Nguyên nhân thực trạng hạn hán

Trên cơ sở trao đổi trực tiếp, tình hình thực tế tại các địa phương và số liệu quan trắc tại các trạm khí tượng thủy văn và tại các hồ chứa, Đoàn kiểm tra đã xác định một số nguyên nhân gây nên tình trạng cạn kiệt, thiếu nước trên lưu vực sông Hồng trong mùa cạn năm 2009-2010 như sau:

Một là, mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm, lượng mưa ở Bắc Bộ ít, nhiều ngày không mưa, nắng nóng kéo dài gây nên tình trạng cạn kiệt dòng chảy, thiếu nước trên lưu vực sông Hồng trong những tháng mùa khô 2009-2010

Nguyên nhân cơ bản nhất là lượng mưa ở Bắc Bộ ít, nhiều ngày không mưa, nắng nóng kéo dài. Ngay trong mùa lũ năm 2009, từ tháng 6 đến tháng 8 lượng mưa đã thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN) nên đỉnh lũ năm các sông đều thấp hơn nhiều so với TBNN, phổ biến chỉ ở mức báo động 1, báo động 2.

a. Mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm, lượng mưa ít, nhiều ngày không mưa kéo dài:
Do tác động của hiện tượng El Nino, mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm từ đầu tháng 8. Tổng lượng mưa từ tháng 8/2009 đến tháng 2/2010 đo được tại các trạm chính ở Bắc Bộ đều thiếu hụt từ 70-90% so với TBNN, có nơi hoàn toàn không mưa; đặc biệt, có nơi thiếu hụt nhiều như tại Sa Pa, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Tiên Yên, Phù Liễn (từ 500 đến trên 600mm).

b. Nền nhiệt độ các tháng mùa khô 2009-2010 cao hơn trung bình nhiều năm từ 2 đến 3,80 C, nắng nóng kéo dài:

Nền nhiệt độ các tháng đều rất cao, đều vượt TBNN; đặc biệt, tại khu vực Hoàng Liên Sơn, nhiệt độ trung bình các tháng đầu năm 2010 đều cao hơn TBNN từ 2 đến 3,80 C. Nhiệt độ không khí cao làm tăng lượng bốc hơi từ mặt đất, thảm thực vật, hồ ao làm tổn thất dòng chảy lớn, nhất là dòng chảy ngầm; lượng trữ ẩm trong đất giảm nhanh, gây hạn nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến cây trồng, sản xuất nông nghiệp.

Hai là, hoạt động của các nhà máy thủy điện phía Trung Quốc đã làm biến đổi chế độ dòng chảy phía Việt Nam, làm căng thẳng thêm tình trạng cạn kiệt, thiếu nước trên các sông trong mùa cạn 2009-2010

Cùng với tình trạng dòng chảy phía Trung Quốc cũng bị cạn kiệt do tác động của El Nino trong mùa khô năm 2009-2010, hoạt động của các nhà máy thủy điện phía Trung Quốc đã làm trầm trọng hơn mức độ cạn kiệt, thiếu nước trên phần lưu vực thuộc phía Việt Nam, góp phần làm cho dòng chảy từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử.
Tại các địa điểm Đoàn kiểm tra đến làm việc, người dân địa phương cho biết: mực nước sông lên xuống trong ngày, thông thường thấp vào buổi sáng, cao vào khoảng 4 giờ chiều. Tại công trình thủy điện Sơn La có hiện tượng nước dao động lên xuống rất nhanh với biên độ khoảng 10-20 cm trong vòng 2-3 tiếng, giống như hiện tượng nước thủy triều lên xuống. Tại tỉnh Lai Châu, trên dòng chính sông Đà và trên sông nhánh Nậm Na, mực nước dao động rất mạnh trong ngày, chênh lệch vệt nước để lại trên bờ lên tới 2 m. Tại Hà Giang, nước sông Lô dao động với biên độ khoảng 0,5m, là hiện tượng chưa từng xảy ra vào những năm trước đây. Nước sông Đà tại Mường Tè trở nên trong hơn nhiều so với trước đây do các hồ chứa Trung Quốc đã giữ lại phù sa, làm ảnh hưởng tới đời sống thủy sinh và các nguồn lợi thủy sản.

Đại diện lãnh đạo, các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai và các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La đều có chung nhận xét rằng các nhà máy thủy điện phía Trung Quốc đã tích nước phía thượng nguồn sông Hồng nhưng lại không xả nước vào những thời điểm Việt Nam cần nước, làm cho việc sử dụng nước của Việt Nam trở nên bị phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của Việt Nam.

