Loship là công ty gì

DealStreetAsia vừa dẫn nguồn tin cho biết, Loship đang tìm kiếm các khoản tài trợ bằng nợ (debt financing) thay vì thúc đẩy vòng gọi vốn series C (equity financing).

“Trong giai đoạn không chắc chắn như hiện nay, công ty đang chuyển sang ưu tiên việc duy trì hoạt động, thay vì thúc đẩy vòng gọi vốn mới. Và các khoản tài trợ bằng nợ sẽ là một lựa chọn khôn ngoan để (kéo dài) thời gian trước khi công ty cạn tiền”, một nguồn tin thân cận với công ty nói với DealStreetAsia. Tuy nhiên, phía Loship vẫn chưa có phản hồi về bình luận này.

Vào tháng 8/2021, DealStreetAsia đưa tin rằng, Loship đang đặt mục tiêu chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường Mỹ sau khi hoạt động kinh doanh bắt đầu có lợi nhuận.

Đến tháng 10/2021, Loship đã có cuộc đàm phán với Japan's Daiwa Securities Group và các nhà đầu tư khác nhằm huy động 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C.

Trước đó, startup giao hàng trực tuyến tại Việt Nam đã hoàn thành vòng gọi vốn pre – series C trị giá 12 triệu USD, được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm BAce Capital (do Ant Group tài trợ) và Sun Hung Kai & Co. – một công ty đầu tư niêm yết ở Hồng Kông.

Loship cũng được cho là đã huy động tiền từ các nhà đầu tư khác, bao gồm MetaPlanet Holdings, một công ty đầu tư mạo hiểm được hỗ trợ bởi người đồng sáng lập Skype Jaan Tallinn, Wealth Well của Ả Rập Xê Út, Smilegate Investment của Hàn Quốc, Hana Financial Group và DTNI, cũng như Golden Gate Ventures – công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore.

Với ‘thành tích’ gọi vốn kể trên, việc Loship chuyển hướng sang tìm kiếm nguồn vốn vay tài chính phần nào thể hiện sự thận trọng của chính starup này, cũng như các nhà đầu tư mạo hiểm, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều bất ổn.

Hé mở cơ cấu cổ đông của Lozi Việt Nam

Loship là thành viên trong hệ sinh thái Lozi. Theo dữ liệu của VietTimes, CTCP Lozi Việt Nam (Lozi Việt Nam) được thành lập từ tháng 11/2015, với quy mô vốn điều lệ ban đầu ở mức 200 triệu đồng.

Công ty này được sáng lập bởi 4 thể nhân và 1 pháp nhân, bao gồm: ông Nguyễn Hoàng Trung (nắm giữ 98,5% vốn điều lệ); ông Trần Minh Sơn (sở hữu 0,5% VĐL); ông Phạm Đức Huy (sở hữu 0,25% VĐL); ông Đoàn Minh Tú (sở hữu 0,25% VĐL) và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và dịch vụ phát triển kinh doanh ATV Việt Nam (nắm giữ 0,5% VĐL).

Sinh năm 1992, ông Nguyễn Hoàng Trung đảm nhiệm chức Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Lozi Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động của Lozi Việt Nam, các cổ đông sáng lập cũng dần triệt thoái vốn khỏi công ty. Cập nhật đến tháng 2/2020, 95% cổ phần của Lozi Việt Nam do Lozi Sigapore Pte. Ltd nắm giữ.

Lưu ý rằng, việc chuyển nhượng lượng lớn cổ phần cho một pháp nhân có trụ sở ở nước ngoài đang là bước đi thực hiện chiến lược IPO mà nhiều startup Việt Nam đang lựa chọn, trong đó có thể kể tới trường hợp của Tiki với Tiki Global, hay CTCP VNG với VNG Limited./.

Ở số Chuyện Nghề lần này, Careerly trò chuyện với anh Trần Minh Sơn, General Manager, Co-founder của Loship về khởi đầu của Lozi, hành trình Lozi trở thành Loship và trải nghiệm của bản thân anh suốt 10 năm nuôi lớn “đứa con tinh thần” này.

Loship là công ty gì

Careerly (C): Lời đầu tiên, rất cảm ơn anh đã dành thời gian phỏng vấn cùng Careerly ngày hôm nay. Anh có thể giới thiệu qua về bản thân cho các độc giả của Careerly được biết không? 

