Nghiên cứu văn hóa là gì

(Last Updated On: 07/06/2022 by Lytuong.net)

Bản chất của văn hóa học

Có nhiều bộ môn khoa học cùng nghiên cứu văn hóa dưới nhiều khía cạnh khác nhau, như dân tộc học, nhân học, xã hội học, triết học.. v.v. Tuy nhiên, chỉ có Văn hóa học là nghiên cứu văn hóa như một chỉnh thể tự biến đổi và phát triển.

Văn hóa học được xem là một bộ môn khoa học tương đối mới, một khoa học tích hợp (Integral Science), vừa nghiên cứu văn hóa nói chung, vừa nghiên cứu các hiện tượng văn hóa riêng biệt. Mục đích của Văn hóa học là phát hiện ra và phân tích tính quy luật của những biến đổi văn hóa – xã hội.

Người đầu tiên đặt nền móng cho cách tiếp cận chỉnh thể trong nghiên cứu văn hóa, và do đó, có thể coi là người đầu tiên đặt nền móng cho văn hóa học là Edward B. Tylor – nhà nhân học nổi tiếng người Anh (với cuốn “Văn hóa nguyên thuỷ”, năm 1871). Gần 40 năm sau (năm 1909) thuật ngữ “Văn hóa học” (tiếng Đức “Kunturkunde”, tiếng Anh “Culturology“) mới ra đời. Người đặt ra thuật ngữ này là Wilhelm Ostwald nhà khoa học và triết học Đức. Thuật ngữ này dùng để chỉ môn học mới mà ông gọi là khoa học về các hoạt động văn hóa, tức là hoạt động đặc biệt của con người.

Có thể coi Leslie Alvin White (1900-1975) là người đặt nền móng cơ bản cho Văn hóa học. Ông là một nhà nhân học Hoa Kỳ nổi tiếng với những công trình lý luận về sự tiến hóa của văn hóa và với những nghiên cứu khoa học về văn hóa mà ông gọi là “Văn hóa học”.

Trong các tác phẩm “Khoa học về văn hóa” (The Science of Culture. 1949), “Sự tiến hóa của văn hóa” (The Evolution of Culture. 1959) và “Khái niệm văn hóa” (The Concept of Culture. 1973), L. A. White đã đặt cơ sở cho văn hóa học với tính cách là một môn khoa học độc lập, lý giải văn hóa như một hệ thống toàn vẹn, làm rõ phạm vi, nguyên tắc và đối tượng nghiên cứu của văn hóa học… Nhưng vào thời điểm ấy, ý niệm về văn hóa học còn quá mới mẻ nên ít người biết đến.

Chỉ đến những năm 1990, khi tiến trình toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ lên đời sống của các cá thể và cộng đồng trên thế giới, người ta mới thực sự chú ý đến vai trò của các tác nhân văn hóa đối với các quá trình phát triển; và do đó, mới quan tâm đầu tư để thúc đẩy văn hóa học phát triển và lan rộng trên khắp thế giới.

Cho đến nay, Văn hóa học đã phát triển tới độ – bao hàm trong bản thân nhiều khuynh hướng khác nhau, khiến cho việc xác định đối tượng và phương pháp của nó trở nên hết sức khó khăn.

Nhà triết học Rodin V.M cho rằng: “Không có một văn hóa học duy nhất, có bao nhiêu nhà văn hóa học lớn thì cũng có bấy nhiêu lý luận văn hóa, mỗi khuynh hướng văn hóa học độc đáo đều quy định cách tiếp cận và đối tượng của mình. Mặc dù vậy, các nhà văn hóa học đều hiểu nhau, đều xây dựng tri thức văn hóa học, đều giao tiếp hữu hiệu với nhau”*.

Nếu tính đến các yếu tố đó thì sách giáo khoa về văn hóa học thế hệ mới cần phải như thế nào? Theo Rodin, có lẽ không nên cố trình bày tất cả những gì chúng ta hiểu biết về văn hóa (các nền văn hóa) hay về văn hóa học. Và điều đó cũng không thể thực hiện được bởi lẽ, cho dù văn hóa học là một bộ môn khoa học tương đối non trẻ song nó cũng đã tích luỹ được một khối lượng tri thức khổng lồ.
Chính tình trạng trên đã dẫn đến những khó khăn trong việc giảng dạy văn hóa nói chung và văn hóa học nói riêng trong các trường đại học: “Rốt cuộc, nhà trường đứng trước một tình thế lưỡng nan: hoặc là dạy một phần nhỏ kiến thức và đối tượng trong số đã thực sự được sáng tạo ra trong văn hóa; hoặc là lựa chọn một số kiến thức riêng biệt từ những môn học (cả hai cách làm đó đều không giải quyết được các vấn đề của giáo dục hiện đại)”.