Ba là,
chất lượng rừng không cao là một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt sông, suối trong mùa khô

Các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đều cho rằng trong những năm gần đây mặc dù hàng năm tỷ lệ che phủ rừng ở nhiều địa phương tăng lên nhưng chất lượng rừng không cao, chủ yếu là các rừng thưa, rừng nghèo. Diện tích rừng nguyên sinh, rừng nhiều tầng, rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng có khả năng giữ nước, sinh thủy đã giảm sút, làm mất đi khả năng giữ nước tại vùng đầu nguồn: khi có mưa, nước sông lên nhanh, sau mưa vài ngày sông cạn nước, trong mùa khô các mó nước ngày càng ít. Rất nhiều dòng sông hiện nay đã hoàn toàn không có nước trong mùa khô, không giống như những năm trước đây sông vẫn có nước liên tục, thậm chí có thể chèo thuyền đi lại được trong mùa khô.

Bốn là,
các hồ chứa lớn trên sông Hồng xả nước và tích nước chưa hợp lý
Trong mùa khô, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà vận hành theo yêu cầu của hệ thống điện, chưa quan tâm đầy đủ tới hạ du. Lưu lượng xả từ các hồ chứa quá nhỏ kết hợp với thời kỳ triều kém là nguyên nhân trực tiếp làm cho mực nước sông Hồng xuống mức 10 cm thấp nhất trong lịch sử vào 19 giờ ngày 21/02/2010.

Hiện nay, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà  vận hành theo sự điều hành của Trung tâm điều độ điện quốc gia để đáp ứng yêu cầu của hệ thống điện: khi cần phát điện nhiều thì xả qua tuốc bin nhiều, khi phát điện ít thì xả ít. Chế độ vận hành theo yêu cầu điện như vậy đã tạo nên chế độ dao động dòng chảy bất thường ở hạ du, tạo ra những sóng xả âm (nước chảy ngược, giảm lưu lượng đột ngột), làm giảm mạnh mực nước ở hạ lưu, tạo dao động mực nước lên xuống rõ rệt từ 0,5 đến 1m ở hạ lưu, gia tăng tình trạng thiếu nước ở hạ du, nhất là vào các thời điểm các hồ chứa phát điện tối thiểu trùng với kỳ thủy triều kém.

Hiện tại, lưu lượng xả nhỏ nhất từ các nhà máy thủy điện nhỏ hơn rất nhiều so với lưu lượng nhỏ nhất đã xảy ra trong tự nhiên nên không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu cần thiết cho hạ du. Ví dụ, trước đây, khi chưa có hồ Tuyên Quang, lưu lượng nhỏ nhất quan trắc được tại đây (vị trí Na Hang) từ 1964 đến 2005 là 31 m3/s (tháng 8/1995) và lưu lượng nhỏ nhất trong các tháng 2, 3, 4, 5 tương ứng là 52, 38, 38, 37m3/s; trong khi đó quy trình vận hành của Công ty thủy điện Tuyên Quang quy định lưu lượng xả nhỏ nhất để đảm bảo dòng chảy môi trường phía hạ lưu công trình là 10m3/s, tức là nhỏ hơn 1/3 lưu lượng nhỏ nhất trong tự nhiên. Thực tế, nhiều ngày trong tháng 02/2010 nhà máy thủy điện Tuyên Quang chỉ xả khoảng 4 - 5 m3/s, rõ ràng một cách nhân tạo làm ảnh hưởng lớn tới chế độ dòng chảy ở hạ du mà trong điều kiện tự nhiên chưa bao giờ xảy ra.

Ngoài ra, dòng nước sau các hồ chứa vào mùa kiệt đều trong hơn do lượng phù sa lắng đọng ở thượng lưu nên gây xói lở, sạt bờ, làm biến hình ở các lòng sông hạ lưu như hiện tượng sạt lở ven sông ở Phú Thọ, Sơn Tây...

Mặt khác, các nhà máy thủy điện tích nước muộn vào cuối mùa lũ nên đã không tích đủ nước trong mùa khô. Trong mùa khô năm 2009-2010, các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang Thác Bà đều đã không tích được đầy nước. Mực nước hồ Hòa Bình cao nhất chỉ ở mức: 116,44 m - thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT) là 0,56 m; hồ Tuyên Quang: 107,60 m (thấp hơn MNDBT là 12,4 m); hồ Thác Bà: 53,4 m (thấp hơn MNDBT là 4,6 m). Bên cạnh nguyên nhân là lượng nước đến các hồ nhỏ, việc các hồ tích nước muộn cũng là nguyên nhân làm cho các hồ không tích được đủ nước trong mùa khô năm 2009-2010. Hiện nay, thời kỳ tích nước của các hồ phụ thuộc vào thời gian kết thúc mùa lũ chính vụ và lũ muộn được quy định trong Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang Thác Bà trong mùa lũ hàng năm đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/2007/QĐ-TTg.

Thực tế vận hành những năm qua cho thấy nếu các hồ tích nước theo đúng quy trình này là quá muộn để tích được đầy nước hồ trong điều kiện chế độ dòng chảy đã thay đổi do biến đổi khí hậu và do tác động của các hồ chứa phía Trung Quốc. Các hồ chứa Trung Quốc thường tích nước sớm hơn các hồ chứa phía Việt Nam, khoảng giữa tháng 7 (ở nước ta từ 20/8). Dòng chảy thượng nguồn tới sông Đà và sông Lô có khả năng giảm, mùa cạn có khả năng đến nhanh hơn.

