M ẫu tổng hợp đánh giá chứng cứ b1 b2 năm 2024

Chứng cứ là phương tiện duy nhất để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng chứng minh trong tố tụng hình sự, là căn cứ pháp lý để các chủ thể tiến hành tố tụng chứng minh có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác giúp cho việc giải quyết vụ án hình sự được kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Với chức năng vừa thực hành quyền công tố vừa kiểm sát hoạt động tư pháp (Kiểm sát điều tra), hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn điều các vụ án hình sự là hoạt động nghiệp vụ thông qua việc xem xét, kiểm tra, xác minh lại tính đúng đắn của toàn bộ hoạt động thu thập.

Hiện nay, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 04/2018) của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được ban hành quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định bắt buộc chậm nhất 10 ngày đối với vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, 15 ngày đối với vụ án rất nghiêm trọng, 20 ngày đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng trước khi kết thúc điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án. Việc đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án phải lập biên bản. Biên bản này phải được đưa vào hồ sơ nghiệp vụ Công an và hồ sơ kiểm sát.

Tại Điều 63 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (viết tắt là Quy chế 111) cũng đã quy định thời gian phối hợp đánh giá chứng cứ giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên tương tự thời gian được quy định trong Thông tư liên tịch số 04/2018, nhưng quy định rõ hơn Kiểm sát viên phải chủ động yêu cầu và phối hợp với Điều tra viên đánh giá toàn bộ, chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án trước khi kết thúc điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án. Đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp hoặc Kiểm sát viên không thống nhất quan điểm đánh giá chứng cứ, tội danh, thì Kiểm sát viên phải trao đổi với Điều tra viên để báo cáo Thủ trưởng hai đơn vị tổ chức họp đánh giá kết quả điều tra vụ án, chỉ đạo giải quyết những vấn đề chưa thống nhất, khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc kết thúc điều tra, giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Tại mẫu biên bản họp đánh giá tài liệu, chứng cứ (mẫu số 14) ban hành kèm theo Quy chế số 111 cũng đã hướng dẫn chi tiết cách viết phiếu, trong đó đề cập rõ nội dung vụ án, quan điểm đánh giá của Điều tra viên, Kiểm sát viên, ý kiến của lãnh đạo 2 cơ quan (nếu có).

Biên bản họp đánh giá tài liệu, chứng cứ chỉ được lưu trong hồ sơ kiểm sát, hồ sơ nghiệp vụ Công an, nhưng còn có vụ án Điều tra viên, Kiểm sát viên còn đưa biên bản họp đánh giá tài liệu, chứng cứ vào trong hồ sơ giải quyết án là vi phạm Thông tư liên tịch số 04/2018.

Việc phối hợp đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu trước khi kết thúc điều tra hoặc trước khi hết thời hạn điều tra vụ án nếu được Kiểm sát viên chủ động thực hiện tốt là một trong những giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, thuận lợi trong quá trình tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Nhưng qua nghiên cứu một số vụ án hình sự có kháng cáo của bị cáo, bị hại thấy một số vụ án hoạt động đánh giá toàn bộ tài liệu, chứng cứ của Kiểm sát viên và Điều tra viên còn mang tính hình thức hoặc mới chỉ chú ý đánh giá chứng cứ buộc tội, mà không chú ý đánh giá toàn bộ chứng cứ, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS, dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng có sự nhận thức, áp dụng khác nhau về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đánh giá tính chất vụ án, đặc điểm vật chứng không thống nhất...điển hình như:

Ví dụ như: Vụ án Vũ Đình S, phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Trong hồ sơ thể hiện bố bị cáo được tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại kết luận điều tra, cơ quan điều tra xác định bị can S được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS là “bị can là con của người có công với cách mạng” quy định tại điểm x khoản 1 điều 51 BLHS. Tại Cáo trạng của Viện kiểm sát không thể hiện bố bị cáo được Huy chương kháng chiến chống Mỹ thì bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS như thế nào. Căn cứ sơ đồ hiện trường thì người bị hại không có lỗi, trong kết luận điều tra xác định bị hại có một lỗi là vi phạm khoản 3 điều 24 Luật giao thông đường bộ, Cáo trạng không đề cập đến việc bị hại có lỗi dẫn đến bị cáo cho rằng nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông do lỗi của bị hại chứ hành vi của bị cáo không phải là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn và căn cứ vào kết luận điều tra để tranh luận với Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử. Khi vấn đề tranh luận không được HĐXX chấp nhận, bị cáo đã căn cứ kết luận điều tra để kháng cáo vụ án.

