Nhận thức là gì gồm những giai đoạn nào năm 2024

Câu 13: Trình bày các giai đoạn của quá trình nhận thức? (Con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý?) Trả lời:  Khái niệm nhận thức: Nhận thức là quá trình phản ánh tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc người trên cơ sở thực tiễn.  Quá trình nhận thức có hai giai đoạn:  Giai đoạn nhận thức cảm tính (nhận thức trực tiếp bằng trực quan sinh động) : gồm ba cấp độ  Cảm giác: là hình thức đầu tiên trong nhận thức của con người, là hình ảnh một vài thuộc tính riêng lẻ tác động vào giác quan của con người (cảm giác là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan).  Tri giác: là hình ảnh tương đối toàn vẹn về sự vật, là sự tổng hợp cảm giác nhưng có hệ thống, đầy đủ hơn, phong phú hơn.  Biểu tượng: là hình thức phản ánh cao nhất, là bước nhảy vọt trong nhận thức cảm tính, có tính gián tiếp, là hình ảnh được tái tạo, lưu giữ khi đối tượng khánh thể không còn tác động trực tiếp vào giác quan chủ thể. Khả năng tác động trực tiếp của con người vào đối tượng nhận thức có hạn vì thế con người cần giai đoạn nhận thức thứ hai.  Giai đoạn nhận thức lý tính (nhận thức gián tiếp bằng tư duy trừu tượng): gồm ba cấp độ  Khái niệm: là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng, phản ánh những đặc tính bản chất của sự vật.  Phán đoán: là hình thức của tư duy liên kết các khái niệm với nhau để khẳng định hoặc phủ định một đặc điểm, một thuộc tính nào đó của đối tượng.  Suy luận: là hình thức của tư duy liên kết các phán đoán lại với nhau để rút ra tri thức mới. Đây là hình thức cao nhất trong quá trình nhận thức của con người.  Mối quan hệ của hai giai đoạn: Giai đoạn nhận thức cảm tính là cơ sở cung cấp những thông tin, tri thức cho quá trình nhận thức lý tính làm tiền đề còn giai đoạn nhận thức lý tính làm phong phú, sâu sắc thêm cho giai đoạn nhận thức cảm tính. ***Mọi vấn đề thắc mắc hãy hỏi hãy thầy mình: [email protected] 8Khái niệm vật chất là nền tảng của Triết học.  Con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan”. Và đó chính là vòng khâu của quá trình nhận thức.

Các nhà triết học dù thuộc trường phái nào đều thừa nhận quá trình nhận thức bao gồm nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Tuy nhiên, việc xác định vai trò, vị trí, mối quan hệ lẫn nhau giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính rất khác nhau. V.I.Lênin đã khái quát con đường biện chứng của quá trình nhận thức như sau: "Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan”.

Trực quan sinh động và tư duy trừu tượng là hai giai đoạn nhận thức có những thuộc tính khác nhau, kế tiếp nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình nhận thức thống nhất của con người về thế giới. Thực tiễn ở đây vừa là cơ sở, động lực, mục đích của quá trình nhận thức, vừa là mắt khâu kiểm tra chân lý khách quan. Thực tiễn ở đây, vừa là yếu tố kết thúc một vòng khâu của sự nhận thức, vừa là điểm bắt đầu của vòng khâu mới của sự nhận thức. Cứ thế, sự nhận thức của con người là một quá trình không có điểm cuối.

  1. Nhận thức cảm tính

Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức, gắn liền với thực tiễn. Ở giai đoạn này, nhận thức của con người phản ánh trực tiếp khách thể thông qua các giác quan, được diễn ra dưới ba hình thức: cảm giác, tri giác và biểu tượng. Cảm giác là hình thức đầu tiên, giản đơn nhất của quá trình nhận thức ở giai đoạn cảm tính, được nảy sinh do sự tác động trực tiếp của khách thể lên các giác quan của con người, đưa lại cho con người những thông tin trực tiếp, giản đơn nhất về một thuộc tính riêng lẻ của sự vật. Cảm giác chính là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Thế giới khách quan là nguồn gốc, nội dung khách quan của cảm giác, do đó là nguồn gốc của mọi hiểu biết của con người.

