Nguyễn ái quốc về nước vào thời gian nào năm 2024

Tám mươi năm về trước, ngày 28 tháng 01 năm 1941, Bác Hồ về nước sau cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước cứu dân để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó là ngày mùng hai Tết, đầu Xuân Tân Tỵ.

Nguyễn ái quốc về nước vào thời gian nào năm 2024
Bác Hồ về nước. Ảnh tư liệu chụp tranh của họa sĩ Trịnh Phòng (Theo: https://qdnd.vn/)

Trời chưa sáng, sương mù còn dày đặc, Bác và những nưgời cùng đi đã rời Nậm Quang, một làng nhỏ sát biên giới Việt - Trung lên đường về nước.

Trước đó, đúng ngày mùng một Tết Tân Tỵ (1941), Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí trong đoàn đi chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Nậm Tây. Người mặc bộ quần áo màu chàm dân tộc Nùng, đầu vấn khăn, tay chống gậy. Người tặng mỗi nhà một tờ giấy hồng điều trên có ghi bốn chữ Hán “Cung chúc tân niên” (Chúc mừng năm mới). Các cháu nhỏ được Người tặng tiền “phong bao” (mừng tuổi), mỗi gói một xu đồng.

Giờ phút đầu tiên đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc, xiết bao cảm động đối với người con đã bao năm xa nước. Phút giây đó, sau này được Người kể lại: “Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”1.

Được sự giúp đỡ của cán bộ và đồng bào địa phương, Nguyễn Ái Quốc chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng là đầu nguồn), một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), sát biên giới Việt - Trung làm nơi đứng chân đầu tiên. Từ ngày 08 tháng 02 năm 1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại hang này2.

Người sống trong hang với tên gọi mới là Già Thu, trong bộ quần áo chàm giản dị của người Nùng. Đồ đạc không có gì, ngoài chiếc va li mây đựng tài liệu, cái máy chữ thân thiết và chiếc sàn nằm ghép lại bằng những cành cây nhỏ, trên trải một tấm phên. Cuộc sống của Người những ngày ở Pác Bó thật là gian khổ. Khí hậu trong hang ẩm ướt, mùa đông gió lùa tê buốt mà Người chỉ có một tấm chăn mỏng, phải dùng lá khô lót chỗ nằm, có khi phải đốt lửa sưởi suốt đêm. Bữa ăn hàng ngày thường rất đạm bạc: rau rừng, ốc suối, cháo bẹ, rau măng, thỉnh thoảng mới có một ít thịt kho mặn với muối ớt3.

Vậy mà Người vẫn ung dung, thanh thản, tràn đầy một tinh thần lạc quan cách mạng. Người đặt tên núi Các Mác, suối Lê Nin, hàng ngày làm việc bền bỉ, lo nghĩ những việc lớn cho Dân cho nước khi tình thế cách mạng đang đến gần.

Bàn làm việc của Người chỉ là một tảng đá bằng phẳng bên bờ suối. Người tự tay đánh máy, dịch tóm tắt lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ.

Người làm thơ - những vần thơ bình dị, chân thực mà vẫn toát lên tư tưởng lớn, với “tầm mắt đại dương” (Chế Lan Viên) và “tâm hồn lộng gió thời đại” (Phạm Văn Đồng).

… “Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lê Nin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà”4

Và đây nữa,

… “Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang”5.

Cuối tháng 3/1941, do hai giao thông người địa phương đưa thư bị bắt, địch lùng sục, Người rời Pác Bó qua Khuổi Nậm, việc đi lại sẽ dễ dàng hơn, nếu có động, thoát cũng nhanh chóng hơn.

Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8, theo đề nghị của Người, vào cuối tháng 4/1941, một cuộc hội nghị cán bộ tỉnh Cao Bằng được triệu tập để tổng kết kinh nghiệm về việc tổ chức thí điểm các hội quần chúng của Việt Minh trong tỉnh nhằm tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh trong toàn quốc6. Đây là một trong những nội dung quan trọng sẽ được quyết định tại Hội nghị Trung ương 8 do Người chủ trì vào tháng 5/1941.

