Luyện đề người con gái Nam Xương

Truyền kỳ mạn lục là một tác phẩm có giá trị của văn học cổ nước ta ở thế kỷ XVI, một tập truyện văn xuôi bằng chữ Hán đầu tiên ở Việt Nam. Truyện “ Chuyện người con gái Nam Xương” là một truyện hay trong tác phẩm đó được trích trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ.

Luyện đề người con gái Nam Xương

Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương.

Vẻ đẹp tâm hồn của Vũ Nương cũng là vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Vẻ đẹp ấy đã được khẳng định ngay từ lời mở đầu truyện và được làm sáng tỏ qua nhiều mối quan hệ của nhân vật, trong nhiều tình huống cụ thể.

Cần phân tích và chứng minh những vỏ đẹp tâm hồn của Vũ Nương qua các tình huống:

– Khi mới lấy chồng, trong cuộc sống vợ chồng bình thường.

– Khi tiễn chồng đi lính.

– Khi xa chồng.

– Khi bị chồng nghi oan.

– Cả khi đã ở dưới thuỷ cung.

Cuộc đời Vũ Nương tuy ngắn ngủi nhưng nàng dã làm tròn bổn phận của một người phụ nữ. Một người vợ thuỷ chung, một người mẹ hiền, một nàng dâu hiếu thuận. Đó là người phụ nữ lí tưởng của gia đình, nàng rất xứng đáng được hưởng hạnh phúc, vậy mà đã phải chịu số phận bi thảm. Ngay cả khi đã là người của cỏi khác, Vũ Nương vẫn không mất đi những phẩm chất tốt đẹp. Khẳng định phẩm chất tốt dẹp cùa Vũ Nương, Nguyên Dữ đã thể hiện những tình cảm nhân văn sâu sắc của mình: Yêu thương, trân trọng, ngợi ca người phụ nữ.

Theo em, những nguyên nhân nào đã khiến một phụ nữ dung hạnh vẹn toàn như Vũ Nương phải tìm đến cái chết thê thảm?

Cái chết của Vũ Nương có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trực tiếp là những lời nói ngây thơ của bé Đản cùng chiếc bóng trên vách. Nhưng nguyên nhân sâu xa và chủ yếu đó là người chồng đa nghi, thô bạo, không có học. Ngày trở về, lòng đã nặng nề vì mẹ mất, lại thêm tình huống bất ngờ với những lời nói của bé Đản chứa đầy những dữ kiện đáng ngờ, khiến Trương Sinh nghi ngờ vợ mà xử sự hồ đồ và độc đoán. Lễ giáo phong kiến hà khắc cũng như thêm đổ dầu vào lửa ghen tuông của Trương Sinh. Cuộc hôn nhân không bình đẳng, Vũ Nương là con kẻ khó, Trương Sinh con nhà hào phú, điều đó cũng góp phần làm tăng thêm thái độ tàn tệ, rẻ rúng cảu Trương Sinh với Vũ Nương. Nó gây nên cảnh sinh li rồi góp phần dẫn đến cảnh tử biệt của họ. Như vậy, không phải lời nói ngây thơ của đứa trẻ hay chiếc bóng trên vách giết chết Vũ Nương là cái bóng đen trong tâm hồn Trương Sinh, cái bóng đen của các thế lực hắc ám trong xã hội ấy đã giết chết Vũ Nương.

Chiếc bóng trên vách là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong truyện. Hãy làm rõ cái hay của chi tiết đó.

