Quán An hè phố và các vấn đề môi trường và sức khỏe cộng đồng

Chợ Ba Hàng vẫn được xem là một trong những “thiên đường” về đồ ăn vặt đối với nhiều người, bởi lẽ, ở đây có đầy đủ các món ăn như: ốc, trứng vịt lộn, xúc xích hay chè thập cẩm... trong khi giá cả lại phù hợp với nhiều đối tượng. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại chợ có hàng chục quán bán đồ ăn nhanh được đặt giữa các hàng rau và thực phẩm tươi sống. Qua quan sát, thức ăn trước khi đưa vào chế biến được đựng trong thùng xốp, xô, chậu, khi chế biến chủ cửa hàng cũng không sử dụng bao tay mà dùng tay trần chế biến. Cùng với đó là nước rửa thực phẩm cùng rác thải vương vãi khắp nền đất. Tuy vậy, những hàng quán này vẫn thu hút một lượng lớn thực khách là những em học sinh, sinh viên, người lao động và một số người là cán bộ công chức. Chia sẻ với chúng tôi, em Nguyễn Thị Nhung, một học sinh Trường THCS Ba Hàng cho biết: Lâu nay, chợ Ba Hàng là một địa chỉ quen thuộc mỗi khi chúng em muốn tụ tập hoặc tổ chức sinh nhật cho bạn nào đó trong nhóm. So với một số tiệm ăn nhanh khác thì đồ ăn ở đây đa dạng mà giá cả lại rẻ hơn từ 5-10 nghìn đồng/một sản phẩm. Đã nhiều lần ăn, uống ở đây nhưng chưa từng bị đau bụng hay có biểu hiện khác lạ nên chúng em cũng không mấy để ý đến vấn đề VSATTP. 

Còn tại tuyến đường thuộc cổng Nam của Công ty Samsung Việt Nam Thái Nguyên cũng có vô số quán ăn nhanh mọc lên dọc đoạn đường hơn 1km, thu hút một lượng lớn người đến đây ăn uống. Mỗi quán nhỏ bày một vài bộ bàn ghế nhựa trên vỉa hè, đông người và phương tiện giao thông qua lại. Chưa kể thức ăn sau khi chế biến xong, không có dụng cụ che đậy mà để nguyên trên mặt bàn rồi bán cho khách. Vào lúc đông khách, chủ hàng còn thản nhiên dùng tay trần để xếp thức ăn mang ra cho khách. Mặc dù, nhiều khách hàng biết điều đó nhưng họ đều dễ dãi bỏ qua, bởi theo họ, thức ăn chỉ cần hợp khẩu vị và giá cả phù hợp với túi tiền là được. Khi được hỏi về vấn đề VSATTP, chủ các hàng quán trên đều khẳng định, thức ăn họ bán đảm bảo, rõ nguồn gốc xuất xứ... vì nguyên liệu được lấy lại từ những người quen biết ở chợ, tin tưởng nhau là chính chứ không mấy khi kiểm soát kỹ. Chị Lê Tú, chủ một quán ăn nhanh vỉa hè thuộc phường Đồng Tiến cho biết: Vào mỗi buổi chiều tối, tôi thường bán ốc, thịt nướng, xúc xích, bánh mì pate cho khách hàng chủ yếu là công nhân làm việc tại Công ty Samsung và một số công ty lân cận. Giữa người bán và khách hàng đã quá quen mặt nhau nên người này, người kia rủ rê, mời mọc bạn bè đến ăn mà ít khi để đề cập đến vấn đề VSATTP.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn T.X Phổ Yên hiện có hàng trăm quán ăn nhanh như thế này mọc lên tại các chợ hoặc một số tuyến đường cạnh các khu, cụm công nghiệp. Sản phẩm mà những hàng quán này bày bán là những đồ ăn, thức uống chế biến sẵn theo yêu cầu của khách hàng. Điều đáng nói là các quán này được dựng một cách tạm bợ, đặt trên vỉa hè, cạnh cống rãnh thoát nước hoặc nơi đông người qua lại. Việc hàng quán bán đồ ăn nhanh như thế này hoạt động tràn lan và phổ biến không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị khi rác thải bữa bãi, tình trạng lấn chiềm vỉa hè thường diễn ra…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Nam, Trưởng phòng Y tế T.X Phổ Yên cho biết: Việc người dân đặc biệt là giới trẻ ưa chuộng các món ăn vặt ngày càng phổ biến, vì thế mà các hàng quán bán đồ ăn nhanh mọc lên ngày một nhiều. Trong 9 tháng đầu năm nay, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP của thị xã đã tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý 76 vụ vi phạm, trong đó có gần 20 vụ về kinh doanh đồ ăn nhanh, ăn sẵn. Qua kiểm tra cho thấy, các hàng quán này sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm có chất phụ gia hay dùng mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thực phẩm thức ăn đường phố không đảm bảo có thể dẫn đến 2 nguy cơ: Trước mắt, nếu thực phẩm bị nhiễm bẩn có thể gây tình trạng ngộ độc cấp tính với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; về lâu dài, các hóa chất được tẩm ngâm trong thực phẩm sẽ tích tụ trong cơ thể dễ gây nên một số bệnh nguy hiểm.

