Mai thanh hải bị kết án bao nhiêu năm tù

Cuộc khám xét nhà riêng của Mai Thanh Hải tại 35 phố Liên Trì, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bắt đầu từ 13h tới 16h mới kết thúc. Đoạn phố gần ngôi nhà đang khám xét bị lực lượng bảo vệ chặn từ hai đầu, các nhà báo chỉ được "mục kích" từ xa. Có tới 5 xe ô tô mang biển của cơ quan công an vây chặt mặt tiền ngôi nhà bị khám. Khi được áp giải ra xe, Mai Thanh Hải gục đầu chui vào giữa 2 điều tra viên. Đoàn xe nổ máy chạy nhưng phải luồn lách giữa đám đông hiếu kỳ, tò mò muốn biết mặt Mai Thanh Hải ra sao. Cho đến cuối giờ chiều ngày 30/9, việc kiểm tra nơi làm việc của Hải tại Vụ XNK vẫn còn được tiến hành.

Gia đình Mai Thanh Hải thường trú ở 35 phố Liên Trì cùng với bố của mình là ông Mai Văn Dâu, Thứ trưởng Bộ Thương mại. Ngôi nhà 4 tầng với diện tích mặt bằng gần 200m2 của họ tọa lạc ở một trong những dãy phố trung tâm nằm cạnh hồ Thiền Quang. Một số người dân gần nhà bố con ông Mai Văn Dâu cho biết, trị giá ngôi nhà này tới gần 3.000 lượng vàng, rằng "cậu" Mai Thanh Hải đã sống cuộc đời vương giả từ cách đây nhiều năm. Mai Thanh Hải có vợ là hoa hậu Phan Thị Thu Ngân.

Một người hàng xóm cho hay, Hải có thú chơi ô tô mà ít tay chơi nào bì kịp và thay xe như thay áo. Ngay từ năm 1996, Hải đã sắm một chiếc xe thể thao 2 cửa màu đỏ "xịn" nhất Hà Nội. Gần đây người ta lại thấy cậu "cưỡi" một chiếc Lexus màu đen (giá hơn 100.000 USD) thuộc dòng xe cao cấp nhất của hãng Toyota. Còn mỗi khi đi xa, dân phố lại thấy anh ta phóng một chiếc Land Cruiser đời mới nhất, biển số “đẹp”. Một số người ở Thanh Hóa cho biết, mỗi một khi Hải về quê chơi là lại tụ tập cả dàn "em út" hoa khôi xứ Thanh tới tưng bừng ở những nhà hàng sang trọng. Trước khi được giới làm ăn mệnh danh là Hải "quota" thì Mai Thanh Hải đã có một biệt danh không hay lắm là Hải "cắm", không rõ vì lý do gì.

Nhận hối lộ để chạy quota

- Mai Thanh Hải sinh ngày 2/9/1972, quê Thanh Hóa. - 1994: Nhân viên Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp thuộc Bộ Thương mại. Sau đó một thời gian ngắn xin nghỉ để học ĐH Ngoại thương tại chức. - Tháng 8/1998, trở về Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp. - Tháng 9/2002 về công tác tại Phòng Quản lý xuất nhập khẩu Hà Nội thuộc Bộ Thương mại. - Tháng 1/2003, về công tác tại Vụ Xuất nhập khẩu.

Ngày 1/6/2004, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội nhận được văn bản của cơ quan cấp trên yêu cầu làm rõ những tiêu cực trong việc cấp hạn ngạch hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2003 của một số cán bộ, nhân viên Bộ Thương mại.

Mai Thanh Hải khi đó đã nhận tiền của Công ty liên doanh Qualitex (nay đổi tên là Công ty Parks) để lo chạy quota hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ. Năm 2003, công ty này có chủ trương "thưởng" cho người có công giúp công ty xin được hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ. Tháng 6/2003, Phó giám đốc Nguyễn Thị Mỹ Hà và anh Nguyễn Đức Chính (nhân viên Qualitex) đã gặp anh Đặng Vũ Quang, Giám đốc Công ty TNHH Hàng Dầu ở 181 Đông Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, để nhờ "chạy" giúp hạn ngạch.

Tại cơ quan công an, anh Quang khai nhận đã nhờ Hải giúp Qualitex với "chi phí" từ 1 USD-1,4 USD/tá sản phẩm. Ngày 9/6/2003, anh Quang nhận 1,5 tỉ đồng của chị Hà và anh Chính tại trụ sở Công ty TNHH Hàng Dầu. Do Hải đòi đưa tiền trước, chiều 11/6/2003, anh Quang đã đưa cho Hải 510 triệu đồng tại Phòng Giao dịch số 8 - Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Hà Nội. Xác minh tại Phòng Giao dịch này cho thấy cùng ngày trên, Hải có gửi khoản tiền 510 triệu đồng dưới hình thức tiết kiệm mang tên Mai Thanh Hải, sau đó được rút làm nhiều lần. Đến thời điểm Công an TP Hà Nội xác minh, sổ tiết kiệm của Hải còn 19 triệu đồng.