Anh Trần Minh Sơn (S): Chào mọi người, anh là Trần Minh Sơn, General Manager và là một trong những thành viên sáng lập nên công ty Loship (trước đây là Lozi). Cũng đã 10 năm kể từ ngày anh gắn bó với Loship, vừa là đứa con, cũng vừa là công ty duy nhất của anh đến thời điểm hiện tại.  

C: Anh có thể chia sẻ về hành trình bắt đầu của Lozi và Loship không?

S: Lozi ngày xưa là một nền tảng chia sẻ và review về ẩm thực. Động lực cho Lozi bắt đầu chính là việc anh và nhóm bạn tìm thấy lỗ hổng của thị trường về vấn đề tìm kiếm thông tin. Năm 2012, khác với bây giờ, không có nhiều người viết content review về ẩm thực, hay chia sẻ thông tin về nhà hàng nên tìm kiếm quán ăn ngon trên Google cũng không dễ.

Từ nhu cầu bản thân và nhu cầu thị trường thì anh và các founder khác đã quyết định thành lập Lozi. Lozi được xây dựng dựa trên content review quán ăn do chính người dùng đóng góp. Sau này bọn anh nhận ra rằng tại thời điểm đó thì Lozi đơn giản chỉ là nền tảng kết nối khách hàng (end user) và chủ cửa hàng (merchant), và mọi quyết định đều phụ thuộc vào hai bên khách hàng mà không có sự tham gia của Lozi. Cuối năm 2017, bên anh mới nhận ra rằng giữa người mua và bán còn một yếu tố trung gian, nếu Lozi không cung cấp được, thì Lozi nằm ngoài giao dịch giữa hai đối tượng khách hàng này. Vậy để giải quyết vấn đề này thì có hai phương án, một là công ty sở hữu một kênh thanh toán riêng, hai là mình có một kênh vận chuyển. Như vậy, Loship được ra đời vào tháng 11/2017. Tức là, tất cả những gì người dùng mua trên nền tảng của Loship, không chỉ giới hạn là đồ ăn, thì sẽ được Loship phụ trách vận chuyển đến họ. Loship sẽ quản lý toàn bộ hành trình của khách hàng (customer journey) từ lúc người ta nhìn thấy hình ảnh của sản phẩm trên nền tảng online đến khi họ nhận được món hàng thực tế, và đối tượng khách hàng mở rộng thành end user, merchant và driver. 

Hiện tại Loship có thể được định nghĩa là ứng dụng giao hàng tức thì (quick commerce startup). Nhu cầu “ngay lập tức” (instant) của người dùng sẽ là xu hướng mới của xã hội, khi con người trở nên bận rộn hơn cho công việc, đây cũng chính là lý do khiến Loship lựa chọn phát triển theo mô hình này. Càng làm thì team càng cảm thấy sản phẩm đang đi đúng hướng, đặc biệt là trong mùa dịch, khi mọi người không thể ra ngoài và mua sắm như bình thường. Đây thực sự là cơ hội tốt để sản phẩm tăng trưởng nhanh mà mất ít công sức để educate người dùng về thói quen mới, nhưng đồng thời cũng là thách thức khi càng có nhiều dịch vụ tương tự xuất hiện. Do đó, team Loship cũng đang cố gắng từng ngày để có thể mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. 

C: Bản thân Lozi ngày ấy thực sự là một trong những nền tảng review thức ăn rất nổi tiếng và đã trở thành ký ức tuổi thơ của không ít người. Anh nghĩ một chiến lược góp phần làm nên tên tuổi của Lozi ngày ấy là gì?  

S: Quay trở lại Lozi, thì theo anh điểm khác biệt lớn nhất mà team đã làm được đó là việc cung cấp hình ảnh trực quan về món ăn đến với người dùng (người xem review món ăn). Tức là người dùng (người review về món ăn) đăng hình ảnh món ăn lên Lozi và review bằng chữ rất ngắn. Hình ảnh sinh động về món ăn khiến người đọc review thích thú hơn, dễ nhìn và tạo được độ tin tưởng hơn so với những dòng review bằng chữ nhàm chán. Khi đó thì đối tượng người dùng chính của Lozi là những người có độ tuổi từ 18 đến 25, có smartphone và thích chụp ảnh, đây sẽ là những người sáng tạo nội dung trên Lozi. Theo định hướng này, ứng dụng Lozi có các tính năng hỗ trợ các bạn chỉnh sửa hình ảnh, chụp ảnh trực tiếp và check in địa điểm, giúp người dùng có thể chia sẻ review một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.   

