Tài liệu môn chính trị học so sánh năm 2024

Nghiên cứu chính trị học, cũng như mọi khoa học, đều có một mục tiêu tiếp cận là những kiến thức chắc chắn và tin cậy. Hơn thế nữa, việc giải thích các hiện tượng, các liên hệ nhân – quả, tức các lý thuyết hay các mô hình lại phải chịu sự hạn chế về tính toàn diện. Cụ thể hơn, lý thuyết hay mô hình đó phải tập trung vào một số lượng nhỏ (thậm chí là rất nhỏ) nếu so với một số lượng các yếu tố có tiềm năng đóng một vai trò nhất định trong hiện tượng mà ta muốn giải thích. Cũng như trong việc giải thích hiện tượng “dân chủ”: có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới mức độ phát triển dân chủ”, nhưng người ta thường tập trung vào các yếu tố chính như: kinh tế, hiến pháp, luật, trình độ dân trí.

Làm thế nào để chúng ta tin tưởng rằng đây là các yếu tố chính? Chỉ có thể bằng cách kiểm nghiệm thực tế. Đối với khoa học xã hội, khi chúng ta không thể tạo lập nên một phòng thí nghiệm như các khoa học tự nhiên để kiểm chứng, phương pháp so sánh là tất yếu. Vì trong việc so sánh giữa các trường hợp “dân chủ”, chính là người ta đang dùng các sự kiện thực tế như là các “phòng thí nghiệm” để kiểm chứng kết luận của lý thuyết. Đương nhiên, nếu kết luận không được chứng thực, tức giả sử như “dân chủ” chính là do điều kiện thời tiết và địa lý, hoặc do tất cả mọi yếu tố ngẫu nhiên tạo nên, sự so sánh, chí ít cũng có tác dụng gợi lên một giả thuyết mới, một định hướng mới cho nghiên cứu và phát triển sự hiểu biết của chúng ta.

Vậy chính trị học so sánh sẽ so sánh cái gì, như thế nào và để làm gì?

Về căn bản, với tư cách là kiểm chứng (hay phát hiện các bằng chứng về giả thuyết mới), phương pháp so sánh về thực chất là sự kiểm soát các yếu tố của mối liên hệ nhân – quả. Một ví dụ đơn giản nhất là giữ nguyên tất cả các yếu tố khác không đổi, trong khi chỉ xem xét hai yếu tố biến đổi là: “dân chủ” (kết quả) và “thu nhập” (nguyên nhân). Khi xem xét một loạt các nước khác nhau, người ta có thể kết luận rằng có sự tương quan giữa hai yếu tố này. Trong toán học, đây chính là phép lấy đạo hàm.

Chính trị học so sánh lấy sự so sánh các hệ thống chính trị làm đối tượng nghiên cứu cơ bản nhằm rút ra các kết luận, các liên hệ (các tương quan) có tính nhân – quả. Điều này không chỉ hàm ý là lấy các hệ thống chính trị ở các nước khác nhau, mà còn có thể lấy hệ thống chính trị ở trong cùng một nước, ở các thời kỳ khác nhau để so sánh. Hơn thế nữa, sự lựa chọn các trường hợp, các nước để so sánh không thể là sự lựa chọn tùy tiện. Tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu, giả thuyết khoa học mà chúng ta phải có sự lựa chọn hợp với mục tiêu. Nếu lập luận rằng, “dân chủ là do số lượng đảng chính trị hợp pháp và có tiềm lực cạnh tranh quyết định” thì không thể chỉ lựa chọn các nước có đa đảng, mà bắt buộc phải chọn lựa cả các nước có một đảng và các nước này cũng cần phải có các yếu tố khác tương tự như văn hóa, kinh tế… Nếu không, mức độ “dân chủ” khác nhau trong thực tế lại có thể do sự khác nhau của các yếu tố không liên quan đến số lượng đảng. Điều này cũng chỉ ra rằng chúng ta không bao giờ có thể chọn được các nước thỏa mãn các điều kiện kiểm nghiệm chặt chẽ như vậy. Đây là điểm yếu cố hữu của so sánh trong khoa học xã hội nói chung, và rất dễ được dùng để phản biện mọi kết luận, từ đó đưa ra các tư tưởng biệt phái, ví dụ: một phản biện hay được sử dụng là “Điều này không thể đúng và áp dụng ở nước A vì các nước được nghiên cứu đều không có các điều kiện giống nước A”. Nói cách khác, những người theo trường phái này sẽ không tin (hoặc rất nghi ngờ) rằng có cái gọi là tính khoa học của các hoạt động chính trị, hoặc ít nhất, họ cho rằng, các giá trị chung sẽ có tính ứng dụng khá hạn hẹp.