30 năm về trước, khi ra đi tìm đường cứu dân cứu nước, ngày 05 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành mới 21 tuổi, lúc trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc với tên gọi mới “Già Thu” đã 51 tuổi. Tuổi xuân đã qua đi, Người đã dấn thân vào “Đường cách mệnh”, đã tranh đấu, hy sinh và dâng hiến cả cuộc đời cho Độc lập của Tổ quốc, Tự do và Hạnh phúc cho dân tộc và nhân dân mình.

“Đường cách mệnh” đã tìm thấy dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Tháng Mười và thời đại mới. Đảng cách mạng chân chính do Người sáng lập và rèn luyện đã ra đời. Lúc Người trở về, Đảng mới 11 tuổi nhưng đã vượt qua bao thử thách, hy sinh, đã từng bước trưởng thành để lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, năm 1945 dưới ngọn cờ Mác - Lênin và ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Vào lúc đó, Đảng mới 15 tuổi. Đội ngũ của Đảng mới có gần 5.000 người.

Ngày Bác Hồ về nước đánh dấu bước ngoặt 30 năm trong cuộc hành trình tư tưởng của Người, cũng là bước ngoặt 30 năm trong lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, thay đổi số phận của dân tộc và nhân dân ta nhờ có Đảng và có Bác Hồ.

  1. Từ Cốc Bó - “đầu nguồn” đến Hội nghị Trung ương 8 bên dòng Khuổi Nậm

Sau ba tháng nắm tình hình và chuẩn bị, lấy danh nghĩa đại diện cho Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị làm việc từ ngày 10 đến 19/5/1941 tại một cái lán bên dòng Khuổi Nậm (Pác Bó) với sự tham dự của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, một số đại biểu của xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và đại biểu hoạt động ở ngoài nước7.

Từ ngày thành lập Đảng, đây là lần đầu tiên, Hội nghị Trung ương được tổ chức ở trong nước với sự có mặt và trực tiếp lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tại căn cứ địa của cách mạng mà nơi đây - đất và người Cao Bằng - quê hương của cách mạng với Cốc Bó đầu nguồn và Khuổi Nậm đã đi vào lịch sử.

Hãy hồi tưởng lại những sự kiện dồn dập trong biên niên sử về hoạt động của Đảng và sự nghiệp của Bác Hồ để hiểu rõ ý nghĩa lịch sử ngày Bác trở về và những quyết định sáng suốt, mau lẹ, kịp thời của Người.

Khi Bác về nước, thế giới đã ở vào cuộc Đại chiến lần thứ hai (1939 - 1945), tình thế và thời cơ cách mạng đang vần vũ những ngày giông bão.