Thực ra, Lozi cũng khá may mắn khi được ra mắt vào đúng thời điểm ”thiên thời địa lợi nhân hòa” và được thị trường đón nhận. Bây giờ thì thay vì đến tại chỗ để ăn và viết review thì người ta thường chỉ đặt đồ ăn qua ứng dụng và ship tận nhà. Đó cũng chính là lý do để Lozi thay đổi mô hình kinh doanh để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. 

C: Đã trở nên khá nổi tiếng với cái tên Lozi, tại sao Lozi lại quyết định đổi tên thành Loship và mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn? Quyết định này đã đem đến cho Loship những thuận lợi và khó khăn gì?

S: Như anh đã nói ở trên, nhu cầu thị trường thay đổi và việc chuyển đổi từ Lozi sang Loship là điều tất yếu. Chuyển đổi này cũng dẫn đến việc xuất hiện thêm một nhánh khách hàng nữa chính là tài xế. Và với đặc thù là vận chuyển trên xe 2 bánh, một người tài xế thực chất có thể vận chuyển bất cứ thứ gì, không chỉ là đồ ăn. Còn về mặt khách hàng, nếu chỉ là app giao đồ ăn thì thị trường có nhiều công ty khác triển khai rồi, tất nhiên Loship vẫn có giá trị riêng đó là tất cả dịch vụ được thực hiện nhanh trong vòng 1 giờ, ngay lập tức và miễn phí ship (hiện tại Loship là app duy nhất vẫn còn giữ chiến lược freeship tại VN) nhưng như thế vẫn còn chưa đủ. Vì nhu cầu thị trường ngày càng mở rộng, chiến lược của của Loship cũng thay đổi từ “tôi giao thức ăn đến cho bạn” thành “tôi giao mọi thứ đến cho bạn”. Và việc đổi tên thành Loship giúp công ty thoát khỏi “cái bóng” của Lozi, đồng thời giúp sản phẩm, dịch vụ của công ty align với sứ mệnh được đặt ra. 

Về khó khăn, thử thách, thì đó là việc làm sao duy trì ship hai chiều cho khách hàng. Ví dụ, nếu chỉ là ship thức ăn thôi thì đó là một chiều. Nhưng với dịch vụ giặt là của Loship (Lozat) cần lấy đồ của khách đi giặt và đem trả về lại cho khách, đây chính là ship hai chiều. Khi họ càng làm thì càng quen thôi.Tài xế của Loship thì anh tin rằng họ khác với tài xế của các hãng khác là họ không ngại đi nhiều thể loại đơn khác nhau. Trên ứng dụng của Loship cũng cố gắng hạn chế tối đa về việc một tài xế chỉ chuyên chở một loại đơn hàng, vì như vậy sẽ khiến khách hàng chờ đợi rất lâu mới tìm được tài xế phù hợp. Đây là một trong những điều mà bên anh đang cố gắng truyền tải đến đội ngũ tài xế. Vì khách hàng rất thích thú với nhiều dịch vụ đa dạng mà bên Loship đang cung cấp. 

Loship là công ty gì

C: Đang là một du học sinh Mỹ, động lực nào đã khiến anh gác lại chuyện học hành và quyết tâm với dự định khởi nghiệp cùng Lozi/Loship? Trên truyền thông chúng ta có thể thấy nhiều câu chuyện các startup founder trong cũng như ngoài nước bỏ học để khởi nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, khi nhìn lại, lựa chọn này có đem lại nhiều khó khăn cho anh không?? 

