên hơn 2%, kết thúc tuần ở 2,3% (tăng 121 điểm cơ bản (bps)). Lãi suất kỳ hạn dài tăng 38-47 bps, giao dịch từ 2,2%-2,5% cho các kỳ hạn 1 tuần-1 tháng.

Ðánh giá nguyên nhân lãi suất huy động tăng trở lại, theo các chuyên gia tài chính-ngân hàng, là do lạm phát đang có xu hướng nhích lên. Các ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì mặt bằng lãi suất thực dương. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng cũng tăng cao khi hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng đã có sự bứt phá ngay từ những ngày đầu năm. Tính đến ngày 28/1, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm trước (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước; tháng 1/2021 chỉ tăng 0,53%). Ðiều này cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.

Thực tế trong năm 2021, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều ngân hàng thương mại lớn đã hạ lãi suất cho vay tới bốn lần. Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng, nếu tính cả ba chương trình giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ đầu năm 2021 đến nay và chương trình giảm lãi suất khác của Vietcombank, tổng lợi nhuận Vietcombank giảm để hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng lên tới 7.000 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo chung cho toàn hệ thống từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho thấy, lũy kế từ đầu dịch Covid-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 620 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm lãi, phí tổng cộng lên tới hơn 40 nghìn tỷ đồng. Ðáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021 là khoảng 21.244 tỷ đồng, đạt 105,13% so với cam kết.

Tuy nhiên, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay đang gặp phải không ít áp lực. TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia nhận định: "Nếu bây giờ giảm lãi suất xuống mức quá thấp, tôi e rằng các nhà đầu tư sẽ dịch chuyển dòng tiền của mình sang các kênh đầu tư khác. Như vậy nó sẽ tác động tiêu cực đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng". Ngoài ra, theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú, rủi ro lạm phát có nguy cơ tăng cao khi giá nguyên vật liệu của thế giới vẫn ở mức cao (chi phí đẩy) và áp lực phục hồi kinh tế trong nước nửa cuối năm 2022 (cầu kéo); xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, độ trễ của các gói kích thích kinh tế khá lớn hai năm qua sẽ tác động tới diễn biến lạm phát, thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, nhất là khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở cao.

Việc duy trì mặt bằng lãi suất ổn định đang là thách thức đối với cơ quan điều hành, nhưng ông Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục kiên định với mục tiêu này: "Năm 2022, chúng tôi tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chủ động theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kịp thời, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế".

NGỌC DIỆP

Lãi suất bất ngờ lên 8%

Chị Hoàng Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây đã tất toán một khoản tiết kiệm kỳ hạn sáu tháng tại Techcombank chi nhánh Linh Đàm. Tuy nhiên, chị được nhân viên ngân hàng đề nghị tiếp tục gửi tiền tại đây bởi ngân hàng này mới nâng lãi suất. Cụ thể, Techcombank đã nâng lãi suất tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn. Nếu tháng trước, lãi suất kỳ hạn dưới 11 tháng cao nhất là 3,6%/năm thì tháng này đã tăng lên 4,1%/năm. Đáng chú ý, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại Techcombank đã tăng mạnh lên 4,9%/năm, cao hơn các kỳ hạn dưới 36 tháng (là 4,8%/năm). Tuy nhiên, chị Lan được nhân viên khuyên nên gửi tiết kiệm online (trực tuyến) vì khi gửi tiết kiệm online sẽ được cộng thêm 0,4%/năm so với gửi thông thường tại quầy.

Chị Xuân Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng được nhân viên ngân hàng quen nhắn tin thông báo lãi suất tiền gửi cách đây mấy ngày. Cụ thể, ngân hàng này đã tăng lãi suất thêm 0,5% lên 6,3%/năm tại kỳ hạn 12 tháng mà chị Hồng hay gửi. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này tính đến cuối tháng 12/2021. Là khách VIP, chị Hồng cũng được nhân viên thông báo tham gia đợt bốc thăm trúng thưởng đợt cuối năm để tri ân khách hàng. Nhân viên ngân hàng này cũng động viên chị Hồng nếu còn tiền nhàn rỗi hãy gửi vào ngân hàng vì cuối năm lãi suất thường cao hơn các tháng vừa qua.

Không chỉ hai ngân hàng trên, một số ngân hàng cũng vừa nâng lãi suất tiết kiệm từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 lên thêm 0,3-0,5%/năm: Techcombank, GPBank tăng 0,5% ở nhiều kỳ hạn; Eximbank cũng tăng lãi suất huy động thêm 0,1-0,3%/năm ở các kỳ hạn ngắn… Nếu gửi tiền tiết kiệm theo hình thức online, khách hàng còn được cộng thêm 0,2-0,4%/năm so với gửi tiết kiệm thông thường tại quầy. VPBank thậm chí tăng lãi suất gửi tiết kiệm online thêm 0,4-0,8%/năm ở một số kỳ hạn… Có một điểm đáng chú ý trong tháng cuối năm  này là một chi nhánh ngân hàng SHB tại Vạn Phúc, Ba Đình (Hà Nội) đã nâng lãi suất huy động lên 8,0%/năm, cao hơn mức lãi suất huy động cao nhất các tháng trước là 7,1%/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp cá biệt áp dụng cho một số khách hàng đáp ứng điều kiện về số tiền gửi, kỳ hạn, điều kiện lĩnh lãi và cam kết không rút trước hạn; còn trên thực tế, lãi suất cơ sở tại SHB đến nay cao nhất chỉ là 6,6%/năm nằm trong gói tiết kiệm Đại Lợi, áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng. 