Khi đang hoạt động ở Trung Quốc, ngày 15 tháng 6 năm 1940, phát xít Đức tấn công Pháp. Pari bỏ ngỏ. Chính phủ Pháp chấp nhận mọi điều kiện đầu hàng phát xít Đức vào ngày 22 tháng 6 năm 1940. Nhận được tin này, Nguyễn Ái Quốc thấy rõ ngay tín hiệu của “tiếng chim báo bão”, bởi Pháp ở chính quốc đã đầu hàng thì Pháp thực dân ở thuộc địa sẽ dao động, sẽ đầu hàng Nhật đang gây áp lực, đang lăm le vào xứ Đông Dương, vào Việt Nam hất cẳng Pháp. Bởi thế Người nhanh chóng quyết định hoãn việc đi học của các đồng chí Cao Hồng Lĩnh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, dặn họ quay về ngay, đợi Người tại Quế Lâm để tìm đường về nước. Người triệu tập họp và phân tích tình hình biến chuyển rất nhanh, nhấn mạnh rằng, “Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Khi có người hỏi, về nước, khởi nghĩa, giành chính quyền nhưng không có vũ khi thì làm thế nào? Người trả lời: “Khởi nghĩa cần có vũ khí thì làm thế nào? Người trả lời: “Khởi nghĩa cần có vũ khí nhưng bây giờ có vũ khí thì lấy ai mà vác. Cho nên cứ tìm cách về nước đã. Sau đó vận động quần chúng. Khi quần chúng đã giác ngộ cao thì ta sẽ có vũ khí”. Đủ hiểu vì sao, sau này, trong chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944), Người nhấn mạnh “Chính trị trọng hơn quân sự”, “người trước súng sau”. Hoàn cảnh lịch sử lúc đó, tất yếu phải như vậy. Mặt khác, từ Nguyễn Ái Quốc đã lóe lên ánh sáng của niềm tin, tin dân, dựa vào sức mạnh vô địch của dân. Cách mạng giải phóng dân tộc thấm nhuần sâu sắc tính dân tộc và tính nhân dân. Đó là tư tưởng chiến lược, là trí tuệ mẫn tiệp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 với những quyết định lịch sử in dấu ấn thiên tài của Người. Đó là: “Cần phải thay đổi chiến lược. Sự thay đổi về kinh tế, chính trị Đông Dương, sự thay đổi thái độ, lực lượng các giai cấp Đông Dương buộc Đảng ta phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương”.

Xác định tính chất cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và đường lối cách mạng trong giai đoạn này là “đánh đuổi Pháp - Nhật, làm cho xứ Đông Dương độc lập”. Từ đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 nêu rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”8.

Quan điểm, tầm nhìn ấy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, của Đảng đã định hướng cho sự thay đổi cần thiết, kịp thời các chính sách của Đảng và khẩu hiệu của cách mạng ở thời điểm bản lề, bước ngoặt mà thực tiễn cách mạng Tháng Tám đã cho lời xác tín đầy đủ nhất. Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối Hồ Chí Minh từ đây được khẳng định rõ rệt nhất, là giá trị khoa học và chân lý cách mạng. Người chẳng những là linh hồn của Đảng, của cách mạng mà còn là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với sáng kiến vĩ đại của Người, thành lập Mặt trận trong khuôn khổ từng dân tộc. Đó là Mặt trận “Việt Nam độc lập đồng minh”, gọi tắt là “Việt Minh” với tờ báo “Việt Lập” cũng do Người chỉ đạo, vào đúng ngày bế mạc Hội nghị, cũng là ngày kỷ niệm sinh nhật Người, 19/5/1941.

Mọi tổ chức, đoàn thể của Việt Minh đều có tên là “Cứu quốc” từ nông dân, công nhân, phụ lão, phụ nữ, thanh niên, nhi đồng. Và, cứu quốc là tiêu điểm của phong trào cách mạng lúc này, là quan tâm hàng đầu trong lãnh đạo của Đảng. Cũng trong Hội nghị Trung ương 8, Người đề xuất việc kiện toàn tổ chức Đảng và cơ quan lãnh đạo của Đảng, đề nghị với Trung ương bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.

Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương 8 còn bàn thảo và quyết định vấn đề chính quyền. Chính quyền đó là “toàn thể nhân dân liên hiệp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa”; vấn đề khởi nghĩa vũ trang, Đảng nhận định rằng, “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang, với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc Tổng khởi nghĩa to lớn”9. Để thực hiện đường lối và nhiệm vụ cách mạng to lớn đó, phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tăng cường công tác dân vận, vận động, giáo dục quần chúng, cả công vận, nông vận và binh vận. Đó là những việc cấp bách, không thể chậm trễ.