Tri giác là một hình thức nhận thức của giai đoạn trực quan sinh động (nhận thức cảm tính). Tri giác là kết quả của sự tác động trực tiếp của sự vật đồng thời lên nhiều giác quan của con người. Do đó, có thể nói, tri giác là tổng hợp của nhiều cảm giác. Vì vậy, tri giác cho ta hình ảnh về sự vật trọn vẹn hơn cảm giác. Nhưng tri giác vẫn là hình ảnh trực tiếp, cảm tính về sự vật. Từ tri giác, nhận thức chuyển lên hình thức cao hơn là biểu tượng.

Biểu tượng là hình thức cao nhất và phức tạp nhất của nhận thức cảm tính. Khác với cảm giác và tri giác, biểu tượng là hình ảnh sự vật được tái hiện trong óc nhờ trí nhớ, khi sự vật không trực tiếp tác động vào giác quan của con người. Nhưng biểu tượng vẫn giống tri giác ở chỗ, nó vẫn là hình ảnh cảm tính về sự vật, mặc dù tương đối hoàn chỉnh. Cho nên, biểu tượng chưa phải là hình thức của nhận thức lý tính. Nó như là khâu trung gian chuyển từ nhận thức cảm tính lên nhận thức lý tính.

Như vậy là, ở giai đoạn nhận thức cảm tính, nhận thức chưa đem lại những hiểu biết sâu sắc, khái quát trong tính chỉnh thể về sự vật. Nhận thức cảm tính chưa phân biệt được cái riêng và cái chung, bản chất và hiện tượng, nguyên nhân và kết quả..của sự vật. Để hiểu được bản chất sự vật sâu sắc hơn, hoàn chỉnh hơn, nhận thức phải chuyển lên hình thức cao hơn là nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng).

  1. Nhận thức lý tính

Bắt nguồn từ trực quan sinh động, thông qua tư duy trừu tượng, con người phản ánh sự vật một cách gián tiếp, khái quát hơn, đầy đủ hơn dưới các hình thức: Khái niệm, phán đoán và suy lý.

- Khái niệm là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng, phản ánh khái quát, gián tiếp một, hoặc một số thuộc tính chung có tính bản chất nào đó của một nhóm sự vật, hiện tượng được biểu thị bằng một từ hay một cụm từ. Chẳng hạn: Thủ đô, Tổ quốc, Dân tộc...Khái niệm được hình thành trên cơ sở hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức của con người. Nó là kết quả của sự tổng hợp, khái quát biện chứng những tài liệu thu nhận được trong hoạt động thực tiễn. Do đó, khái niệm "là chủ quan trong tính trừu tượng của chúng, trong sự tách rời của chúng, nhưng là khách quan trong chỉnh thể, trong quá trình, trong kết cuộc, trong khuynh hướng, trong nguồn gốc".

Hoạt động thực tiễn của con người ngày càng đa dạng, phong phú và luôn luôn vận động, phát triển, vì vậy, khái niệm để phản ánh đúng thực tiễn cũng phải luôn phát triển, biến đổi cho phù hợp. Mỗi khái niệm đều nằm trong mối liên hệ với các khái niệm khác và tham gia vào quá trình nhận thức tiếp theo của con người: "những khái niệm của con người không bất động, mà luôn luôn vận động, chuyển hoá từ cái nọ sang cái kia; không như vậy, chúng không phản ánh đời sống sinh động".

- Phán đoán là hình thức liên hệ các khái niệm, phản ánh mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng của thế giới trong ý thức con người. Phán đoán là một hình thức của tư duy trừu tượng, bằng cách liên kết các khái niệm lại để khẳng định hay phủ định một thuộc tính hay một mối liên hệ nào đó của sự vật. Phán đoán được biểu hiện dưới hình thức ngôn ngữ thành một mệnh đề, bao gồm lượng từ, chủ từ, hệ từ và vị từ. Trong đó, hệ từ đóng vai trò quan trọng nhất vì nó biểu thị mối quan hệ của sự vật được phản ánh. Ví dụ: Một số sinh viên là người Hà Nội. “Một số” là lượng từ (đối lập với nó là lượng từ “Tất cả”, "Sinh viên” là chủ từ; "là" (đối lập với nó “không là) - ở đây là hệ từ - đặc trưng cho phán đoán về mặt chất, “người Hà Nội” là vị từ. Căn cứ vào lượng và chất của phán đoán đơn như ở phân chia ở trên, logic học hình thức nghiên cứu bốn kiểu phán đoán đơn cơ bản. Song, dựa vào nội dung và mức độ phổ quát của tri thức về đối tượng logic biện chứng phân chia phán đoán thành ba loại cơ bản là: phán đoán đơn nhất, phán đoán đặc thù và phán đoán phổ biến.