S: Nói bỏ học thì nghe cũng hơi to tát. Tại thời điểm đấy thì đó chỉ là một quyết định của anh thôi. Khi đó, với bản thân anh thì việc xây dựng một sản phẩm từ ý tưởng của mình, có thể tạo ra giá trị cho người khác nó rất là thú vị và với anh khi đó, chỉ cần vậy là đã đủ để mình quên đi những thứ khác. Anh quan niệm rằng học và tiếp thu kiến thức là một hành trình dài, không chỉ gói gọn trong việc học văn hóa trên giảng đường, và việc lựa chọn khởi nghiệp cũng là một cách học khác cho bản thân anh. 

Bản thân anh quan niệm rằng chúng ta không nên có quá nhiều sự lựa chọn để phân tâm, thay vào đó mình chỉ tập trung hết sức vào một sự lựa chọn duy nhất, cắt đường lui của mình đi để dành trọn tâm trí, sức lực vào một lựa chọn duy nhất đó thôi. 

Còn về mặt khó khăn thì đương nhiên có nhiều rồi, không ai ủng hộ kể cả gia đình *cười*, nhưng anh vẫn tiếp tục cố gắng làm thôi. Trong khoảng 2 năm đến 2 năm rưỡi sau khi ra mắt sản phẩm thì vẫn không có bất kỳ điều gì chỉ dấu cho anh, cái gì anh nghĩ mình nên làm thì làm thôi, vì không ai cho anh đáp án đúng chính xác được, đó chính là cảm giác khi bạn làm khởi nghiệp. Nói thật thì đó đúng là một khoảng thời gian đáng nhớ. Đôi khi trong lựa chọn mình không biết đến đâu nhưng mình vẫn có niềm tin vào nó. 

C: Trong tình huống mà trên thị trường thì ít người khởi nghiệp để có thể học hỏi, bản thân thì cũng quyết định dừng việc học khá là bấp bênh và cũng không biết là sản phẩm đi về đâu vì chỉ làm chưa có định hướng cụ thể, thì động lực nào đã giúp anh không từ bỏ mà vẫn tiếp tục với Loship?  

S: Đầu tiên, về tầm nhìn, anh tin vào sự thay đổi do công nghệ mang lại, khi mà internet và smartphone được phổ cập thì cuộc sống con người cũng sẽ có nhiều sự can thiệp của công nghệ hơn. Ứng dụng trong điện thoại sẽ phản ánh lại chính cuộc sống hằng ngày chúng ta đang sống. Thực tế chỉ với việc trở thành một ứng dụng mặc định trên app của người dùng thôi thì cũng đã rất ổn rồi. 

Thứ 2 là niềm tin về đối tượng khách hàng mà Loship hướng đến. Bọn anh tin rằng thế hệ 8X/9X là thế hệ kiến tạo ra nền tảng để những thế hệ sau đặc biệt là Gen Z có thể hưởng thành quả. Như vậy, việc team anh làm nó vừa mang tính chất sáng tạo, nhưng cũng vừa là hi vọng góp phần tạo giá trị cho sự chuyển giao của những thế hệ. 

Còn về mặt cá nhân, thì sáng dậy đi làm anh cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, khoảng thời gian tuổi trẻ có một điểm nhấn không bao giờ quên. Hiện tại thì anh vẫn nghĩ bản thân còn trẻ, khi nào mà Loship vẫn còn vấn đề để giải quyết, khi nào mà vẫn còn thách thức và khó khăn thì bên anh vẫn còn động lực để tiếp tục gắn bó với công việc này. 

Những niềm tin này đã giúp anh kiên trì theo đuổi Loship đến tận bây giờ. 

C: Lúc đầu, Lozi đã nhận được rất nhiều sự đón nhận của người dùng và có được một số thành công nhất định. Vậy khi chuyển mình và mở rộng thị trường, Loship đã gặp phải những bài toán khó nào trong việc thay đổi nhận diện thương hiệu?

S: Sau khi chuyển đổi thành Loship, bên cạnh câu chuyện về branding, công nghệ thì nó còn là trách nhiệm rất nhiều, trách nhiệm với khách hàng, chủ cửa hàng và tài xế. Làm thế nào để đem được nhiều đơn hàng đến với các bác tài xế, có thể vận hành xuyên suốt đơn hàng hay không, khách hàng có hài lòng hay không, nếu có vấn đề xảy ra giữa chủ cửa hàng với khách hàng, hay vấn đề về cách ứng xử của người tài xế nữa, họ có hành xử lịch thiệp và văn minh hay không, trải nghiệm khách hàng có tốt hay không. Ngày xưa mình xử lý mối quan hệ giữa cửa hàng với khách là đã đủ mệt rồi, vậy thì thêm một mối quan hệ nữa là tài xế thì với một công ty trẻ như mình, mình có thể đảm đương nổi hay không? Đó là điều trăn trở nhất. 