Do trước đó có sự nhầm lẫn trong việc báo cáo về "chi phí" xin hạn ngạch, ông Mike, Chủ tịch HĐQT Qualitex chỉ đồng ý chi 100 triệu đồng, nhưng anh Chính lại đưa cho anh Quang 1,5 tỉ đồng (tương đương 100.000 USD), nên ông Mike yêu cầu anh Chính phải lấy lại tiền. Anh Quang đã trả lại cho anh Chính 1 tỉ đồng, còn 500 triệu đồng thì nói đã đưa cho Mai Thanh Hải nên không lấy lại được.

Đến ngày 20/6/2003, Bộ Thương mại chỉ cấp hạn ngạch cho Công ty Qualitex được xuất khẩu 28.000 tá sản phẩm, không đủ 70.000 tá sản phẩm như đã hứa, ngày 24/6/2003, Mai Thanh Hải đã trả lại cho anh Quang 154 triệu đồng. Số tiền còn lại 356 triệu đồng, Hải không trả với lý do đã "chạy" được cho Công ty Qualitex hạn ngạch xuất khẩu 23.000 tá sản phẩm tương đương với 23.000 USD. Vì vậy anh Chính và chị Hà đã gửi đơn đến Bộ Thương mại khiếu nại và trực tiếp đến gia đình Mai Thanh Hải để đòi tiền. Đến ngày 30/8/2003, Hải mới trả nốt 356 triệu đồng cho anh Quang để hoàn lại cho Qualitex. Sau đó, anh Chính và chị Hà đã rút đơn khởi kiện đối với Mai Thanh Hải.

Do chưa biết anh Chính và chị Hà đã nhận đủ tiền nên bố của chị Hà đã báo cáo vụ tiêu cực nói trên lên các cơ quan trung ương. Trong một báo cáo gửi Bộ Công an, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội xác định đã nhiều lần làm việc với ông Phạm Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ XNK Bộ Thương mại về vụ tiêu cực này nhưng ông Dũng tỏ thái độ bất hợp tác!

Trả lại tiền vẫn không thoát tội

Với kết quả điều tra nêu trên, các cơ quan chức năng đã họp nghiên cứu tài liệu, chứng cứ thu thập được và thống nhất đánh giá: các vấn đề nêu trong đơn tố cáo của Công ty Qualitex về việc chi 1,5 tỉ đồng để "chạy" hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ có liên quan đến Mai Thanh Hải là có thật. Nhưng số tiền nói trên đã được những người có liên quan trả hết cho nhau, các bên không còn khiếu nại, tố cáo nữa nên Phòng PC15, PC16 Công an TP Hà Nội và Phòng 1, Viện KSNDTP đã thống nhất không cần thiết phải xử lý bằng pháp luật hình sự. Nhưng do vụ việc khá phức tạp, ngày 14/9/2004 lãnh đạo 3 ngành trên đã họp lại và đã thống nhất đánh giá: Hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ đã hoàn thành. Việc khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết xem xét giảm nhẹ. Để thận trọng và khách quan, Phòng Cảnh sát kinh tế chuyển hồ sơ cho Viện KSNDTP nghiên cứu lại và có quan điểm chính thức có khởi tố vụ án hình sự hay không.

Sau khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có quyết định bắt giam Lê Văn Thắng, Phó vụ trưởng Vụ XNK Bộ Thương mại về tội nhận hối lộ trong việc cấp quota hàng dệt may, được biết Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội cũng đang điều tra vụ việc trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có ý kiến đề nghị Công an TP Hà Nội bàn giao hồ sơ để thống nhất điều tra. Công an TP Hà Nội xét thấy đây là một vụ án nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ nêu trên là một phần của đường dây tiêu cực trong việc chạy quota hàng dệt may tại Vụ XNK Bộ Thương mại, cần thiết phải đưa vào một mối để thống nhất chỉ đạo điều tra, nên đã nhất trí chuyển toàn bộ hồ sơ vụ Mai Thanh Hải lên Bộ Công an ngày 28/9.

Và chỉ sau 2 ngày thụ lý hồ sơ vụ án này, lệnh khởi tố, bắt giữ, khám xét đối với Mai Thanh Hải đã được thi hành. Nguồn tin mới nhất cho biết, qua việc khám xét nơi ở và nơi làm việc, Cơ quan Công an đã tiến hành kê biên một số tài sản và thu giữ được một số tài liệu, sổ sách liên quan đến vụ án.