Hội nghị Trung ương 8 đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ vào diều kiện cụ thể của xã hội Việt Nam, hoàn chỉnh thêm một bước sự chuyển hướng chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam được vạch ra từ Hội nghị Trung ương 6, tháng 11/1939. Về thực chất, đó là sự trở về với quan điểm của chính cương, sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc vạch ra từ khi sáng lập Đảng ngày 03/02/1930, trên một cơ sở sâu sắc hơn. Sau Hội nghị, ngày 06/6/1941, Nguyễn Ái Quốc viết thư “Kính cáo đồng bào” gửi đến các tầng lớp nhân dân cả nước, nhấn mạnh “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sâu lửa nóng”.

Người cũng kêu gọi các chiến sĩ cách mạng, “Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân, đánh tan thù chung”10.

Hội nghị Trung ương 8 đã đi vào lịch sử biên niên của Đảng như một mốc son chói lọi, mở ra bước ngoặt vĩ đại dẫn tới cách mạng Tháng Tám và thắng lợi của cuộc cách mạng đó đã đưa lại nền độc lập của Việt Nam, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền dưới sự lãnh đạo sáng suốt của thiên tài Hồ Chí Minh.

* *

*

Tám mươi năm đã đi qua, kể từ ngày Bác về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Thời gian càng lùi xa, tầm vóc của thiên tài tư tưởng và tổ chức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và ý nghĩa lịch sử của sự kiện này càng tỏa sáng.

- Với Bác, quyết định trở về là sự tiếp tục thực hành mục đích, động cơ vĩ đại được xác định từ dầu, quyết tranh đấu cho Việt Nam độc lập, cho dân tộc và đồng bào mình có tự do, hạnh phúc. Người từng nói, khi tạm biệt các đồng chí của mình trong “Hội Liên hiệp thuộc địa” và báo “Người cùng khổ” trước khi rời nước Pháp, tìm đường đến nước Nga Xô Viết vào ngày 13 tháng 6 năm 1923: “… Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng, trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”11. Người đã hết mình làm như vậy, trước đây cũng như từ khi về nước và cho đến tận cuối đời. Đó là sự nghiệp, lẽ sống của Người, một mẫu mực của đức hy sinh, dâng hiến toàn vẹn, trọn vẹn đời mình cho Dân, cho Nước, cho lý tưởng cộng sản.

- Với Đảng, sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, ngày 28/01/1941 đã khởi đầu cho những quyết định lịch sử, với phương hướng chính trị rõ ràng, đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, sáng tạo, đầy bản lĩnh ở những thời điểm bước ngoặt, dẫn tới thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, Đảng cầm quyền, chính thể cộng hòa dân chủ ra đời, mở đầu thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

- Với nhân dân, Người về đem đến mọi niềm vui, báo hiệu sự đổi đời, từ đây, lãnh tụ đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, gắn bó trọn đời với nhân dân, chỉ lối dẫn đường cho dân làm cách mạng, “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ tới tự do và làm chủ, có cơm ăn, áo mặc, được học hành, thực hiện “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” trong một nước độc lập, trong một xã hội dân chủ. Người đã là người của đồng bào và mãi mãi thuộc về đồng bào như điều người dãi bày trước nhân dân. Bởi thế, Người mãi mãi sống trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.

Khi vĩnh biệt Người, Đảng ta đã đánh giá tầm vóc lịch sử và công lao trời biển của Người: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”12./.

GS, TS. Hoàng Chí Bảo

Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

---

Chú thích:

1. T.Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện, NXB Sự Thật, hà Nội 1976, tr.73. 2. Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, H.2006, tr.271. 3. Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, H.2006, tr.272. 4. Thơ Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, H.1967, tr.9. 5. Thơ Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, H.1967, tr.10. 6. Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Sđd, tr.273-274. 7. Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Sđd, tr.274. 8. Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Sđd, tr.275. 9. Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Sđd, tr.277. 10. Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Sđd, tr.279. 11. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB. Văn học, H.2001, tr.100-101. 12. Đảng Lao động Việt Nam, Điếu văn tại lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 9 năm 1969 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 15, tr.627).