Về mặt branding, thì trên thực tế mọi người sử dụng Loship nhiều rồi sau đó mới nhận ra tiền thân là Lozi chứ không phải sử dụng Lozi rồi chuyển qua dùng Loship. Anh nghĩ đó là điều bình thường vì đó là 2 nhu cầu khác nhau, 1 là nhu cầu về mặt thông tin (Lozi) và một là nhu cầu về việc đặt và mua hàng (Loship). Đoạn này có điểm chung là tệp khách hàng, bên anh cũng đã phải làm rất nhiều thứ để có thể giải thích cho họ, phải hướng dẫn chi tiết đến từng đơn hàng của các khách hàng, khá mất thời gian. Câu hỏi lớn nhất là thuyết phục khách hàng sử dụng mình, chứ không chỉ đơn giản là chúng tôi là nền tảng bạn có thể đặt hàng và chúng tôi có đơn vận.   

C: Anh có thể đưa ra một vài lời khuyên cho những bạn trẻ đang nung nấu ý định khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường không? 

S: Khi các bạn làm một điều gì đó đủ nhiều và đủ lâu thì thường sẽ phát sinh tâm lý chán nản và muốn tìm kiếm một thứ gì đó mới để “đổi gió” và thử thách hơn. Khi mình làm thì ngày đầu tiên lúc nào cũng rất hào hứng, nhưng càng hiểu sâu càng làm nhiều thì càng thấy được nhiều mặt chưa tốt. Vậy nên thần chú của anh là “Hãy luôn giữ tâm thế của ngày đầu tiên” để bắt đầu một ngày mới, nó sẽ giúp bạn refresh bản thân mỗi ngày, luôn nhìn vào điểm tích cực và luôn xác định hành trình này sẽ không bao giờ biết trước được tương lai, sẽ có lúc lên lúc xuống, nhưng tựu chung lại, nó sẽ luôn có điểm sáng nhiều hơn là điểm tối nếu kiên trì, hãy luôn nghĩ như thế. 

Thứ hai, cuộc sống thì sẽ có những ngày rất khó khăn, buồn, áp lực nhưng động lực để giúp vượt qua được tất cả đó là cả team tự nhủ “Hãy cố gắng nốt ngày hôm nay”, rồi ngày mai lại tiếp tục tự nhủ ‘Hãy cố gắng nốt ngày hôm nay”. Như vậy dần dà mỗi ngày lại trôi qua, tự mình động viên bản thân mình vượt qua được một quãng đường dài. Thực ra, người ta thường tiếc nuối những điều mình không làm, không phải điều đã làm. Có làm thì có sai thì mới có giỏi hơn, chứ không ai tự nhiên giỏi, tự nhiên tìm ra được câu trả lời đúng cả. 

Người trẻ là những người rất nhiệt huyết và có nhiều nguồn năng lượng nhưng dễ nản và hay cố gắng tìm sự thay thế, điều này hôm nay làm mình vui nhưng hôm sau có thể làm mình chán, chuyện đó hết sức bình thường. Nếu bạn cảm nhận được sự thú vị từ bên sâu trong bản chất vấn đề thì bạn sẽ gắn bó được với nó, chứ bạn chỉ thấy hứng thú vì sự hào nhoáng bề ngoài của nó thì bạn cũng sẽ mau chán thôi. Công việc hay cuộc sống cũng vậy, mình cứ cố gắng duy trì cái bình thường nhất nhưng mình cảm thấy nhận lại được từ nó đầy đủ thì mình sẽ đi được xa hơn. 