Chiếc bóng trên vách là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Chuyện người con gái Nam Xương. Nó là đầu mối của câu chuyện, là sự trung tâm khái quát hóa, hình tượng hóa tấm lòng, sự ngộ nhận, hiểu lầm của ba nhân vật – người vợ, đứa con, người chồng. Chiếc bóng đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm là chiếc bõng của Trương Sinh mà bé Đản bảo là cha, để rồi Trương Sinh hiểu ra vợ mình đã bị oan. Giấu chi tiết này xuống phần mở nút, tác giả gây bất ngờ, boàng hoàng cho người đọc. Chiếc bóng ấy là cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi của người vợ trẻ khi xa chồng. Nó còn là vẻ đẹp tâm hồn, cái tình của Vũ Nương, đó là lòng nhớ thương, chung thủy là khát khao sự sum họp đoàn tụ, là tình thương con của người mẹ, muốn bù đắp cho con sự thiếu vắng tình cha. Đó là trò đùa trong thương nhớ, là sự nói dối đầy thiện chí và yêu thương. Nó gợi sự gắn bó như hình với bóng vậy mà nó lại là con dao chia cắt, dẫn tới cái chết oan uổng của người vợ trẻ. Sự ngộ nhận của đứa trẻ ngây thơ, sự hiểu lầm của người chồng, tất cả diễn ra tự nhiên, hợp lý. Nhưng sự ghen tuông quá mức và tàn nhẫn đã dẫn đến thảm kịch. Để Trương Sinh hiểu ra nỗi oan của vợ từ chiếc bóng của mình cũng là hợp lý. Chiếc bóng gây ra nỗi kỳ oan và chính nó giải oan cho Vũ Nương. Trương Sinh thanh toán được nỗi đau về lòng chung thủy của vợ thì giờ lại phải chịu nỗi đau giày vò mới lớn hơn vì đã nghi oan cho vợ, khiến vợ phải chết.

Câu chuyện khiến ta nghĩ tới số phận nhỏ nhoi, mong manh, đáng thương của người phụ nữa trong xã hội xưa. Họ có thể bị nghi oan vì bất cứ lý do gì mà không thể lường trước được và không có cách gì giải tỏ, không được bênh vực, chở che, chỉ có cái chết mới giải thoát cho họ. Mà nhiều khi gây nên bi kịch ấy chẳng phải ai khác, lại là chính những người họ yêu thương, gắn bó

Lấy cái bóng của người để khái quát bi kịch của con người là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo hiếm thấy. Cảm hứng phê phán và cảm hứng ngợi ca của tác giả được kết tinh ở chi tiết này.

Em có ý kiến gì về chi tiết kì ảo kết thúc tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương?

Chi tiết kỳ ảo cuối cùng trong truyện là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Khi Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương hiện về, ngồi trên kiệu hoa, theo sau có đến năm mươi cỗ xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện, nhưng chỉ ở giữa dòng sông nói vòng vào lời từ biệt, trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất. Chi tiết này góp phần hoàn chỉnh thêm nét đẹp trong tính cách Vũ Nương, trước sau nàng vẫn là người đức hạnh, thủy chung, vị tha. Nàng vô tội, nên đã được tiên cứu và ở thế giới ấy nàng đã được đối xử xứng đáng với phẩm giá của mình. Đây là một kết thúc có hậu, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân: người tốt sẽ được đền trả, oan sẽ được giải. Song nó không làm mất đi sắc thái bi kịch của câu chuyện. Tất cả chỉ là ảo ảnh trong thoáng chốc, chia lìa là vĩnh viễn, hạnh phúc mất đi không thể lấy lại được nữa. Nỗi oan khổ của người phụ nữ khống hóa giải được. Giấc mơ cũng là lời cảnh tỉnh. Lời từ biệt ngậm ngùi của Vũ Nương như một lời tố cáo cái nhân gian phong kiến ngày xưa không có đất sống cho người phụ nữ. Giá trị tố cáo và ý nghĩa nhân đạo của tác phẩm thêm sâu sắc qua chi tiết kết thúc này.

Luyện đề người con gái Nam Xương

“ Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.”

a. Những câu văn trên trích từ tác phẩm nào? Và đó là lời của ai nói với ai? Nói trong hoàn cảnh nào?

b. Qua những lời nói đó, em hiểu gì về số phận bi kịch cũng như vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật?

c. Cũng viết về người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, chương trình Ngữ văn lớp 8 và lớp 9 còn có những tác phẩm nào? Kể ra ít nhất hai tác phẩm và ghi rõ tên tác giả.