Vụ Nguyễn Quang M phạm tội “Cố ý gây thương tích”, tại Bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT, xác định bị can M phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS là “phạm tội vì động cơ đê hèn” quy định tại điểm đ khoản 1 điều 52 BLHS. Bị can M được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”, “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” quy định tại điểm b,s,e khoản 1 Điều 51 BLHS. Cáo trạng của VKS, xác định bị can M được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS “Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại”, “Người phạm tội thành khẩn khai báo” quy định tại điểm b,s khoản 1 Điều 51 BLHS. Bị can M không phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS nào quy định tại khoản 1 điều 52 BLHS. Tại phiên tòa Hội đồng xét xử cũng đánh giá ngoài những tình tiết giảm nhẹ mà VKS đề nghị thì cần xem xét đến nguyên nhân xảy ra vụ án về việc bị hại đã tát bị cáo trước đó và xem xét giảm một phần hình phạt cho bị cáo. Bị cáo cho rằng bị hại có lỗi, phạm tội bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra theo kết luận của cơ quan điều tra để kháng cáo.

Vụ Nịnh Ngọc K phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Tại biên bản niêm phong đồ vật, tài liệu bị tạm giữ hồi 19h 20 ngày 26/5/2020 của Công an xã thể hiện đồ vật niêm phong là 01 con dao (loại dao ba) dài 44cm, tại kết luận điều tra, cơ quan điều tra xác định K sử dụng con dao dài 44cm để gây thương tích T, vật chứng thu giữ là con dao dài 44cm, được bàn giao cho kho vật chứng. Tại Cáo trạng số 89 ngày 27/11/2020 của VKS huyện xác định K dùng con dao ba dài khoảng 40cm để gây thương tích cho T, bản thống kê vật chứng kèm theo cáo trạng ghi vật chứng là 01 con dao dài 44cm. Tại bản án số 12 ngày 22/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện cũng xác định bị cáo K dùng con dao ba dài khoảng 40cm để gây thương tích cho T, xử lý vật chứng là con dao dài 44cm. Như vậy dẫn đến chỉ có 01 con dao dài 44cm được thu giữ, là vật chứng của vụ án nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại xác định bị cáo sử dụng con dao có kích thước khác nhau để gây án. Bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án, tại phiên tòa phúc thẩm, ngoài xem xét nội dung kháng cáo đã phải làm rõ lại nội dung vụ án, hung khí mà bị cáo sử dụng có đặc điểm như thế nào, có phải là vật chứng mà bị hại đã giao nộp đang được bảo quản tại kho vật chứng không.

Vụ án Dương Văn B, phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Đây là vụ án có khó khăn trong đánh giá chứng cứ, trước khi kết thúc điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên không phối hợp đánh giá chứng cứ trước khi kết thúc điều tra, dẫn đến Cơ quan điều tra kết thúc điều tra đề nghị truy tố bị can theo khoản 3 điều 134 BLHS (thương tích của bị hại 31%), đối với những vết thương khác trên người bị hại, quá trình điều tra không có đủ căn cứ do bị can Dương Văn B gây ra. Cáo trạng của VKS truy tố Dương Văn B về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm d khoản 4, Điều 134/BLHS (thương tích của bị hại 67%). Vì kiểm sát viên và Điều tra viên không phối hợp đánh giá chứng cứ, tài liệu trước khi kết thúc điều tra, nên sau khi truy tố VKS đã phải ban hành công văn xin rút hồ sơ để điều tra bổ sung, Tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo đề nghị của VKS.

Để hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ của Viện kiểm sát nhân dân thực sự hiệu quả, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra cần phải nhận thức đúng tầm quan trọng của việc phối hợp đánh giá chứng cứ, tài liệu, thực hiện đúng Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chủ động thực hiện quyền yêu cầu và phối hợp với Điều tra viên đánh toàn bộ chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án trước khi kết thúc điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án sẽ góp phần nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử đối với các vụ án hình sự, không oan sai, bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội./.