Thường thì bất kỳ startup nào mới bắt đầu cũng sẽ luôn có tham vọng, muốn tạo ra được cái gì đó to lớn, nhưng thực tế sẽ khó đi đường dài nếu như vậy. Trên thực tế thì công việc trong startup cũng như bao người, cũng gắn với 4 bức tường nói chuyện với nhau về chiến lược, về KPI, điều quan trọng để giữ cho anh nhiệt huyết chính là việc cảm giác giá trị từ việc mình đang làm dù là nhỏ nhất. Anh cũng phải lấy động lực từ chính bản thân, từ những điều nhỏ nhặt, đi đường gặp tài xế Loship đứng lại nói chuyện thì mình rất là vui. 

C: Anh có thể chia sẻ thêm về một ngày làm việc của anh thường diễn ra như thế nào không? Chắc có rất nhiều bạn trẻ ngoài kia tò mò không biết một ngày làm việc của Co-Founder, GM của Loship diễn ra như thế nào.

S: Anh ví dụ luôn ngày làm việc hôm nay cho nó trực quan nhé. Hiện tại thì bên anh đang phát triển dịch vụ Losupply, mảng giao hàng B2B, chuyên cung cấp nguyên vật liệu cho các cửa hàng. Hiện tại thì bên anh đang set up kho hàng mới cho Losupply tại Hà Nội, sáng nay anh đang chuẩn bị một vài khâu để có thể đưa hàng về sau đó thì anh họp nhanh với các bạn về OKR cho năm 2022, rồi có buổi phỏng vấn với Careerly, sau đó thì anh sẽ ăn trưa với team sales member, rồi anh lại qua kiểm tra kho, chiều về thì anh lại tiếp tục họp cho event công ty tự tổ chức, ngoài ra còn có buổi họp để lên chiến lược và chuẩn bị cho các chương trình Flash sales. Đó là hôm nay còn ngày mai lại khác. Nói chung công việc của anh thường thay đổi linh hoạt liên quan đến 3 đối tượng chính là khách hàng, merchant, driver. Tùy theo từng giai đoạn, từng chiến lược ưu tiên của công ty mà anh sắp xếp các đầu mục công việc phù hợp.Nhiều khi anh còn tự vẽ ra nhiều việc để làm cơ!

C: Losupply target B2B thì việc thuyết phục những cửa hàng truyền thống này công nghệ hóa có khó hơn so với đối tượng end customer không (thường là những bạn trẻ đã quen với công nghệ)? 

S: Tất nhiên rồi. Có nhiều khách hàng tầm tuổi cha chú, anh phải gặp trực tiếp để thuyết phục, ngoài việc hướng dẫn họ sử dụng công nghệ thì bên anh cũng phải thuyết phục họ tại sao phải sử dụng công nghệ của mình, tại sao họ phải chuyển đổi số thay vì tiếp tục sử dụng phương pháp truyền thống là chạy ra chợ. Mất thời gian và công sức hơn nhiều so với đối tượng khách hàng trẻ vì người trẻ thì nhạy với công nghệ và hay tò mò, tự biết cách sử dụng app được. 

Một bài toán khác của Losupply là bọn anh phải đi nhanh để có thể tiếp cận được nhiều cô chú khách hàng hơn. Bọn anh cũng có tham vọng là cứ ai kinh doanh thì cũng phải sử dụng Losupply, vì sự tiện lợi và giá cả cạnh tranh, bọn anh nhập trực tiếp từ đơn vị sản xuất, có hỗ trợ về mặt đổi trả hàng. Giá trị lớn nhất sản phẩm đem lại là chia sẻ khó khăn với chủ cửa hàng và tiết kiệm thời gian cho họ cũng như tăng doanh thu. Về tài xế thì là nâng cao thu nhập, nâng cao giá trị của họ.      

Loship là công ty gì

C: Một điều khác biệt trong văn hóa công ty ở Loship so với các startup hay công ty công nghệ khác? 

S: Loship  có 6 giá trị cốt lõi rất rõ ràng:

  • Khiêm tốn (Stay humble)
  • Giúp đỡ đồng nghiệp (Be supportive)
  • Chính trực (Integrity)
  • Khách hàng là thượng đế (Customer obsession) 
  • Mình là nguồn gốc của mọi vấn đề (Ownership) 
  • Tốc độ quan trọng hơn sự hoàn hảo (Speed matters)