Đọc thêm:  Bộ câu hỏi ôn tập Truyện Kiều của Nguyễn Du

a/ Những câu văn đó được rút ra từ Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Đó là lời của Vũ Nương nói với Trương Sinh- câu nói của thủy nữ tiên với người trần gian. Bởi lúc này, Vũ Nương đã là tiên nữ sống dưới thủy cung. Theo lời hẹn ước, Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng trên bên Hoàng Giang để mong gặp lại vợ, Vũ Nương cũng đã trở về, nàng ngồi trên kiệu hoa đứng giữa dòng mà nói vọng vào những lời như thế rồi “ bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.”

b/ Là nhà văn nhân đạo, Nguyễn Dữ không muốn những người đức hạnh, nết na như Vũ Nương bị chết. Song, hiện thực là hiện thực. Vũ Nương đã chết! Để minh oan và đền đáp sự ngay thẳng, trong sạch, lòng hiếu thảo, thủy chung của nàng, tác giả đã tưởng tượng ra sự hồi linh của nàng – nàng đã được tiên nữ cứu vớt, đưa về tiên đảo sống. Và ông đã tưởng tượng sáng tạo cảnh hội ngộ với Trương Sinh. Tái hợp cũng là nguyện vọng của nhân dân. Cái tài của Nguyễn Dữ là ông đã dung hòa được hiện thực với ước mơ, cái tồn tại và cái ảo ảnh. Nàng trở về dương thế nhưng chỉ hiện ra ở giữa dòng mà nói vọng vào “ thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa ”. Ảo ảnh chỉ chập chờn và mau chóng tan biến. Chia lìa là vĩnh viễn, bởi người chết rồi không thể nào sống lại. Chỉ còn lại hiện thực cay đắng: đứa trẻ mồ côi, người chồng cô đơn. Rõ ràng qua những câu nói đó của Vũ Nương, ta thấy số phận của nguoi phụ nữ trong xã hội xưa thật bất hạnh, mặc dù họ là những người có phẩm giá tốt đẹp,đức hạnh, nết na.

c/ Cũng viết về người phụ nữa trong xã hội xưa, văn học trung đại còn có các tác phẩm: Truyện Kiều của Nguyễn Du, Bánh trôi nước cảu Hồ Xuân Hương,…

Trong tác phẩm văn học có những chi tiết rất quan trọng, không có chi tiết ấy, cốt truyện không phát triển được. Em hãy lựa chọn một chi tiết như thế trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ bằng một đoạn văn ngắn (khoảng 10 câu) hãy nói rõ ý nghĩa của chi tiết đó.

Trong Chuyện người con gái Nam Xương đó là chi tiết cái bóng trên vách – cái bóng của Trương Sinh khi bé Đản nhận ra và nói cha nó.

Phân tích ý nghĩa của chi tiết này trong một đoạn khoảng mười câu. Cần chú ý hiệu quả nghệ thuật của chi tiết này khi tác giả giấu nó xuống phần mở nút câu chuyện. Chi tiết này không những có vai trò quan trọng làm cho câu chuyện phát triển mà còn tạo nên sức hấp dẫn, sức ám ảnh của câu chuyện.

I. Đề tập làm văn về Chuyện người con gái Nam Xương

1. Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương

2. Em hãy kể lại sáng tạo theo cách của em câu chuyện người con gái Nam Xương

3. Tóm tắt lại “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.

4. Cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương)

5. Ý nghĩa của các yếu tố kỳ ảo trong “Chuyện người con gái Nam Xương”.

6. Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

7. Cảm nhận của em về văn bản “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.

8. Cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ

9. Nỗi oan khuất của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

10. Giá trị nhân đạo trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ

11. “Chuyện người con gái Nam Xuơng” của Nguyễn Dữ xuất hiện nhiều yếu tố kì ảo. Hãy chỉ ra các yếu tố kì ảo ấy và cho biết tác giả muốn thể hiện điều gì khi đưa ra những yếu tố kì ảo vào 1 câu chuyện quen thuộc?

12. Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

13. Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, chi tiết cái bóng có ý nghĩa gì trong cách kể chuyện.

14. Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

II.Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1. Dòng nào nói đúng về xuất xứ của Chuyện người con gái Nam Xương ?

A. Viết vào thế kỷ XVI, là một trong 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.

B. Viết vào thế kỷ XVII, là một trong 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.

C. Viết vào thế kỷ XVI, là một trong 20 truyện của Vũ trung tuỳ bút của Nguyễn Du.

D. Viết vào thế kỷ XVI, là một trong 20 truyện của Truyện cũ trong phủ chúa Trịnh của Nguyễn Dữ.

Câu 2. Dòng nào không phù hợp với Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ?

