Lối sống nhạt nhẽo là gì

Giới trẻ ngày nay năng động, giỏi giang, giảng đường đại học sôi nổi các hoạt động đoàn thể, từ thiện, nhiều người mới ra trường đã tự lập công ty, ngoài 20 tuổi đã đi ra thế giới, sang xứ người lập nghiệp

Nhưng những gương mặt xuất sắc như thế không nhiều. Hiện vẫn có không ít bạn trẻ "sống nhạt", thụ động, không sở thích, đam mê, từ đó rơi vào tình trạng mất niềm tin, thiếu vững vàng trước khó khăn thử thách.

Thiếu tự tin

Kết quả cuộc khảo sát thực tế một nhóm trẻ trong độ tuổi vị thành viên và vừa qua tuổi trưởng thành tại địa bàn Hà Nội, do Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học- kỹ thuật Việt Nam) thực hiện, đã đưa ra lời "cảnh báo": Một bộ phận không ít trong số các bạn trẻ đang rất thiếu sự tự tin trong cuộc sống. Lời cảnh báo này đã phần nào được thể hiện bằng chính tâm sự của người thật, việc thật từ một nữ SV đang học năm đầu Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Em thực sự hoang mang trước "cuộc sống mới". Em mới lên Hà Nội học được 4 tháng.

Những năm cuối bậc phổ thông, nhất là lớp 11-12 thì đi học cả ngày, hết học chính tới học thêm để đạt mục tiêu duy nhất là đỗ đại học. Đọc báo, xem phim về cuộc sống của các anh chị sinh viên, thấy vui và nhiều hoạt động. Nhưng suốt mấy tháng lên đây học, lịch sinh hoạt hằng ngày của em và người bạn cùng trọ chỉ là sáng đi học rồi trưa về ngủ, đến chiều dậy nấu nướng dọn dẹp một tí, ăn tối rồi xem phim, thế là hết ngày.

Thỉnh thoảng các bạn trong lớp rủ nhau đi chơi, đi ăn, em cũng đi. Nhưng tự em thấy cuộc sống của mình hiện nay nhạt thật. Không riêng em, nhiều bạn bè em hiện nay cũng chỉ đi học rồi ăn, ngủ cả ngày. Chúng em cũng muốn khác, nhưng thật sự chưa biết phải làm thế nào. Nếu tham gia các hoạt động như câu lạc bộ ở trường thì bọn em lại hơi ngại. Nếu có người rủ đi làm những hoạt động kiểu như từ thiện thì em sẽ tham gia ngay.

Ngược lại, Mai Thanh (SV ĐH Quốc gia HN) lại có ý kiến "phản biện": Tôi không nghĩ giới trẻ chúng tôi đang sống "nhạt" dần đi, mà có chăng là chúng tôi sống phức tạp hơn. Bởi, với cuộc sống hiện nay, chúng tôi có nhiều sự lựa chọn hơn, có thể sống nhiều kiểu khác nhau; vì thực tế cuộc sống mỗi người có mục đích sống cũng như hoàn cảnh khác nhau. Chính vì thế, bên cạnh những người sống sôi nổi, nhiệt huyết thì tất nhiên cũng có những người không xác định được phương hướng cuộc sống. Nhưng nếu bảo những bạn chưa xác định được phương hướng là "sống nhạt", sống thiếu lý tưởng thì cũng không hẳn. Chả lẽ các bạn không tham gia hoạt động với cộng đồng thì gọi là "nhạt"? Vậy những bạn chỉ thích sách vở, sống nội tâm, không biểu hiện gì đặc biệt ra ngoài thì có bị gọi là "nhạt"?

Ngay cả những bạn mà người khác bảo là "sống nhạt", nhưng các bạn lại thấy hài lòng và yên ổn thì nên đánh giá thế nào?... Tôi cho rằng, người lớn không nên ép chúng tôi phải sống một cuộc sống như thế nào mà nên đồng cảm với chúng tôi và có chăng, nên "định hướng" chúng tôi một cách khéo léo và hợp lý hơn thì sẽ ổn hơn'' - Mai Thanh kết luận.

Bế tắc?

Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, hiện có một bộ phận bạn trẻ đã rơi vào tình trạng mất niềm tin, dẫn đến dao động, thiếu vững vàng trước khó khăn thử thách nên dễ bị lôi kéo rồi rơi vào lối sống lệch lạc, sợ gánh vác trách nhiệm với gia đình, xã hội, sợ khó khăn, gian khổ, không có ý chí vươn lên, sống khép mình không hòa nhập với cộng đồng Thờ ơ, thiếu quan tâm đến người khác, dửng dưng với cuộc sống đang diễn ra xung quanh... là hệ quả dễ thấy của lối sống nhạt. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất- như một chuyên gia tâm lý chỉ ra- chính là việc sẽ cảm thấy bế tắc trong cuộc sống.

Với vị trí là người trực tiếp tham gia vào "sự nghiệp trồng người", ThS Đặng Kim Cương - phụ trách công tác đoàn thể của ĐH Nông- Lâm TPHCM - đưa ra quan điểm: Sở dĩ tình trạng này xảy ra, ngoài nguyên nhân do chịu sự tác động từ cuộc sống, sự thiếu quan tâm của gia đình thì còn có nguyên nhân xuất phát từ sự yếu kém trong công tác đoàn thể. Theo ThS Kim Cương, thay vì ngăn chặn, cấm đoán, những hội đoàn, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm nên vận động để "thức tỉnh" các bạn nhận thức được những chuẩn mực của cuộc sống, để từ đó biết đề ra giới hạn cũng như mục đích phấn đấu cho mình. Hãy "uốn" các bạn vào khuôn phép thay vì phê phán, cấm đoán hoặc trừng phạt.

Chuyên gia tư vấn tâm lý và kỹ năng nghề nghiệp Nguyễn Thị Minh Tâm cho rằng: Trong "thế giới phẳng" hiện nay, khi mở cửa giao lưu, bên cạnh những cái được thì những "cái xấu" cũng sẽ tràn vào. Theo đó, đối tượng dễ bị tác động đến tâm sinh lý, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống chính là giới trẻ (bao gồm cả HSSV). Vấn đề ở đây là giải pháp nào giúp giảm thiểu tác hại của trào lưu ấy, bởi ta không thể ngăn chặn các trào lưu ấy tràn vào. Nên chăng, chúng ta cần hợp sức (cả gia đình, nhà trường và xã hội) để xây dựng, tạo sức đề kháng cho giới trẻ.

Với nhà trường phổ thông, cần áp dụng những giải pháp "quyết liệt, hiệu quả" hơn, như: Hãy dạy HS những giá trị đạo đức cơ bản để là một con người có nhân cách hoàn thiện thay cho những kiến thức hàn lâm, triết học, "thiếu vắng" kiến thức, kỹ năng hình thành thói quen đạo đức và kỹ năng sống hoàn chỉnh.

Hãy cho HSSV ứng xử, trải nghiệm với những lý tình huống thực tế, từ đó hướng dẫn các em tự rút ra bài học về giá trị cuộc sống cho mình. Giáo dục nhân cách, đạo đức trong nhà trường cần giảm thiểu những vấn đề lớn lao, mà hãy xây dựng lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật, giúp các em tự hoàn thiện mình. Muốn làm được điều này, không chỉ thay đổi trong giáo trình giảng dạy, mà điều "căn cơ" hơn chính là giáo viên. Giáo viên phải tìm ra phương pháp truyền thụ hợp lý nhất, giúp học sinh có thể xây dựng cho mình kỹ năng ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, một nhân cách hoàn thiện.

Cũng đồng thuận với quan điểm nên hướng giới trẻ đi theo những gì người lớn muốn bằng chính những hành động cụ thể, thiết thực, xây dựng môi trường sống tốt xung quanh con trẻ thì hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn, anh Cao Xuân Hiếu đã chia sẻ bài thơ trên facebook cá nhân: Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này/Rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật/Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết, cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực/Cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm/Dạy cháu rằng cứ mỗi một kẻ thù, cháu sẽ có thêm một người bạn/../Và nếu có thể, xin hãy dạy cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng Và phụ huynh Xuân Hiếu kết luận: Hãy quyết định nhân cách của con cái bạn bằng chính việc xây dựng môi trường xung quanh chúng