Lối thoát khỏi tình huống này là: không tập trung vào dạy kiến thức mà phải tập trung vào năng lực tư duy văn hóa*. Tán đồng quan điểm “dạy phương pháp nghiên cứu”, “dạy tư duy văn hóa”, Rodin cho rằng: “Giáo trình hiện đại về văn hóa học có lẽ cần phải giải quyết hai nhiệm vụ cơ bản là: giúp nhà sư phạm và sinh viên có thể thấu hiểu được thực tại văn hóa; và trang bị cho họ các phương tiện để định hướng hoạt động trong thực tại đó. Do vậy, không cần thiết phải trình bày văn hóa với tư cách là một tập hợp thông tin (các tư liệu, các mô tả về văn hóa). Thay vào đó, cần phải chỉ ra các cách tiếp cận và các phương pháp cơ bản đã được xây dựng và sử dụng trong văn hóa học, đánh giá chức năng và giới hạn của chúng, đưa ra một kim chỉ nam đặc biệt cho sự định hướng trong văn hóa học, nhất là trong tình hình văn hóa học mang tính phức tạp, không thuần nhất”. Với tư cách đó, Văn hóa học đang gánh vác lấy một phần chức năng của triết học, tức là nó đang góp phần đem lại một cách nhìn mới mẻ và toàn vẹn về đời sống hiện thực con người.

Đối tượng của Văn hóa học chính là Văn hóa.

Ý nghĩa của văn hóa học

– Trang bị năng lực phản tư văn hóa

  • Dù thế giới quan khoa học có quan trọng đến đâu, thì nó cũng không phải là cách thức chiêm ngưỡng thế giới duy nhất của con người. Hơn thế, không phải trong mọi trường hợp nó đều mang tính hợp lý. Đời sống tinh thần con người như là một chỉnh thể nên không thể đóng kín chỉ trong các cấu trúc lôgíc của khoa học. Người ta thừa nhận rằng, không thể khử bỏ được yếu tố phi lý trong đời sống nội tâm con người, và như thế thì phần còn lại sẽ là vương quốc của cái phi duy lý, nơi ngự trị của Tôn giáo và Nghệ thuật – những thành tố cơ bản của văn hóa. Dưới lăng kính văn hóa, thế giới hiện ra trong con mắt chủ thể không chỉ chỉ là Chân, mà còn là Thiện và Mỹ.
  • Trong một thế giới đang bị toàn cầu hóa, sự khẳng định tính cá biệt của nhân cách là rất quan trọng, để cá thể không bị hoà tan vào những chuẩn mực chung mang tính toàn cầu đang lấp đầy không gian sống. Chỉ như vậy sự độc đáo của nhân cách mới được bảo tồn, và do đó, cá nhân mới tìm thấy ý nghĩa của sự tồn tại. Để làm được điều này, sự hiểu biết về bản sắc văn hóa của cộng đồng mà mình tuỳ thuộc – là một đòi hỏi tất yếu đối với mỗi cá nhân.

– Có tác dụng giáo dục và bồi dưỡng nhân cách

  • Việc nhận thức và thẩm thấu các giá trị văn hóa của cộng đồng là điều kiện tiên quyết để hình thành nhân cách. Nhân cách được bộc lộ qua ứng xử, qua sự lựa chọn và cách giải quyết vấn đề mà mỗi cá nhân trong cuộc sống thường nhật phải đối mặt. Các chuẩn mực dẫn dắt hành động của cá nhân luôn là văn hóa của cộng đồng mà tại đó cá nhân sinh ra và lớn lên.
  • Chỉ khi ý thức được các chuẩn mực văn hóa ấy, cá nhân mới có thể chủ động trong quá trình khẳng định nhân cách, biết loại bỏ đi những yếu tố kìm hãm và tiếp thu những yếu tố có tác dụng tích cực – phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại, đồng thời vẫn giữ được diện mạo văn hóa dân tộc.

– Giúp lý giải các khuynh hướng lựa chọn, cách ứng xử, cách hành động và triết lý sống của người Việt Nam

  • Việc hiểu biết về các nền văn hóa thế giới và văn hóa dân tộc, ngoài việc đem lại một cái nhìn đối sánh, còn giúp lý giải từ giác độ văn hóa, vì sao lại có sự khác biệt trong cách ứng xử, cách giải quyết vấn đề, cách lựa chọn triết lý sống của những cộng đồng khi đứng trước những tình huống (được giả định là) giống
  • Đây là những kiến thức hết sức hữu ích cho việc hình thành nên triết lý kinh doanh, xây dựng ý thức pháp luật, định hướng tâm lý tiêu dùng, và tạo lập phong cách làm việc sao cho có hiệu quả.
  • Những kiến thức này cũng giúp người học đánh giá đúng mức các cơ hội cũng như những thách thức mà thời đại đang đặt ra đối với bản sắc văn hóa dân tộc.