So sánh giữa các bản hiến pháp năm 2024

Thời gian gần đây dư luận ở trong nước từ nhiều phía, thân cũng như không thân chính quyền, đã bàn luận rất nhiều về bản Hiến pháp 1946 ra đời cách đây trên nửa thế kỷ và đã hết hiệu lực từ cuối thâp niên 1950. Nhân dịp năm nay kỷ niệm 60 năm Quốc khánh 2-9, Giáo sư Phạm Duy Nghĩa Đại học Quốc gia Hà Nội, khi được báo Tuổi Trẻ online phỏng vấn, đã tuyên bố rằng bản hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam.

  • Bấm vào đây để nghe bài nhận định này
  • Download story audio

So sánh giữa các bản hiến pháp năm 2024

Để bàn sâu thêm về ý kiến này, Nguyễn An của Đài Á Châu Tự Do đã trao đổi với Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền ở Pari về Hiến pháp nói chung và Hiến pháp 1946 nói riêng. Luật sư Hiệp là tác giả của nhiều bài nghiên cứu về chủ thuyêt Hiến trị cũng như về các Nhà nước pháp quyền, Nhà nước pháp trị. Khi nói về những khác biệt giữa các bản hiến pháp đã qua của Việt Nam, câu hỏi đặt ra cho luật sư Hiệp là:

“Cũng trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Tuổi trẻ on line, tiến sĩ Nghĩa cho là hiến pháp hiện hành (sửa đổi năm 1992) có nhiều điểm quay về với hiến pháp 1946, khi ngừơi dân đựơc công nhận và bảo vệ một số quyền cơ bản mà ở các bản hiến pháp 1959 và 1980 đã không quy định rõ ràng hoặc không đầy đủ. Luật sư có chia xẻ nhận định này không? Xin giải thích”

Một hiện tượng thay đổi

Trần Thanh Hiệp: Trên đại thể, tôi có thể chia xẻ sự nhận định với giáo sư Phạm Duy Nghĩa về sự sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một hiện tượng thay đổi với bước lùi so với hiến pháp năm 1980 là Hiến pháp thiết lập nền độc tài toàn trị trên cả nước. Nhưng về điểm tìm một ngôn ngữ thích đáng để làm rõ nét sự thay đổi này thì tôi sợ rằng còn phải cân nhắc rất nhiều.

Chẳng hạn chữ “quay về” theo tôi là khiên cưỡng. Hiến pháp năm 1992 tuy ở một số điểm có gợi nhớ Hiến pháp năm 1946 nhưng nó không quay về với nội dung hoàn toàn cộng hoà của Hiến pháp đầu tiên này. Bước lùi cùa Hiến pháp năm 1992 đã dừng lại ở giữa đường. Nói theo danh từ chuyên môn thì Hiến pháp năm 1992 đã xuống thang từ chuyên chính vô sản toàn trị của Hiến pháp năm 1980 để chỉ còn là “chuyên hoành” đảng trị độc đảng.

Tôi xin mở một ngoặc đơn để giải thích về chữ “chuyên hoành”, một thuật ngữ chính trị học, ít hay chưa được dùng trong ngôn ngữ chính trị Việt Nam. Không như các chữ toàn trị hay độc tài. Theo nhận định của một vài nhà nghiên cứu chính trị học quốc tế thì chế độ chính trị ở Việt Nam nay không còn mang đủ tính chất của một chế dộ toàn trị nữa và họ xếp chế độ nay vào loại các chế độ độc đoán, chuyên quyền, một thứ độc tài đứng ở giữa đa nguyên và toàn trị.

Vì thuật ngữ chính trị học Việt Nam chưa có danh từ ổn định để dịch chữ tiếng Anh authoritarianism nên tôi đã mượn chữ hán việt chuyên hoành để dùng tạm trong khi chờ đợi tìm được chữ thích hợp. Nếu dùng quen thì chữ chuyên hoành cũng có thể trở thành thông dụng.

Tôi xin đóng ngoặc. Chỉ cần một điều 4 của Hiến pháp năm 1992, kết hợp với cụm từ ở đoạn cuối Lời nói đầu “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý” cũng thừa đủ để chứng minh rằng chế độ độc tài đảng trị bất bình đẳng, phân biệt đối xử của Hiến pháp năm 1992 không thể là chế độ cộng hoà tự do, bình đẳng của Hiến pháp năm 1946.

Như vậy không thể nói là quay về với Hiến pháp năm 1946 được. Còn ngụ ý rằng một số quyền cơ bản của người dân đã được công nhận và bảo đảm giống như ở Hiến pháp năm 1946 thì không đúng. Vì trong 11 điều, từ điều 6 đến điều 16 của Hiến pháp năm 1946, không hề có những hạn chế kiểu “do Hiến pháp và luật quy định” hay “theo quy định của Pháp luật” đầy rẫy trong Chương V của Hiến pháp năm 1992 quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Nói rằng Hiến pháp thời “Đổi mới” này về vấn đề nhân quyền, dân quyền, đã khác so với các Hiến pháp năm 1959 và 1980 thì đúng nhưng nói nó đã quay về với Hiến pháp năm 1946 thì không đúng.