A. Ghi chép tản mạn những điều kỳ lạ vẫn được lưu truyền.

B. Viết bằng chữ Hán, khai thác truyện cổ dân gian và các truyền thuyết lịch sử, dã sử của Việt Nam.

C. Nhân vật chính thường là người phụ nữ đức hạnh bị xô vào cảnh ngộ éo le, oan khuất hoặc những người trí thức bất mãn với thời cuộc.

D. Tác phẩm là những ghi chép tản mạn vào ngày mưa.

Câu 3. Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ có nguồn gốc từ :

A. Cốt truyện của Trung Quốc.

B. Từ truyện dã sử của Trung Quốc.

C. Từ truyện cổ tích Việt Nam.

D. Từ truyện đồng dao Việt Nam.

Câu 4. Sáng tạo của Nguyễn Dữ trong Chuyện người con gái Nam Xương ?

A. Sáng tạo tình huống.

B. Sắp xếp các tình tiết để tạo nên kịch tính.

C. Xây dựng tính cách nhân vật.

D. Tất cả các ý trên.

Câu 5. Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ viết về

A. Số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ thực dân phong kiến vì lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị sỉ nhục, phải tự kết liễu cuộc đời mình để giãi tỏ tấm lòng trong sạch.

B. Số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ phong kiến vì lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị sỉ nhục, phải tự kết liễu cuộc đời mình để giãi tỏ tấm lòng trong sạch.

C. Số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ Pháp thuộc vì lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị sỉ nhục, phải tự kết liễu cuộc đời mình để giãi tỏ tấm lòng trong sạch.

D. Số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ cũ vì lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị sỉ nhục, phải tự kết liễu cuộc đời mình để giãi tỏ tấm lòng trong sạch.

Câu 6. Vẻ đẹp toàn diện của nhân vật Vũ Nương được thể hiện ở câu văn nào ?

A. Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính tình đã thuỳ mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp.

B. Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần Phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn.

C. Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.

D. Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu.

Câu 7. Tác giả đặt Nhân vật Vũ Nương vào hoàn cảnh nào để nàng bộc lộ phẩm chất cao đẹp ?

A. Hoàn cảnh : Chồng có tính hay ghen, tiễn chồng đi lính, sống xa chồng đằng đẵng.

B. Hoàn cảnh : Chồng rât xấu, tiễn chồng đi lính, sống xa chồng đằng đẵng.

C. Hoàn cảnh : Chồng có tính hay ghen, có nhiều người mê, sống xa chồng đằng đẵng.

D. Hoàn cảnh : Chồng hay đánh đập, tiễn chồng đi lính, sống xa chồng đằng đẵng.

Câu 8. Nguyên nhân dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương là :

A. Con nhỏ nói những lời dại dột.

B. Chồng ghen mù quáng, vũ phu, thô bạo.

C. Xã hội phong kiến không bênh vực người phụ nữ.

D. Cả ý B và C.

Câu 9. Dòng nào nói đúng đặc điểm của nhân vật Vũ Nương ?

A. Người phụ nữ xinh đẹp, nết na, luôn khao khát sự bình yên; người phụ nữ khát khao hạnh phúc gia đình; người phụ nữ chịu nỗi oan khuất nghiệt ngã.

B. Người phụ nữ xinh đẹp, nết na; người phụ nữ khát khao hạnh phúc gia đình; người phụ nữ chịu nỗi oan khuất nghiệt ngã.

C. Người phụ nữ có tài ăn nói, nết na; người phụ nữ khát khao hạnh phúc gia đình; người phụ nữ chịu nỗi oan khuất nghiệt ngã.

D. Người phụ nữ có tài đánh đàn, nết na; người phụ nữ khát khao hạnh phúc gia đình; người phụ nữ chịu nỗi oan khuất nghiệt ngã.

Câu 10. Dòng nào nói đúng nhất tính cách của nhân vật Trương Sinh ?

A. Một người con hiếu thảo, một người cha thương con.

B. Một người chồng thuỷ chung nhưng thô bạo.

C. Một người chồng hay ghen mù quáng, thô bạo.

D. Một người chồng đáng thương vì phải nuôi con một mình.

Câu 11. Việc sắp xếp lại một số tình tiết, tô đậm những tình tiết có ý nghĩa của Nguyễn Dữ trong tác phẩm đã đạt được hiệu quả gì ?