Nguy cơ mất an toàn từ những hàng quán ăn nhanh, ăn sẵn đã rõ nhưng theo ông Nguyễn Tuấn Nam thì việc kiểm soát những hàng quán này còn gặp khó vì chủ yếu mang tính tự phát và nhiều người kinh doanh từ những địa phương khác đến buôn bán. Cùng với đó, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý chủ quan, tùy tiện sử dụng thức ăn nhanh tại vỉa hè hoặc tại các chợ. Do vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn các thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc tự mình chế biến để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và gia đình. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác quản lý nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Trịnh Phương

(PLO)- Thức ăn đường phố đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân vì nó đáp ứng nhu cầu cần nhanh, tiện lợi và rẻ. Nhưng đằng sau những tiện lợi ấy là nhiều câu chuyện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều người ưa chuộng

Không khó để đi tìm một chỗ ăn uống nhanh và tiện ở TP.HCM. Theo khảo sát, thức ăn đường phố có ở khắp nơi, từ trong ngõ ngách đến các đường lớn; từ cổng trường học đến bến xe, chợ; từ sáng sớm tinh mơ đến tận đêm khuya… Món ăn đa dạng, thực khách tha hồ chọn lựa từ lẩu, cơm tấm, bún mắm,... cho đến đồ ăn vặt như khoai nướng, bắp xào, cá viên chiên, xe đẩy trái cây... được bán với mức giá mà hầu như ai ai cũng có thể mua được.

Chính vì mức giá rẻ, phù hợp túi tiền của đại đa số người lao động và học sinh, sinh viên nên họ cũng dễ dàng lựa chọn thức ăn đường phố và coi là món ăn vặt khoái khẩu. Có nhiều người còn thích ăn thức ăn đường phố hơn cả thức ăn ở nhà chế biến.

Quán An hè phố và các vấn đề môi trường và sức khỏe cộng đồng

Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn là sai quy định. Ảnh: Nguyên Võ

Trao đổi với bạn Nguyễn Phạm Nguyên, sinh viên một trường đại học, bạn cho biết, “sinh viên xa nhà, lại là con trai, nên ít khi nào em nấu nướng, cứ sáng ra đường mua đại bánh mì, trưa ăn cơm ngoài đường, chiều thì tìm gì đó là ăn cho xong. Em ăn uống như thế cũng đã hơn ba năm. Thức ăn đường phố có nhiều món, dễ thay đổi món ăn và cũng đỡ ngán”.

Cũng cùng vấn đề này chị Kim Thanh, chủ quán cà phê ở Tân Bình cho biết “buổi tối tôi thường hay chở con đi ăn ở một số khu ăn uống, những nơi này buôn bán rất đa dạng, nêm nếm cũng ngon, đa dạng món ăn”.

Nguy cơ mất an toàn

Việc buôn bán khá đơn giản, chỉ cần sắm một chiếc xe đẩy và vài bộ bàn ghế nhựa là đã có thể bày ra một quán ăn sẵn trên vỉa hè, đường phố. Liệu với không gian như thế có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không khi dầu bị chiên nhiều lần; thịt nướng ngay tại vỉa hè khói bụi; dụng cụ chứa thức ăn thì không đạt tiêu chuẩn, thức ăn phần lớn không được che đậy, hay che đậy sơ sài, người bán hàng dùng tay trần để chế biến, hay có bao tay nhưng vẫn thản nhiên cầm tiền rồi bốc thực phẩm, hay những cái tô, chiếc đũa được rửa ngay tại nơi bán với lượng nước ít ỏi... cũng là hình ảnh hết sức quen thuộc.

Quán An hè phố và các vấn đề môi trường và sức khỏe cộng đồng

Bày bán thức ăn không đảm bảo, có cả ruồi bâu, đốt nhang ngay cạnh món gỏi cuốn. Ảnh: Nguyên Võ

Với một số nhỏ người kinh doanh, vì mưu sinh và lợi nhuận họ có thể bất chấp những hành động sai phạm để tiêu thụ những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, từ rau củ quả cho tới thịt cá.

Trong khi đó, tại Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có quy định khá rõ: Nơi bày bán thực phẩm cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh; nước để chế biến đơn giản đối với thức ăn ngay, pha chế đồ uống phải đủ số lượng và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm; người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng một lần; nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định;…

Thức ăn đường phố mang đến sự tiện lợi cho khách hàng vì thuận tiện, nhanh chóng, hợp túi tiền,… nên giữ chân được số lượng thực khách vô cùng đông đảo. Dù các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cảnh báo về nguy cơ mất an toàn, nhiều người vẫn thờ ơ trước sức khỏe của chính mình. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc có nguyên nhân từ thức ăn đường phố, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm ATTP và hơn hết, quy hoạch các khu ăn uống cho người bán hàng và tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm vỉa hè.

Tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật vi phạm một trong các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn: Không có biện pháp để bảo đảm cho thực phẩm không bị hỏng, mốc, tiếp xúc với côn trùng, động vật, bụi bẩn và các yếu tố gây ô nhiễm khác;

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Bày bán thức ăn ngay, thực phẩm chín không có thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, không có bàn hoặc giá cao hơn mặt đất theo quy định; sử dụng khu vực chế biến, bảo quản, nơi ăn không bảo đảm vệ sinh hoặc có côn trùng, động vật gây hại;…