Tóm lại, chính trị học so sánh lựa chọn một số các hệ thống chính trị điển hình, để kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng, và rút ra các kết luận nhân – quả thông qua việc so sánh các yếu tố đó mà chúng ta thường gọi là “các giá trị chung, phổ quát” của các hệ thống chính trị. Có thể nói, lịch sử phát triển của chính trị học so sánh cũng chính là lịch sử của sự phát triển các phương pháp so sánh nhằm nâng cao độ tin cậy của các kết luận.

2/ Lược sử và các vấn đề chính của chính trị học so sánh trên thế giới

So sánh chính trị với nghĩa rộng nhất đã có từ lâu. Hầu hết các tác phẩm kinh điển từ thời Hy – La cổ đại, về căn bản là dựa trên cách phân tích so sánh. Thông qua các quan sát về các hoạt động, các cộng đồng khác nhau mà các nhà tư tưởng đã phát triển các lý thuyết và lập luận của mình.

Aristote khi viết tác phẩm Chính trị (Politics) đã dầy công thu thập, đối chiếu và phân tích 158 bản hiến pháp của các thành bang Hy Lạp thời đó. Thông qua sự phân tích so sánh, ông đã khái quát hóa và phát triển một hệ thống phân loại các kiểu chế độ chính trị cũng như lôgích của sự chuyển hóa lẫn nhau giữa chúng.

Nicole Machiavelli với tác phẩm Quân vương (1532), Karl Marx với tác phẩm Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ (1853), Những kết quả tương lai của Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ (1853) và Tocqueville với Nền dân trị Mỹ (1835 – 1840) đều là các tác phẩm kinh điển trong lịch sử phát triển của môn chính trị học so sánh. Các nhà tư tưởng phương Đông như Khổng Tử cũng xem các cách cai trị thời Chiến quốc trong việc lập thuyết của mình.

Tuy mang tính kinh điển như vậy, các tác phẩm nghiên cứu của thời kỳ này có sáu điểm hạn chế chủ yếu là:

Thứ nhất, mô tả cấu trúc là chính, không hoặc ít so sánh. Từ đó, sự nhìn nhận về các mối liên hệ nhân – quả, khả năng giải thích các sự khác biệt cũng không mạnh mẽ.

Thứ hai, nhấn mạnh văn bản luật, dễ bỏ qua hiện thực và không thấy hết sự cách biệt giữa văn bản pháp lý và vận hành thực tế.

Thứ ba. Thiển cận với phạm vi nghiên cứu hẹp, chỉ tập trung vào các nước Âu – Mỹ, cho rằng đó là các mô hình lý tưởng, chứa đựng các nhân tố hợp lý mà các nước khác, bất kể các đặc điểm lịch sử, văn hóa truyền thống đều có thể noi theo và áp dụng.

Thứ tư, bảo thủ, cho rằng các mô hình lý tưởng sẽ không cần thay đổi nhiều. Nói cách khác là các mô hình này đã tính đến các yếu tố có tính căn bản nhất.

Thứ năm, thiếu tính hệ thống và tầm nhìn lý thuyết, dễ sa vào tranh biện về đạo lý.

Thứ sáu, không xác định rõ cách tiếp cận nên khó kiểm nghiệm một cách nghiêm khắc. Đặc biệt trong việc đo lường, chọn mẫu, nếu cách tiếp cận không rõ ràng và nhất quán, các kiểm nghiệm thực tế sẽ khó có thể tiến hành, hay không thỏa mãn các yếu cầu nghiêm khắc của khoa học.

Mặc dù có nguồn gốc lý luận sâu xa như vậy, nhưng phải đến khoảng những năm 50 của thế kỷ XX, việc nghiên cứu so sánh mới trở thành một chuyên ngành nghiên cứu của khoa học chính trị, với tên gọi là chính trị học so sánh.

Trong suốt hai thập kỷ sau đó, khuynh hướng nghiên cứu so sánh đã có những phát triển mạnh và rộng ở các nước phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ. Khuynh hướng này được hình thành từ ba trào lưu cơ bản sau:

Trào lưu thứ nhất, tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu và giảng dạy về thể chế chính trị của các nước trong khối Ănglôxắcxông (như Anh, Canađa, Xcốtlen). Trong khi đó ở Tây Âu, các nhà nghiên cứu cũng có rất nhiều công trình giá trị nghiên cứu về các hệ thống chính trị ở một loạt các nước khác nhau như:

+ Ralf Dahrendorf và Karl Bracher với Xã hội và nền dân chủ Đức (1967) phân tích về ảnh hưởng của chủ nghĩa phát xít đối với xã hội Đức.

+ Samuel Beer với Nền chính trị Anh trong kỷ nguyên của những người theo chủ nghĩa tập thể (1966) khảo sát sự thay đổi về cấu trúc và tư tưởng trong các đảng phái chính trị ở Anh.

+ Harry Eckstein xem xét nền dân chủ Na Uy qua Sự phân chia và cố kết trong một nền dân chủ: trường hợp Nauy (1966).