A. Làm cho quá trình diễn biến của truyện diễn ra hợp lý.

B. Tăng cường tính bi kịch,làm cho chuyện hấp dẫn, sinh động.

C. Truyện gay cấn hơn, nỗi đau của Vũ Nương nặng nề hơn.

D. Cả ý A và B.

Câu 12. Dòng nào nói đúng những yếu tố kỳ ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương ?

A. Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa, lạc vào động Linh Phi được đãi yến tiệc và gặp Vũ Nương, được rẽ nước đưa về dương thế.

B. Vũ Nương hiện ra ở bến Hoàng Giang với kiệu hoa rồi biến mất.

C. Cảnh nhà Vũ Nương sau khi nàng mất không người chăm sóc cỏ mọc um tùm.

D. Cả A và B.

Câu 13. Dòng nào nói đúng những yếu tố thực trong Chuyện người con gái Nam Xương ?

A. Địa danh ( bến đò Hoàng Giang, ải Chi Lăng ); thời điểm lịch sử, sự kiện lịch sử ( đời Khai Đại nhà Hồ, quân Minh xâm lược ); những chi tiết về trang phục; cảnh yến tiệc long trọng.

B. Địa danh ( bến đò Hoàng Giang, ải Chi Lăng ); thời điểm lịch sử, sự kiện lịch sử ( đời Khai Đại nhà Hồ, quân Minh xâm lược ); những chi tiết về trang phục; cảnh nhà Vũ Nương sau khi nàng mất không người chăm sóc cỏ mọc um tùm.

C. Địa danh ( bến đò Hoàng Giang, ải Chi Lăng ); thời điểm lịch sử, sự kiện lịch sử ( đời Khai Đại nhà Hồ, quân Minh xâm lược ); những chi tiết về trang phục; cảnh Trương Sinh lập đàn giải oan cho Vũ Nương.

D. Địa danh ( bến đò Hoàng Giang, ải Chi Lăng ); thời điểm lịch sử, sự kiện lịch sử ( đời Khai Đại nhà Hồ, quân Minh xâm lược ); những chi tiết về trang phục của các mỹ nữ trên thuyền.

Câu 14. Việc đan cài các yếu tố thực với các yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm mang lại hiệu quả nghệ thuật gì ?

A. Làm cho thế giới kỳ ảo lung linh gần với cuộc đời thực, làm tăng độ tin cậy cho câu chuyện.

B. Làm cho thế giới kỳ ảo lung linh gần với cuộc đời thực.

C. Làm tăng độ tin cậy, hấp dẫn cho câu chuyện.

D. Làm tăng thêm nỗi thương xót Vũ Nương trong lòng người đọc.

Câu 15. Yếu tố kỳ ảo cuối tác phẩm không nhằm thể hiện điều gì ?

A. Hoàn chỉnh thêm vẻ đẹp cho nhân vật Vũ Nương: nàng luôn quan tâm đến gia đình và khao khát phục hồi danh dự.

B. Tạo nên một kết thúc có hậu, thể hiện ước mơ của nhân dân ta về sự công bằng trong cuộc đời.

C. Để cho bé Đản vẫn nhìn thấy mẹ.

D. Để Trương Sinh tiếc nuối và ân hận về sự mù quáng của mình.

Câu 16. Việc Vũ Nương trở về dương thế có ý nghĩa gì ?

A. An ủi cho người bạc phận : đã được trả lại danh dự, phẩm tiết.

B. Tăng thêm chất bi kịch cho số phận nhân vật : hạnh phúc đâu có thể làm lại được.

C. Khẳng định Vũ Nương thuỷ chung không thể chết.

D. Cả A và B.

Câu 17. Cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương là chi tiết nghệ thuật đặc sắc nhất của tác phẩm bởi :

A. Là đầu mối dẫn tới sự nghi ngờ của Trương Sinh, buộc Vũ Nương phải tìm đến cái chết.

B. Cũng là đầu mối giải toả sự nghi ngờ của Trương Sinh về Vũ Nương.

C. Cái bóng đã khái quát được tấm lòng của người vợ xa chồng : cô đơn và thuỷ chung, khao khát xum họp.

D. Tất cả các ý trên.

Câu 18. Tình cảm của tác giả đối với người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương là :

A. Nhà văn cảm thông trước số phận oan trái của nười phụ nữ trong xã hội cũ.

B. Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của họ : hiếu thảo, yêu chồng thương con và thuỷ chung.