Có thể thấy, lãi suất huy động cuối năm 2021 đã “nóng” hơn.

Năm 2022-Tăng tín dụng, ổn định lãi suất

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, một số ngân hàng tăng lãi suất hiện nay là do nhu cầu thị trường thanh khoản chu kỳ cuối năm. “Dư địa giảm lãi suất là rất khó vì gần như không còn dư địa giảm lãi suất nữa, chưa kể ngân hàng còn rất nhiều khoản nợ cơ cấu của khách hàng mà khách hàng vẫn chưa có khả năng trả. Đây cũng là nguyên nhân khiến áp lực thanh khoản thời gian tới sẽ khó khăn hơn”, ông Hùng nói. 

Ông Hùng cũng cho biết, đầu năm 2022, do lạm phát của Việt Nam ổn định ở mức thấp, lãi suất huy động khó có thể tăng cao hơn bởi khi lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức thấp thì ngân hàng khó tăng lãi suất huy động do còn phải giữ biên lợi nhuận. 

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đồng tình khi cho biết, gần đây lãi suất tăng nhưng mức tăng không lớn và chỉ do một số ngân hàng quy mô nhỏ thực hiện. “Theo chu kỳ hằng năm, dịp cuối năm là thời điểm các ngân hàng chuẩn bị vốn để doanh nghiệp trả lương thưởng, vay vốn chuẩn bị cho sản xuất, kinh doanh năm tới, ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh cho quý I, quý II năm sau. Nhưng hiện nay thanh khoản các ngân hàng rất dồi dào dù nhiều ngân hàng được tăng chỉ tiêu tín dụng. Nếu để ý hoàn toàn có thể thấy một số ngân hàng tăng lãi suất đợt này chủ yếu là số ít, quy mô rất nhỏ do căng thẳng thanh khoản và một số ngân hàng đang huy động vốn cho các dự án triển khai ngay đầu năm tới của khách hàng lớn”, vị này thông tin.

Còn về dài hạn, theo chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cuối năm, một số ngân hàng đã tăng lãi suất nhưng tất nhiên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn mong muốn giảm lãi suất và duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. “Do đó, nếu theo xu hướng lãi suất tăng thì mức tăng cũng nhỏ. Mọi người nhìn thấy nguy cơ lạm phát tăng trong năm 2022 nhưng không lớn, nên năm 2022 lãi suất có tăng cũng chỉ tăng nhẹ”, ông Thịnh nói.

Thông tin về chính sách tiền tệ năm 2022, ngày 28/12, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định. “Nếu có điều kiện, các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất, cộng với các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, tạo hiệu ứng chung vừa có hỗ trợ của ngành ngân hàng vừa có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đặc biệt, dành nguồn vốn cho các lĩnh vực khó khăn, lĩnh vực cần ưu tiên; không tập trung vốn cho các lĩnh vực không ưu tiên”, ông Tú nói.

Phó Thống đốc cũng cho biết, năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2021 là 12%. “Năm nay mở rộng đến 14%. Đây là con số đặt ra để định hướng. Còn thực tế có thể hơn hoặc chưa đến vì năm tới có nguy cơ tác động đến lạm phát, mà mục tiêu của chúng ta là ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát”, Phó Thống đốc cho hay.

Nợ xấu tăng lên 8,2%

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là duy trì nợ xấu toàn ngành dưới 3%, tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại phát triển quy mô, lành mạnh hóa quan hệ tín dụng… Tuy nhiên do dịch bệnh, số liệu thống kê đánh giá đến nay, nợ xấu nội bảng là 1,9%, cao hơn con số cuối năm 2020 là 1,69%. Nếu tính cả nợ xấu bán cho Công ty Mua bán nợ và tài sản (VAMC) và nợ tiềm ẩn thì nợ xấu nội bảng là 3,79%.

“Trong trường hợp thận trọng, tính đầy đủ hơn, tính toán tác động của dịch và cơ cấu đến hạn chưa trả, chính sách miễn giảm theo Thông tư 01, 03 và sau này là Thông tư 14 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu này là 8,2%. Nợ xấu này không ai mong muốn nhưng nó là của nền kinh tế, của dịch bệnh. Người ta không muốn, chứ không phải do sai phạm cố tình hay làm ăn thua lỗ”, ông Tú đánh giá. Phó Thống đốc cũng cho hay, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì nợ xấu còn tăng hơn nữa. Nợ xấu do dịch thì càng cần hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức xử lý trong thời gian tới.

Được biết, để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, kể từ khi có dịch Covid-19 đến nay, các ngân hàng đã giảm 34 nghìn tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất. Trong đợt cam kết gần nhất của 16 ngân hàng lớn giảm lãi suất từ tháng 7 đến hết năm 2021, số tiền lãi cam kết giảm là 20 nghìn tỷ đồng, riêng bốn ngân hàng thương mại nhà nước giảm thêm 4.000 tỷ đồng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/11, các ngân hàng đã giảm 18.095 tỷ đồng tiền lãi suất, tương đương 87,78% số cam kết. Đến hết năm 2021, Ngân hàng Nhà nước dự tính sẽ đạt 100% cam kết.