- Suy lý (suy luận và chứng minh) là những hình thức của tư duy trừu tượng, trong đó các phán đoán đã liên kết với nhau theo quy tắc: phán đoán cuối cùng (kết luận) được suy ra từ những phán đoán đã biết làm tiền đề. Có hai loại suy luận chính: quy nạp và diễn dịch. Quy nạp là loại hình suy luận trong đó từ tiền đề là những tri thức về riêng từng đối tượng người ta khái quát thành tri thức chung cho cả lớp đối tượng, tức là tư duy vận động từ cái đơn nhất đến cái chung, cái phổ biến. Diễn dịch là loại hình suy luận trong đó từ tiền đề là tri thức chung về cả lớp đối tượng người ta rút ra kết luận là tri thức về riêng từng đối tượng hay bộ phận đối tượng, tức là tư duy vận động từ cái chung đến cái ít chung hơn, đến cái đơn nhất (cái riêng). Trong quá trình nhận thức của con người, hai loại suy luận này có liên hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau. Suy lý là phương thức quan trọng để tư duy của con người đi từ cái đã biết đến cái chưa biết một cách gián tiếp, rút ngắn thời gian trong việc phát hiện tri thức mới. Tính chân thực của tri thức thu nhận được nhờ suy lý, phụ thuộc vào tính chân thực của các phán đoán tiền đề và sự tuân thủ chặt chẽ, đúng đắn các quy tắc lôgíc của chủ thể suy lý.

Như vậy, nhận thức lý tính khác với nhận thức cảm tính ở chỗ, nó đã phản ánh, khái quát, trừu tượng, gián tiếp sự vật, hiện tượng trong tính tất yếu, chỉnh thể toàn diện. Vì vậy, nhận thức lý tính có thể phản ảnh được mối liên hệ bản chất, tất nhiên, bên trong của sự vật, phản ánh sự vật, hiện tượng sâu sắc hơn nhận thức cảm tính. Đồng thời nó luôn hàm chứa nguy cơ xa rời hiện thực. Do đó, nhận thức lý tính phải được gắn liền với thực tiễn và được kiểm tra bởi thực tiễn. Đây cũng là thực chất bước chuyển từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn.

Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là hai giai đoạn khác nhau về chất nhưng lại thống nhất với nhau, liên hệ, bổ sung cho nhau trong quá trình nhận thức của con người. Nhận thức cảm tính là cơ sở cho nhận thức lý tính, không có nhận thức cảm tính thì không có nhận thức lý tính. Ngược lại, nhờ có nhận thức lý tính mà con người mới đi sâu nhận thức được bản chất của sự vật, hiện tượng. Trong thực tiễn, cần tránh cường điệu, tuyệt đối hoá vai trò của nhận thức cảm tính, hạ thấp và phủ nhận vai trò của nhận thức lý tính. Như vậy sẽ rơi vào chủ nghĩa duy cảm. Đồng thời, cần phải tránh cường điệu thái quá vai trò của nhận thức lý tính, của trí tuệ dẫn đến hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của nhận thức cảm tính, của cảm giác rơi vào chủ nghĩa duy lý cực đoan.

  1. Sự thống nhất giữa trực quan sinh động, tư duy trừu tượng và thực tiễn

Một vòng khâu của quá trình nhận thức được bắt đầu từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Trong đó, thực tiễn vừa là cơ sở, vừa là khâu kết thúc và đồng thời có vai trò kiểm tra tính chân thực các kết quả nhận thức. Quá trình nhận thức thông qua các vòng khâu nhận thức này để ngày càng tiến sâu hơn vào bản chất của các sự vật, hiện tượng. Kết thúc vòng khâu này cũng đồng thời là sự bắt đầu của một vòng khâu mới của sự nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Cứ thế, nhận thức của con người là vô tận. Mỗi nấc thang mà con người đạt được trong quá trình nhận thức, đều là kết quả của cả nhận thức cảm tính và cả nhận thức lý tính, được thực hiện trên cơ sở của hoạt động thực tiễn.

Vòng khâu của nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, được lặp đi lặp lại nhưng sâu hơn về bản chất. Đó cũng chính là quá trình giải quyết những mâu thuẫn không ngừng nảy sinh trong nhận thức. Đó là mâu thuẫn giữa chưa biết và biết, giữa biết ít và biết nhiều, giữa chân lý và sai lầm...Cứ mỗi khi mâu thuẫn được giải quyết, thì nhận thức của con người lại tiến gần tới chân lý hơn.