+ Albert Hofman, người Đức, phân tích sự phát triển của Pháp qua các nền cộng hòa trong tác phẩm Suy sụp hay đổi mới: nước Pháp từ những năm 1930 (1974). Trong khi đó, tác giả người Pháp, Merle Faisnod lại tập trung vào tìm hiểu Liên Xô qua tác phẩm Nước Nga được cai trị như thế nào? (1963).

+ Các nhà nghiên cứu từ các nước khác như Italia có Robert Scalapino phân tích Nhật Bản qua Nền dân chủ và phong trào đảng phái ở Nhật trước chiến tranh (1953).

Trào lưu nghiên cứu các nền chính trị nước ngoài như vậy, dù đầu tiên chỉ có tính chất sư phạm như ở Mỹ hay mang tính quan sát, mô tả, cũng đã cung cấp khối lượng tư liệu và quan sát phong phú, làm cơ sở cho việc phân tích so sánh với phạm vi rộng hơn và sâu hơn.

Trào lưu thứ hai, nghiên cứu một cách có hệ thống các thể chế chính trị thuộc các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là các nhà khoa học chính trị hàng đầu tại Mỹ. Trào lưu này không bằng lòng với việc hcỉ dừng lại ở việc quan sát và mô tả. Các nhà nghiên cứu đã cố gắng đi sâu, chú trọng đến việc giải thích sự khác biệt hay tương đồng giữa các thể chế chính trị khác nhau ở các nền văn hóa khác nhau. Do nhu cầu này mà việc xây dựng và kiểm nghiệm các lý thuyết được đặc biệt chú ý và tranh luận. Khuynh hướng như vậy đã ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng và chủ đạo của chính trị học so sánh nói riêng và khoa học chính trị nói chung trên thế giới. Nổi bật trong các nhà nghiên cứu này có thể kể ra là David Easton với Phân tích các hệ thống về đời sống chính trị (1965); Karl Deutsch với Hệ thống thần kinh của chính phủ (1963); Seymour Lipset với Con người chính trị: nền tảng xã hội của chính trị (1968); Gabriel Almond và Sydney Verba với Nền văn hóa công dân (1963); Robert A.Dahl với Nền chính trị đa nguyên: sự tham gia và đối lập (1971); David Buttler và Donald Stokes với Sự biến đổi chính trị ở Anh (1969; Maurice Duverger với Các đảng phái chính trị (1969). Đây đều là các tên tuổi đã có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành các lý thuyết, trường phái trong các lĩnh vực nghiên cứu của chính trị học như lý thuyết hệ thống, chủ nghĩa đa nguyên mới, lý thuyết bầu cử, lý thuyết đảng chính trị, văn hóa chính trị…

Trào lưu thứ ba, là trào lưu tập trung vào các vấn đề về phương pháp luận của nghiên cứu so sánh. Theo đó, các chuẩn mực và các nguyên tắc khoa học được tranh luận, xác lập và phát triển. Các nghiên cứu theo hướng này không chỉ làm rõ các khả năng và lợi thế của nghiên cứu so sánh mà còn chỉ ra các cấp độ cùng với các hạn chế của chính trị học so sánh.

Ba trào lưu như vậy đã tạo nên những phát triển đặc biệt của chính trị học so sánh thời kỳ 1950 – 1970. Các nhà khoa học đã có cái nhìn bao quát hơn và sâu sắc hơn, thể hiện thông qua một hệ thống các khái niệm cơ bản, các công cụ và các phương pháp nghiên cứu tin cậy hơn, cho dù vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn cãi. Chính trị học so sánh đã đi vào nghiên cứu sâu những biểu hiện thực tiễn của những nguyên lý chính trị, vai trò của lãnh đạo chính trị, các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội ảnh hưởng đến hoạt động chính trị. Các đảng phái chính trị và nhóm lợi ích, mối liên hệ giữa nhà nước và xã hội công dân, lãnh đạo và quần chúng cũng được đào sâu nghiên cứu trong các nền văn hóa khác nhau. Xu hướng này ngày càng nhấn mạnh sự phân tích hướng đến phân tích vai trò chính trị đối với phát triển, do vậy cũng thường được gọi là chính trị học so sánh mới, với nghĩa là nó từ bỏ việc coi trọng quá mức các phân tích thể chế, chuẩn mực một cách trừu tượng, mà đặt các thể chế đó trong toàn bộ quá trình phát triển của xã hội, trong mối tương tác với tăng trưởng kinh tế, dân chủ hóa… Điều này rõ ràng có ảnh hưởng bởi việc một loạt các nước thế giới thứ ba giành được độc lập và tìm kiếm cho mình các mô hình chính quyền hiệu quả để phát triển, cũng như việc có một loạt các nước xã hội chủ nghĩa đã có những thành công trong phát triển dù có mô hình chính trị khác biệt với các nước giàu có phương Tây.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Viện CTH – Chính trị học so sánh – từ cách tiếp cận hệ thống cấu trúc chức năng – NXB ST 2012.