Tự ý ban hành các văn bản

Nguyễn An: Theo tiến sĩ Nghĩa, thì điểm tối kỵ là các cơ quan hành chánh tự ý ban hành các văn bản dưới luật để hạn chế quyền hạn của dân trong khi hiến pháp và pháp luật không cấm. Tình hình ấy theo ông có xẩy ra ở Việt Nam không? Nếu có, xin ông cho một vài thí dụ.?

Trần Thanh Hiệp: Chế độ chính trị ở Việt Nam là chế độ ở khâu Nhà nước thì không phân quyền, ở khâu con người thì phi nhân quyền, phi dân quyền, xét theo tiêu chí của luật quốc tế về nhân quyền.

Cho nên tệ nạn mà giáo sư Nghĩa đã nêu lên theo đó các cơ quan hành chánh tự ý ban hành các văn bản dưới luật để hạn chế quyền của dân là những hiện tượng phổ biến chứ không phải chỉ là những biệt lệ. Các chuyên gia luật pháp quốc tế khi nghiên cứu việc cải tổ pháp luật cho Việt Nam đã đặc biệt chú ý đến một số lượng rất quan trọng các văn bản pháp lý chồng chéo lên nhau.

Nguyễn An: Luật sư có thể đưa ra những thí dụ cụ thể điển hình?

Bạn nghĩ gì về nhận định này? Xin email về [email protected]

Trần Thanh Hiệp: Nếu muốn kể ra một vài thí dụ điển hình thì có thể tìm thấy ở địa hạt tôn giáo. Thí dụ như các Nghị định số 297/HĐBT ra ngày 11/11/1977 áp đặt cho miền Nam chính sách tôn giáo tại miền Bắc, Nghị định số 69/HĐBT ra ngày 21/03/1991 để thay thế cho Nghị định 297/HĐBT nhưng nội dung không đổi khác gì, Nghị định 26/1999/CP ngày 19/04/1999 vẫn để kiểm soát gắt gao các hoạt động tôn giáo.

Những văn bản dưới luật kể trên đều vi phạm điều 70 của Hiến pháp năm 1992 là điều công nhận minh thị quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng. Trên một quy mô rộng lớn hơn, còn có một Nghị định rất nổi tiếng vì tính cách vi luật hiển nhiên trầm trọng của nó, là Nghị định số 31/CP ngày 14-04-1997 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho phép các cơ quan hành chính được bắt giữ và bỏ tù người dân không cần phải tôn trọng các thủ tục pháp định về bắt giữ và xét xử do Hiến pháp dự liệu.

Gần đây, trước những lời chỉ trích gắt gao của dư luận quốc tế về nhân quyền, Hà Nội, thông qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Quyết nghị ngày 29-01-2002, đã khôn khéo giới hạn quyền của Hành pháp ban hành văn bản quy phạm pháp luật bằng cách chỉ dành việc hành sử quyền này cho Thủ tướng Chính phủ mà thôi.

Nhưng như vậy là đưa lên hàng một nguyên tắc: Quốc gia trao cho Hành pháp quyền lập pháp không phân định phạm vi rõ rệt, chẳng khác gì ký cho Hành pháp một khống chỉ để Hành pháp không bị rào cản trong việc hạn chế quyền của dân.

Hai tiêu chí chính

Nguyễn An: Khi trả lời câu hỏi cuối của báo Tuổi trẻ On line, tiến sĩ Nghĩa đưa ra hai tiêu chí chính nếu cần phải sửa đổi hiến pháp hay luật: thứ nhất là thật sự vì nhu cầu của nhân dân, và thứ hai là thực hiện theo đúng ý nguyện của dân. Ông có chia xẻ hai tiêu chí ấy không, và nếu công nhận, thì theo ông hiến pháp hiện hành của Việt Nam có cần thay đổi hay không?

Trần Thanh Hiệp: Hai tiêu chí “vì nhu cầu của nhân dân” và “theo đúng ý nguyện của dân” mà giáo sư Nghĩa đã đề xuất để sửa đổi Hiến pháp hay luật là hai hướng đổi mới để đổi mới thực sự. Muốn đi theo hai hướng này thì nhà cầm quyền cộng sản không thể coi trọng nhu cầu của Đảng hơn nhu cầu của nhân dân.

Về ý nguyện của dân, chẳng những chính quyền phải theo cho đúng, mà còn phải ghi nhớ rằng trong đó có những quyền của người dân mà chính quyền có nghĩa vụ phải triệt để tôn trọng. Hiến pháp hiện hành của Việt Nam chỉ trọng thị nhu cầu của Đảng vì nó được soạn ra để thể chế hoá đường lối cai trị của Đảng.

Mặt khác, Hiến pháp này đã ngăn cản hết mức không cho dân có cơ hội bày tỏ ý nguyện thì làm sao có thể biết được ý nguyện của dân. Một Hiến pháp đi ngược chiều dân chủ như vậy không những không thể không thay đổi, mà còn phải thay đổi càng sớm càng tốt.

Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp.

Trong ba buổi phát thanh vừa qua, quý thính giả đã nghe cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ với luật sư Trần Thanh Hiệp Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền ở Pari về Hiến pháp nói chung và Hiến pháp 1946 nói riêng. Cũng xin thưa rằng quan điểm của luật sư Trần Thanh Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban Việt ngữ đài Á châu tự do, và chúng tôi mong sẽ nhận đựơc thêm ý kiến đóng góp về vấn đề này.