Năm là,
nước ngầm - nguồn cấp nước cho sông trong mùa khô bị suy giảm do khai thác quá mức

Nước ngầm là nguồn cấp nước quan trọng cho sông trong mùa khô. Hiện nay, do bị khai thác quá mức, mực nước ngầm ở nhiều nơi đã bị hạ thấp nghiêm trọng. Tại Hà Nội, mực nước ngầm đang giảm xấp xỉ 1m/năm. Mặc dù chưa thể định lượng được mức độ ảnh hưởng của việc suy giảm mực nước ngầm đối với lượng nước sông trong mùa kiệt do không có các số liệu cụ thể, nhưng về mặt định tính có thể thấy rằng sự suy giảm nguồn nước ngầm đã góp phần làm gia tăng tình trạng cạn kiệt nước sông trong mùa khô.

Sáu là,
đáy sông bị hạ thấp có thể là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mực nước sông ngày càng thấp đi

Đường quan hệ mực nước-lưu lượng H~Q trong mùa kiệt các năm gần đây đều dịch sang bên phải; nghĩa là cùng một mực nước tại Hà Nội  nhưng năm sau cần một lưu lượng lớn hơn năm trước. Ví dụ, ở mực nước 2,2m tại Hà Nội năm 2004 tương ứng với lưu lượng là 860m3/s; nhưng các năm 2005 - 2008 tương ứng tăng dần là 920, 935, 1.130, 1.140 m3/s. Nguyên nhân của việc hạ thấp đáy sông có thể là do tác động của hệ thống hồ chứa thượng nguồn đã giữ lại phù sa bồi đắp sông, do việc khai thác cát trên sông hoặc nạo vét lòng sông.

Những giải pháp kiến nghị thực hiện

Tình trạng cạn kiệt, thiếu nước trên lưu vực trên sông Hồng đang diễn ra hàng năm với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Liên tiếp từ năm 2000 đến nay, hàng năm mực nước sông Hồng tại Hà Nội đều đạt những trị số thấp nhất trong lịch sử. Nếu không có các giải pháp thích hợp thì trong những năm tới đây, sông Hồng sẽ còn tiếp tục lập thêm những kỷ lục cạn kiệt mới. Để từng bước giảm nhẹ, khắc phục tình trạng cạn kiệt và thiếu nước trên lưu vực sông Hồng, trước mắt cần thực hiện các giải pháp sau đây:

1.
Tăng cường giám sát nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam và giám sát việc khai thác, sử dụng nước, đặc biệt là ở hạ du các hồ chứa
Trước mắt, cần cấp bách trang bị thiết bị quan trắc mực nước tự động tại các trạm sát biên giới Trung Quốc: Mường Tè, Hà Giang, Lào Cai và hạ lưu sông Hồng tại Sơn Tây, Hà Nội. Hiện nay, các trạm này đang quan trắc thủ công và chịu tác động mạnh mẽ điều tiết các hồ chứa phía Trung Quốc đặc biệt trong mùa cạn, biên độ dao động mực nước trong ngày rất lớn có khi gần 1-1,5m.

2.
Thay đổi chế độ vận hành xả nước và tích nước của các  hồ chứa
Trong mùa lũ, trong điều kiện nguồn nước biến động bất thường do tác động của biến đổi khí hậu và tác động của việc sử dụng nước phía Trung Quốc, cần xem xét tích nước các hồ sớm hơn vào cuối mùa lũ để có thể tích được đầy nước các hồ. Trong mùa kiệt, cần xây dựng chế độ vận hành của các hồ hợp lý, hài hòa giữa yêu cầu phát điện và các nhu cầu nước khác dưới hạ du và phù hợp với chế độ dòng chảy thượng nguồn và hạ du các hồ chứa. Đối với thời kỳ cấp nước, cần kết hợp lợi dụng thời kỳ triều cường kết hợp với việc tăng xả nước của các hồ chứa để đảm bảo các công trình lấy được nước để tưới và tránh nước xả chảy nhanh ra biển.

3.
Ngoài việc tăng độ che phủ, cần quan tâm đến chất lượng rừng, chú ý trồng các loại cây có khả năng giữ nước, sinh thủy trong mùa khô.

4.
Thực hiện các biện pháp bảo vệ và khôi phục nguồn nước ngầm đang bị suy giảm nhằm tăng nguồn cấp nước cho sông trong mùa khô.

5.
Sử dụng nước hiệu quả hơn bằng cách thay đổi cơ cấu sử dụng nước, thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm nước.

6.
Tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong việc trao đổi số liệu khí tượng, thủy văn trong mùa kiệt và số liệu, quy trình vận hành các hồ chứa ở thượng nguồn phía Trung Quốc.