Trong đó yếu tố thứ 6 là điểm mà mỗi cá nhân trong Loship phát triển rất mạnh. Về bản chất thì Loship cũng là một công ty rất trẻ mà những người trẻ thì khả năng thay đổi rất nhanh, trẻ thì người ta cũng có thể dễ mắc sai lầm do chưa có nhiều kinh nghiệm. Loship cho phép bạn có thể mắc sai lầm nhiều, nhưng phải mắc sai lầm nhanh, ra kết quả nhanh và sửa nhanh để giỏi nhanh hơn. Trong Loship thì không quá khắc khe về việc quy trách nhiệm, đây là lỗi của CS hay của tech hay của sales, việc giải quyết vấn đề cho khách hàng là trách nhiệm chung, ai giải quyết được nhanh nhất thì cứ làm, sau đó báo lại với người chịu trách nhiệm chính. Điều quan trọng nhất vẫn là tốc độ, ở Loship bạn có thể sai thì sửa (nhưng tốt nhất không nên sai 1 lỗi 2 lần), nhưng một khi vuột mất cơ hội vì chậm chạp thì không có gì cứu vãn được.

C: Loship và vị trí General Manager tại Loship đã đem lại giá trị gì cho anh? 

S: Thực ra với bản thân anh thì title nó không khẳng định bất kỳ điều gì cả. Anh chỉ nghĩ đơn giản quan trọng là mình còn có nhiều việc để làm và còn có thể nghĩ ra việc cho công ty này phát triển. Tất nhiên khi anh phụ trách 1 thị trường, thì cũng có những chỉ số để anh đo lường sự phát triển của bản thân. Ví dụ ở Hà Nội thì trước đây ít thấy tài xế Loship trên đường nhưng bây giờ thì đã thấy nhiều hơn, cứ đi tầm khoảng 2-3 phút là thấy đồng phục của Loship. Để đạt được thành quả đấy thì cũng là một hành trình cố gắng rất dài. Ngoài ra thì trong team cũng có nhiều người hơn, trong đó cũng có những người nhiều kinh nghiệm. Mảng Losupply còn khá mới thì bọn anh phải đi gặp từng nhà cung cấp chẳng hạn để deal giá tốt nhất, làm thế nào để tuyển nhiều tài xế và có nhiều đơn cho họ. Còn về phía user, thì làm sao để mình có thể giao hàng cho họ nhanh hơn. Anh cảm thấy mình có nhiều việc để làm, và từng việc mình làm đều tạo ra ảnh hưởng tích cực đến những người khác, như vậy là ổn rồi. 

C: Một lời cuối nhắn nhủ đến những độc giả của Careerly, đặc biệt là những bạn trẻ đầy nhiệt huyết nhưng còn đang mông lung trong sự nghiệp? 

S: Tiếp theo lời khuyên từ câu hỏi trên. Thì ngoài việc tự nhủ bản thân cố nốt ngày hôm nay thì nên cố gắng tốt hơn 1 phần trăm của ngày hôm trước. Đôi khi với những người giỏi thì người ta không có năng lực nào quá cao siêu mà nó chỉ đơn giản là sự kiên trì, chịu khó đi con đường đó đến cùng, và ngày hôm nay thì cố gắng hơn ngày hôm trước thì đến một ngưỡng nào đó bạn sẽ trở nên giỏi hơn. Nhưng không phải theo kiểu là hôm nay mình cày được hơn hôm qua 30 phút, mà là trong cùng một thời gian đó thì mình có thể xử lý được nhiều thông tin hơn với tốc độ nhanh hơn. Thực tế thì nhiều khi trong 1 ngày làm được 10 việc thì chỉ có 1 việc giá trị thôi, mình cố gắng hôm sau mình làm được 3 việc có giá trị là được rồi, chứ không thể nào có chuyện 1 người làm 10 đúng hết 10. Đúng được 5/10 đã rất khó, sai là chuyện bình thường nhưng không phải vì thế mà có thể sai mãi, mà là sai để mình không phải lặp lại lỗi đó nữa. Đừng bao giờ lặp lại lỗi của mình 2 lần, cố gắng ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm trước.

C: Cảm ơn anh vì những chia sẻ đầy giá trị về sự nghiệp dành cho người trẻ và startup. Chúc anh và Loship thật nhiều thành công trong chặng đường tương lai. Đồng thời cũng hi vọng sẽ được giao lưu nhiều hơn với anh trên Careerly App.