C. Phê phán sự bất công của xã hội phong kiến đối với người phụ nữ.

D. Tất cả các ý trên.

Đáp án

1. A
2. D
3. C
4. D
5. B
6. A
7. A
8. D
9. B
10. C

11. D
12. D
13. B
14. A
15. C
16. D
17. D
18. D

III.Một số dạng câu hỏi đọc - hiểu thường gặp trong đề thi

Đề số 1

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 tới câu 5:

Vũ Thị Thiết, người con gái Nam Xương, tính tình đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Trong làng có chàng Trương Sinh, mến vì dung hạnh, xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Song Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức. Nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải bất hòa. Cuộc sum vầy chưa được bao lâu thì xảy ra việc triều đình bắt lính đi đánh giặc Chiêm. Trương tuy con hào phú nhưng không có học, nên phải ghi trong sổ lính vào loại đầu.

(Chuyện người con gái Nam Xương –Nguyễn Dữ)

Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo phương thức biểu đạt nào?

Câu 2: Nội dung tổng quát của đoạn trích trên là gì?

Câu 3:Giải thích cụm từ “tư dung tốt đẹp” và từ “dung hạnh” được sử dụng trong hai câu đầu đoạn trích.

Câu 4: Em hãy nêu ra phương thức liên kết trong đoạn văn trên?

Câu 5: Tìm thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn trích trên?

Đề số 2

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Nàng bất đắc dĩ nói:

- Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lên núi Vọng Phu kia nữa.

(Chuyện người con gái Nam Xương –Nguyễn Dữ)

Câu 1: Vũ Nương nói câu nói trên trong hoàn cảnh nào?

Câu 2: Cụm từ “thú vui nghi gia nghi thất” có nghĩa là gì?

Câu 3: Chỉ ra phép tu từ được sử dụng trong câu văn''Nay đã bình rơi trâm gãy.......Vọng Phu kia nữa''. Nêu hàm ý của đoạn văn được trích trong câu hỏi trên..

Câu 4: Những hình ảnh được Vũ Nương dùng trong lời nói có gì đặc biệt, điều đó thể hiện tâm trạng của nàng như thế nào?

Đề số 3

Đọc đoạn trích dưới đây

Chàng bèn theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang. Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau đó đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện.

Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào:

- Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.

Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt rồi dần biến mất.

(Chuyện người con gái Nam Xương –Nguyễn Dữ)

Câu 1: Đoạn trích trên sử dụng ngôi kể số mấy, nêu tác dụng của ngôi kể đó?

Câu 2: Nêu ngắn gọn nội dung chính của đoạn trích trên?

Câu 3: Chỉ ra một lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích trên và chuyển lời dẫn trực tiếp đó thành lời dẫn gián tiếp.

Câu 4: Từ phần kết phía trên, em thấy truyện này kết thúc có hậu hay không có hậu, vì sao?

Câu 5: Qua câu nói của Vũ Nương với chồng, em nhận thấy nàng là con người như thế nào?

Đề số 4

Đọc đoạn trích sau trong tác phẩmChuyện người con gái Nam Xươngcủa Nguyễn Dữ:

Chàng bèn theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang. Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện.

Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào:

– Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng trở về nhân gian được nữa.

Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.

(Chuyện người con gái Nam Xương –Nguyễn Dữ)

Câu 1. Vì sao Vũ Nương lại nói:cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ?Qua đó cho thấy nét đẹp phẩm chất nào của nàng?

Câu 2. Hình ảnh Vũ Nương trở về trong lễ giải oan có ý nghĩa như thế nào?

Câu 3. Nhận xét về kết thúc tác phẩm,có ý kiến cho rằng đây là một kết thúc có hậu. Nhưngcũng có ý kiến cho rằng đó là kết thúc không có hậu. Hãy trình bày suy nghĩ của em về vấn đề này trong một đoạn văn khoảng 12 câu.